Quy định về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

Tải về

Ngày 08/6/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BGDĐT quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Đây là văn bản hợp nhất mới nhất và đang có hiệu lực quy định về việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Trong đó, những ai muốn đạt chuẩn nhà giáo nên chú ý những nội dung quan trọng sau đây.

Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm được coi là một “giấy phép hành nghề” cho những ai mong muốn trở thành giáo viên, giảng viên nhưng học trái ngành, hoặc chưa có chứng chỉ hành nghề - chứng chỉ đứng lớp, hay cần bổ sung hồ sơ thi công chức - nâng ngạch... Trang bị cho đối tượng bồi dưỡng hệ thống các kiến thức và kỹ năng thực hành sư phạm để đạt trình độ chuẩn của nhà giáo.

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng3

1. Văn bản này quy định về bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bao gồm: điều kiện và quy trình giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng; quy định về chương trình bồi dưỡng; bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng, nhiệm vụ và quyền của giảng viên, học viên; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

2. Văn bản này áp dụng đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (sau đây gọi tắt là cơ sở bồi dưỡng) được giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; những người cần có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đúng cấp học, trình độ đào tạo để đạt trình độ chuẩn của nhà giáo quy định tại Điều 77 của Luật Giáo dục.

Điều 2. Mục đích bồi dưỡng4

Trang bị cho đối tượng bồi dưỡng hệ thống các kiến thức và kỹ năng thực hành sư phạm để đạt trình độ chuẩn của nhà giáo.

Điều 3. Hình thức bồi dưỡng

Việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm được thực hiện theo hình thức tín chỉ.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, THẨM QUYỀN, HỒ SƠ, QUY TRÌNH GIAO NHIỆM VỤ BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM

Điều 4. Điều kiện để các cơ sở bồi dưỡng được phép bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm5

Các cơ sở bồi dưỡng được phép bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng cụ thể khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có đủ giảng viên cơ hữu, đúng chuyên ngành để giảng dạy các học phần trong chương trình bồi dưỡng. Giảng viên tham gia giảng dạy phải có trình độ thạc sĩ trở lên, có ít nhất 5 năm giảng dạy trong lĩnh vực chuyên môn của chương trình bồi dưỡng.

2. Có chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cụ thể cho từng đối tượng bồi dưỡng được xây dựng trên cơ sở chương trình tương ứng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

3. Có đủ giáo trình phù hợp với chương trình bồi dưỡng, tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng dạy và học tập.

4. Có đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, trường thực hành sư phạm, đáp ứng được yêu cầu bảo đảm chất lượng cho công tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Điều 5. Thủ tục giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các cơ sở giáo dục đại học6

1. Quy định về mẫu về tờ trình, đề án bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với từng đối tượng bồi dưỡng cho các cơ sở bồi dưỡng khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 của Quy định này. Cơ sở bồi dưỡng có nhu cầu đăng ký nhận nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cần lập hồ sơ đăng ký nhận nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, hồ sơ gồm có:

a) Tờ trình đăng ký nhận nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng (mẫu Tờ trình quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này);

b) Đề án bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng (mẫu Đề án quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này).

2. Quy trình giao nhiệm vụ:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo Điều 4 của Quy định này. Trường hợp cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ các điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ra quyết định giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Trong trường hợp cơ sở giáo dục chưa đáp ứng các điều kiện quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo kết quả thẩm định và nêu rõ lý do bằng văn bản.

3. Quy định số bộ hồ sơ là 01 bộ.

Chương III

BỒI DƯỠNG VÀ CẤP CHỨNG CHỈ

Điều 6. Đối tượng bồi dưỡng7

Người có bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng cần có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để đạt trình độ chuẩn của nhà giáo theo quy định tại Điều 77 của Luật Giáo dục.

Điều 7. Kế hoạch bồi dưỡng8

Hàng năm, các cơ sở được giao nhiệm vụ bồi dưỡng thông báo kế hoạch bồi dưỡng cho năm sau đối với các đối tượng được quy định tại Điều 6 của Quy định này.

Điều 8. Hình thức tuyển sinh

Tuyển sinh khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo hình thức xét tuyển.

Điều 9. Điều kiện dự tuyển9

1. Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng.

2. Có đủ sức khoẻ để tham gia bồi dưỡng.

3. Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng hạn theo quy định của cơ sở bồi dưỡng.

Điều 10. Thủ tục Đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm10

1. Hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng do cơ sở bồi dưỡng được giao nhiệm vụ quy định.

2. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho cơ sở bồi dưỡng chậm nhất là 30 ngày trước khi xét tuyển.

Điều 11. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm11

1. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thể hiện mục tiêu, nội dung bồi dưỡng; quy định kiến thức, kỹ năng, phương pháp bồi dưỡng, cách thức đánh giá kết quả bồi dưỡng.

2. Trên cơ sở Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các cơ sở bồi dưỡng xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng cụ thể.

Điều 12. Tổ chức bồi dưỡng12

1. Các đối tượng quy định tại Điều 6 của Quy định này phải học tập toàn bộ chương trình bồi dưỡng.

2. Đối với các đối tượng có bằng tiến sĩ, thạc sĩ được miễn các học phần tương ứng đã được học trong chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ.

Điều 13. Cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

1. Người học được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm khi:

a) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo Quy định này;

b) Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các học viên đạt các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Mẫu chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ BỒI DƯỠNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA GIẢNG VIÊN, HỌC VIÊN

Điều 14. Trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng13

1. Xây dựng các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng bồi dưỡng và biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập.

2. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng.

3. Tổ chức tuyển sinh bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo đúng quy định hiện hành.

4. Quản lý quá trình học tập của học viên, đánh giá kết quả học tập và cấp bảng điểm học tập cho học viên.

5. Quyết định danh sách học viên nhập học, công nhận kết quả học tập.

6. Thu, quản lý và sử dụng kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo đúng quy định hiện hành.

7. Cấp và quản lý việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho từng đối tượng theo đúng Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 15. Nhiệm vụ và quyền của giảng viên

1. Nhiệm vụ của giảng viên:

a) Giảng dạy, hướng dẫn học viên tự học, thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học;

b) Thường xuyên cập nhật kiến thức, cải tiến phương pháp dạy học, tư vấn, giúp đỡ học viên để nâng cao chất lượng bồi dưỡng;

c) Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật, nội quy của cơ sở bồi dưỡng.

2. Quyền của giảng viên:

a) Được giảng dạy đúng chuyên môn;

b) Được đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Nhiệm vụ và quyền của học viên

1. Nhiệm vụ của học viên:

a) Thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch học tập, nghiên cứu khoa học trong thời gian bồi dưỡng;

b) Tôn trọng nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên của cơ sở bồi dưỡng;

c) Chấp hành pháp luật của nhà nước, nội quy, quy chế của cơ sở bồi dưỡng;

d) Giữ gìn, bảo vệ tài sản của cơ sở bồi dưỡng.

2. Quyền của học viên:

a) Được cơ sở đào tạo cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về quá trình học tập;

b) Được sử dụng thư viện, phòng thí nghiệm, các trang thiết bị học tập của cơ sở bồi dưỡng và cơ sở đặt lớp bồi dưỡng;

c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Kinh phí bồi dưỡng14

1. Các cơ sở bồi dưỡng được thu học phí của các đối tượng bồi dưỡng để tự trang trải chi phí cho hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính hiện hành.

2. Cơ sở bồi dưỡng có trách nhiệm quản lý, kế toán và quyết toán kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định hiện hành.

Chương V

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 18. Thanh tra, kiểm tra

Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của các cơ sở bồi dưỡng theo quy định hiện hành. Nội dung thanh tra, kiểm tra bao gồm: Các hoạt động tuyển sinh, quá trình bồi dưỡng, cấp chứng chỉ, việc thu, chi trong công tác bồi dưỡng. Kết luận thanh tra, kiểm tra và các kiến nghị (nếu có) sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo cho các cơ sở bồi dưỡng bằng văn bản.

Điều 19. Khiếu nại, tố cáo15

Mọi tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về hoạt động vi phạm Quy định của cơ sở bồi dưỡng, về gian lận của người học, về sai phạm trong thực hiện chương trình bồi dưỡng, trong quá trình tổ chức và quản lý bồi dưỡng và trong việc thu, chi kinh phí bồi dưỡng. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 20. Xử lý vi phạm16

Tổ chức hay cá nhân nào vi phạm các điều trong Quy định Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tùy theo mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật./.

Đánh giá bài viết
1 2.452
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm