Giải đáp vướng mắc về đăng ký khai sinh

Thắc mắc về việc đăng ký khai sinh mới và đăng ký khai sinh lại như thế nào? HoaTieu.vn xin giới thiệu tới các bạn thủ tục đăng ký và giải đáp một số vướng mắc về đăng ký khai sinh như dưới đây. Mời các bạn cùng tìm hiểu thông tin pháp lý mới nhất hiện nay.

Đăng ký khai sinh là một thủ tục cần thiết và quan trọng để xác lập nên thông tin cơ bản của một cá nhân, đặc biệt là người làm cha, làm mẹ phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con cái của mình. Trong một số trường hợp vì hoàn cảnh gia đình hoặc vì những lý do khách quan mà việc đăng ký khai sinh gặp một số bất cập, vướng mắc.

Dưới đây là một số vướng mắc thường gặp.

Giải đáp một số vướng mắc về đăng ký khai sinh

1. Đăng ký khai sinh dịch vụ công trực tuyến

Hỏi: Xin hỏi tôi làm đăng ký khai sinh cho con bằng dịch vụ công trực tuyến, tôi đã được nhận email nói rằng hồ sơ đã được tiếp nhận và đã có kết quả tại bộ phận một cửa tại xã, nhưng khi tôi lên ubnd xã thì cán bộ xã lại nói rằng tôi không có giấy hẹn trả kết quả và yêu cầu tôi đăng ký lại từ đầu và cấp cho tôi 1 giấy hẹn trả kết quả vào ngày khác với kết quả trong email. Tôi xin hỏi là cán bộ xã làm như thế có đúng không. Xin cám ơn?

Trả lời: Quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến sẽ bao gồm:

Bước 1: Sau khi công dân gửi hồ sơ đăng ký trực tuyến thành công, hệ thống sẽ gửi thông báo đăng ký thành công kèm mã hồ sơ vào địa chỉ Email đã được công dân đăng ký trong thủ tục.

Bước 2: Cán bộ một cửa tiếp nhận hồ sơ sẽ tiếp nhận hồ sơ trên hệ thống phần mềm 1 cửa liên thông và xử lý hồ sơ. Khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ, hệ thống sẽ tiếp tục gửi thông báo Email lần 2 với nội dung thông báo tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.

Bước 3: Trong quá trình thụ lý hồ sơ, nếu cán bộ thấy hồ sơ thấy cần yêu cầu bổ sung, hoặc tạm dừng hoặc từ chối thì cán bộ sẽ thực hiện thao tác trên hệ thống và hệ thống sẽ gửi 1 Email yêu cầu bổ sung theo nội dung cán bộ nhập. Riêng đối với thủ tục đăng ký khai sinh và kết hôn hệ thống sẽ gửi 1 Email cho công dân để xác nhận nội dung đúng hay chưa và phản hồi lại (Email này chỉ có tác dụng trong vòng 4 giờ đồng hồ kể từ khi nhận được email đó, và nếu xác nhận công dân chỉ được phản hồi 1 lần). Nếu trường hợp hồ sơ công dân đầy đủ, cán bộ sẽ thụ lý và hoàn tất hồ sơ. Khi cán bộ đã xử lý xong hồ sơ và chuyển kết quả ra bộ phận 1 cửa thì hệ thống sẽ gửi cho công dân 1 Email thông báo có kết quả xử lý hành chính.

Công dân sẽ theo dõi tình trạng hồ sơ của mình trong Email đã được đăng ký trong quá trình thực hiện thủ tục. Và sẽ thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Email mà cán bộ tiếp nhận hồ sơ xử lý đã gửi vào Email cá nhân của công dân đăng ký thủ tục.

Trường hợp của ông/bà nếu đã nhận đủ các thông tin như trên, và cán bộ tiếp nhận hồ sơ từ chối yêu cầu xử lý. Ông/bà có thể gửi ý kiến phản ánh của mình đến Bộ phận tiếp công dân, UBND cấp xã nơi ông/bà đăng ký thủ tục để được tiếp nhận và xử lý theo quy định.

⇒ Hướng dẫn làm giấy khai sinh trực tuyến qua mạng

⇒ Cách xử lý khi ghi sai trong giấy khai sinh

2. Đăng ký khai sinh trễ cho con có bị phạt không?

Câu trả lời là Không.

Khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch 2014 có quy định: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ; ông hoặc bà hoặc người thân thích; cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con, cho trẻ.

Trước đây, nếu đăng ký khai sinh không đúng thời hạn quy định thì người có trách nhiệm đăng ký khai sinh sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP với hình thức phạt cảnh cáo..

Tuy nhiên, theo quy định mới của Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì tại Điều 37 về hành vi vi phạm đăng ký khai sinh không còn mức phạt cảnh cáo đối với hành vi đăng ký khai sinh trễ hạn.

⇒ Giấy khai sinh bản chính

Việc đăng ký khai sinh quá hạn sẽ được tiến hành theo thủ tục khai sinh thông thường được quy định tại Luật Hộ tịch như sau:

  • Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
  • Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;
  • Trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập;
  • Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
  • Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
  • Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch.
  • Chủ tịch UBND cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

3. Đăng ký khai sinh chỉ có cha hoặc có mẹ?

Trường hợp trẻ em chỉ có cha hoặc mẹ thì UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ có thẩm quyền thực hiện đăng ký khai sinh. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ.

Thủ tục đăng ký khai sinh như trường hợp nêu trên.

4. Có được sửa họ, tên của con trong giấy khai sinh không?

Câu trả lời là: Có

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp quy định tại Điều 28 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền đổi tên như sau:

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

2. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.

Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định: Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai. Đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.

Trình tự, thủ tục thay đổi họ, tên như sau:

Hồ sơ bao gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu quy định),
  • Bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch;
  • Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch.

Thủ tục: Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp ghi vào sổ đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch và quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch. Chủ tịch UBND cấp huyện ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch.

5. Mất giấy khai sinh thì có được làm lại không? Thủ tục như thế nào?

Theo hướng dẫn tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP, việc khai sinh đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại. Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại. Việc đăng ký lại khai sinh chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Theo đó, Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục đăng ký lại khai sinh như sau:

Hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm:

  • Tờ khai theo mẫu quy định;
  • Bản sao hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó;

Nếu người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo trên phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.

Thủ tục:

  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu việc đăng ký lại khai sinh là đúng theo quy định của pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký lại khai sinh.
  • Nếu việc đăng ký lại khai sinh được thực hiện tại UBND cấp xã không phải là nơi đã đăng ký khai sinh trước đây thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND có văn bản đề nghị UBND nơi đăng ký khai sinh trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.
  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND nơi đã đăng ký khai sinh trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký khai sinh, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại khai sinh.

Liên quan đến bản sao Giấy khai sinh trước đây:

  • Trường hợp người yêu cầu còn giữ bản sao Giấy khai sinh thì nội dung đăng ký khai sinh được ghi theo nội dung bản sao Giấy khai sinh; phần khai về cha, mẹ được ghi theo thời điểm đăng ký lại khai sinh.
  • Trường hợp người yêu cầu không có bản sao Giấy khai sinh nhưng hồ sơ, giấy tờ cá nhân có sự thống nhất về nội dung khai sinh thì đăng ký lại theo nội dung đó. Nếu hồ sơ, giấy tờ không thống nhất về nội dung khai sinh thì nội dung khai sinh được xác định theo hồ sơ, giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chính thức hợp lệ đầu tiên.
  • Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì nội dung khai sinh được xác định theo văn bản của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

6. Có được khai sinh cho con khi mẹ chưa đủ tuổi kết hôn?

  • Trường hợp người mẹ chưa đủ tuổi kết hôn vẫn có quyền được đăng ký khai sinh cho con và ghi tên bố mẹ trong giấy khai sinh. Thủ tục đăng ký khai sinh cho con như trường hợp đăng ký khai sinh chỉ có cha hoặc mẹ.
  • Nếu bố mẹ chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn, chưa tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì đứa con sẽ xem như là là con ngoài giá thú.
  • Nếu người mẹ muốn ghi tên bố trong giấy khai sinh của con phải làm thủ tục nhận cha cho con tại cơ quan hộ tịch cấp xã. Nếu thấy việc nhận con là đúng quy định của pháp luật, UBND xã sẽ kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.

Trên đây là một số thắc mắc xung quanh Đăng ký khai sinh xin gửi các bạn tham khảo. Mời các bạn xem thêm các tài liệu hữu ích khác cùng chủ đề tại mục Dân sự của Hỏi đáp pháp luật

Đánh giá bài viết
1 580
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi