Câu hỏi và đáp án thi tuyển Kiểm sát viên trung cấp 2017

Tải về

Tổng hợp bộ câu hỏi và đáp án thi tuyển Kiểm sát viên trung cấp năm 2017

hoatieu.vn xin gửi tới bạn đọc bài viết tổng hợp bộ câu hỏi và đáp án thi tuyển Kiểm sát viên trung cấp năm 2017 để bạn đọc cùng tham khảo. Bộ câu hỏi bao gồm hai phần: bộ câu hỏi trắc nghiệm và bộ câu hỏi tự luận có đáp án. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết và tải về bộ câu hỏi để có thêm tài liệu ôn thi.

CÂU HỎI VÀ ĐÁP ÁN MÔN THI VIẾT, KỲ THI TUYỂN CHỨC DANH KIỂM SÁT VIÊN TRUNG CẤP

(Do các đơn vị trong ngành KSND biên soạn)

Chú thích: LTC = Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014; HS = Hình sự, Tố tụng hình sự; DS = Dân sự, Tố tụng dân sự; HC = Hành chính, KDTM, HNGD…

STT

Mã lĩnh vực

CÂU HỎI

ĐÁP ÁN

Ghi chú

1

LTC

Phân tích nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khâu công tác này? (20 điểm)

Theo quy định tại Điều 13 Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 thì khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tô giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn sau: (Viện dẫn được Điều luật 01 điểm)

1. Tiếp nhận đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do các cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết. (01 điểm)

2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo đầy đủ, kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận cho Viện KSND. (01 điểm)

3. Trực tiếp kiểm sát; kiểm sát việc kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ và kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo đầy đủ, kịp thời kết quả xác minh, giải quyết cho Viện KSND. (01 điểm)

4. Khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì Viện KSND yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động sau đây: (02 điểm)

4.1. Tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đầy đủ, đúng pháp luật; (02 điểm)

4.2. Kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và thông báo kết quả cho Viện KSND; (02 điểm)

4.3. Cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; (02 điểm)

4.4. Khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm người vi phạm. (02 điểm)

5. Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. (02 điểm)

6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. (02 điểm)

Các biện pháp nâng cao chất lượng khâu công tác này: …. (03 điểm)

1. Hà Nội

2

HS

Đồng chí hãy trình bày kỹ năng kiểm sát hoạt động đối chất, nhận dạng của Cơ quan điều tra. (20 điểm)

Hoạt động đối chất, nhận dạng là những hoạt động điều tra quan trọng và cần thiết để giải quyết những mâu thuẫn trong các lời khai của những người tham gia tố tụng hoặc để xác định người, vật, ảnh của một người nào đó liên quan tới vụ án. Qua nhận dạng, đối chất sẽ góp phần làm sáng tỏ vụ án. (01 điểm)

* Về đối chất:

Theo quy định tại Điều 138 BLTTHS, Điều 22 Quy chế kiểm sát điều tra thì khi thực hiện công tác kiểm sát hoạt động đối chất của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên phải kiểm sát một số vấn đề sau (Viện dẫn được đúng quy định 01 điểm):

+ Trước khi tiến hành đối chất, nếu có người tham gia đối chất là người bị hại, người làm chứng, thì Điều tra viên phải giải thích về trách nhiệm của những người này. Việc giải thích này của Điều tra viên phải được ghi vào biên bản đối chất. (01điểm)

+ Trước khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ của những người tham gia đối chất. Sau đó, Điều tra viên mới hỏi về những vấn đề cần đối chất. Việc đọc lời khai của họ ở những lần khai trước đây chỉ được tiến hành, sau khi những người tham gia đối chất đã trình bày hết những vấn đề cần đối chất. (01điểm)

+ Việc lập biên bản đối chất của Điều tra viên phải đảm bảo phán ánh trung thực những gì đã được đối chất và theo quy định tại các điều 95, 125,132 BLTTHS. (01điểm)

Nếu qua việc đối chất, Kiểm sát viên phát hiện thấy việc tiến hành đối chất của Cơ quan điều tra không đúng quy định của pháp luật, thì tùy từng trường hợp cụ thể:

+ Kiểm sát viên có thể trực tiếp yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục, như biên bản đối chất chưa đúng với quy định của BLTTHS... hoặc báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát để yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm; (02 điểm)

+Hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành đối chất lại (nếu là vi phạm nghiêm trọng)... hoặc tiến hành đối chất bổ sung, nếu việc đối chất chưa đạt được mục đích đề ra. Trong bản yêu cầu tiến hành đối chất lại hoặc đối chất bổ sung, Kiểm sát viên phải chỉ rõ vì sao và để làm rõ vấn đề gì khi đối chất lại, đối chất bổ sung. Nếu Kiểm sát viên thấy cần thiết tham gia việc đối chất, thì phải nói rõ trong bản yêu cầu đó để Cơ quan điều tra thực hiện. Việc ghi rõ trong bản yêu cầu về những vấn đề trên, nhằm bảo đảm cho việc đối chất lại hoặc đối chất bổ sung đạt kết quả, chất lượng (02 điểm)

Trong trường hợp cần thiết mà Kiểm sát viên thấy tự mình có thể tiến hành việc đối chất, thì báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát để thực hiện. (02 điểm)

*Về nhận dạng:

Theo quy định tại Điều 139 BLTTHS, Điều 22 Quy chế kiểm sát điều tra thì khi tiến hành kiểm sát nhận dạng của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên phải lưu ý những vấn đề sau (Viện dẫn được đúng quy định 01 điểm):

+Đối tượng được triệu tập đến để nhận dạng chỉ có thể là bị can, người làm chứng, người bị hại; (0,5 điểm)

+Nếu người nhận dạng là người làm chứng, là người bị hại, thì trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải giải thích quyền và trách nhiệm của họ; cho họ biết là nếu họ từ chối khai báo, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo sai sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo các điều 307, 308 BLHS và việc giải thích này cũng phải được ghi rõ trong biên bản (01 điểm);

+ Điều tra viên phải đưa ra ít nhất ba người, ba vật hoặc ảnh (nếu việc nhận dạng là người, vật hoặc ảnh) có bề ngoài tương tự giống nhau để nhận dạng (trừ trường hợp nhận dạng tử thi). Trong trường hợp đặc biệt, thì có thể nhận dạng qua giọng nói; (0,5điểm)

+ Trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải hỏi những người tham gia nhận dạng về đặc điểm, tính chất, vết tích... của người, vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng mà nhờ vào đó họ có thể nhận dạng được; (0,5 điểm)

+ Khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được phép đặt những câu hỏi có tính chất gợi ý người nhận dạng; (0,5 điểm)

+ Sau khi kết thúc việc nhận dạng, Điều tra viên phải hỏi người nhận dạng là họ đã dựa vào đâu, vào đặc điểm nào... để nhận dạng. (0,5 điểm)

- Việc nhận dạng phải có người chứng kiến và ký vào biên bản. Việc lập biên bản nhận dạng của Điều tra viên phải bảo đảm đúng thủ tục và hình thức biên bản được quy định tại các điều 95, 125,132 BLTTHS. (0,5 điểm) Trong biên bản, Điều tra viên phải ghi đầy đủ về nhân thân của người được đưa ra để nhận dạng và của những người nhận dạng; những đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng (0,5 điểm). Nếu Kiểm sát viên thấy cần thiết tham gia vào các hoạt động nhận dạng của Cơ quan điều tra, thì phải thông báo cho Cơ quan điều tra biết trước để thực hiện. (0,5 điểm)

Nếu qua hoạt động kiểm sát, Kiểm sát viên phát hiện thấy hoạt động nhận dang của Cơ quan điều tra không phản ánh đúng những nội dung nêu trên, không đúng quy định của pháp luật hoặc còn thiếu người, vật, ảnh cần nhận dạng, thì tùy trường hợp, Kiểm sát viên có thể trực tiếp yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm; (01 điểm)

Nếu hoạt động nhận dạng vi phạm không nghiêm trọng hoặc tiến hành nhận dạng bổ sung hoặc báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát để yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm, tiến hành nhận dạng lại (01 điểm)

Nếu hoạt động nhận dạng vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự. Bản yêu cầu của Kiểm sát viên phải rõ ràng cụ thể, chỉ rõ những vi phạm, những thiếu sót mà Cơ quan điều tra cần khắc phục hoặc cần bổ sung... gửi cho Cơ quan điều tra để thực hiện. (01điểm)

3

HS

A trộm cắp tài sản của B trị giá 100 triệu đồng. Hành vi của A cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điểm e Khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2009 và bị Tòa án tuyên phạt 3 năm tù. Anh (chị) hãy xác định: (20 điểm)

Hỏi:

a. Tội phạm mà A thực hiện thuộc loại tội gì? Tại sao?

b. Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng hay cấu thành tội phạm giảm nhẹ? Tại sao?

a. Loại tội mà A đã thực hiện thuộc loại tội nghiêm trọng (02 điểm)

Giải thích:

- Theo quy định Khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2009 quy định: “…tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù…” (03 điểm)

Theo bài A bị Tòa án áp dụng Điểm e Khoản 2 Điều 138 mà Theo quy định tại Khoản 2 Điều 138 BLHS 2009 thì khung hình phạt cao nhất là 07 năm tù do đó Tội phạm mà A thực hiện thuộc loại tội nghiêm trọng (05 điểm)

b. Hành vi phạm tội của A thuộc trường hợp cấu thành tội phạm (CTTP) tăng nặng (02 điểm)

Vì:

- CTTP là tổng hợp các dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho một loại tội phạm được quy định trong luật hình sự. (01 điểm)

Dựa theo tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, luật hình sự phân CTTP thành:

+ CTTP cơ bảnlà: CTTP chỉ bao gồm những dấu hiệu định tội;

+CTTP giảm nhẹlà: CTTP chứa những tình tiết làm tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm giảm đi đáng kể;

+ CTTP tăng nặng là: CTTP ngoài dấu hiệu định tội còn chứa dấu hiệu khác làm tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm tăng lên (02 điểm)

Như vậy, dấu hiệu bắt buộc để phân loại CTTP cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ là các dấu hiệu định khung, vì khi thỏa mãn những dấu hiệu đó sẽ cho phép chuyển khung hình phạt được áp dụng từ khung bình thường lên khung tăng nặng hoặc xuống khung giảm nhẹ (02 điểm).

Hành vi trộm cắp tài sản A trị giá 100 triệu đồng của A là tình tiết định khung thuộc (Điểm e Khoản 2 Điều 138),hành vi này phản ánh mức độ của tính nguy hiểm tăng lên rõ rệt so với các trường hợp trộm cắp tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 138 (CTTP cơ bản). Do vậy hành vi của A trong trường hợp này thuộc CTTP tăng nặng (03 điểm)

4

DS

Phân tích nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án Dân sự, Hôn nhân gia đình, Hành chính, Kinh doanh thương mại, Lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Nêu những điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án Dân sự, Hôn nhân gia đình, Hành chính, Kinh doanh thương mại, Lao động được quy định trong BLTTDS 2015 (20 điểm)

- Điều 27 Luật tổ chức Viện KSND năm 2014 quy định cụ thể nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án Dân sự, Hôn nhân gia đình, Hành chính, Kinh doanh thương mại, Lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật, như sau:

(Lưu ý: Thí sinh phải phân tích cụ thể từng nhiệm vụ,quyền hạn của Viện kiểm sát đối với khâu công tác này)

1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.

2. Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc.

3. Thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp pháp luật quy định.

4. Tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện KSND về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

5. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.

6. Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.

7. Kháng nghị, kiến nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng.

8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

(Trình bày đủ các ý được 10 điểm)

- Điểm mới:

- Về sự tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự của Viện KSND

Ngoài các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp như Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành; Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung một số nội dung mới như sau:

- Bổ sung quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng;

- Quy định đối với trường hợp Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm hoặc phiên tòa, phiên họp phúc thẩm mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm. Quy định này nhằm bảo đảm cho việc xét xử, giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng, kịp thời, đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên và của Viện kiểm sát.

- Đối với phiên tòa,phiên họp có đương sự là người chưa thành niên thì Viện kiểm sát vẫn phải tham gia phiên tòa, phiên họp.

- KSV phải tham gia phiên họp xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị về trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 194 BLTTDS.

- Về việc phát biểu ý kiến của Viện KSND tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm giải quyết vụ việc dân sự

+ Kiểm sát viên không chỉ phát biểu về việc chấp hành pháp luật tố tụng của thẩm phán, hội đồng xét xử như trước đây mà còn phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

+ Kết thúc phiên tòa, phiên họp Kiểm sát viên phải gửi bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ việc. Đây là điểm cần chú ý trong thực hiện công tác kiểm sát.

- Về thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát

+ Bổ sung quy định Kiểm sát viên khi được Viện trưởng Viện kiểm sát phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn “Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của Bộ luật này”

- Về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng Viện KSND

+ Viện trưởng Viện KSND Tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án nhân dân cấp cao, bản án quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ Quyết định Giám đốc thẩm của HĐTP TANDTC

+ Viện trưởng Viện KSDN Cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT Bản án, quyết định đã có hiệu lực của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi theo lãnh thổ.

(Trình bày đủ các ý được 10 điểm)

5

DS

Ngày 05/8/2015 TAND huyện C tiến hành xét xử Nguyễn Văn B 07 năm tù về tội cố ý gây thương tích và buộc B phải bồi thường cho bị hại số tiền tổn hại sức khỏe là 100.000.000 đồng. Nguyễn Văn B kháng cáo bản án trên. Ngày 28/02/2016 Tòa án nhân dân tỉnh H xét xử Nguyễn Văn B về tội cố ý gây thương tích theo trình tự phúc thẩm. Bản án số 234/HSPT của TAND tỉnh H đã tuyên phạt B 06 năm tù, đồng thời buộc B phải bồi thường cho bị hại Trần Văn K số tiền 100.000.000 đồng. (Trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án, gia đình Nguyễn Văn B đã nộp số tiền nêu trên để khắc phục hậu quả tại biên lai thu số 1350 ngày 20/02/2016 tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh H).

Ngày 16/10/2016 ông Trần Văn K có đơn yêu cầu thi hành án gửi Cục THADS tỉnh H, ngày 20/10/2016 Cục Thi hành án dân sự tỉnh H ban hành quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 56/QĐ-CTHADS, ngày 29/11/2016 tiến hành chi trả cho ông Trần Văn K số tiền 100.000.000 đồng và tiến hành thu phí thi hành án 3.000.000 đồng đối với ông Trần Văn K theo quyết định thu phí số 21/QĐ-CTHA ngày 29/11/2016. (20 điểm)

Việc ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu và thu phí thi hành án là Sai với quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2014 (05 điểm). Vì:

1. Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 35 Luật THADS được sửa đổi bổ sung năm 2014 về thẩm quyền thi hành án thì Thẩm quyền thi hành bản án, quyết đị trong trường hợp này thuộc cơ quan thi hành án dân sự huyện C; (05 điểm)

Theo quy định tại Khoản 2 Điểm b Khoản 1 Điều 35 Luật THADS được sửa đổi bổ sung năm 2014 thì cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành một số bản án, quyết định nhưng trong đó không có quy định đối với Bản án phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh cùng địa bàn.Do vậy việc cơ quan thi hành án tỉnh H ra ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của ông Trần Văn K là trái thẩm quyền (05 điểm)

2. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ về những trường hợp không phải chịu phí thi hành án thì: Người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án đối với tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe. Do vậy Ông Trần Văn K không phải chịu phí thi hành án vì đây là tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe. Nên Cơ quan thi hành án thu phí thi hành án 3.000.000 đồng của ông Trần Văn K trong trường hợp này là sai. (05 điểm)

Mời bạn đọc cùng tải về bản ZIP để xem đầy đủ nội dung thông tin

Đánh giá bài viết
1 1.366
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm