Mẫu bài dự thi khoa học kỹ thuật THCS 2024

Mẫu bài dự thi khoa học kỹ thuật THCS 2024 - Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp THCS được tổ chức hàng năm là sân chơi bổ ích, kích thích sự sáng tạo trong môi trường học đường; phát triển năng lực tự học, giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học. Dưới đây là tổng hợp mẫu ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật THCS bài dự thi khoa học kỹ thuật THCS 2024 đạt giải cao đầy đủ lĩnh vực để các em tham khảo khi lựa chọn đề tài nghiên cứu Cuộc khoa học kỹ thuật THCS 2024.

Bài dự thi khoa học kỹ thuật THCS
Bài dự thi khoa học kỹ thuật THCS đạt giải cao

1. Ý tưởng sáng tạo khoa học kỹ thuật THCS

Đề tài khoa học kỹ thuật lĩnh vực Khoa học vật liệu hay nhất

  • Nghiên cứu, chế tạo gạch xây nhà từ chai nhựa và túi nilon
  • Vật liệu Polime và ứng dụng của Polime trong sản xuất và đời sống
  • Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường
  • Nghiên cứu tách và sử dụng sợi thiên nhiên từ lá cây lưỡi hổ
  • Ứng dụng của vật liệu sợi carbon
  • Trang trí tường bằng sành, sứ
  • Gạch lát sân, vỉa hè từ rác thải nhựa

Đề tài khoa học kỹ thuật lĩnh vực Môi trường ấn tượng 

  • Tái chế túi nilon thành thành giỏ đựng đồ
  • Tái chế giấy vụn thành sản phẩm thời trang
  • Phân loại rác thải trong sinh hoạt tại khu dân cư
  • Trồng cỏ dại cải tạo môi trường đất
  • Thả tảo trong ao hồ nhằm cải thiện môi trường nước
  • Pin mặt trời thân thiện với môi trường

Đề tài khoa học kỹ thuật lĩnh vực Hóa học

  • Sản xuất xà phòng từ dầu ăn thừa
  • Điều chế dầu gội đầu từ vỏ bưởi, bồ kết
  • Điều chế tinh dầu từ vỏ bưởi, cam, chanh
  • Nước rửa chén làm từ cây lô hội
  • Thành phần hóa học của cây diếp cá
  • Chế tạo túi nilon dễ phân hủy khi trời mưa
  • Điều chế thuốc trừ sâu sinh học
  • Quy trình điều chế thủy tinh
  • Sản xuất phân bón từ rác thải hữu cơ
  • Chất tẩy rửa thiên nhiên đa năng

Đề tài khoa học kỹ thuật lĩnh vực Y sinh

  • Sản xuất gel rửa tay từ cây nha đam
  • Nước súc miệng làm từ cây bạc hà
  • Chế phẩm: Diệt khuẩn – Bảo vệ da – Xua đuổi côn trùng từ thiên nhiên
  • Chế phẩm tạo màng bảo vệ và tăng tính chống chịu của hạt giống
  • Cách tạo phẩm màu từ quả nho rừng.
  • Trị ho hiệu quả từ hợp chất tự nhiên
  • Cách tạo gel rửa tay khô khử khuẩn
  • Hệ thống sát khuẩn và phát khẩu trang tự động
  • Thiết bị cảnh báo sai tư thế ngồi học

Đề tài khoa học kỹ thuật lĩnh vực Toán học

  • Ứng dụng Toán học trong đo chỉ số BMI của con người
  • Ứng dụng phần mềm Scratch để phát triển tư duy giải toán cho học sinh THCS
  • Giải bài toán phương trình vô tỉ bằng máy tính cầm tay
  • Ứng dụng máy tính Casio 570ES giải bài toán tam giác
  • Cách học toán thông qua phần mềm Cabri Geometry
  • Ứng dụng toán học tính tiền lãi của sản phẩm
  • Các trò chơi toán học bổ ích cho học sinh
  • Vận dụng bất đẳng thức Bunhiacopxki trong giải toán
  • Ứng dụng toán học vào giải câu đố tư duy

..............

2. Mẫu bài dự thi khoa học kỹ thuật THCS 2024

2.1. Bài dự thi khoa học kỹ thuật THCS lĩnh vực môi trường

Bài dự thi khoa học kỹ thuật THCS: Giải pháp chống rác thải nhựa
Bài dự thi khoa học kỹ thuật THCS: Giải pháp chống rác thải nhựa

Giải pháp chống rác thải nhựa

1. Lý do chọn đề tài:

Qua các phương tiện thông tin đại chúng và hiện trạng môi trường ngày nay, em thấy ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng trên thế giới, nhất là ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.

Qua thực tiễn cuộc sống, em thấy rác thải nhựa rơi vãi đầy đường, ven ao hồ, sông, suối, đâu đâu cũng thấy rác, đắp thành những đống lớn nhỏ. Tất cả đều được thu gom, xử lý. Để giảm thiểu số lượng rác, em thấy người ta thường đốt hoặc chôn lấp. Việc đốt gây ra những mùi rất khó chịu, bức tử môi trường không khí, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, học tập và làm việc. Điều đó em thấy rằng, môi trường sống đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải nhựa. Em mạnh dạn tìm hiểu và đưa ra dự án “Giải pháp chống rác thải nhựa, nói không với đồ dùng nhựa và túi nilon sử dụng một lần”.

2. Đối tượng, mục đích, nội dung và phương pháp nghiên cứu

a. Đối tượng nghiên cứu

Bao gồm học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.

b. Mục đích nghiên cứu

- Qua dự án chúng em muốn giúp các bạn học sinh trong nhà trường biết được thực trạng sử dụng và tác hại của đồ dùng bằng nhựa.

- Biết được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người để có biện pháp phòng tránh

c. Nội dung nghiên cứu .

- Nhận thức, hiểu biết, suy nghĩ và thái độ, hành động của các bạn học sinh, các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo về rác thải nhựa.

- Đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhất để chống rác thải nhựa. nói không với các sản phẩm nhựa và túi nilon sử dụng một lần của các bạn học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo.

d. Phương pháp nghiên cứu.

- Quan sát, thu thập thông tin, tìm minh chứng.

- Điều tra, thăm dò ý kiến, lấy số liệu thực tế.

- Thống kê số liệu, đối chiếu, phân tích.

- Tuyên truyền bằng băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức ngoại khóa.

e. Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng phương pháp điều tra, phân tích và tổng hợp phiếu điều tra. Cụ thể:

- Học sinh

- Phụ huynh

- Giáo viên

Mỗi phiếu gồm 17 câu hỏi, trong đó 16 câu trắc nghiệm, 1 câu tự luận; trong 16 câu trắc nghiệm có 3 câu hỏi nhận thức, 7 câu hỏi hiểu biết, 6 câu hỏi suy nghĩ, thái độ và hành động.

2. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

a. Kết quả điều tra HS:

- Đa số các bạn học sinh biết, hiểu về rác thải nhựa. Tuy nhiên,nhận thức của các bạn chưa đồng đều.

- Nhiều bạn chưa hiểu biết nhiều về tác hại của những đồ dùng bằng nhựa;

- Phần lớn học sinh đều hiểu được hậu quả của rác thải nhựa đối với môi trường và sự sống. Từ đó tích cực tham gia, hưởng ứng và lan tỏa chương trình tại gia đình và cộng đồng.

b. Kết quả điều tra phụ huynh:

- Đa số các bác đều nhận thức được tác hại của đồ dùng bằng nhựa đối với sức khỏe và môi trường. Xong vẫn có một số chưa biết về điều này.

- Các bác đều hiểu rất rõ tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và biết tận dụng phế liệu làm đồ dùng tái chế.

- Các bậc phụ huynh cũng nhận thức rõ về thảm họa môi trường. Từ đó có giải pháp tích cực, giữ gìn sức khỏe và bảo vệ môi trường.

c. Kết quả điều tra các thầy cô giáo:

- Đa số các thầy cô đều nhận thức sâu sắc về tác hại của đồ dùng

hàng ngày, một số ít thầy cô còn mơ hồ về vấn đề này.

- Các thầy cô hiểu biết rất rõ, sâu rộng về tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe và môi trường.

- Các thầy cô đã và đang làm tốt công tác nêu gương, tuyên truyền, giáo dục học sinh và cộng đồng chống rác thải nhựa bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả.

3. Giải pháp:

a. Học sinh:

- Tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền ngoại khóa về rác thải nhựa do nhà trường phát động. Trên cơ sở đó,trở thành những "tuyên truyền viên" tích cực lan tỏa chương trình trong cộng đồng.

-Tham gia tổ chức chương trình câu lạc bộ khoa học dưới cờ và các cuộc thi với chủ điểm “Chung tay bảo vệ môi trường"

-Thực hiện phân loại rác.

- Tận dụng rác thải hữu cơ như: giấy vụn, bìa các loại

- Tận dụng rác thải vô cơ để trồng cây trang trí lớp học và làm một số vật dụng tái chế khác.

- Lượng rác còn lại được tập kết và xử lý theo quy định.

- Thực hiện phong trào:" Không ăn quà vặt" dần thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa một lần trong các bữa ăn sáng, chủ động ăn sáng tại gia đình để tiết kiệm chi phí

- Hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, thay bằng các đồ dùng khác thân thiện với môi trường

- Thực hiện chương trình ngày thứ 7 xanh, tích cực vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh.

b. Nhà trường:

- Triển khai và thực hiện các công văn,kế hoạch, hướng dẫn thực hiện phong trào "chống rác thải nhựa" và "nói không với túi nilon và các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần" do các cấp phát động.

- Treo băng rôn, khẩu hiệu phục vụ cho tuyên truyền .

- Chỉ đạo và làm tốt công tác tuyên truyền, phát động sâu rộng tới giáo viên, cán bộ nhân viên và học sinh.

- Tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa gắn liền với chương trình cho giáo viên, học sinh tham gia, trải nghiệm.

- Chỉ đạo duy trì chương trình ngày thứ 7 xanh, vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh.

- Hướng dẫn học sinh đổ rác đúng nơi quy định, không ăn quà vặt, nói không với túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần

- Dần thay thế các đồ dùng nhựa bằng các đồ dùng khác thân thiện với môi trường.

- Đưa chương trình "chống rác thải nhựa", "nói không với túi nilon và các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần" vào chương trình thi đua trong năm học của giáo viên và học sinh.

c. Giáo viên:

- GV bộ môn tích cực thực hiện tích hợp kiến thức liên môn vào giảng dạy các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học cần linh hoạt tích hợp kiến thức để học sinh hiểu sâu sắc về tác hại của việc sử dụng đồ dùng nhựa không đúng cách; thói quen lạm dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; từ đó có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo vệ môi trường.

- Các môn học được lồng ghép như: Môn Sinh học, Môn Ngữ văn, môn Địa lí, môn Công nghệ, môn Giáo dục công dân.

d. Gia đình:

- Thực hiện vệ sinh môi trường tại nơi ở, nơi làm việc, giữ vệ sinh nơi công cộng.

- Có nhận thức đúng đắn về giá trị của các sản phẩm nhựa và cũng cần biết được những tác hại của chúng đối với sức khỏe sử dụng không đúng cách.

- Hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, dần thay thế các đồ dùng nhựa bằng các đồ dùng làm bằng các vật liệu khác thân thiện với môi trường.

- Thay đổi thói quen sử dụng đồ dùng một lần, nói không với túi nilon và đồ dùng bằng nhựa trong sinh hoạt hàng ngày.

- Thực hiện phân loại rác ngay tại gia đình, tận dụng rác thải hữu cơ làm phân bón, rác thải vô cơ để tái chế.

- Thu gom rác đúng quy định, không xử lý đốt rác tại gia đình và khu dân cư.

- Lan tỏa tinh thần chống rác thải nhựa tới mọi thành viên trong gia đình và cộng đồng.

2.2. Bài dự thi khoa học kỹ thuật THCS lĩnh vực Hóa học

Sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ bưởi
Sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ bưởi

Tên đề tài: Sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ bưởi

Chất tẩy rửa nói chung và nước tẩy rửa dùng trong sinh hoạt hằng ngày nói riêng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm tẩy rửa này đều được sản xuất theo phương pháp công nghiệp với thành phần là các chất hóa học tổng hợp. Các chất này khi thải ra ngoài môi trường thì các vi sinh vật không phân giải được, do đó gây ô nhiễm môi trường. Một số loại nước tẩy rửa có nguồn gốc hữu cơ được nhập khẩu từ nước ngoài hay sản xuất trong nước cũng có giá thành khá cao nên ít được người dân lựa chọn.

Trong cuộc sống hàng ngày những loại rác thải sinh hoạt có nguồn gốc từ thực vật như vỏ hoa quả, gốc rau, củ quả, ... khi thải ra ngoài môi trường gây hôi thối và lãng phí nguồn nguyên liệu có thể tái sử dụng.

1. Quy trình sản xuất nước tẩy rửa từ vỏ bưởi:

a. Nguyên liệu: Sau khi thực nghiệm với nhiều loại nguyên liệu, chúng tôi nhận thấy nguồn nguyên liệu rác thải hữu cơ lấy từ vỏ bưởi, vỏ thanh trà, vỏ cam, chanh cho mùi thơm dễ chịu, phù hợp với việc tẩy rửa trong các hộ gia đình nhất.

Để sản xuất được 10 lít nước tẩy rửa chúng tôi đã sử dụng các nguyên liệu sau:

- 3 kg rác thải có nguồn gốc thực vật

- 1 kg đường mía có màu nâu (hoặc 500 ml dung dịch nước rửa chén bát thô của quá trình ủ men trước).

- 10 lít nước sạch.

- 0,5 kg quả bồ kết khô để tạo bọt và một số loại tinh dầu để tạo hương thơm.

Nguyên liệu ban đầu cần được làm sạch để loại đi các chất bẩn, giúp quá trình lên men được dễ dàng, tránh làm nguyên liệu bị hỏng.

b. Ủ lên men rác thải

Đây là bước quan trọng, quyết định đến chất lượng của nước rửa chén bát. Các bước tiến hành như sau:

- Rửa sạch rác vừa lựa chọn dưới vòi nước sạch (nếu rác có nhiều bùn đất bẩn).

- Cắt nhỏ rác để quá trình lên men được thuận tiện.

- Tiến hành pha 1,0 kg đường vào 10 lít nước sạch để tạo dung dịch đường và đổ vào thùng chứa. Cho nguyên liệu đã được làm sạch vào và để ở nơi râm mát khoảng 45 - 90 ngày (tùy vào từng loại rác thải).

+ Dán nhãn, ghi ngày sản xuất lên thùng chứa để dễ dàng kiểm tra và theo dõi thời gian lên men.

- Trong quá trình lên men chúng ta có thể thấy bề mặt hỗn hợp ủ có một lớp màu trắng, đây là xác vi sinh vật nổi lên. Khi tiếp tục đậy kín lại sau vài tuần váng trắng sẽ hết và không ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm lên men.

c. Lọc sản phẩm lên men: Sau thời gian ủ và lên men khoảng từ 40 - 45 ngày, thậm chí 3 tháng. Khi kiểm tra thấy dung dịch có mùi thơm, hơi chua đặc trưng, nguyên liệu lên men bị phân hủy hoàn toàn, chứng tỏ quá trình ủ men đã hoàn thành.

Dùng vải loại bỏ phần bã thực vật và chiết ra các chai nhỏ ta được dung dịch nước tẩy rửa thô. Để dung dịch sau 1 - 2 ngày để phần cặn lắng xuống rồi tách chiết lấy phần dung dịch trong suốt phía trên và dùng để sản xuất nước rửa chén bát, nước lau kính, nước lau nhà …. Phần dung dịch có chứa cặn bã phía dưới được dùng để rửa bồn cầu, thông cống rãnh … Còn phần bã thực vật được sử dụng làm phân bón cũng có tác dụng cải tạo đất tốt.

d. Pha chế thành phẩm:

Thực tế, dung dịch tạo thành sau quá trình ủ men đã có khả năng tẩy rửa tốt. Tuy nhiên, để có được nước tẩy rửa hoàn chỉnh và tiết kiệm hơn, phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng hơn, chúng tôi sử dụng nước bồ kết để tạo bọt cho sản phẩm nước tẩy rửa của mình.

* Tạo bọt cho sản phẩm nước tẩy rửa

Quả bồ kết có chứa chất xà phòng tự nhiên mà không gây độc hại cho sức khỏe con người. Để có được dung dịch nước bồ kết pha chế cho 10 lít dung dịch lên men, chúng tôi đã làm như sau:

- Dùng 0,5 kg quả bồ kết, rửa sạch và để khô, bẻ gãy nhỏ.

- Bẻ gãy quả bồ kết thành những đốt nhỏ và cho lên chảo rang sao cho bồ kết chín đều, có mùi thơm. (Không để cho bồ kết bị cháy khét sẽ không còn tác dụng tạo bọt).

- Giã nát bồ kết và cho vào nồi, đổ thêm 2 lít nước và đun sôi kĩ đến khi còn khoảng 0,75 lít nước.

- Để nguội, trà bồ kết để tạo bọt và vắt, lọc lấy nước.

- Trộn 0,75 lít nước bồ kết nguyên chất với dung dịch lên men ta được nước rửa tẩy rửa hoàn chỉnh.

- Cho vào bình tạo bọt, nhấn nhiều lần để tạo bọt cho nước tẩy rửa.

Đối với sản phẩm nước tẩy rửa dùng để lau sàn nhà hoặc chùi kính, hàm lượng bọt không cao hoặc không cần bọt thì giảm lượng nước bồ kết tạo bọt hoặc có thể không cần dùng tới.

* Tạo hương thơm cho sản phẩm nước tẩy rửa

Mỗi người đều yêu thích một mùi hương khác nhau. Bởi vậy, chúng ta có thể tạo hương thơm cho sản phẩm nước tẩy rửa sinh học của mình nhờ vào các loại tinh dầu có trên thị trường. Hoặc chúng ta có thể tự làm các loại tinh dầu để bổ sung vào sản phẩm nước rửa chén bát thành phẩm như tinh dầu sả, tinh dầu lá chanh, tinh dầu hoa hồng, tinh dầu bưởi…

2. Nguyên tắc hoạt động, vận hành của sản phẩm dự thi:

Nước tẩy rửa sinh học được tạo ra bằng phương pháp lên men vỏ bưởi – một loại rác thải hữu cơ an toàn với người sử dụng và với môi trường. Quá trình lên men tạo ra rượu etylic và axit axetic là 2 chất có khả năng tẩy rửa tốt.

3. Tính mới:

Tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ để tạo ra một loại nước tẩy rửa sinh học có thể thay thế cho các sản phẩm tẩy rửa hóa học dùng trong gia đình, vừa tiết kiệm chi phí vừa góp phần bảo vệ môi trường.

4. Tính sáng tạo:

- Tận dụng nguồn rác thải trong sinh hoạt hàng ngày để sản xuất nước tẩy rửa dùng trong sinh hoạt có giá thành thấp, đảm bảo an toàn vệ sinh và không hại da tay.

- Góp phần vào việc chung tay bảo vệ môi trường sống.

5. Khả năng áp dụng của sản phẩm:

Dung dịch nước tẩy rửa sinh học từ vỏ bưởi không có hóa chất tạo đông, không có chất tạo bọt có thể sử dụng để rửa bát, lau nhà, rửa kính, lau chùi nhà bếp một cách dễ dàng, an toàn. Chúng tôi đã thử nghiệm trên nhiều đối tượng và cho kết quả như sau:

- Rửa chén bát có nhiều dầu mỡ và các vết trà ố lâu ngày: Ngoài đặc tính an toàn với sức khỏe, nước rửa chén bát được sản xuất từ rác thải có nguồn gốc thực vật còn giúp khử sạch hiệu quả mùi tanh, các vết dầu, mảng bám cứng đầu trên chén bát, đồ dùng ăn uống….

- Lau kính, lau cửa xe ô tô và các vật dụng bằng kính khác: Sử dụng nước tẩy rửa sinh học từ rác thải có nguồn gốc thực vật để lau kính, an toàn và tiện lợi với giá thành thấp giúp kính sạch bóng.

- Lau sàn nhà với nhiều vết ố bẩn, vết dầu mỡ động vật: nước tẩy rửa sinh học sử dụng để lau nhà có thể rửa sạch sàn nhà, giúp sàn nhà sáng bóng. Đồng thời, lau nhà theo định kì còn có tác dụng hạn chế ruồi, muỗi xâm nhập.

- Lau bếp, bàn bếp có nhiều vết dầu mỡ và cáu bẩn lâu ngày cũng thu được kết quả bất ngờ:

- Lau rửa bồn cầu, bồn rửa mặt và các dụng cụ bằng sứ khác:

Nước tẩy rửa sinh học được sử dụng làm nước rửa bồn cầu, nước rửa bồn rửa mặt … làm bề mặt bồn cầu và bồn rửa mặt sạch bóng, những vết ố bẩn lâu ngày cũng được dễ dàng đánh bật nhờ vào hàm lượng axit tự nhiên được hình thành trong quá trình lên men.

2.3. Sản phẩm khoa học kỹ thuật THCS lĩnh vực Y sinh

Nghiên cứu cách tách chiết tinh dầu sả tại nhà để phòng chống muỗi

năm học 2022-2023

A. PHẦN MỞ ĐẦU

I. Lý do chọn đề tài

Tinh dầu được ví như nhựa sống, tinh hoa của cây, nơi hội tụ đủ những điều quý giá của thực vật như mùi hương, vị, màu sắc, tính chất hóa lý….Và từ lâu con người đã biết sử dụng tinh dầu để phục vụ đời sống như chế biến món ăn, dùng để đuổi côn trùng, chữa bệnh, làm đẹp.

Việt Nam với điều kiện thiên nhiên nhiệt đới rất thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các loại thực vật, trong đó các loại cây có chứa tinh dầu đang được khẳng định là dồi dào và độc đáo như cây bưởi, chanh, dừa,… trong đó sả tiềm năng rất lớn.

Hà Tĩnh, với thời tiết giao mùa thu - đông nên chuẩn bị đón những tháng dịch xuất sốt huyết. Với lứa tuổi học sinh sức đề kháng cơ thể kém rất dễ bị mắc sốt xuất huyết - một bệnh trong những bệnh có khả năng lây lan nhanh nhất. Một điều đáng lo ngại là đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp chủ yếu để phòng bệnh là loại bỏ nơi trú ẩn và sinh sản của muỗi và sử dụng thuốc xịt muỗi để tiêu diệt muỗi. Tuy nhiên thuốc xịt muỗi thường có mùi hắc, ngửi nhiều sẽ bị đau đầu, không thân thiện với môi trường.

Xuất phát từ những lí do trên, em quyết định nghiên cứu cách tách chiết tinh dầu sả để phòng chống muỗi.

II. Mục đích nghiên cứu

Chiết tách tinh dầu sả từ cây sả

Thực nghiệm sử dụng tinh dầu vào việc xua đuổi muỗi.

III. Đối tượng và khách thể nghiên cứu

Cây sả.

IV. Giả thuyết nghiên cứu

Tinh dầu sả có thể tách chiết thủ công tại nhà và hiệu quả chống muỗi có tốt không?

V. Nhiệm vụ nghiên cứu

Nghiên cứu cách tách chiết tinh dầu sả bằng phương pháp thủ công.

Xác định khả năng xua đuổi muỗi và xông hơi của tinh dầu cây sả.

VI. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp lý thuyết: Tổng quan tài liệu về cây sả.

Phương pháp vật lý : Thu gom và xử lý mẫu cây sả.

Phương pháp hóa học: Tìm hiểu thành phần hóa học của tinh dầu sả.

Phương pháp nghiên cứu thực tiễn : Thử nghiệm và đánh giá tác dụng xua muỗi và xông hơi của tinh dầu và dịch chiết.

VII. Phạm vi nghiên cứu

Tại trường THCS Sông Trí- phường Hưng Trí–- Tỉnh Hà Tĩnh

B. PHẦN NỘI DUNG

Chương 1: Cơ sở lý luận

I. Tổng quan về cây sả.

1. Đặc điểm thực vật, phân bố.

Sả tên khoa học Cymbopogon Citratus thuộc họ lúa Poaceae. Sả là loại cây cỏ sống lâu năm, thân rễ sinh nhiều chồi bên tạo thành bụi, tỏa rộng ra xung quanh. Mỗi bụi gồm 50-100 tép, cao từ 0,8-1,5m hay hơn. Bẹ lá và chồi thường có màu tía hoặc trắng xanh. Lá hẹp, dài giống như lá lúa, mép hơi nháp. Cụm hoa gồm nhiều bông nhỏ không cuống. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt mùi sả.

Cây sả được trồng ở khắp nước ta, nhưng diện tích trồng làm thuốc không nhiều, chỉ có tính chất gia đình và làm người ta chỉ dùng rễ hoặc toàn cây đào về dùng tươi hay phơi trong râm mát

2. Công dụng

Sả là loại gia vị vừa tạo mùi thơm, vừa kích thích tiêu hóa, chống nôn, sát trùng, khử hôi miệng, tiêu đờm, giảm đau, thông kinh lạc, chữa cảm cúm, trúng hàn, chữa cho trẻ em chứng động kinh. Có thể dùng pha nước uống cho mát, chóng tiêu hóa thức ăn, thông tiểu tiện, chữa cảm sốt (cảm cúm). Chữa ăn chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn, nôn mửa, sả giải độc rượu rất nhanh.

Cây sả chanh có lượng tinh dầu tỉ lệ 1,2- 2,5 % trong lá, được dùng làm gia vị và thuốc, người ta sử dụng bẹ lá, lá, thân, dễ dùng để ướp thực phẩm, lá sả chanh được dùng để nấu nước gội đầu cho sạch gàu, trơn tóc, tạo mùi thơm.

Ngoài ra khi trồng sả với hệ rễ phong phú, sả là cây giữ đất, chống xói mòn.

Trong vườn chỗ có bụi sả, rắn thường phải tránh xa, người ta cho rằng vì sả có mùi thơm mà rắn rất kị

Hương thơm của sả trong các phương pháp điều trị như xông hơi, tắm giúp cơ thể thư giãn…

3. Thành phần hóa học

Thành phần hóa học chính chứa trong sả : Citral (32-35%) và geraniol (23%)

  • Citral một aldehyde giữ trách nhiệm tạo ra mùi thơm , citral cũng có đặc tính mạnh chống vi khuẩn và kháng khuẩn.

Ngoài ra những bộ phận mỏng của sả chứa những chất khác của tinh dầu chẳng hạn như :

+ Myrcenne, chất giảm đau chống khuẩn

+ Citroneellol

+ Citronnelle

+ Methyl heptenone….

  • Citral có vị đắng mùi thơm đánh tan mùi tanh, hôi thối, có tác dụng kháng khuẩn mạnh lên công trùng

II. Khái niệm về tinh dầu

Tinh dầu là một loại chất lỏng được tinh chế (thông thường nhất là bằng chưng cất hơi hoặc nước) từ lá cây, thân cây, hoa, vỏ cây, rễ cây hoặc những thành phần khác của thực vật.

Tinh dầu là hỗn hợp của nhiều cấu tử dễ bay hơi, có mùi thơm hoặc mùi hắc khó chịu, có cấu tạo hóa học khác nhau, tính chất lí hóa khác nhau, là sản phẩm của quá trình chiết và chưng cất nguyên liệu.

Tinh dầu là sản phẩm cuối cùng của quá trình trao đổi chất và không được sử dụng lại trong hoạt động sống của cây. Mỗi loài tinh dầu lấy từ các nguồn nguồn nguyên liệu khác nhau thì có mùi vị khác nhau, phụ thuộc vào thành phần của các chất chứa trong đó.

Hệ thực vật có tinh dầu khoảng 3000 loài, trong đó có 150-200 loài có ý nghĩa công nghiệp như kỹ nghệ xà phòng thơm, nước hoa, bánh kẹo…..

III. Tính chất hóa lý của nhóm tinh dầu

Trạng thái: Đa số là chất lỏng ở nhiệt độ thường, một số thành phần ở thể rắn: Menthol, borneol, camphor, vanilin, heliotropin.

Màu sắc: Không màu hoặc vàng nhạt. Do hiện tượng oxy hóa màu có thể sẫm lại. Một số có màu đặc biệt: Các hợp chất azulen có màu xanh mực

Mùi: Đặc biệt, đa số có mùi thơm dễ chịu,

Độ tan: Không tan, hay đúng hơn ít tan trong nước, tan trong alcol và các dung môi hữu cơ khác.

Độ sôi: Phụ thuộc vào thành phần cấu tạo, có thể dùng phương pháp chưng cất phân đoạn để tách riêng từng thành phần trong tinh dầu.

Một số thành phần chính trong tinh dầu cho các phản ứng đặc hiệu của nhóm chức, tạo thành các sản phẩm kết tinh hay cho màu, dựa vào đặc tính này để định tính và định lượng các thành phần chính trong tinh dầu.

IV. Phương pháp tách chiết tinh dầu

1. Cơ sở khoa học.

Dựa trên sự khuếch tán, thẩm thấu, hòa tan và lôi cuốn theo hơi nước của những hợp chất hữu cơ trong tinh dầu chứa trong các mô thực vật ( hoa, lá, vỏ quả hạt, thân, cành rễ. .. )

2. Sự khếch tán, hòa tan, thẩm thấu

Ngay sau khi nguyên liệu được làm vỡ vụn rồi được hòa tan vào nước thì chỉ có một số mô chứa tinh dầu là bị vỡ.

Phần lớn tinh dầu còn lại trong các mô thực vật sẽ tiến dần ra ngoài bề mặt nguyên liệu bằng sự hòa tan và thẩm thấu.

Sự khuếch tán, hòa tan, thẩm thấu sẽ dễ dàng khi tế bào chứa tinh dầu trương phồng do nguyên liệu tiếp xúc với nước.

Như vậy, sự hiện diện của nước rất cần thiết, cho nên trường hợp sử dụng nước thừa quá cũng không có lợi. Ngoài ra, nguyên liệu được làm vỡ vụn càng nhiều càng tốt, cần làm cho lớp nguyên liệu có một độ xốp nhất định để hơi nước có thể đi xuyên ngang lớp này đồng đều và dễ dàng tách chiết.

Chương 2: Thực trạng vấn đề nghiên cứu

I. Quy trình tách chiết tinh dầu sả .

1. Chuẩn bị nguyên vật liệu.

Theo kinh nghiệm dân gian, sả càng lâu năm thì lượng tinh dầu thiên nhiên càng lớn, vì vậy, chúng ta cần chọn những loại sả có tuổi đời từ 10 tháng trở lên.

– 2 lọ thủy tinh có nắp đậy, kích thước to hay nhỏ phụ thuộc vào nhu cầu làm ít hay nhiều.

– Rượu

– 1 miếng gạc hoặc vải thưa hoặc rổ lọc

– Nước sạch

– Máy xay sinh tố, dao, chày .

2. Cách thực thực hiện tinh dầu sả.

Bước 1: Làm sạch

– Sả sau khi chọn lựa đem rửa sạch, dùng dao loại bỏ phần rễ, lá, bẹ lá đã dập, giữ lại thân và gốc, đem cắt khúc với chiều dài khoảng 4-5 cm

– Rửa sạch và lau khô lọ thủy tinh

Bước 2 : Dùng dao hoặc chày đập nhẹ sao cho thân sả hơi dập và tiết ra lượng tinh dầu.

Lưu ý không được đập với lực quá mạnh để tránh hao hụt tinh dầu.

Bước 3 : Xếp các khúc sả đã được đập dập vào lọ thủy tinh, xếp ngang nửa bình là đủ.

Bước 4 : Pha rượu với nước sạch theo tỉ lệ 1:1.(có thể thay hỗn hợp rượu và nước bằng giấm ăn)

Đổ dung dịch này vào lọ thủy tinh đã xếp sả sao cho phần sả ngập hoàn toàn dưới dung dịch.

Sau đó đậy kín nắp lại, đặt ở nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh nắng mặt trời.

Trong quá trình ngâm sả trong dung dịch, kiểm tra để chắc chắn không có bất cứ cọng sả nào ngoi lên khỏi mặt nước, bởi điều này sẽ đảm bảo chất lượng của tinh dầu.

Bước 5 : 3 ngày sau, đổ hỗn hợp nước, rượu và sả ra và dùng máy say sinh tố xay nhuyễn, sau đó lại cho vào bình như ban đầu, đậy kín nắp lại và để thêm 3 tuần nữa

Bước 6 : Hết thời hạn 3 tuần, dùng miếng gạc hoặc vải sạch lọc bỏ bã sả, phần dung dịch còn lại chính là lượng tinh dầu sả nguyên chất.

Để đảm bảo độ tinh khiết cho tinh dầu, ta tiến hành lọc qua rổ lọc một lần nữa.

Cuối cùng sau đổ lượng tinh dầu chắt lọc cuối cùng vào lọ thủy tinh khác tối màu hơn, đậy kín nắp và dùng dần.

II. Cách sử dụng tinh dầu sả vào đuổi muỗi

Mùi vị của cây sả chanh làm tê liệt thần kinh của muỗi và khiến chúng mất phương hướng để đốt đúng mục tiêu. Vì vậy, từ xưa, người Việt đã biết trồng những bụi sả quanh nhà để xua muỗi, hoặc đun nồi nước sả để xông phòng.

Chúng ta có thể sử dụng tinh dầu để đuổi muỗi theo nhiều cách khác nhau như:

Cách 1: Sử dụng với đèn xông tinh dầu hay máy khuếch tán tinh dầu

Chúng ta có thể dùng đèn xông tinh dầu hay máy khuếch tán tinh dầu để khuếch tán tinh dầu sả trong không gian sống. Nên xông tinh dầu sả thường xuyên, không những ngăn ngừa muỗi xâm nhập trở lại mà còn rất tốt cho sức khỏe gia đình.

Cách 2: Nhỏ trực tiếp vài giọt tinh dầu sả vào chăn màn, quần áo. Các phân tử tinh dầu sẽ bám nhanh vào các sợi vải và để lại trên đó một hương thơm nhẹ nhàng nhưng có tác dụng đuổi muỗi rất tốt.

Cách 3: Phun hỗn hợp chứa tinh dầu sả

Pha hỗn hợp của tinh dầu sả , nước sạch và cồn theo tỉ lệ 1:3:3 rồi phun trực tiếp lên tường. Nhưng chú ý phải phun hàng ngày thì mới phát huy được hiệu quả một cách tốt nhất..

Cách 4: Lau sàn nhà với tinh dầu sả

Chúng ta có thể nhỏ vài giọt tinh dầu sả vào nước lau sàn nhà sẽ giúp mùi hương của sả đuổi muỗi hiệu quả.

Cách 5: Kết hợp với nến thơm

Với những góc khuất trong phòng nơi trú ẩn của muỗi, chúng ta có thể dùng nến nhỏ thêm vài giọt tinh dầu sả. Mùi hương của nến thơm kết hợp với mùi hương tinh dầu sả sẽ khiến muỗi phải bay đi hết.

Cách 6: Xịt tinh dầu sả

Pha loãng tinh dầu sả với một ít dầu oliu hoặc dầu jojoba, cho vào bình xịt nhỏ và xịt ở những nơi tối tăm (gầm giường, tủ,…) để đuỗi muỗi.

Cách 7: Khuếch tán chậm

Pha hỗn hợp tinh dầu sả với cồn theo tỷ lệ 1:1 rồi để ở góc nhà. Nó sẽ phát huy tác dụng trong khu vực diện tích khoảng15 – 20 m2, cách này hiệu quả sẽ chậm hơn các cách khác.

Cách 8: Chống muỗi, côn trùng khi đi dã ngoại nhỏ vài giọt tinh dầu sả lên cây nến hoặc than dùng để đốt.

Trên thực tế, có nhiều cách để đuổi muỗi, côn trùng nhưng bằng cách sử dụng tinh dầu sả , bạn sẽ đạt được hiệu quả rất cao mà không gây hại sức khỏe hay môi trường như những cách khác. Tinh dầu sả được chiết xuất từ thiên nhiên sẽ an toàn và tốt cho sức khỏe...

III. Thực nghiệm sản phẩm.

- Nhóm nghiên cứu chúng em đã thử nghiệm bằng cách pha chế hỗn hợp tinh dầu sả và dùng vòi xịt, xịt xung quanh khu vực lớp học và nhà ở. Muỗi, bọ, rệp và côn trùng hầu như “chạy xa” khỏi khu vực được thử nghiệm.

- Thoa tinh dầu sả chanh lên da của 20 bạn học sinh trong lớp 8A6 trên tổng số 44 bạn tại trường THCS Sông Trí. Sau 60 phút, 20 bạn đều nói rằng, họ không bị muỗi đốt, những bạn học sinh còn lại một vài bạn bị muỗi đốt, riêng bạn Hoàng Khánh sau khi tiếp xúc tinh dầu còn cho biết thêm, Hoàng Khánh hoàn toàn bất ngờ rằng tinh dầu thiên nhiên không những xua đuổi được muỗi mà còn giúp mình có cảm giác thoải mái vô cùng khi tận hưởng mùi thơm của chúng. Nó không giống như những loại kem xịt và thuốc bôi trên thị trường, một số vì có quá nhiều chất hóa học nên hương thơm của chúng gây ra hiện tượng dị ứng, đau đầu.

Như vậy, nến trộn với tinh dầu sả có tác dụng giảm muỗi đốt xuống còn gần ½ so với người không có biện pháp bảo vệ gì.

C. CHƯƠNG 3 : KẾT LUẬN

Sả là một loài thực vật có tiềm năng lớn ở nước ta, giá thành lại rẻ. Hơn nữa sả có rất nhiều công dụng, đặc biệt là công dụng xua đuổi muỗi.

Sử dụng tinh dầu sả để phòng tránh muỗi là hoàn toàn tự nhiên mà không sợ bất kỳ vấn đề độc tính nào do hóa học gây ra.Không những xua đuổi côn trùng mà nó còn làm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và ổn định sức khỏe của mọi người.

Mặt khác cách làm tinh dầu sả rất đơn giản, bất kì bạn học sinh nào cũng có thể làm được tại chính gia đình của mình, là món quà tặng cho bố mẹ và những người thân của mình.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 14.992
0 Bình luận
Sắp xếp theo