Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục là gì?
Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục
- 1. Tư tưởng của Bác về vai trò của giáo dục:
- 2. Tư tưởng của Bác về nội dung giáo dục
- 3. Tư tưởng của Bác về chất lượng giáo dục:
- 4. Tư tưởng của Bác về phương pháp giáo dục:
- 5. Tư tưởng của Bác về phương châm giáo dục:
- 6. Tư tưởng của Bác về các giải pháp phát triển giáo dục
- 7. Tư tưởng của Bác về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục:
- 8. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển giáo dục ở Việt Nam hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của giáo dục của đất nước. Trong di sản Hồ Chí Minh, tư tưởng về giáo dục chiếm một vị trí quan trọng. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ một số nội dung chính về tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục để các bạn hiểu rõ hơn về giáo dục trên quan điểm của chủ tịch hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục là một quan điểm có ý nghĩa nền tảng trong sự nghiệp giáo dục.
1. Tư tưởng của Bác về vai trò của giáo dục:
Giáo dục theo quan điểm của Hồ Chí Minh sẽ tạo ra tính liên tục của cách mạng. Với việc nâng cao dân trí, nhân dân sẽ biết quyền lợi, bổn phận, có kiến thức mới để tham gia vào công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hồ Chí Minh cho rằng thiện, ác không phải là tính sẵn của con người. Giáo dục tạo ra nhân cách và từng bước hoàn thiện con người.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, giáo dục là yếu tố quyết định trực tiếp nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học - cả khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật - chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, trình độ tổ chức quản lý... Giáo dục sẽ giúp cho người học có một vốn liếng về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới, mà nếu không có nó thì sẽ không giữ vững được nền độc lập dân tộc, không thể tham gia một cách tích cực và có hiệu quả vào công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục sẽ giúp cho mỗi người dân có kiến thức mới để “biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc”.
Là người nắm chắc, vận dụng nhuần nhuyễn phép biện chứng duy vật mác xít, Hồ Chí Minh nhận thức đúng đắn rằng các nội dung giáo dục có mối quan hệ mật thiết, khăng khít với nhau. Nếu không có trình độ học vấn thì không học tập được kỹ thuật, tức cũng không theo kịp được thời đại của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, và như vậy ngày càng tụt hậu xa hơn so với các nước. Nhưng điều đặc biệt là phải học chính trị, đạo đức. Bởi vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật, chuyên môn mà không có chính trị, đạo đức thì như người nhắm mắt mà đi. Giáo dục chính trị, đạo đức là nền tảng nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn. Chính trị nói ở đây là chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối quan điểm của Đảng. Học chính trị không phải cốt để thuộc sách Mác - Lênin làu làu, không phải học một cách giáo điều, mà là “học cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người, và đối với bản thân mình”; học lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nói về vai trò của giáo dục, điều đã được đề cập quá nhiều mà người ta dễ sa vào những triết lý chung chung, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có cách đánh giá riêng với các lập luận của mình. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của giáo dục thường gắn với sự phân tích khác liên quan tới hoạt động diễn ra trong cuộc sống. Nhờ vậy, vai trò của giáo dục luôn có ý nghĩa thực tiễn cụ thể. Đó chính là nét sáng tạo trong tư tưởng của Người.
Vai trò của giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ là nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam, một nền giáo dục vì con người, cho con người và hướng tới việc xây dựng con người mới - con người XHCN. Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền giáo dục mới sẽ “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em” . Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án rất sâu sắc nền giáo dục dưới sự đô hộ của thực dân Pháp với chính sách ngu dân dễ trị, Người nhấn mạnh: “Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng của giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ” .
Nền giáo dục mới phải thực hiện dạy và học theo hướng phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Vai trò này được Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn đạt là “Học để làm việc, để làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” . Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc dạy và học phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn cuộc sống. Nói chuyện tại Đại hội Giáo dục phổ thông toàn quốc (23/3/1956), Người động viên các thầy, cô giáo: “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân, của Nhà nước.Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”. Trong thư gửi các cháu lưu học sinh Việt Nam học ở Mát-xcơ-va (19/7/1955), Người căn dặn: “Các cháu học kỹ thuật và học tiếng Nga cần nhận rõ mình học cốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” . Về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ rõ vai trò của giáo dục là phát triển toàn diện con người để giúp đời, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
2. Tư tưởng của Bác về nội dung giáo dục
Với một tầm nhìn thời đại và tư duy toàn cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những mục tiêu của giáo dục là đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. “Học để sửa chữa tư tưởng”. “Học để tu công đạo đức cách mạng”. “Học để tin tưởng” v.v...
Muốn đạt được những mục tiêu đó thì nội dung giáo dục phải toàn diện, phù hợp với tính chất của trường học dưới chế độ mới; phù hợp với đặc điểm Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới. Nội dung đó bao gồm cả văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp, các ngành nghề liên quan trực tiếp tới công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; các lĩnh vực an ninh, quốc phòng liên quan tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc v.v..
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng giáo dục phải có tính toàn diện. Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày mở trường (24/10/1955), Người nhắn nhủ việc giáo dục gồm có:
- Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung.
- Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.
- Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
- Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công” .
Cả bốn nội dung trên của giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát lại trong hai chữ “tài” và “đức”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giáo dục, kiến thức là rất cần thiết, nhưng Người cũng chỉ ra rằng, đạo đức đóng vai trò quan trọng không kém. Người khẳng định: “Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì?”. Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (21/10/1964), Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.
Ở khía cạnh khác, nội dung của giáo dục theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần phù hợp với mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, mỗi bậc học. Trong bức thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công” .
3. Tư tưởng của Bác về chất lượng giáo dục:
Để có chất lượng và đạt hiệu quả cao, cần phải thực hiện đúng đắn phương châm, phương pháp giáo dục. Đây là một nội dung được Bác Hồ đặc biệt quan tâm, vì nó sẽ tạo ra sự khác biệt về chất so với nền giáo dục phong kiến xa rời thực tế, và nền giáo dục thực dân đồi bại, xảo trá. Theo Hồ Chí Minh, nội dung giáo dục phải gắn với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế, học tập phải kết hợp với lao động sản xuất. Giáo dục phải kết hợp cả ba khâu gia đình, nhà trường và xã hội. Xem nhẹ bất kỳ khâu nào cũng đều hạn chế đến kết quả của giáo dục, hơn nữa có thể đưa lại những hậu quả khó lường.
Các quan điểm về nội dung của giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn ở trên được xem là những yêu cầu bắt buộc của một nền giáo dục mới để đào tạo ra những con người mới. Bên cạnh đó, Người cũng lưu ý, nội dung giáo dục được đưa vào giảng dạy phải theo nguyên tắc “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (quý ở chất lượng, không quý ở số lượng).
Dân ta thường nói: “Không thầy đố mày làm nên”, nhưng đồng thời cũng nói “học thầy không tày học bạn”. Bác Hồ rất quan tâm tới việc học bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, đặc biệt là học nhân dân. Bởi vì không học nhân dân thì không lãnh đạo được dân” và có “biết làm học trò dân thì mới làm được thầy học của dân”. Tự học, tự đào tạo là một tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh. Con đường dẫn Người trở thành nhà sáng lập nền giáo dục cách mạng, danh nhân văn hóa kiệt xuất chủ yếu là tự học, tự đào tạo, khổ công học luyện. Ngay cả trong thời gian ở trường, Người vẫn tự học tập, nghiên cứu là chủ yếu. Đào sâu lý luận, gắn với thực tế, độc lập, tự chủ, sáng tạo với tính tích cực, chủ động, biến kiến thức của thầy thành kiến thức của mình là một bài học lớn từ tấm gương sáng của Bác, phản ánh quan điểm hiện đại trong giáo dục, đào tạo hiện nay khi nhân loại đang sống trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức của kỷ nguyên toàn cầu hoá.
4. Tư tưởng của Bác về phương pháp giáo dục:
Một phương pháp quan trọng là phải giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết gắn bó với nhau, tự phê bình và phê bình trong học tập. Chúng ta đang sống trong thời đại của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ nếu tự mình - dù có tài giỏi đến mấy - cũng không thể am hiểu được mọi lĩnh vực. Khẩu hiệu đoàn kết không chỉ có giá trị bền vững trong chính trị, mà còn có ý nghĩa to lớn trong giáo dục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục. Người nhấn mạnh, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Mục đích là làm cho người học có thái độ học tập, rèn luyện tích cực và tự giác, có như vậy việc tiếp thu nội dung giáo dục mới nhanh chóng, hiệu quả, đạt mục tiêu.
Ngay từ những ngày còn dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý áp dụng phương pháp giáo dục “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Theo Người, học phải gắn với hành, học mà không hành, không áp dụng vào thực tế khác nào chiếc hòm đựng đầy sách, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Người cho rằng: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải là trí thức hoàn toàn. Y muốn thành người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”.
Người phân tích: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành” .
Sau này, trong các bài viết, bài nói chuyện, Người cũng thường xuyên nhấn mạnh đến phương pháp giáo dục.
5. Tư tưởng của Bác về phương châm giáo dục:
Một vấn đề lớn thuộc phương châm giáo dục là giáo dục phải phù hợp với lứa tuổi và điều kiện thực tế. Đây thực sự là một khoa học. Chẳng hạn giáo dục thiếu nhi mà gò ép vào khuôn khổ của người lớn, làm cho chúng hóa ra những “người già sớm” là phản khoa học. Phù hợp với lứa tuổi cả nội dung và phương pháp. Và điều này liên quan tới nhiệm vụ của mỗi cấp giáo dục: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành... Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực... Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công...”.
Liên quan tới vấn đề phù hợp với lứa tuổi, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc “uốn cây từ lúc còn non, đừng để cho tâm hồn các cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân”. Nhận thức và giải quyết vấn đề như vậy thuộc về quy luật của giáo dục. Bởi vì “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, cuộc đới bắt đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
6. Tư tưởng của Bác về các giải pháp phát triển giáo dục
Cùng với vai trò, nội dung, phương pháp giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự chú ý đáng kể đối với các giải pháp phát triển giáo dục. Bởi vậy, cần coi đây là một nội dung quan trọng trong tư tưởng về giáo dục của Người.
Trong các giải pháp phát triển giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập, vấn đề kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội có vị trí khá nổi bật. Người nói: “Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn” ; “Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt”. Người yêu cầu nhà trường phải liên hệ chặt chẽ với gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, để phát triển giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần có sự quan tâm và phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều người. Người nhắc nhở: “Các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, các cơ quan chính quyền và các cấp ủy Đảng phải thật sự quan tâm đến nhà trường, đến việc học tập của con em mình hơn nữa” . Người luôn luôn kêu gọi đồng bào đóng góp công sức của mình vào việc xây dựng giáo dục: “Từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học”.
Phải giáo dục từ tuổi trẻ, tạo ra một sự khởi đầu tốt đẹp, để có một rừng cây giáo dục Việt Nam khoẻ khoắn, xanh tươi. Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả giáo dục phụ thuộc rất lớn vào đường lối của Đảng, trách nhiệm của chính quyền, các ngành, các cấp, các đoàn thể - đặc biệt là đoàn thể thanh niên - của cha mẹ học sinh. Phải tạo ra sức mạnh tổng hợp. Bởi vì giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, phần còn lại thuộc về vai trò của các đoàn thể nhân dân, gia đình, xã hội. Để có một nền giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao, thể hiện bản chất tốt đẹp của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, thì phải thật sự dân chủ, bình đẳng trong giáo dục; phải gắn liền với thi đua và phương pháp nêu gương. Dân chủ thể hiện ở thảo luận, bàn bạc, phát biểu ý kiến; ở quan hệ đoàn kết chặt chẽ giữa thầy với thầy, thầy với trò, giữa trò với nhau, giữa cán bộ công nhân viên, giữa nhà trường với phụ huynh học sinh... Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là “cá đối bằng đầu”.
Những giải pháp phát triển giáo dục ở trên rất cụ thể nhưng cũng rất cơ bản. Đặc điểm của các giải pháp đó là gắn chặt, nhất quán với đánh giá vai trò của giáo dục và định hướng phục vụ của giáo dục trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây chính là tiền đề cho chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng ta, là một trong các phương cham phát trienr giáo dục theo hướng “ Chuẩn hóa, Hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”.
7. Tư tưởng của Bác về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục:
Theo Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là xây dựng đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục,. phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng “khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”, và lời dạy của Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự cho mình là đã biết đủ rồi thì người đó dốt nhất.
Hiện nay, khi nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI trong xu thế của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ phát triển nhanh, nền kinh tế tri thức và toàn cầu hoá, chúng ta phải có bản lĩnh dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng mạnh, yếu của nền giáo dục Việt Nam. Trong những nghị quyết gần đây, Đảng ta chỉ rõ phải “tập trung chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực”.
Bối cảnh đất nước, thế giới và thực tiễn Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với lúc Bác Hồ còn sống, nhưng những nguyên lý giáo dục Người để lại cho chúng ta thì vẫn còn nguyên giá trị.
Quán triệt sâu sắc những quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục, phải tập trung chống bệnh thành tích, bệnh bằng cấp trong giáo dục; phải xây dựng một đội ngũ “thầy ra thầy”; xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, đổi mới cơ chế một cách mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn những tác động xấu của cơ chế thị trường thâm nhập vào nhà trường. Việc đặt ra những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, triển khai mạnh trong thực tiễn bằng những hành động thiết thực, đồng bộ, chính là nhằm đưa giáo dục Việt Nam bắt kịp trình độ khu vực và thế giới trong xu thế toàn cầu hoá, thực hiện trọn vẹn tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, “làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
8. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển giáo dục ở Việt Nam hiện nay
Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò hết sức quan trọng của giáo dục, coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000 đã xác định tư tưởng chỉ đạo phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH là: (1) Nhiệm vụ và mục tiêu cơ bản của giáo dục là nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; (2) Thực sự coi giáo dục - đào tạo, là quốc sách hàng đầu; (3) Giáo dục - đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân; (4) Phát triển giáo dục - đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, những tiến bộ KH&CN và củng cố quốc phòng, an ninh; (5) Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục và đào tạo; (6) Giữ vai trò nòng cốt của nhà trường công lập đi đôi với đa dạng hoá các loại hình giáo dục - đào tạo, trên cơ sở nhà nước thống nhất quản lý.
Trong bối cảnh mới với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trên cơ sở tổng kết và kế thừa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (04/11/2013) Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Theo đó, các quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới là: (1) Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; (2) Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; (3) Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; (4) Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ KH&CN; phù hợp quy luật khách quan; (5) Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; (6) Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng XHCN trong phát triển giáo dục và đào tạo; (7) Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy giáo dục phát triển. Điển hình là ban hành Hiến pháp năm 2013, Luật Giáo dục năm 2005, Luật Dạy nghề năm 2006, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Giáo dục đại học năm 2012; ban hành các cơ chế, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; về phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; về cơ hội tiếp cận giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; về đảm bảo bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo,…
Mặc dù ra đời cách đây nhiều thập kỷ, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vẫn rất có ý nghĩa đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của nước ta hiện nay. Chúng ta không chỉ tìm thấy trong tư tưởng của Người những gợi ý để tháo gỡ các vướng mắc cụ thể về vai trò, nội dung của giáo dục…, mà còn có thể học được từ đó phương pháp luận giải quyết vấn đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các phương pháp này rất gần với những gì đang được nói tới hiện nay như mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội,…
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Vịt Cute
- Ngày:
Tham khảo thêm
5 điều Bác Hồ dạy thời gian, ý nghĩa, có nghị luận
Đáp án Bác Hồ với Thái Bình - tuần 3
Câu hỏi và gợi ý trả lời Cuộc thi Tìm hiểu Bác Hồ với Thái Bình 2021
Đáp án cuộc thi 75 năm Bác Hồ về thăm Thanh Hoá (Đúng hết)
Top 7 mẫu viết 1 đoạn văn về lối sống giản dị của Bác lớp 7, lớp 9
Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm bao nhiêu tuổi?
Bài dự thi tìm hiểu Bác Hồ với Thanh Hoá - Thanh Hoá làm theo lời Bác 2022
Gợi ý cho bạn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Bài thu hoạch, bài dự thi
Đáp án Thi trực tuyến CNVCLĐ tìm hiểu truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam
Đáp án thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông" Hậu Giang 2021
Đáp án Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến Tìm hiểu Nghị quyết số 11 và số 28 BCHĐB tỉnh Hà Giang
Trình bày nội dung giữ vững QPAN có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, giải quyết vấn đề dân tộc tôn giáo
Cách tổ chức đại hội chi Đoàn 2024
Thầy cô cần làm những gì để nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm hàng ngày cho học sinh