Vi bằng là gì 2024?

Vi bằng là gì? Điều kiện lập vi bằng? Các quy định phải tuôn thủ khi lập vi bằng? Đây là những câu hỏi thắc mắc xoay quanh vấn đề vi bằng, để hiểu cụ thể quy định về vi bằng. Mời bạn đọc tham khảo nội dung bài viết dưới đây.

1. Vi bằng là gì?

Căn cứ vào khoản 3 điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định:

3. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.

Hay nói theo cách hiểu thực tế thì Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.

2. Tại sao phải lập vi bằng?

Theo khái niệm về vi bằng nêu trên có thể thấy vi bằng là một tài liệu có giá trị pháp lý cao và rõ ràng do thừa phát lại thực hiện. Vì thế cần thiết phải lập vi bằng bởi:

Để làm chứng cứ, căn cứ thực thế để giải quyết vụ việc, vụ án hoặc minh chứng theo quy định pháp luật. Thực tế vi bằng mang lại hiệu quả tốt và đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực của người dân trong các vấn đề tranh chấp. Hoạt động này đã đem lại chứng cứ khách quan làm cơ sở cho nền tư pháp nước ta để giải quyết các tranh chấp hoặc làm minh chứng cho các sự kiện hành vi đã diễn ra. Nếu vi bằng có căn cứ và có hiệu lực thì được coi là sự thật và nếu có vấn đề tranh chấp sẽ đem ra giải quyết công bằng.

Vi bằng là gì 2024?
Vi bằng là gì?

3. Giá trị pháp lý của vi bằng

Căn cứ vào điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định như sau:

- Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

- Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Ví dụ một giao dịch mua bán nhà đất cần của anh A và B mong muốn lập vi bằng về giao dịch và đất đai giao dịch. Vậy nên thừa phát lại sẽ thực hiện lập vi bằng bằng văn bản, hình ảnh, video, ghi âm (khi cần thiết) để làm minh chứng cho hoạt động mua bán đất đai của hai bên. Nếu có tranh chấp thì đây là chứng cứ có giá trị pháp lý cao để xem xét.

4. Một số đặc điểm về lập vi bằng

Từ khái niệm trên cũng như các quy định hiện hành của pháp luật, vi bằng và việc lập vi bằng của thừa phát lại có một số đặc điểm, yêu cầu sau:

+ Hình thức của vi bằng là văn bản. Văn bản này phải do chính thừa phát lại lập, họ không được ủy quyền hay nhờ người khác lập và ký tên thay mình trên vi bằng;

+ Việc lập vi bằng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của văn bản;

+ Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; đó là kết quả của quá trình quan sát trực quan và được phản ánh một cách khách quan, trung thực trong một văn bản do thừa phát lại lập;

+ Vi bằng do thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật được xem là chứng cứ và có giá trị chứng minh;

+ Vi bằng có thể được sao chép và được sử dụng làm chứng cứ lâu dài. Việc vào sổ theo dõi, lưu trữ vi bằng phải tuân thủ các quy định về bảo mật và lưu trữ.

5. Điểm giống và khác nhau của Công chứng, chứng thực và vi bằng

Hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại có những nét, những đặc điểm giống với hoạt động công chứng của công chứng viên kể cả về phương pháp tiến hành cũng như mục đích hoạt động.

Tuy nhiên, hoạt động lập vi bằng không phải là hoạt động công chứng. Nếu công chứng là việc công chứng viên thay mặt nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại Văn phòng công chứng. Hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại là lập các chứng thư (vi bằng) về những sự kiện, hành vi xảy ra ở mọi nơi mà ít bị khống chế về mặt không gian và thời gian.

Có thể lấy một ví dụ đơn giản để thấy sự khác nhau giữa hoạt động lập vi bằng và hoạt động công chứng như sau:

Bên A và bên B ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Khi đó họ phải đến văn phòng công chứng, gặp chứng viên để thỏa thuận và ký kết hợp đồng trước sự chứng kiến của công chứng viên. Sau khi hợp đồng được ký kết với sự chứng thực của công chứng viên, khi hai bên “bước ra khỏi cửa” văn phòng công chứng thì công chứng viên không nhất thiết phải quan tâm việc hợp đồng đó được thực hiện thế nào? Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tiến hành ra sao? Có vi phạm trong thực hiện các thỏa thuận không?. Từ đây có thể sẽ xuất hiện vai trò của thừa phát lại. Họ có thể sẽ chứng kiến và lập vi bằng về việc chuyển giao quyền sử dụng đất, lập vi bằng về những vi phạm xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng… nếu các bên yêu cầu họ làm vậy.

Trong thực tế, chúng ta có thể gặp trường hợp người khác nhờ chúng ta làm chứng cho một giao dịch hay một sự việc cụ thể (làm chứng cho di chúc miệng, làm chứng cho việc giao nhận tiền đặt cọc…). Khi phát sinh tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp mời ta lên với tư cách người làm chứng. Chúng ta sẽ mô tả lại những việc mà ta chứng kiến có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, lời chứng của chúng ta có là chính xác và đúng sự thật hay không thì cơ quan giải quyết tranh chấp cần đối chất, kiểm tra lại. Còn Thừa phát lại khi lập vi bằng về hành vi, sự kiện thì có mô tả bằng văn bản, quay phim, chụp hình và ghi âm (nếu cần thiết) tại thời điểm lập vi bằng. Vi bằng đó phải được đăng ký tại Sở tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập. Chính những yếu tố đó là ưu điểm tăng chứng cho vi bằng và luật quy định bản thân vi bằng có giá trị chứng cứ.

5. 09 trường hợp thừa phát lại không được lập vi bằng

Căn cứ vào điều 37 Nghị định Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp thừa phát lại không được lập vi bằng như sau:

- Trong trường hợp liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

- Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lai trong khu vực câm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.

- Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.

- Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.

- Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ pháp lý: Điều 2, 36, 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Trên đây là những tìm hiểu của Hoa Tiêu về vấn đề Vi bằng là gì? Mời bạn đọc tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Pháp luật chuyên mục Dịch vụ Pháp lý liên quan.

Đánh giá bài viết
2 548
0 Bình luận
Sắp xếp theo