Bối cảnh giáo dục hiện nay có những đặc điểm nào nổi bật, điều đó đặt ra yêu cầu gì đối với giáo viên?

Bối cảnh giáo dục hiện nay có những đặc điểm nào nổi bật, điều đó đặt ra yêu cầu gì đối với giáo viên? là câu hỏi trong bài thu hoạch Module GVPT 01. Trong bài viết dưới đây, Hoatieu.vn xin gửi đến bạn đọc câu trả lời chi tiết cho câu hỏi này.

Tư tưởng xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta nhiều năm qua là giáo dục toàn diện hướng đến phát triển con người Việt Nam cả đức, trí, thể, mỹ. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập mạnh mẽ, xuất hiện rất nhiều yếu tố tác động đến nền giáo dục của chúng ta. Do đó, cần đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan các tác nhân đang ảnh hưởng trực tiếp đến con người và giáo dục, để có thể đặt ra yêu cầu đối với giáo viên, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục.

1. Bối cảnh giáo dục hiện nay có những đặc điểm nào nổi bật?

Trong bối cảnh hiện nay, ngành giáo dục Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn. Sau hơn 30 năm đổi mới, nền giáo dục của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, phát huy nhân tố con người, hướng đến thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chất lượng, hiệu quả GD-ĐT còn thấp so với yêu cầu, hệ thống GD-ĐT còn nặng lí thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kĩ năng làm việc; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết.

Từ thực tiễn giáo dục cho thấy, giáo dục Việt Nam đang có những khó khăn và thách thức sau:

- Khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo trong ngành giáo dục. Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cần giải quyết vấn đề đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được
yêu cầu của môn học.

- Công tác xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, việc thực hiện xã hội hóa giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: một số địa phương, đoàn thể và phụ huynh học sinh chưa chú trọng đến việc học tập của con em mình; chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục. Mặt khác, việc quản lí công tác xã hội hóa giáo dục còn thiếu biện pháp phù hợp, tính khả thi chưa cao.

- Xu thế hội nhập. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi nguồn lực đầu tư cho giáo dục của Nhà nước còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đặt ra những thách thức trong quá trình đổi mới GD-ĐT.

- Hội nhập quốc tế và sự phát triển của kinh tế thị trường đang làm nảy sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn như sự thâm nhập lối sống không lành mạnh, làm lu mờ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; sự thâm nhập của các loại dịch vụ giáo dục kém chất lượng,… ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận giáo viên và học sinh. Đồng thời đưa tới nguy cơ thương mại hóa giáo dục. Đây là hậu quả của việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế thị trường một cách quá mức vào giáo dục, coi giáo dục thuần túy là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận. Điều này sẽ làm suy giảm chức năng xã hội của giáo dục, giảm chất lượng giáo dục; đồng thời làm mất đi sự tự do, sáng tạo trong giáo dục.

- Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực hoặc có biểu hiện thiếu phương pháp sư phạm trong giáo dục học sinh. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học trong quản lí, dạy và học của một số GV còn hạn chế.

Từ những khó khăn, thách thức này, Đảng và nhà nước ta chủ trương định hướng chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đó là: Phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường; Đảm bảo định hướng chủ nghĩa xã hội trong phát triển GD-ĐT.

2. Bối cảnh giáo dục hiện nay có những đặc điểm nào nổi bật, điều đó đặt ra yêu cầu gì đối với giáo viên?

Từ thực tiễn ngành giáo dục Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức nêu ở trên đã đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục cơ sở. Cụ thể:

- Mỗi một nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà giáo có chất lượng cao, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, tận tụy với nghề nghiệp, làm trụ cột thực hiện các mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đồng thời, tăng cường và phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan quản lí giáo dục đối với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

- Các nhà trường đào tạo ngành sự phạm cần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng mở. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, gương mẫu về đạo đức nhà giáo và trách nhiệm nghề nghiệp,giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên tự học, thiết tha với nhiệm vụ đổi mới giáo dục.

- Để đáp ứng được những thay đổi trong thời đại mới, giáo viên cần nhận thức rằng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học là một tất yếu trong điều kiện mới. Giáo viên cần nhận thức được vai trò của bản thân trong thời đại mới, đó là trở thành người “hướng dẫn” học sinh cách học. Người thầy không chỉ giúp trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn phải trang bị nhân cách cho người học. Vì vậy, người giáo viên phải là tấm gương sáng về đạo đức và tự học, có năng lực cảm hóa để giúp hình thành phẩm chất, năng lực, có hành vi đúng đắn, biết cách ứng xử. Để xứng đáng được tôn vinh, người thầy phải thật sự mẫu mực trong dạy người, dạy chữ. Làm thầy đã khó nhưng để trở thành người thầy tốt càng khó hơn.

- Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ, năng lực. Có chế độ ưu đãi và quy định hợp lí tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo có trình độ cao, đồng thời có cơ chế miễn nhiệm hoặc bố trí công việc khác đối với những người không còn phù hợp. Đảm bảo bình đẳng về chế độ chính sách giữa nhà giáo trong và ngoài công lập. Có cơ chế, chính sách động viên cán bộ giáo viên tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Có thể thấy, giáo dục có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia. Việc đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với người làm nghề sư phạm là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT trong thời đại mới. Nhà giáo phải chuyển đổi để thích ứng, phải có trách nhiệm với công việc được giao, phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới của đất nước.

Mời bạn đọc theo dõi các bài viết hữu ích khác tại mục Tài liệu - Dành cho giáo viên của Hoatieu nhé.

Đánh giá bài viết
1 1.314
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm