Bài thuyết trình về chủ đề văn hoá học đường

Bài thuyết trình về chủ đề văn hoá học đường là một phần của hội thi nét đẹp văn hóa học đường được tổ chức tại các nhà trường, với sự tham gia của các em học sinh và các thầy cô giáo. Văn hóa học đường đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và hình thành nhân cách, tạo ra môi trường học tập và giao lưu tích cực, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh. Do đó, tìm hiểu về vai trò của văn hóa học đường có ý nghĩa quan trọng giúp mọi học sinh, cán bộ giáo viên nhà trường có nhận định đúng đắn về văn hóa trường học, từ đó dần có sự điều chỉnh, hoàn thiện bản thân, xây dựng nhân cách sống tốt đẹp.

Trong bài viết dưới đây, Hoatieu.vn sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số mẫu bài thuyết trình về chủ đề văn hóa trường học hay, ý nghĩa mới nhất làm tài liệu tham khảo giúp các bạn học sinh và thầy cô hoàn thành bài viết của mình.

1. Bài thuyết trình dự thi văn hóa học đường ngắn gọn

Nội dung: Ứng xử văn hóa giữa thầy - trò trong nhà trường

*************

Xin chào các bạn !

Mình tên là:..............................- đến từ trường......................., thuộc....................., nằm uốn mình bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng. Nơi đây, đã ghi dấu cuộc tình sử đầy thương tâm của anh học trò nghèo và cô gái chèo đò trên sông.

“Trăm năn đành lỗi hẹn hò

Cây đa bến cũ, con đò khác đưa

Con đò đã thác năm xưa

Cây đa bến cũ, còn lưa bóng người”

Đây cũng chính là nơi sinh ra vị tiến sĩ khai khoa của xứ Đàng trong – danh nhân văn hóa Bùi Dục Tài. Ông sinh năm 1477 là danh thần đời Lê Túc Tông. Người làng Câu Nhi, thôn Câu Lãm, huyện Hải lăng, tỉnh Quảng Trị.

Mời các bạn hãy theo chân của mình nhé!

Và điểm cuối cùng mà mình muốn nhắc đến nhiều nhất là trường......................., ngôi trường nơi mình đang học tập và rèn luyện.

Trường............................ là ngôi trường luôn nằm trong tốp đầu về thành tích học tập và các phong trào hoạt động trong những năm gần đây. Để có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ vào quá trình dạy dỗ của quý thầy cô giáo và sự siêng năng, chăm chỉ hiếu học của các bạn học sinh. Nhưng điều mà mỗi học sinh như chúng em không quên được là mối quan hệ giữa thầy và trò trong nhà trường.

Trong cuộc sống hiện nay, văn hóa ứng xử được xem là chuẩn mực để đánh giá sự khéo léo, thông minh của một con người. Vậy, cách ứng xử như thế nào để tạo được một cuộc đối thoại thành công khéo léo, tạo được sự ấn tượng và thể hiển được phẩm chất tốt đẹp của mình? Điều này còn phụ thuộc vào hành vi thái độ mỗi người. Có thể nói rằng ứng xử chính là thước đo sự hiểu biết cũng như kiến thức của một người.

Đặc biệt là người học sinh được sống và học tập trong môi trường giáo dục, bản thân chúng em luôn nhận thức: Trường học là nơi đào tạo tầng lớp trí thức trẻ cho nước nhà, nó quyết định vận mệnh của đất nước trong tương lai. Vì thế nhiệm vụ của sự nghiệp giáo dục luôn nặng nề vì không những đào tạo kiến thức mà còn cả đạo đức con người. Tuy nhiên,đạo đức của một số thành phần tầng lớp trẻ hiện nay đang xuống cấp trầm trọng, có nhiều hành vi thiếu văn hoá. Ðiều đó được thể hiện qua cách ứng xử hằng ngày trong trường, lớp của mình. Mỗi lần nói với người đối diện bạn hãy luôn biết đặt mình vào vị trí của họ để cảm nhận và thấu hiểu thì chắc chắn rằng lời nói hay thái độ của bạn sẽ không bao giờ làm tổn thương người khác

Thế nhưng cách xưng hô của nhiều bạn trẻ hiện nay trong giao tiếp hàng ngày giữa bạn bè đã sử dụng những ngôn từ thô lỗ, thiếu văn hóa, thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, bạn bè gọi nhau bằng những từ lóng, sẵn sàng gây gổ, đánh nhau chỉ vì hiềm khích nhỏ và có thể lôi tên cha mẹ của bạn mình ra rêu rao bất cứ lúc nào, nơi nào, buông ra những tiếng chửi thề ngay khi có mặt bạn bè và thầy cô …Tuy nhiên đó chỉ là số phần tử nhỏ, “một con sâu làm rầu nồi canh vì vậy hãy tin tưởng rằng nếu như mỗi bản thân chúng ta nhận ra được những lỗi lầm của mình, phấn đấu rèn luyện với sự giáo dục của thầy cô, sự đoàn kết yêu thương, sự vị tha, các bạn sẽ thay đổi để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.

Và sâu sát hơn nữa, trong nhà trường, mối quan hệ giữa thầy – trò luôn được đặt ra trong những đạo lý cần có của người học sinh mà dân tộc ta đã lưu giữ hơn 4.000 năm nay, như:

“Muốn sang phải bắc cầu Kiều.

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Hay .

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Đó là truyền thống“Tôn sư trọng đạo” đã từ lâu thấm nhuần trong tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam, nếu cha mẹ là người cho con hình hài thì thầy cô là người cho con ước mơ, nâng cao tầm kiến thức vì thế người thầy được quý trọng và tôn kính như cha mẹ. Nhưng ngày nay, một số học sinh trong chúng ta không những không làm đủ lễ nghi với thầy, cô mà lại còn xuyên tạc, làm biến tướng các nghi lễ, thiếu sự tôn trọng với thầy cô. Ví dụ như: Sau lưng nhiều bạn gọi thầy, cô mình là ông nọ, bà kia. Khi làm bài kiểm tra không tốt, bị thầy cho điểm kém không vừa ý thì thể hiện thái độ, hoặc cãi lại rồi chống đối giáo viên khi bản thân có lỗi… Chúng ta phải nghiêm khắc nhìn nhận lại bản thân về cách đối nhân xử thế, về phép tắc lễ nghĩa xem thử mình đã là người ứng xử có văn hóa hay chưa? Khi chúng ta dũng cảm nhận ra điều đó thì nhất định ai cũng tự hoàn thiện bản thân mình và sẽ được mọi người yêu mến, kính trọng.

Không những chỉ đối với thầy cô, bạn bè mà đối với các mối quan hệ ngoài xã hội chúng ta cũng cần có những ứng xử văn hóa thể hiện đạo đức, phong cách và sự hiểu biết của mình. Hiện nay vẫn có một phần lớn thanh thiếu niên ở lứa tuổi chúng ta trước người lớn còn trả lòi cộc lốc, hoặc nói những lời khiếm nhã. Vì thế ngay từ bây giờ mỗi chúng ta hãy có những hành động đúng mực, tập cho mình có những hành vi lối sống tích cực, biết kiểm soát, tiết chế những hành vi, cảm xúc để điều chỉnh bản thân có cách ứng xử văn hóa đối với tất cả mọi người . Xứng đáng là những Đội viên, là con ngoan trò giỏi của bố mẹ, thầy cô.

Văn hóa ứng xử luôn luôn được đề cao và đặc biệt coi trọng trong bất cứ thời đại nào Ứng xử thể hiện trí tuệ và nhân cách của con người, là chìa khóa giúp chúng ta mở ra cánh cửa thành công ở hiện tại và tương lai. Chính vì vậy bạn và tôi hãy rèn luyện cho mình những lối sống có văn hóa. Mỗi người có ý thức sẽ tạo lên được một xã hội có ý thức, xã hội có ý thức thì mới phát triển toàn diện và ngày càng tiến bộ.

2. Bài thuyết trình về vấn đề “Văn hóa học đường” 2024

Tham luận về vấn đề "Văn hóa học đường"

Kính thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn trường THCS............... thân mến !

Lời đầu tiên cho phép em được gửi đến quý vị đại biểu, các thầy cô lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc các bạn học sinh đoàn kết, học tập tốt, hoàn thành xuất sắc các hoạt động của trường. Hôm nay, trong buổi đại hội liên đội, em rất vui khi được đứng đây, bày tỏ ý kiến tham luận của mình về vấn đề văn hoá ứng xử trong học đường.

Thưa toàn thể đại hội ! Thưa tất cả các bạn !

Văn hóa học đường chính là những ứng xử trong tuổi học trò, các mối quan hệ ở trường học được thể hiện một cách tốt đẹp. Vì thế ta có thể hiểu, văn hóa ứng xử học đường là những ứng xử tốt đẹp, có văn hóa trong trường học được thể hiện qua cách giao tiếp, hành vi, lời nói hàng ngày.

Không nói trừu tượng nữa, để các bạn có thể hiểu rõ hơn về vấn đề tôi sẽ lấy dẫn chứng từ chính ngôi trường chúng ta đang học.

Đầu tiên, theo cảm nhận của riêng tôi thì hầu hết tất cả các bạn học tại ngôi trường này, đều có những cách ứng xử có văn hóa. Xét về lời nói: các bạn luôn có ý thức trong việc chào giáo viên mỗi lần gặp và biết sử dụng những từ ngữ thích hợp trong tuổi học trò để giao tiếp; xét về những hành vi: các bạn đã có rất nhiều hành động ý nghĩa thể hiện tư tưởng” lá lành đùm lá rách” như là biết quyên góp sách, tiền, đồ áo, dụng cụ học tập, hay là những thứ cần thiết cho các bạn, các em học sinh nghèo cần sự giúp đỡ từ chúng ta… Còn trong một tập thể lớp, các bạn đã thể hiện được sự đoàn kết, sự gắn bó với nhau. Điều đó được chứng minh từ những thành tích học tập của lớp, trong các lần tham gia các hoạt động của nhà trường hay là chỉ từ những hành động nhỏ như thay nhau chép bài cho một bạn nghỉ học vì bị ốm, gia đình có việc,…

Nhưng thực tế bên cạnh những ứng xử văn hóa tôi vừa nêu trên còn xảy ra những hiện tượng thiếu văn hóa ứng xử mà ta bắt gặp rất nhiều như: nói tục chửi bậy, chia bè kéo cánh, nói xấu bạn bè, không tôn trọng thầy cô và quan trọng nhất là hiện tượng gây xích mích trên mạng xã hội facebook. Nói thêm về vấn đề này: ” Có lẽ chắc hẳn đa số tất cả các bạn ở đây đều có facebook cả rồi nhỉ!” ? Và tôi biết rằng có một số bạn đã và đang chơi mạng xã hội luôn ngồi trước màn hình mà đo lường giá trị của bản thân bằng những lượt like, lượt share và lượt cmt trên facebook. Nhưng không có gì lạ trong một thế giới đầy: Imacs, Ipas, Iphone. Có quá nhiều I (tôi) nhưng lại không có “we” không có” us”.(chúng tôi). Chúng ta đã biết được thế thì tại sao một số bạn lại còn làm tệ hơn như sử dụng mạng facebook làm công cụ để gây xích mích và rủ rê đi đánh nhau trong khi lẽ ra công nghệ là để kết nối chúng ta. Điều đó có nghĩa là bạn đang bị kiểm soát từ 1 thế giới không có thật đấy…Bạn có nghĩ đến hậu quả của nó ? Và bạn có cảm thấy thỏa mãn khi làm như vậy?

Tôi biết việc bạn chọn làm một người học sinh chuẩn mực hay không là sự lựa chọn của chính bạn, đồng thời chỉ bạn mới có quyền được quyết định điều đó. Và đương nhiên người ngoài như tôi hay các thầy cô giáo không thể bắt bạn làm một học sinh theo ý của chúng tôi được. Nhưng tôi có một vài giải pháp để giúp bạn có sự lựa chon tốt nhất:

– Thứ nhất, mọi thói quen đều hình thành từ cả một quá trình, vì thế tôi khuyên bạn hãy cố gắng thay đổi cách ứng xử của mình làm thế nào cho có văn hóa ngay tại thời điểm này

– Thứ hai, tôi khuyên bạn nên xác định đúng chức năng của các trang mạng xã hội và chỉ nên giao lưu, kết nối, sẻ chia, tìm kiếm thông tin hữu ích về cuộc sông, học tập

– Thứ 3, hãy để tôi kết thúc việc nói về mạng xã hội bằng cách nói rằng bạn luôn có sự lựa chọn. Phải đấy, nhưng có một điều này: Chúng ta không thể dùng phần mềm để sửa chữa mọi thứ. Chúng ta phải tự làm điều đó. Kiểm soat hoặc bị kiểm soát… Hãy tự quyết định…

– Và cuối cung, xét về mặt tập thể lớp thì tôi nghĩ một tập thể lớp vững mạnh là một tập thể mà mỗi thành viên trong lớp biết kìm nén và vứt bỏ cái “tôi” của mình đi để có những ứng xử tốt đẹp.

Có lẽ bạn cũng như tôi, tự nhận thức được rằng đời học sinh chỉ có một vì thế phải tận hưởng để sau này nhìn lại mà có cái để nhớ. Và tôi chúc các bạn có những kỉ niệm tốt đẹp trong tuổi học trò.

3. Thuyết trình phòng chống bạo lực học đường

Kính thưa BGH, quý thầy cô và các bạn học sinh thân mến! Em tên là........................, em xin đại diện lớp..................... thuyết trình về chủ đề “Bạo lực học đường” trong buổi sáng hôm nay.

Tại Việt Nam, theo số liệu được Bộ GD&ĐT tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau…

Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Bạo lực học đường từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục. Không chỉ có nam sinh, mà những năm gần đây, tình trạng các nữ sinh trở thành đối tượng gây nên các vụ đánh nhau đã tăng cao. Hậu quả của các vụ bạo lực học đường không chỉ dẫn đến những chấn thương về thể xác, mà còn ảnh hưởng nặng đến tinh thần nạn nhân.

Tôi sẽ đưa ra một vài câu hỏi để chúng ta cùng bàn luận về vấn đề nêu trên.

1. Bạn hãy cho tôi biết “Bạo lực học đường là gì?”

– Bạo lực: là những mâu thuẫn căng thẳng dẫn tới đụng độ, va chạm mạnh mẽ.

– Bạo lực học đường: là những mâu thuẫn xảy ra trong phạm vi trường học. Vậy nguyên nhân chính phải chăng là học sinh bế tắc dẫn đến bạo lực như là một cách hành xử?

2. Các bạn có thể cho tôi biết “hậu quả của bạo lực học đường?”

Đối với nạn nhân: Ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, tâm lý, các bạn học sinh sẽ bị tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần với những chấn động nặng nhẹ phụ thuộc vào mức độ của bạo lực. Người bị bạo lực phải chịu những phí tổn về vật chất phải chi trả sau khi bị đánh để tiến hành dưỡng thương. Ngoài ra còn tạo tâm lí hoang mang, lo lắng đối với người thân.

Đối với người gây ra bạo lực: Con người sẽ phát triển không toàn diện dẫn đến thiếu hụt về nhân cách, mất dần nhân tính, làm gương xấu cho người khác học theo. Bạo Lực học đường là mầm mống của tội phạm, tội ác, là căn nguyên tạo ra sự biến đổi của xã hội, của lương tri con người. Chủ thể gây ra bạo lực sẽ không định hướng cho sự phát triển nhân cách của mình, làm ảnh hưởng xấu tới học tập, gây nguy hại cho xã hội. Người gây ra bạo lực trở lên lẻ loi, bị cô lập mọi người xa lánh căm ghét. Liệu đó có phải là điều chủ thể gây ra bạo lực mong muốn?
Đối với xã hội: Tình trạng bạo lực học đường cũng ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, mà đặc biệt là các bạn học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nó giống như việc tạo thành một “trào lưu” mới là bắt nạt bạn bè và gây ra các vụ “tai tiếng” sau đó tung lên mạng nhằm muốn được “nổi tiếng” hoặc là dùng để “dằn mặt” đối phương. Điều đó làm giảm sút học tập của học sinh và ảnh hưởng tới giáo dục của nhà trường.

3. Theo các bạn “nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực học đường?”

Từ phía gia đình: Như chúng ta đã biết, gia đình là nền tảng đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ từ tuổi ấu thơ. Nếu cha mẹ, anh, chị, em… trong gia đình cư xử với nhau bằng bạo lực, sử dụng những từ ngữ, lời lẽ không hay với nhau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, tình cảm của đứa trẻ và từ đó dần hình thành trong trẻ những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ và hành động giống như gia đình chúng. Một nguyên nhân nữa cũng cần nhắc đến đó là sự thiếu quan tâm từ phía gia đình do cha mẹ chỉ chăm chú vào các công việc làm ăn hàng ngày thiếu sự kiểm soát và chăm sóc con cái thường xuyên hoặc do gia đình ít con nên sự chiều chuộng con cái quá mức chỉ biết cung cấp, đáp ứng về tiền bạc theo yêu cầu của con cái mà thiếu sự kiểm soát, quan tâm đến suy nghĩ, hành động của con em cũng chính là mối quan tâm mà chúng ta cần suy nghĩ.

Từ xã hội: Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, thế hệ trẻ đang bị đầu độc bởi ma lực của các trò chơi chém giết trong game on line, các truyện tranh bạo lực, những trò chơi điện tử, phim ảnh đầy những pha bắn giết, những phim ảnh kích động sự hung bạo của các em cũng đang ngày một xuất hiện nhiều hơn, thường xuyên hơn, đặc biệt các em cũng bị ảnh hưởng từ chính những cảnh bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội như bạo lực trên các sân cỏ, đâm chém để tranh giành quyền lợi, đánh người thi hành công vụ, …

Phía học sinh: Do bị tác động từ xã hội và bạn bè xấu lôi kéo. Mặt khác do tâm lý muốn khẳng định mình, muốn gây ấn tượng trong mắt người lớn và bạn bè. Bạo lực học đường xảy ra thật đáng buồn khi nhiều nguyên nhân rất lãng xẹt, sau một thời gian tìm hiểu về những vụ việc mới xảy ra gần đây, tôi đã đúc kết được cho mình nhiều lí do rằng: vì đẹp mà chảnh, do xích mích nhỏ, bị nhìn đểu, thấy ghét, hiểu lầm, không cho xem bài kiểm tra… và nguyên nhân chủ yếu chính là học sinh không có đủ kỹ năng sống để giải quyết. Ví dụ: Điển hình như một vụ việc xảy ra cách đây không lâu, ngày 3/4/2015, tại tỉnh Cà Mau, hai nữ sinh lớp 6 Trường THCS Sông Đốc hẹn nhau lên cầu đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn. Trong khi đó có hàng chục học sinh vây qua nhưng không có sự cản trở nào, ngoài ra còn hò reo, cỗ vũ rồi quay clip đưa lên mạng xã hội.Trong đó một số học sinh đứng xem còn tạo dáng phản cảm trước ống kính. Một số học sinh còn có lời lẽ xúi giục như: “Bóp cổ nó, táng vào mặt nó đi…!”. Cho đến khi có người lớn đến can ngăn thì sự việc mới dừng lại. Qua đó, cho ta thấy rõ vấn nạn bạo lực học đường có ở khắp mọi nơi, bất kể là nam hay nữ cũng đều bất đồng quan điểm rồi tìm đến với bạo lực và lấy nó làm cách giải quyết nhưng ta thấy nó còn rối lên hơn rất nhiều.

4. Và cần thiết nhất là “làm thế nào để giảm bớt vấn nạn bạo lực học đường?”

Học sinh chưa biết đầy đủ cách ứng xử và đối phó với những áp lực, bất đồng và mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội nên rất cần sự tư vấn nhanh chóng và kịp thời từ phía nhà trường, gia đình và kể cả bạn bè. Để làm được điều đó các bạn nên tâm sự, chia sẻ với thầy cô, bày tỏ những vướng mắc về tình bạn, tình yêu, về kỹ năng giải quyết hài hòa các mối quan hệ. Một điều không thể thiếu đối với các bạn học sinh là chúng tra phải biết kiềm chế tính nóng giận của bản thân, giải quyết các vấn đề một cách nhẹ nhàng, khôn khéo. Đặc biệt là các bạn phải biết nói lời xin lỗi, không được để hành động đi trước suy nghĩ rồi sau này hối hận về điều mình làm. Tóm lại: Chỉ một mâu thuẫn nhỏ cũng trở thành nguyên nhân khiến học sinh dùng bạo lực giải quyết. Cái kết của bạo lực học đường không còn dừng lại ở việc kiểm điểm, đuổi học mà còn là chết chóc và nhà tù.

Em xin hết! Xin cám ơn quý thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.

=> Việc giáo dục văn hóa học đường mang ý nghĩa quan trọng giúp bồi dưỡng, phát triển nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho học sinh. Nhờ vào việc giáo dục văn hóa học đường, học sinh có cơ hội rèn luyện kỹ năng xã hội, học hỏi và thể hiện kỹ năng của bản thân, giúp các em tự tin, rèn luyện tư duy sáng tạo. Việc để các bạn học sinh tự viết và trình bày các bài tuyên truyền, bài thuyết trình về văn hóa học đường có sự hướng dẫn của giáo viên cũng là cách làm hay tạo sự gắn kết giữa học sinh và thầy cô, góp phần xây dựng không gian học tập thân thiện, đầy sáng tạo.

Trên đây Hoatieu đã giới thiệu đến bạn đọc 3 mẫu bài thuyết trình về chủ đề văn hóa học đường năm 2024. Mời các bạn đón xem các thông tin hữu ích khác tại mục Tài liệu - Bài thu hoạch, bài dự thi nhé.

Đánh giá bài viết
2 2.882
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm