Tải Nghị định 26/2024/NĐ-CP quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp file Doc, pdf

Tải về

Nghị định 26 2024 quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

Ngày 01/3/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2024/NĐ-CP quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Theo đó, Nghị định này quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác, thực hiện hợp tác và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Nội dung Nghị định 26/2024/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ

________

Số: 26/2024/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH
Quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

_________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định Quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bao gồm nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác, thực hiện hợp tác và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

2. Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức Việt Nam tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong phạm vi Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác” là chủ thể chủ trì thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, bao gồm:

a) Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Kiểm toán nhà nước; Văn phòng Chủ tịch nước; bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước ở trung ương).

b) Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (các tổ chức), các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức khoa học - công nghệ (các hội, quỹ xã hội, tổ chức khoa học) được thành lập theo quy định pháp luật có liên quan (sau đây gọi chung là các tổ chức, các hội, quỹ xã hội, tổ chức khoa học).

c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

d) Các đơn vị, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của các chủ thể chủ trì thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế quy định tại điểm a, b và c khoản này.

2. “Cơ quan chủ quản chương trình, dự án, phi dự án” bao gồm các cơ quan, tổ chức được quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (Nghị định số 114/2021/NĐ-CP) và Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam (Nghị định số 80/2020/NĐ-CP).

3. “Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp” bao gồm các hoạt động có sự tham gia hoặc được tài trợ bởi đối tác nước ngoài có toàn bộ hoặc một phần nội dung về pháp luật và cải cách tư pháp được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này và được thực hiện theo hình thức quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này.

4. “Chương trình, dự án, phi dự án” về pháp luật và cải cách tư pháp là các dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP hoặc các chương trình, dự án, phi dự án theo quy định tại Nghị định số 80/2020/NĐ-CP có toàn bộ hoặc một phần nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

5. “Hội nghị, hội thảo quốc tế” về pháp luật và cải cách tư pháp là hội nghị, hội thảo theo quy định tại Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam (Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg) có toàn bộ hoặc một phần nội dung về pháp luật và cải cách tư pháp được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

Điều 3. Nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

2. Không ký kết, thực hiện các hoạt động hợp tác phương hại đến lợi ích, an ninh quốc gia.

3. Chủ động lựa chọn và thúc đẩy những nội dung hợp tác mà Việt Nam có nhu cầu, phù hợp với thực tiễn, điều kiện của Việt Nam, chủ trương, định hướng của Đảng về đối ngoại, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quy định pháp luật có liên quan.

4. Bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, thúc đẩy hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm hợp tác tốt với Việt Nam, chú trọng tính bền vững của hoạt động hợp tác.

5. Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực và đề cao trách nhiệm trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

Điều 4. Nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

1. Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại Nghị định này gồm toàn bộ hoặc một phần nội dung sau:

a) Tăng cường năng lực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

b) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

c) Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật.

d) Cải cách tư pháp.

2. Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại Nghị định này được thực hiện dưới các hình thức sau:

a) Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

b) Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án.

c) Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.

3. Các nội dung và hình thức hợp tác pháp luật và cải cách tư pháp không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì thực hiện theo quy định pháp luật khác có liên quan.

Chương II. THỰC HIỆN HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÁP LUẬT VÀ CẢI CÁCH TƯ PHÁP

Điều 5. Lựa chọn đề xuất hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

Cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác chủ động lựa chọn đề xuất hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Sự cần thiết, mục đích hợp tác rõ ràng, lựa chọn nội dung hợp tác về những vấn đề cần tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác và các nguyên tắc hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

2. Đối tác nước ngoài có năng lực, chuyên môn phù hợp về nội dung hợp tác.

3. Kết quả dự kiến của hoạt động hợp tác phù hợp với các nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp và phục vụ việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.

4. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền đề xuất giải pháp đảm bảo các yêu cầu về an ninh trật tự, đối ngoại trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động hợp tác.

Điều 6. Lấy ý kiến đối với hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

1. Đối với thỏa thuận quốc tế:

Khi thực hiện lấy ý kiến đối với thỏa thuận quốc tế theo quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế (trừ thỏa thuận quốc tế quy định tại Điều 20 và Điều 23 Luật Thỏa thuận quốc tế) mà thỏa thuận quốc tế có nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến pháp luật và cải cách tư pháp, cơ quan, tổ chức đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an để lấy ý kiến về nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 2 Điều 11 của Nghị định này.

2. Đối với chương trình, dự án, phi dự án về pháp luật và cải cách tư pháp:

a) Khi thực hiện lấy ý kiến đối với chương trình, dự án, phi dự án về pháp luật và cải cách tư pháp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương thực hiện của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP và Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để lấy ý kiến về nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 11 của Nghị định này.

b) Khi thực hiện lấy ý kiến đối với chương trình, dự án, phi dự án về pháp luật và cải cách tư pháp thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan chủ quản theo quy định của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP và Nghị định số 80/2020/NĐ-CP, cơ quan chủ quản đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an để lấy ý kiến về nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 2 Điều 11 của Nghị định này.

3. Đối với hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp:

Khi thực hiện lấy ý kiến tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định của Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg, cơ quan chủ trì thực hiện lấy ý kiến đồng thời gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp, Bộ Công an (trường hợp có sự tham gia của báo cáo viên là người nước ngoài) để lấy ý kiến về các nội dung hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10, điểm a khoản 2 Điều 11 của Nghị định này.

4. Trường hợp thỏa thuận quốc tế, chương trình, dự án, phi dự án, hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp có nội dung liên quan tới lĩnh vực quân sự, quốc phòng hoặc có hoạt động thực hiện ở khu vực biên giới, cửa khẩu và các khu vực trọng điểm khác về quốc phòng, ngoài việc lấy ý kiến các cơ quan theo quy định tại khoản 1,2 và 3 Điều này, cơ quan, tổ chức thực hiện lấy ý kiến có trách nhiệm lấy ý kiến Bộ Quốc phòng về các nội dung theo quy định tại khoản 4 Điều 11 của Nghị định này.

5. Hồ sơ lấy ý kiến đối với hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, trong đó phải thể hiện rõ sự cần thiết thực hiện hoạt động hợp tác, nội dung hợp tác, hình thức hợp tác, đối tác hợp tác, kết quả dự kiến đạt được, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu tại Điều 5 Nghị định này.

6. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định pháp luật. Trường hợp pháp luật có liên quan quy định thời gian trả lời khác với quy định tại khoản này thì áp dụng theo quy định pháp luật có liên quan.

Nội dung cho ý kiến căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan được lấy ý kiến và quy định tại Nghị định này.

Điều 7. Triển khai thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

Cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác có trách nhiệm triển khai thực hiện hoạt động hợp tác đúng nội dung đã được phê duyệt, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc nêu tại Điều 3 Nghị định này; thực hiện chia sẻ thông tin, kết quả và báo cáo tình hình thực hiện hoạt động theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định này.

Điều 8. Chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

1. Cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác có trách nhiệm chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo một trong các hình thức sau đây:

a) Đăng tải thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trên công/trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan, tổ chức mình.

b) In ấn, phát hành các ấn phẩm về kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

2. Nội dung chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp:

a) Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có nội dung về hợp tác về pháp luật và cải cách tư pháp bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

b) Văn kiện chương trình, dự án, phi dự án có nội dung hợp tác về pháp luật và cải cách tư pháp bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài (nếu có).

c) Nội dung hợp tác về pháp luật và cải cách tư pháp thuộc chương trình, dự án, phi dự án khi kết thúc chương trình, dự án, phi dự án; kết quả hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp khi kết thúc hoạt động mà không thuộc chương trình, dự án, phi dự án.

3. Việc chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các cam kết tại thỏa thuận quốc tế, văn kiện chương trình, dự án, phi dự án ký kết giữa các cơ quan, tổ chức Việt Nam và các nhà tài trợ, đối tác nước ngoài.

4. Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý và cập nhật thông tin, kết quả hợp tác từ các báo cáo tình hình thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp hằng năm của các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 9 Nghị định này, thông tin được chia sẻ theo quy định tại khoản 1 Điều này vào cơ sở dữ liệu hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, chia sẻ trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp phù hợp với quy định pháp luật có liên quan.

Điều 9. Chế độ báo cáo

1. Hằng năm, cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan trung ương của tổ chức và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức mình đến Bộ Tư pháp trước ngày 25 tháng 12 của năm báo cáo. Nội dung báo cáo theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

2. Các hội, quỹ xã hội, tổ chức khoa học có trách nhiệm báo cáo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước theo quy định pháp luật có liên quan về tình hình thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trước ngày 15 tháng 12 của năm báo cáo. Nội dung báo cáo theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

3. Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trong phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng 01 năm kế tiếp.

Chương III. TRÁCH NHIỆM TRONG QUẢN LÝ HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÁP LUẬT VÀ CẢI CÁCH TƯ PHÁP

Điều 10. Quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

2. Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chủ trì soạn thảo, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

b) Cho ý kiến về nội dung hợp tác pháp luật và cải cách tư pháp đối với việc ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (nội dung cho ý kiến theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Luật Thỏa thuận quốc tế), phê duyệt chương trình, dự án, phi dự án (nội dung cho ý kiến về sự phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Nghị định này), tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế (cho ý kiến về nội dung dự thảo Đề án tổ chức hội nghị, hội thảo).

c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

d) Hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

đ) Hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền tình hình thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trong phạm vi cả nước theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này.

Điều 11. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

a) Đảm bảo hiệu quả và tiến độ thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp do mình trực tiếp quản lý và thực hiện.

b) Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc theo quy định pháp luật.

c) Phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, kiểm tra, thanh tra hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp của các tổ chức, các hội, quỹ xã hội, tổ chức khoa học thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức khoa học và quy định pháp luật có liên quan.

d) Chia sẻ thông tin, kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này.

đ) Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 9 của Nghị định này và các quy định pháp luật có liên quan.

e) Tham gia ý kiến đối với các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định.

g) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia pháp luật đủ năng lực để tham gia xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế, làm việc tại các thiết chế pháp lý quốc tế thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý.

h) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Công an:

a) Cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trước khi ký điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, phê duyệt các chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại, khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc ODA, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế có nội dung về pháp luật và cải cách tư pháp; đánh giá tác động và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội đối với hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

b) Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức Việt Nam thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật và tuân thủ pháp luật trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp.

d) Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định tại Nghị định số 35/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

3. Bộ Ngoại giao:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin về các đối tác quốc tế hoạt động trong lĩnh vực pháp luật quốc tế trong phạm vi phụ trách.

b) Tham gia ý kiến đối với việc ký kết thỏa thuận quốc tế, phê duyệt các chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại, khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc ODA, hội nghị, hội thảo quốc tế có nội dung về pháp luật và cải cách tư pháp về các nội dung: sự phù hợp với đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

4. Bộ Quốc phòng:

Tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng đối với việc ký kết thỏa thuận quốc tế, phê duyệt các chương trình, dự án, phi dự án, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế có nội dung về pháp luật và cải cách tư pháp trong trường hợp hoạt động hợp tác đó liên quan tới lĩnh vực quân sự, quốc phòng hoặc được triển khai thực hiện ở khu vực biên giới, cửa khẩu và các khu vực trọng điểm khác về quốc phòng.

Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp tại địa phương, có trách nhiệm:

a) Đảm bảo hiệu quả và tiến độ thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp do mình trực tiếp quản lý và thực hiện.

b) Quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, báo cáo việc thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc theo quy định pháp luật có liên quan.

c) Phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, kiểm tra, thanh tra hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp của các tổ chức, các hội, quỹ xã hội, tổ chức khoa học thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức khoa học và quy định pháp luật có liên quan.

d) Tham gia ý kiến đối với các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định.

đ) Tổng hợp, chia sẻ và khai thác, sử dụng thông tin hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trên địa bàn cấp tỉnh.

e) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia pháp luật đủ năng lực để tham gia xử lý các vấn đề pháp lý quốc tế thuộc trách nhiệm của địa phương.

2. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp tại địa phương.

Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2024 và thay thế Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật.

2. Hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp đã được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không phải thực hiện lại quy trình, thủ tục xin ý kiến tại Nghị định này. Việc tổ chức thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của Nghị định này.

3. Hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà chưa được phê duyệt thì tiếp tục thực hiện việc phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 113/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

4. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản được dẫn chiếu.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

- Ngân hàng Chính sách xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: VT, PL (2b).

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

Trần Lưu Quang

Phụ lục

(Kèm theo Nghị định số 26/2024/NĐ-CP

ngày 01 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ)

_______

CƠ QUAN/TỔ CHỨC/ĐƠN VỊ

_____________

Số: ……./BC-…….

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

………, ngày tháng năm ….

BÁO CÁO

Tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp năm………..1

_________

I. Thông tin về các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

Cung cấp thông tin khái quát về các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hợp tác pháp luật và cải cách tư pháp đã ký kết; các chương trình, dự án, viện trợ phi dự án hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; các hoạt động hợp tác quốc tế khác về pháp luật và cải cách tư pháp trong năm do quý cơ quan/tổ chức/đơn vị chủ trì thực hiện2.

(thông tin cụ thể cung cấp theo các bảng kèm theo phụ lục này)

II. Đánh giá về tình hình hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp tại quý cơ quan/tổ chức/đơn vị3

1. Việc tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu, quy trình, thủ tục trong quá trình thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp

2. Kết quả đạt được và đánh giá việc tham khảo kinh nghiệm nước ngoài

3. Hạn chế, vướng mắc

4. Nguyên nhân

5. Đánh giá tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao

III. Đánh giá bối cảnh tình hình và nhiệm vụ trọng tâm hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp trong năm ...

1. Đánh giá bối cảnh tình hình

2. Nhiệm vụ trọng tâm

IV. Đề xuất, kiến nghị

Nơi nhận:

- …………;

- …………;

- Lưu: VT,….

NGƯỜI KÝ

(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

_______________

1 Thời gian báo cáo theo quy định của Nghị định số /2024/NĐ-CP.

2 Bao gồm cả chương trình, dự án, viện trợ phi dự án do cơ quan/tổ chức/đơn vị là cơ quan chủ quản và tham gia thực hiện.

3 Nội dung đánh giá tập trung vào việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan tới trình tự, thủ tục hình thành, phê duyệt, triển khai chương trình, dự án, viện trợ phi dự án; tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế về pháp luật; chế độ thông tin, báo cáo; nhân lực thực hiện; đối tác nước ngoài; đảm bảo an ninh; những vấn đề lưu ý trong quá trình thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật.

................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Dịch vụ pháp lý được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Tải Nghị định 26/2024/NĐ-CP quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp file Doc, pdf
Chọn file tải về :
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Chính phủNgười ký:Trần Lưu Quang
Số hiệu:26/2024/NĐ-CPLĩnh vực:Pháp lý
Ngày ban hành:01/03/2024Ngày hiệu lực:15/05/2024
Loại văn bản:Nghị địnhNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 11
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm