4 Bài tuyên truyền về phòng ngừa lao động trẻ em năm 2024

Bài tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em năm 2024 được Hoatieu.vn chia sẻ trong bài viết dưới đây gồm một số bài tuyên truyền về nội dung phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng sử dụng lao động trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em đăng tải trên trang thông tin điện tử các địa phương, nhà trường với chương trình hành động bảo vệ trẻ em năm 2024. Mời các bạn tham khảo các mẫu bài tuyên truyền trong bài viết dưới đây.

Trẻ em phải lao động sớm sẽ để lại nhiều hậu quả, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý, đồng thời cản trở việc tiếp cận giáo dục, từ đó tác động tiêu cực tới tương lai của chính trẻ em cũng như việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, đồng thời tác động tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Do đó, nỗ lực phòng ngừa để giảm thiểu lao động sớm ở trẻ em là vấn đề quan trọng đang được đặt ra hiện nay. Dưới đây là một số bài tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em năm 2024 được Hoatieu cập nhật và chia sẻ đến các bạn:

1. Tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em

Ở nước ta hiện nay, việc sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi ngày càng phổ biến. Vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau để một trẻ em làm những công việc giống như một người trưởng thành, thậm chí những công việc đó còn nặng nhọc, nguy hiểm. Do nhu cầu mưu sinh cho bản thân, gia đình hoặc cũng do bạo lực gia đình gây ra. Có trường hợp trẻ em tự nguyện làm việc, cũng có trường hợp làm việc do bị cưỡng chế. Có những trẻ sinh ra trong gia đình quá nghèo mà không được học tập phải đi làm phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống; cũng có những trẻ cơ nhỡ không nơi nương tựa bị một số thành phần xấu của xã hội lôi kéo, bóc lột sức lao động.

Nhằm chấn chỉnh bất cập về lao động trẻ em, ngày 27/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 782/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, đinh hướng đến năm 2030.

Chương trình đặt mục tiêu phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. Định hướng đến năm 2030, phấn đấu giảm tỉ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, nâng cao nhạn thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em; không để xảy ra việc sử dụng trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật, trường THCS......................... tuyên truyền một số quy định của pháp luật như sau:

Tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em

Từ xưa Bác Hồ đã dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, đến hiện tại pháp luật Việt Nam cũng không cấm trẻ em lao động, chỉ ngăn cấm các hành vi bóc lột sức lao động trẻ em. Chính vì vậy, Điều 143 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi, làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ LĐ-TBXH quy định.

* Nguyên tắc khi sử dụng lao động trẻ em

Theo quy định tại Điều 145 Bộ Luật lao động thì khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:

a) Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

b) Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi;

c) Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần trong 06 tháng;

d) Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

e) Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

* Thời gian làm việc cho lao động là trẻ em

Theo quy định tại Điều 146 Bộ luật lao động 2019 thì thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

* Xử phạt hành chính do vi phạm về sử dụng lao động là trẻ em

Điều 29 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/11/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quy định xử phạt vi phạm quy định về lao động chưa thành niên như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 144 của Bộ luật Lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó;

b) sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà giao kết hợp đồng không bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong đó 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;

c) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Điều 146 của Bọ luật Lao động;

d) Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

đ) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 143 của Bộ luật Lao động;

b) Sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 145 của Bộ luật Lao động hoặc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc được pháp luật cho phép mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn vè lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm các công việc bị cấm tại nơi làm việc bị cấm quy định tại Điều 147 của Bộ luật Lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Truy cứu hình sự về tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em

Tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em

Điều 296 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi như sau:

1. Người nào sử dụng người dưới 16 tuổi làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đậy, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mối người từ 31% đến 60%.

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 61% trở lên.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

2. Bài tuyên truyền về công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em; không để xảy ra việc sử dụng trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật. Ngày 09/08/2021 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 3186/KH-SGDĐT thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định pháp luật ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Luật trẻ em tại Việt Nam, trẻ em là người dưới 16 tuổi nhưng theo Công ước quốc tế trẻ em là người dưới 18 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ em có quyền được chăm sóc nuôi dưỡng, được học tập và phát triển, được cha mẹ dạy dỗ, được luật pháp bảo vệ. Bên cạnh đó, trẻ em cũng cần thực hiện những nghĩa vụ, trách nhiệm của mình như: chăm chỉ học tập; giữ gìn vệ sinh; kính trọng ông bà, bố mẹ, thầy cô; đoàn kết với bạn bè; yêu quê hương, bảo vệ đất nước; trẻ em cần yêu lao động, giúp đỡ gia đình những việc vừa sức của mình. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, nhiều trẻ em đang phải phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm có nguy cơ cao về tai nạn và bị khai thác triệt để sức lao động. Phần lớn các em sẽ phải chịu các tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý của trẻ.

Bài tuyên truyền về công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng lao động trẻ em là: Do nghèo đói, bạo lực gia đình, do người sử dụng lao động muốn tiết kiệm chi phí sản xuất đã sử dụng lao động trẻ em với tiền công rẻ mạt, do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận dân cư về điều kiện làm việc, về nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ em tham gia lao động, do trẻ em bị bỏ rơi, lang thang tự mình kiếm sống…

Để phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cần sự chung tay của toàn xã hội, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa và xoá bỏ lao động trẻ em thông qua nâng cao nhận thức xã hội, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng là lao động trẻ em và thực hiện các chính sách xoá đói, giảm nghèo, …

Tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em. Thông qua họp với cha mẹ học sinh để tuyên truyền: Quyền và nghĩa vụ của trẻ em, gia đình tạo điều kiện tốt nhất cho con em học tập và giáo dục các em biết yêu lao động, biết chia sẻ với các thành viên trong gia đình phù hợp với lứa tuổi, với sức khỏe của các em.

Tổ tư vấn chăm sóc sức khỏe học sinh trong trường học thực hiện đúng chức năng: Sẵn sàng lắng nghe, săn sàng tư vấn và can thiệp giúp đỡ- nếu cần.
Tích hợp việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tích cực vào chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa. Giáo dục trẻ biết vâng lời, không tự ý bỏ học, bỏ nhà vì những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống, dạy trẻ cách chia sẻ.

Tăng cường các điều kiện, đảm bảo môi trường vật chất và môi trường tâm lý cho trẻ, thực hiện trường học an toàn, thân thiện. Củng cố, cải tạo hệ thống tường rào, cổng bảo vệ an toàn, phòng học an toàn đảm bảo công tác an ninh trường học.

Xây dựng môi trường sống thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Với mục tiêu, mọi trẻ em đều được bảo vệ để giảm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chú trọng đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em.

Với mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Cự Khối luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền về “phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định pháp luật”; cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tới mỗi PHHS và người dân trên các kênh truyền thông như trang web nhà trường, nhóm lớp, phần mềm Enetviet và đặc biệt là lồng ghép trong tiết Sinh hoạt lớp. Với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đề ra trong chương trình và đặc biệt là sự chung tay của toàn xã hội, chúng ta tin rằng những mục tiêu của chương trình sẽ đạt kết quả cao.

3. Bài tuyên truyền về ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em

Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12 – 6) được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra năm 2002 và được Liên hợp quốc công nhận, nhằm nâng cao nhận thức và hành động để ngăn chặn lao động trẻ em. Hướng tới Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ năm nay, thông điệp “Tăng cường phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em” tiếp tục được đề cao, nhất là sau bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em.

Bài tuyên truyền về ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em

Lao động trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Theo ước tính của ILO, năm 20... có 160 triệu trẻ em tham gia lao động trẻ em và 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cảnh báo số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng lên thêm 8,9 triệu (168,9 triệu) vào năm 2022.

Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra quốc gia về Lao động trẻ em năm 20... (công bố cuối năm 20...), cả nước có khoảng 1 triệu lao động trẻ em, hơn một nửa trong số đó đang làm những công việc lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; gần một nửa không đi học và 1,4% chưa từng đi học. Điều tra cũng cho thấy trong cùng một độ tuổi, tỷ lệ trẻ em đang đi học ở nông thôn thấp hơn trẻ em ở thành thị. Ngoài lý do không thích đi học, học kém, điều đáng quan tâm ở đây là có đến 15% trẻ em nghỉ học vì lý do tham gia lao động để tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và 14.4% không tiếp tục đi học vì không có tiền để học tập.

Phát huy vai trò tiên phong của Liên minh 8.7, Chính phủ Việt Nam đã giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc học tập của trẻ em hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng núi bằng việc chi ngân sách nhà nước, kết hợp vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp và các nhóm xã hội để mở rộng diện bao phủ sóng internet, hỗ trợ máy tính cho trẻ em nghèo, trẻ em di cư, kết hợp linh hoạt giữa học trực tuyến với trở lại trường học. Nhờ vậy, Việt Nam hiện có tới 94,4% trẻ em được tiếp cận giáo dục.

Công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012, xuống còn 9,1% năm 20.... Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung vào 5 nhóm giải pháp cơ bản, bao gồm:

Thứ nhất, thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách
bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ
em trong các hộ gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác.

Thứ hai, tăng cường các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên.

Thứ ba, đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế như ILO/ Bộ Lao động Hoa kỳ, UNICEF và các đối tác khác về cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức một cách phù hợp; tạo nguồn sinh kế cho các gia đình nghèo; hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp.

Thứ tư, đổi mới truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của các cấp, các ngành, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em.

Thứ năm, tập trung giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em của trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Hãy chung tay bảo vệ trẻ em và nói không với lao động trẻ em!

4. Tuyên truyền chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định pháp luật ngành Giáo dục và Đào tạo

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em; không để xảy ra việc sử dụng trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật. Ngày 09/08/2021 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 3186/KH-SGDĐT thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định pháp luật ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định pháp luật với mục tiêu chung là: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển Chương trình tại các cơ sở giáo dục (CSGD) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố theo từng giai đoạn; nâng cao nhận thức của toàn xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng Chương trình ở các CSGD, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng, hiện đại và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các CSGD, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ và trẻ em để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định pháp luật (sau đây gọi tắt là lao động trẻ em)

* Chương trình cũng đề ra những mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu 1: Phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.

- Mục tiêu 2: Truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

- Mục tiêu 3: Đào tạo, tập huấn về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Định hướng đến năm 2030: Tiếp tục duy trì tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên (tính từ 5 đến 17 tuổi) dưới 1% và giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

Để thực hiện được những mục tiêu và định hướng trên chương trình cũng chỉ rõ những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện Chương trình.

2. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

3. Nâng cao năng lực chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.

4. Tăng cường phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ và can thiệp lao động trẻ em và trẻ có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.

5. Xây dựng và triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

7. Vận động nguồn lực.

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em.

9. Tiến hành khảo sát đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Chương trình.

Với mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học...................... luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền về “phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định pháp luật”; cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tới mỗi PHHS và người dân trên các kênh truyền thông như trang web nhà trường, nhóm lớp, phần mềm Enetviet và đặc biệt là lồng ghép trong tiết Sinh hoạt lớp. Với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đề ra trong chương trình và đặc biệt là sự chung tay của toàn xã hội, chúng ta tin rằng những mục tiêu của chương trình sẽ đạt kết quả cao.

Trên đây là một số mẫu bài Tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, bảo vệ trẻ emHoatieu tổng hợp được, bạn đọc có thể tham khảo thêm các bài viết liên quan khác tại chuyên mục Biểu mẫu: Giáo dục - đào tạo.

Đánh giá bài viết
2 2.464
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi