15 Biện pháp xây dựng nề nếp lớp học dành cho giáo viên tiểu học

Xây dựng nề nếp cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu của người giáo viên tiểu học. Sau đây là 15 Biện pháp xây dựng nề nếp lớp học dành cho giáo viên tiểu học, mời các bạn tham khảo.

1. Nghiêm khắc đúng cách (Xây dựng nề nếp trật tự kỷ luật)

Ngày đầu tiên mới nhận bàn giao học sinh từ lớp dưới lên, giáo viên cần thể hiện sự nghiêm khắc nhưng cũng phải biết kết hợp dạy học với các trò chơi. Tạo sự thân mật giữa thầy và trò. Cũng có nghĩa là, giáo viên phải vừa cứng rắn cương quyết vừa thể hiện tình cảm dịu dàng yêu thương chăm sóc các em.

Nghiêm khắc ở đây không có nghĩa là tỏ thái độ lạnh lùng, cứng nhắc. Nếu quá cứng nhắc sẽ tạo ra bức tường rào cản giữa giáo viên và học sinh, mang đến cảm giác khó gần và không thân thiện. Đồng thời sẽ làm cho tiết học luôn trong trạng thái căng thẳng, nặng nề và có khi chính cô, thầy sẽ gây ác cảm đối với học sinh và điều này thì không được mong muốn. Điều quan trọng, mỗi giáo viên cần sự khéo léo, tinh tế, áp dụng sự nghiêm khắc đó một cách linh hoạt, chừng mực cùng với sự bao dung, dịu dàng để học sinh cảm nhận được tình cảm của thầy cô mà chất lượng giáo dục vẫn đảm bảo.

Nên nhớ rằng, đừng quá cứng nhắc, lạnh lùng với các em, chỉ cần sự tôn trọng song song cùng sự nghiêm khắc với học sinh, nghiêm khắc với cả chính bản thân mình thì về vấn đề kỉ luật, nề nếp của lớp bạn chắc chắn sẽ khác.

2. Huấn luyện ban cán sự lớp (Xây dựng nề nếp trật tự kỷ luật)

Ngoài giáo viên chủ nhiệm, thì ban cán sự lớp cũng góp phần vô cùng quan trọng trong việc tạo, giữ gìn nề nếp lớp học. Học sinh được phân công làm cán sự lớp sẽ có khả năng lãnh đạo, mạnh dạn hơn, linh hoạt hơn, tự tin hơn, có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân đó cũng chính là các em đã được rèn luyện kỹ năng sống, sau này trong cuộc sống học sinh đó có bản lĩnh, phát huy khả năng đó hơn các học sinh cùng lớp khác. Chính cũng vì điều này mà có một số giáo viên đã đưa ra sáng kiến, "Thay đổi vị trí lãnh đạo của Ban cán sự lớp" và mạnh dạn đổi mới ngay tại lớp mình chủ nhiệm.

Chẳng hạn, một lớp có các chức danh như sau: 1 lớp trưởng, 1 lớp phó phụ trách học tập, 1 lớp phó phụ trách lao động, 1 lớp phó phụ trách Văn - Thể, 4 tổ trưởng, 4 tổ phó, các nhóm trưởng, bàn trưởng.

Nhiệm vụ của Lớp trưởng là quản lý 15 phút đầu giờ, theo dõi chung các hoạt động của lớp, tổng hợp kết quả thi đua và điều hành tiết sinh hoạt cuối tuần.

  • Lớp phó phụ trách học tập: Theo dõi nề nếp học tập chung và tổng hợp để đánh giá hoạt động học tập vào tiết sinh hoạt cuối tuần.
  • Lớp phó phụ trách lao động: Phân công, theo dõi, đôn đốc công tác lao động, vệ sinh lớp và khu vực, phân công chăm sóc công trình măng non, tổng hợp để đánh giá vào tiết sinh hoạt cuối tuần.
  • Lớp phó phụ trách Văn - Thể: Theo dõi, đôn đốc các hoạt động văn nghệ, thế dục giữa giờ, tổng hợp để đánh giá vào tiết sinh hoạt cuối tuần.
  • Tổ trưởng: Điều hành các hoạt động của tổ theo sự phân công của lớp trưởng, lớp phó.
  • Tổ phó: Kết hợp cùng tổ trưởng đôn đốc các hoạt động của tổ, điều hành tổ khi tổ trưởng vắng.
  • Bàn trưởng: Kiểm tra sách, vở, đồ dùng học tập, trang phục Đội viên của bàn

Mỗi học sinh đều có thể tham gia làm cán sự lớp từ lớp trưởng đến bàn trưởng, trong thời gian 1,5 đến 2 tháng, sau đó lại đổi nhiệm vụ ở các vị trí khác.

Sau mỗi lần đảo nhiệm vụ của các em ở các vị trí cán sự lớp khác nhau, giáo viên chủ nhiệm cùng cả lớp đánh giá việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của từng em và rút kinh nghiệm. Trong quá trình thực hiện các học sinh nhận nhiệm vụ làm cán sự lớp luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình, các em phấn khởi hơn, hứng thú hơn, có trách nhiệm hơn với công việc vì luôn nghĩ rằng đây là dịp để thể hiện vai trò của bản thân trong các hoạt động của lớp. Cuối tuần giáo viên chủ nhiệm cùng Ban cán sự lớp đánh giá cũng như rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời và tất nhiên rồi, nề nếp lớp học cũng sẽ dần ổn định hơn.

3. Tổ chức các buổi sinh hoạt lớp vào cuối tuần (Xây dựng nề nếp trật tự kỷ luật)

Đối với bậc tiểu học, sinh hoạt lớp là tiết được các nhà trường xếp ở tiết học cuối của mỗi tuần học, thời điểm để mỗi học sinh thực hiện tự đánh giá và đánh giá hoạt động học tập, rèn luyện của cá nhân và tập thể lớp sau mỗi tuần học đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động cho tuần học tập tiếp theo nhằm mục tiêu hoàn thành tốt kế hoạch năm học của mỗi lớp đã đề ra. Tiết sinh hoạt lớp được đặt dưới sự quản lý, giám sát và tác động giáo dục của giáo viên chủ nhiệm.

Thông qua các tiết sinh hoạt lớp, giáo viên nhận xét công việc trong tuần qua: Cả lớp cùng nhận xét các việc mà lớp đã thực hiện, nhận xét được mặt tốt cần phát huy cho lớp trong thời gian tới.

Ví dụ: Lớp có bạn học sinh thường hay đi học trễ lớp nên nhắc nhở bạn đi học đúng giờ. Tuyên dương học sinh gương mẫu .

4. Tiếp thu ý kiến đóng góp của học sinh (Xây dựng nề nếp trật tự kỷ luật)

Giáo viên ghi nhận các ý kiến đóng góp của các em và qua đó giáo dục các em biết dược hành vi đúng sai. Giúp các em phát huy những mặt mạnh sẵn có. Song song với việc xây dựng nề nếp trật tự, kỷ luật cho học sinh, giáo viên cũng rèn cho học sinh nề nếp tự quản.

Ví dụ: Vào đầu giờ mỗi ngày, lớp trưởng yêu cầu các bạn lấy sách ra đọc bài, ôn lại những bài đã học trong tuần qua; hoặc ôn lại các bản nhân chia.

Dần dần đưa các em vào nề nếp tự quản, tự học khi vắng giáo viên. Trên cơ cở đó giáo viên yên tâm quản lý học sinh theo hướng chỉ đạo từ xa. Với những việc các em làm được giáo viên cần kịp thời khen thưởng, tuyên dương nhằm nhân rộng điển hình trong lớp, giúp nhiều học sinh học hỏi theo.

5. Phân loại học sinh (xây dựng nề nếp học tập)

Giáo viên phải biết năng lực học tập của mỗi học sinh để từ đó phân các em thành nhiều nhóm: Phân hoá theo đối tượng học sinh. Giáo viên có kế hoạch phương pháp cụ thể nhằm giúp học sinh học tốt hơn. Chỉ khi nắm được cụ thể và tương đối chính xác trình độ năng lực của từng học sinh trong lớp do mình giảng dạy hoặc giáo dục thì mới có những biện pháp giúp đỡ thích hợp, trước là đối với học sinh khá giỏi và học sinh yếu kém, qua đó mà năng cao chất lượng học tập chung của cả lớp và kiểm tra, đánh giá chính là cách giúp giáo viên phân loại học sinh.

Kiểm tra, đánh giá được tiến hành tốt sẽ giúp giáo viên nắm được:

Trình độ chung của cả lớp hoặc khối lớp

Những học sinh có tiến bộ rõ rệt hoặc sa sút đột ngột.

Qua đó, động viên hoặc giúp đỡ kịp thời các em này.

Kiểm tra, đánh giá tạo cơ hội cho thầy giáo xem xét có hiệu quả những việc làm sau:

Cải tiến nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mà người giáo viên đang tiến hành.
Hoàn thiện việc dạy học của mình bằng con đường nghiên cứu khoa học giáo dục.

6. Theo dõi sát sao tình hình học tập của lớp (xây dựng nề nếp học tập)

Giáo viên cần đến lớp sớm để cùng kiểm tra và dò bài với các em. Công việc này cần được kiểm tra thường xuyên vào đầu giờ học để có hiệu quả hơn.

Nếu trong lớp có học sinh chưa học tốt, giáo viên phải liên hệ với phụ huynh hoặc ghé thăm gia đình để tìm hiểu nguyên nhân. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn giáo viên cần tìm hiểu tận tình: đến gia đình thăm hỏi đồng thời đề ra biện pháp hỗ trợ gíup đỡ các em.

Giáo viên phải thường xuyên chấm trả bài đầy đủ để nắm được tình hình sức học của các em kịp thời uốn nắn, giúp các các em thấy được lỗi của mình từ đó có hướng khắc phục. Giáo viên cũng cần học hỏi phương pháp giảng dạy tích cực để giảng dạy có hiệu quả.

Trong quá trình dạy học, giáo viên là người điều khiển, tổ chức hướng dẫn học sinh học tập; học sinh phải biết tự giác học tập để chiếm lĩnh kiến thức. Vì vậy giáo viên phải biết áp dụng các hình thức học tập nhằm phát huy tính tích cực của học sinh.

7. Sử dụng phương pháp "Học mà chơi - chơi mà học" (xây dựng nề nếp học tập)

Trong khi học các em phải đảm bảo trật tự, không phát biểu chung cả lớp. Còn trong khi chơi các em cũng phải tuân thủ luật chơi; không la lớn không đập bàn, phải biết trao đổi hợp tác với bạn để hoàn thành nhiệm vụ cô giao …

Nhất là đối với các em học sinh lớp 1, vừa bước qua cấp học mẫu giáo nên tâm lí của các em còn rất hiếu động, thích chơi và ham hoạt động. Các em từ nhỏ đã biết tự tổ chức các trò chơi để tự chơi với nhau ở nhà, ở trường, …Nắm bắt được tâm lí của các em, giáo viên từ đó cần vận dụng phương pháp trò chơi vào hoạt động dạy trong tất cả các môn học. Thông qua hoạt động chơi mà học đó, các em tiếp thu bài nhanh hơn, các tiết học trở lên nhẹ nhàng, thoải mái. Bên cạnh đó, các em còn biết vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào cuộc sống thông qua các tình huống thực tế. Thông qua trò chơi còn góp phần giúp cho các em rèn các kĩ năng, kĩ xảo cần thiết và nâng cao năng lực của bản thân mình.

8. Giáo dục những phẩm chất đạo đức cho học sinh

Giáo viên phụ trách lớp cần giáo dục cho các em những chuẩn mực về thái độ đối với xã hội, với lao động, với người khác và chính bản thân mình.

Ví dụ: Trong giờ học, có một học sinh tên là Ngọc làm việc riêng khi giáo viên đang giảng bài. Vậy ta phải xử lí như thế nào?

Cách giải quyết: giáo viên phải làm sao cho em Ngọc ngừng ngay việc làm của mình mà không ảnh hưởng đến lớp học. Giáo viên có thể đặt ra một câu hỏi trong nội dung bài học rồi gọi em Ngọc đứng lên trả lời. Nếu em Ngọc không trả lời được thì giáo viên tiếp tục gọi một em khác. Chắc chắn là những em bên cạnh sẽ trả lời đúng. Giáo viên sẽ tuyên dương các em đó đồng thời nhắc nhở em Ngọc phải chú ý trong giờ học. Nếu em này vẫn còn lặp lại hành động đó một lần nữa trong buổi học, thì cuối giờ học giáo viên nhắc nhỡ động viên em, để từ đó em rút được kinh nghiệm cho bản thân là phải có ý thức trong học tập.

Hoặc nếu phát hiện trong lớp có tình trạng nói tục, giáo viên nên phát động ngay những phong trào thi đua “Nói lời hay, làm việc tốt” để khắc phục hiện tượng này. Hằng ngày, đội Sao đỏ của lớp theo dõi thi đua của từng cá nhân, tổ, nhắc nhở kịp thời những bạn nói tục. Đến cuối tuần, đội Sao đỏ tổng kết xếp loại thi đua của từng tổ. Nếu trong số những em hay nói tục, em nào biết khắc phục và có chuyển biến giáo viên nên kịp thời khen ngợi động viên các em. Nói chung muốn khắc phục được tình trạng này, giáo viên phải tác động nhiều lần và phải tác động thường xuyên.

Giáo viên cũng có thể phát động phong trào “Giữ vở sạch, rèn chữ đẹp”qua những câu chuyện kể mang tính xác thực như: “Thần Siêu luyện chữ”, “Văn hay chữ tốt” … kết hợp với việc chú ý, động viên những học sinh viết chữ còn xấu; tuyên dương, nêu gương những học sinh viết chữ đẹp giữ vở sạch, cho các bạn học tập và chọn những bộ vở đó để dự thi vở sạch chữ đẹp.

9. Phát động thi đua hằng tuần, tháng

Phong trào thi đua tuần, tháng là việc nên làm không thể thiếu được của những người làm giáo viên chủ nhiệm lớp. Bởi học sinh vẫn thích được khen nếu hôm nay làm tốt điều gì, điều gì được khen thì ngày mai các em sẽ làm được tốt hơn.

Nắm được tâm sinh lý đó nên hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng giáo viên nên phát động thi đua. Trên bảng lớp hàng ngày giáo viên ghi điểm thi đua cho từng tổ. Hàng tuần lên kế hoạch thi đua cho các em. Để cán bộ lớp tiên theo dõi, giáo viên nên chuẩn bị cho các em một cuốn sổ kẻ sẵn nội dung một cách cụ thể theo từng tuần. Và giáo viên phát phần thưởng cho học sinh, mỗi lần thưởng một món quà khác nhau để gây hứng thú cho học sinh.

Khi phát động thi đua hàng tuần, tháng cho các em, giáo viên cần không quên bám chủ điểm thi đua của trường. Cuối mỗi tuần tôi cho các em tự do phát biểu nhận xét và tự xếp hạng lẫn nhau. Giáo viên là người trọng tài ra quyết định cuối cùng. Vì thế các em rất vui khi thấy cô công bằng không thiên vị hay trù dập ai.

Qua các đợt thi đua tôi thấy lớp nào cũng có nề nếp tốt hẳn lên, “học ra học, chơi ra chơi”. Học sinh tự giác chấp hành tốt các nội qui, qui chế của lớp. Chất lượng giờ học được nâng lên rõ rệt.

10. Nêu gương tốt và nhắc nhở những em chậm tiến

Việc nêu gương tốt, nhắc nhở những em chưa tiến bộ có tác dụng rõ nét trong mỗi tiết học. Nếu được khen ngợi đúng nơi, đúng lúc thì các em càng tiến bộ hơn. Bên cạnh những lời khen giáo viên cũng phải dùng những lời nhắc nhở thật nghiêm túc đối với những em chậm tiến. Hàng ngày trong các tiết học giáo viên thường nêu gương những em tốt như: có ý thức học tập, hăng say phát biểu xây dựng bài, đến trường cũng gọn gàng, sạch sẽ, đi học sớm đôn đốc các bạn trong lớp vệ sinh sạch sẽ,…

Từ những tấm gương đó các em đã học tập lẫn nhau, các em hàng ngày có ý thức hơn trong mọi hoạt động của lớp. Ngoài những tấm gương trong lớp học giáo viên cần nêu gương tốt trong các bài tập đọc đạo đức cho các em học tập noi theo. Giáo viên cần chú trọng nhất vào những em học sinh chưa ngoan, nếu em nào tiến bộ, ngoan thì sẽ khen ngợi, động viên kịp thời.

11. Phối hợp với gia đình để xây dựng tốt nề nếp của lớp

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nề nếp lớp học và chất lượng học tập của các em, vì thế phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm lớp và gia đình phụ huynh. Nắm được tầm quan trọng đó ngay từ đầu năm học giáo viên tổ chức họp phụ huynh với nội dung thông báo về nhiệm vụ, kế hoạch, chỉ tiêu phấn đấu của năm học, thông báo nội quy của học sinh, một số quy định về xây dựng nề nếp cho học sinh từng lớp . Sau khi trao đổi yêu cầu của việc giảng dạy, học tập, xây dựng nề nếp lớp, giáo viên cùng phụ huynh phối hợp chặt chẽ để giáo dục cho các em.

Khi làm công tác chủ nhiệm, giáo viên cần:

Tổ chức và thực hiện tốt các kỳ họp phụ huynh học sinh do nhà trường đề ra.

Đi thăm trao đổi trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại với gia đình học sinh khi cần thiết.

Mời phụ huynh học sinh đến trường trao đổi về việc giáo dục học sinh khi có những hiện tượng bất thường và khẩn cấp.

Liên hệ thường xuyên với Ban chấp hành Hội phụ huynh học sinh để tích cực hóa các hoạt động của hội phụ huynh học sinh trong công tác giáo dục.

Mỗi chủ điểm sinh hoạt trọng tâm mời Chi hội trưởng Hội phụ huynh học sinh dự buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình qua sổ liên lạc và qua điện thoại.

Cung cấp cho phụ huynh số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm để phụ huynh tiện liên hệ khi cần thiết.

12. Phối kết hợp chặt chẽ với Ban giám hiệu, Đội và các giáo viên bộ môn

Công tác phối kết hợp, là một trong những biện pháp hữu hiệu, nhằm răn đe, quán triệt có hiệu quả cao. Đôi khi có những công việc, nội dung hay tình huống mà một mình giáo viên không thể giải quyết được thì cần phải nhờ sự hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường, hoặc Đội và các giáo viên bộ môn nếu có thể.

Nội dung phối hợp: Để dạy học có hiệu quả; để theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc học tập của tập thể và cá nhân; giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tập hợp ý kiến của đồng nghiệp về lớp mình, lớp bạn; trao đổi trực tiếp với đồng nghiệp về những vấn đề cụ thể của lớp để cùng đưa ra giải pháp giáo dục thống nhất; đề xuất các ý kiến của tập thể học sinh về công tác dạy và học với giáo viên có liên quan...

Giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được kế hoạch của nhà trường, Đoàn thanh niên để phối hợp và phổ biến kịp thời đến học sinh. Thường xuyên động viên, đôn đốc nhắc nhở các em tham gia tốt các hoạt động đoàn thể, phong trào thi đua do đoàn thể phát động. Thường xuyên động viên, đôn đốc nhắc nhở các em thực hiện tốt các các nội quy, quy định mà ban nề nếp của trường đề ra.

13. Rèn ý thức tự quản cho học sinh bằng “sổ ghi chép cá nhân”

Cùng với việc thực hiện, phát huy tác dụng của sổ liên lạc, sổ chủ nhiệm, sổ ghi chép của lớp trưởng, lớp phó, cán sự bộ môn, tổ trưởng, nhiều giáo viên chủ nhiệm công phu sáng tạo, biến quá trình quản lý, giáo dục thành quá trình tự giáo dục của trò bằng một loại sổ thật đơn giản, nhưng thật ý nghĩa.

Đó là “Sổ ghi chép cá nhân”. Các em tự ghi vào sổ những gì mình làm được, học được, hay chưa làm được, về ý thức kỷ luật …có chữ ký xác nhận của GV và gia đình. Mỗi tuần cô giáo chủ nhiệm kiểm tra và ghi ý kiến vào đó.

14. Hình thành nhân cách thông qua giờ đạo đức, và các hoạt động ngoại khóa

Ngoài giờ học văn hoá trên lớp thì hoạt động ngoại khoá của Đội là điều kiện để rèn luyện tinh thần tập thể rất có hiệu quả. Trong các hoạt động này, học sinh có thể hát, múa, kể chuyện, đọc thơ, thi tìm hiểu, vui chơi,... và nhiều hình thức khác theo các chủ đề. Mỗi lần tham gia là các em một lần được thể hiện tinh thần tập thể, ý thức tôn trọng kỷ luật, giữ gìn danh dự cho tập thể lớp. Đặc biệt là tính tự quản thể hiện rất rõ.

Trong các hoạt động ngoại khóa, chú ý động viên kịp thời những suy nghĩ sáng tạo và tính tích cực chủ động của các em, tạo tình huống để học sinh tự xử lí và thay phiên điều khiển hoạt động.

Sau mỗi tiết học Đạo Đức hay mỗi hoạt động ngoại khóa, giáo viên cần giáo dục tư tưởng, tình cảm cho các em, hướng dẫn các em liên hệ thực tế, nâng cao nhận thức học sinh sau buổi sinh hoạt để từ đó mà hình thành nhân cách tích cực cho các em.

15. Giáo dục học sinh cá biệt

Giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu lý lịch, tính cách học sinh, tìm hiểu điểm yếu, thế mạnh của những học sinh này. Kết hợp với giáo viên bộ môn, nhà trường, gia đình trong hoạt động giáo dục.

Giáo viên không nên nóng vội mà phải kiên trì uốn nắn dần; giao cho học sinh cá biệt một số việc phù hợp với năng lực; sau đó động viên khuyến khích kịp thời những việc làm tốt. Lập kế hoạch cho cán sự lớp để thành lập các cặp đôi bạn cùng tiến. Luôn thông báo kịp thời các thông tin về học sinh với gia đình và ngược lại.

Phải gần gũi, thân thiện, biết lắng nghe để học sinh cá biệt giải bày được tâm tư, khúc mắc để cùng giáo viên bộ môn và gia đình phối hợp giáo dục.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
3 6.699
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm