Thể chế là gì?

Thế nào là thể chế?

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ra thường gặp các khái niệm như thể chế kinh tế, thể chế chính trị... Vậy thể chế là gì, mời các bạn tham khảo nội dung bài viết.

Theo cách hiểu thứ nhất, thể chế là tập hợp những quy tắc chính thức, các quy định không chính thức hay những nhận thức chung có tác động kìm hãm, định hướng hoặc chi phối sự tương tác của các chủ thể chính trị với nhau trong những lĩnh vực nhất định. Các thể chế được tạo ra và đảm bảo thực hiện bởi cả nhà nước và các tác nhân phi nhà nước (như các tổ chức nghề nghiệp hoặc các cơ quan kiểm định).

Các quy tắc chi phối sự tương tác giữa các cá nhân hay tổ chức có thể mang tính chính thức hoặc không chính thức. Các quy tắc chính thức bao gồm hiến pháp, các bộ luật, điều luật, hiến chương, văn bản dưới luật… Trong khi đó các quy tắc không chính thức có vai trò mở rộng, chi tiết hóa hoặc chỉnh sửa các quy tắc chính thức và điều chỉnh hành vi của các chủ thể thông qua các chuẩn tắc xã hội (truyền thống, tập quán, những điều cấm kỵ…) hay các quy tắc ửng xử nội bộ. Vai trò của các thể chế thể hiện ở chỗ chúng tạo nên một khuôn khổ mà ở đó hành động của các chủ thể trở nên dễ đoán trước hơn, cho phép các chủ thể thiết lập các kỳ vọng và giảm thiểu các rủi ro trong quá trình tương tác với nhau.

Có nhiều cách khác nhau giải thích lý do tại sao các chủ thể chính trị lại tuân thủ các thể chế. Một mặt, theo logic của thuyết lựa chọn duy lý, con người tuân thủ các quy định, chuẩn tắc nhằm tránh bị trừng phạt và tối đa hóa lợi ích thu được. Mặt khác, trên phương diện quy phạm hay đạo đức, các chủ thể tuân thủ các chuẩn tắc theo nhận thức của họ về những hành động được coi là phù hợp hay không phù hợp đối với vai trò của họ. Ví dụ, một vị bộ trưởng có thể từ chức vì một bê bối liên quan đến một bộ phận nào đó trong bộ mình phụ trách theo một quy tắc bất thành văn về hành vi được coi là phù hợp trong những trường hợp tương tự như vậy, cho dù việc từ chức này có thể tác động tiêu cực tới tương lai chính trị của vị bộ trưởng. Ngoài ra, các nhà thể chế xã hội học lại cho rằng các chủ thể tuân thủ các chuẩn tắc bởi trong nhiều trường hợp họ không có một phương thức hành động thay thế nào khác. Ví dụ, một vị thủ tướng có thể phản ứng trước một cuộc khủng hoảng chính trị bằng cách chỉ định một ủy ban điều tra độc lập do thẩm phán tòa án tối cao đứng đầu. Trong trường hợp này quyết định của vị thủ tướng bắt nguồn từ thực tế rằng lựa chọn như vậy đã trở thành một phản ứng chuẩn mực đối với các cuộc khủng hoảng chính trị.

Theo cách hiểu thứ hai, thể chế là một cơ quan, tổ chức công với các cơ cấu và chức năng được định sẵn một cách chính thức nhằm điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động nhất định áp dụng chung cho toàn bộ dân cư. Đối với môt quốc gia, các thể chế chính trị bao gồm chính phủ, quốc hội và các cơ quan tư pháp. Mối quan hệ giữa các thể chế này được quy định bởi Hiến pháp.

Cũng theo cách hiểu này, trong quan hệ quốc tế, các thể chế quốc tế chính là các tổ chức quốc tế liên chính phủ được thiết lập nhằm quản lý và điều phối sự tương tác qua lại giữa các quốc gia trong những lĩnh vực vấn đề nhất định. Kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, số lượng các thể chế quốc tế đã gia tăng mạnh mẽ. Một số thể chế quốc tế tiêu biểu có thể kể đến bao gồm Liên Hiệp Quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu (EU)…

Sự phát triển và lớn mạnh của các thể chế quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai được nhiều nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế ghi nhận và lý giải, trong đó đáng chú ý là các học giả theo trường phái chủ nghĩa tân tự do, hay còn gọi là chủ nghĩa tự do thể chế. Mặc dù thừa nhận hệ thống quốc tế mang tính chất vô chính phủ, chủ nghĩa tân tự do lại cho rằng bối cảnh đó của hệ thống quốc tế không tạo ra sự đối đầu, cạnh tranh giữa các quốc gia mà khuyến khích họ hợp tác với nhau thông qua các thể chế quốc tế. Theo đó, các học giả của các trường phái này cho rằng các thể chế quốc tế giúp mang lại một số lợi ích quan trọng cho các quốc gia và sự hợp tác giữa họ với nhau. Thứ nhất, các thể chế quốc tế giúp cung cấp thông tin cho các bên tham gia, qua đó giúp họ đưa ra được những quyết định chính sách đúng đắn nhất có lợi cho tất cả các bên. Thứ hai, các thể chế quốc tế làm giảm các chi phí giao dịch trong quá trình giải quyết các vấn đề chung nhờ chia sẻ các nguồn lực và phối hợp hành động giữa các quốc gia. Thứ ba, các thể chế tạo ra khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh hành vi của các tác nhân tham gia hệ thống chính trị quốc tế. Điều này có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính ổn định của hệ thống và giúp giữ gìn an ninh, hòa bình cũng như có lợi cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia.

Chính vì vậy các thể chế quốc tế đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia. Từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các thể chế quốc tế càng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc quản lý hệ thống quốc tế và thúc đẩy sự ra đời một cơ chế quản trị toàn cầu trong tương lai. Việc tham gia vào các thể chế, tổ chức quốc tế trở thành một nhu cầu thiết yếu đối với tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nhỏ, yếu đang phát triển.

Đối với Việt Nam, kể từ khi tiến hành chính sách Đổi mới, ngoại giao đa phương ngày càng giữ một vị trí quan trọng, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước trên thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 650 tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Việc tham gia vào các thể chế, tổ chức quốc tế đã góp phần củng cố và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, tạo ra thế cơ động linh hoạt trong quan hệ quốc tế, có lợi cho việc bảo vệ độc lập tự chủ và an ninh cũng như công cuộc phát triển kinh tế của nước ta.

Đánh giá bài viết
1 871
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi