Giáo dục STEM, STEAM là gì 2024?

Giáo dục STEM, STEAM là gì 2024? HoaTieu.vn xin được cùng với thầy cô đi tìm hiểu về mô hình giáo dục STEM và giáo dục STEAM qua bài viết dưới đây để thầy cô có thể hiểu rõ hơn về mô hình giáo dục STEM và giáo dục STEAM. Mời các em học sinh, bậc phụ huynh và thầy cô cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Vào những thập niên 50 và 60, Mỹ là nước đầu tiên phổ cập giáo dục phổ thông cho cả nước và cũng là nước đầu tiên tạo ra hệ thống các trường cao đẳng, đại học rộng rãi. Hệ thống giáo dục của họ vào thời điểm này được đánh giá là tốt nhất thế giới, cùng với đó là những kết quả tuyệt vời mà nền khoa học và kinh tế Mỹ đạt được.

Tuy nhiên, ngày nay nhiều nước đã cho thấy học sinh của họ có một bước tiến vượt bậc và nổi trội so với học sinh của Mỹ về các kỹ năng cũng như kiến thức trong trường học phổ thông, chẳng hạn như Phần Lan, Hàn Quốc, Hongkong hay Singapore. Một trong những bước đi quan trọng của Mỹ trong cải cách giáo dục để tìm lại vị thế của mình là phát triển giáo dục STEM và giáo dục STEAM. Tại sao giáo dục STEM và giáo dục STEAM lại trở nên quan trọng như vậy và chúng ta cần phải hiểu như thế nào về giáo dục STEM và giáo dục STEAM?

1. STEM là gì?

STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học).

Mô hình giáo dục STEM là gì?

1.1. Giáo dục STEM là gì?

Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Giáo dục STEM sẽ thu hẹp khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường có tính sáng tạo cao và sử dụng trí óc có tính chất công việc ít lặp lại trong thế kỷ 21.

1.2. Môn học STEM là gì?

STEM là môn học mà học sinh được học các kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học một cách tích hợp. Thông thường, các môn học STEM được thiết kế ở dạng chủ đề và học sinh được học kiến thức tích hợp dựa trên các chủ đề này. Ví dụ, khi học một chủ đề về hệ mặt trời, học sinh không chỉ đơn thuần học về khoa học để nghiên cứu xem hệ mặt trời gồm những thành phần nào hay đặc điểm của chúng ra sao mà còn được học những ý tưởng phát hiện ra kính thiên văn (tức là tìm hiểu Công nghệ), học về giá đỡ cho kính thiên văn (liên quan đến môn Kỹ thuật), hay học cách tính tỷ lệ khoảng cách giữa các ngôi sao hay bán kính của các ngôi sao (chính là môn Toán học). Môn học Robotics chính là môn học điển hình cho giáo dục STEM.

1.3. Học STEM như thế nào?

Một trong những phương pháp dạy và học mang lại hiệu quả cao nhất cho giáo dục STEM là phương pháp “Học qua hành” -“Learning by doing”. Phương pháp “Học qua hành” giúp học sinh có được kiến thức từ kinh nghiệm thực hành chứ không phải chỉ từ lý thuyết. Bằng cách xây dựng các bài giảng theo chủ đề và dựa trên thực hành, học sinh sẽ được hiểu sâu về lý thuyết, nguyên lý thông qua các hoạt động thực tế. Chính các hoạt động thực tế này sẽ giúp học sinh nhớ kiến thức lâu hơn, sâu hơn. Học sinh sẽ được làm việc theo nhóm, tự thảo luận tìm tòi kiến thức, tự vận dụng kiến thức vào các hoạt động thực hành rồi sau đó có thể truyền đạt lại kiến thức cho người khác. Với cách học này, giáo viên không còn là người truyền đạt kiến thức nữa mà sẽ là người hướng dẫn để học sinh tự xây dựng kiến thức cho chính mình.

1.4. Tại sao giáo dục STEM lại quan trọng?

Một thống kê ở Mỹ cho thấy từ năm 2004 đến năm 2014, việc làm liên quan đến khoa học và kỹ thuật tăng 26%, gấp hai lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của các ngành nghề khác. Trong khi đó, việc làm STEM có tốc độ tăng trưởng gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng trung bình của các ngành khác nếu tính từ năm 1950 đến 2007.

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì nhu cầu việc làm liên quan đến STEM ngày càng lớn, đòi hỏi ngành giáo dục cũng phải có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Giáo dục STEM có thể tạo ra những con người đáp ứng được nhu cầu công việc của thế kỷ mới, có tác động lớn đến sự thay đổi nên kinh tế đổi mới.

Trong một bài phát biểu trước thượng nghị viện Mỹ, Bill Gates đã từng nói: “Chúng ta không thể duy trì được nền kinh tế dẫn đầu toàn cầu trừ khi chúng ta xây dựng được lực lượng lao động có kiến thức và kỹ năng để sáng tạo”. Bill Gates đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục trong việc xây dựng lực lượng lao động này. Ông nói tiếp: “Chúng ta cũng không thể duy trì được một nền kinh tế sáng tạo trừ phi chúng ta có những công dân được đào tạo tốt về toán học, khoa học và kỹ thuật”.

1.5. Các kỹ năng STEM được hiểu như thế nào?

Giáo dục STEM không phải là để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư hay những kỹ thuật viên mà là phát triển cho học sinh các kỹ năng có thể được sử dụng để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay. Vâng, đó chính là kỹ năng STEM. Kỹ năng STEM được hiểu là sự tích hợp, lồng ghép hài hòa từ bốn nhóm kỹ năng là: Kỹ năng khoa học, kỹ năng công nghệ, kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng toán học.

  • Kỹ năng khoa học: là khả năng liên kết các khái niệm, nguyên lý, định luật và các cơ sở lý thuyết của giáo dục khoa học để thực hành và sử dụng kiến thức này để giải quyết các vấn đề trong thực tế.
  • Kỹ năng công nghệ: Là khả năng sử dụng, quản lý, hiểu biết, và truy cập được công nghệ. Công nghệ là từ những vật dụng hằng ngày đơn giản nhất như quạt mo, bút chì đến những hệ thống sử dụng phức tạp như mạng internet, mạng lưới điện quốc gia, vệ tinh… Tất cả những thay đổi của thế giới tự nhiên mà phục vụ nhu cầu của con người thì được coi là công nghệ.
  • Kỹ năng kỹ thuật: Là khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn diễn ra trong cuộc sống bằng cách thiết kế các đối tượng, hệ thống và xây dựng các quy trình sản xuất để tạo ra đối tượng. Hiểu một cách đơn giản, học sinh được trang bị kỹ năng kỹ thuật là có khả năng sản xuất ra đối tượng và hiểu được quy trình để làm ra nó. Học sinh phải có khả năng phân tích, tổng hợp và kết hợp để biết cách làm thế nào cân bằng các yếu tố liên quan (như khoa học, nghệ thuật, công nghệ, kỹ thuật) để có được một giải pháp tốt nhất trong thiết kế và xây dựng quy trình. Ngoài ra, học sinh còn có khả năng nhìn nhận ra nhu cầu và phản ứng của xã hội trong những vấn đề liên quan đến kỹ thuật.
  • Kỹ năng toán học: Là khả năng nhìn nhận và nắm bắt được vai trò của toán học trong mọi khía cạnh tồn tại trên thế giới. Học sinh có kỹ năng toán học sẽ có khả năng thể hiện các ý tưởng một cách chính xác, áp dụng các khái niệm và kĩ năng toán học vào cuộc sống hằng ngày.

Mô hình giáo dục STEM là gì?

1.6. Giáo dục STEM còn cung cấp những kỹ năng gì?

Ngoài những kỹ năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, giáo dục STEM còn cung cấp cho học sinh những kỹ năng cần thiết giúp học sinh phát triển tốt trong thế kỷ 21 như: kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, kỹ năng cộng tác, kỹ năng giao tiếp…

Kỹ năng giải quyết vấn đề là kỹ năng rất cần cho học sinh trong thế kỷ 21, thế kỷ mà số lượng các công việc có tính chất sáng tạo và không lặp đi lặp lại tăng mạnh, đòi hỏi người lao động phải chủ động trang bị năng lực giải quyết vấn đề. Tư duy phản biện được hiểu là một quá trình tư duy và phân tích thông tin theo một hướng khác của một vấn đề để từ đó làm sáng tỏ và khẳng định lại vấn đề. Đây thực sự là một cách tiếp cận tốt trong giáo dục mà vốn từ xưa tới nay, học sinh tiếp nhận thông tin, kiến thức từ giáo viên một cách thụ động. Tư duy phản biện sẽ giúp học sinh hiểu vấn đề sâu hơn, hình thành lối suy nghĩ logic và kỹ năng xử lý thông tin tốt hơn. Kỹ năng cộng tác và giao tiếp cũng là các kỹ năng vô cùng quan trọng để phát triển trong thế kỷ 21 bởi các công việc ngày càng đòi hỏi sự chia sẻ, giao tiếp và các kỹ năng này sẽ khiến vấn đề được giải quyết một cách nhanh chóng, trôi chảy và mang lại hiệu quả cao.

Vai trò của Công nghệ (T) và Kỹ thuật (E)

Chương trình giáo dục của thế kỷ 20 chủ yếu tập trung vào Khoa học (S) và Toán học (M) mà xem nhẹ vai trò của Công nghệ (T) và Kỹ thuật (E). Không chỉ cần Toán học và Khoa học, trong thế kỷ 21 chúng ta còn cần Công nghệ và Kỹ thuật cũng như các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm, và cộng tác. Các kỹ năng về kĩ thuật cho phép học sinh có thể tiếp cận những phương pháp, nền tảng để thiết kế và xây dựng các thiết bị từ đơn giản đến phức tạp mà xã hội cần hoặc đã và đang sử dụng. Học sinh được cung cấp các kiến thức về công nghệ sẽ có khả năng sử dụng công nghệ thành thạo, đem lạitính hiệu quả cao hơn, nhanh hơn, chính xác trong công việc. Nếu nền giáo dục không có T and E thì học sinh chỉ được trang bị lý thuyết, khái niệm, nguyên lý, công thức, định luật mà không được trang bị kiến thức để áp dụng vào thực tiễn. Vì vậy, việc kết hợp các kỹ năng STEM ngày càng trở nên quan trọng trong thế kỷ 21.

STEM là tích hợp

Rào cản lớn nhất trong nền giáo dục truyền thống là sự tách rời giữa bốn lĩnh vực quan trọng: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học. Sự tách rời này sẽ tạo ra khoảng cách lớn giữa học và làm, giữa nhà trường và doanh nghiệp. Học sinh, sinh viên được đào tạo theo mô hình truyền thống sẽ mất một khoảng thời gian để hiểu cách các cơ sở lý thuyết, nguyên lý được chuyển thành các ứng dụng thực tế trong khi kiến thức đã bị mài mòn. Hơn nữa, tư duy liên kết các sự vật, hiện tượng với các ứng dụng và kỹ thuật cũng rất hạn chế.

Giáo dục STEM là phương pháp tiếp cận liên ngành tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học nhằm mang đến cho học sinh những trải nghiệm thực tế thậtc sự có ý nghĩa. Việc dạy và học STEM tăng tính hấp dẫn với học sinh, giúp học sinh hiểu sâu hơn vấn đề, đạt hiệu quả học tập cao hơn .

1.7. Giáo dục STEM tại Việt Nam

Chúng ta đang sống trong thời đại hòa nhập cao giữa các quốc gia có văn hóa khác nhau, nhu cầu trao đổi công việc và nhân lực cũng ngày một cao. Bối cảnh đó đòi hỏi ngành giáo dục cũng cần chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng và kiến thức theo chuẩn toàn cầu.

Giáo dục STEM với nhiệm vụ cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh thế kỷ 21 sẽ là mô hình giáo dục diện rộng trong tương lai gần của thế giới. Phương pháp giáo dục STEM còn khá mới mẻ và có phương pháp tiếp cận khác trong giảng dạy và học tập nên cần được sự quan tâm và nhận thức của toàn xã hội. Những người hoạch định chính sách cần có phương pháp nâng cao nhận thức của các tầng lớp xã hội về giáo dục STEM, từ các bậc cha mẹ, giáo viên, nhà trường, đến nhữngnhà giáo dục các cấp. Cải cách giáo dục là điều tất yếu, triển khai giáo dục STEM để đón đầu xu hướng phát triển giáo dục sẽ đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển cuả đất nước trong tương lai.

2. STEAM là gì?

STEAM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật), Arts (nghệ thuật) và Mathematics (toán học).

Phương pháp giáo dục STEAM được coi là phiên bản nâng cấp của phương pháp STEM. Nói cách khách, phương pháp STEAM là sự kết hợp giữa phát triển kỹ năng nghệ thuật Art với phương pháp STEM.

2.1. Giáo dục STEAM là gì?

Giáo dục STEAM là một khái niệm dạy học liên nghành kết hợp giữa nghệ với các môn học STEM truyền thống là: Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học. Nó nhấn mạnh việc học tập dựa trên thực hành thay vì theo cách giáo dục truyền thống, kiến thức lý thuyết. STEAM là ý tưởng sáng tạo ban đầu của Trường Thiết Kế Rhode Island (Mỹ), sau đó được sử dụng bởi nhiều nhà giáo dục và dần dần lan rộng ra cả Hoa Kỳ. Đây là một phương pháp tiếp cận giáo dục kiểu mới, trong đó Khoa Học, Công Nghệ, Kỹ Thuật, Nghệ Thuật, và Toán Học cũng được sử dụng để giảng dạy và hướng dẫn cho học sinh. STEAM là một sự chuyển đổi từ cách thức giáo dục truyền thống, dựa vào tiêu chuẩn điểm số để đánh giá, với mục đích giúp học sinh hiểu được sự liên quan giữa các khối kiến thức và có thể vận dụng tốt vào thực tế.

2.2. Môn học STEAM là gì?

Trong môn học STEAM, học sinh thường được khuyến khích tham gia vào các hoạt động thực hành, dự án sáng tạo và thảo luận nhóm. Họ có thể áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật, toán học và nghệ thuật để giải quyết các vấn đề thực tế hoặc tạo ra các sản phẩm sáng tạo.

Môn học STEAM giúp phát triển các kỹ năng quan trọng như tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm và tự tin. Nó cũng khuyến khích sự phát triển toàn diện của học sinh, giúp họ hình thành một cách tư duy linh hoạt và sẵn sàng đối mặt với các thách thức trong tương lai.

Truyền cảm hứng cũng luôn là một yếu tố quan trọng để trẻ tìm thấy đam mê và phát huy tiềm năng bản thân. Nội dung kiến thức trong giáo dục STEAM không khác nhiều với chương trình giáo dục thông thường nhưng nó khuyến khích học sinh tìm ra giải pháp thực tế cho mỗi vấn đề mà chúng đang gặp phải. Các em được tham gia nhiều vào các hoạt động thảo luận, chẳng hạn như tìm giải pháp về sự suy giảm nguồn nước, vấn đề y tế theo những cách thức gần gũi để rèn luyện tư duy sáng tạo, luôn biết liên hệ đến thực tế.

2.3. Học STEAM như thế nào?

Đối với chương trình giáo dục thông thường, việc các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học với nhau thường ít được áp dụng. Điều này đồng nghĩa với việc “học đi đôi với hành” cũng sẽ bị hạn chế. Chính vì vậy, phương pháp giáo dục STEAM là phương pháp giúp người học hệ thống hóa kiến thức một cách hiệu quả, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Khi kiến thức của các môn học được liên kết, tích hợp hợp lý, các em học sinh sẽ nắm được nguyên lý, từ đó có thể trực tiếp thực hành và tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

Cụ thể hơn, học sinh sẽ được trực tiếp tham gia các hoạt động thực hành để tự rút ra kết luận cuối cùng và bài học kinh nghiệm. Đây cũng là phương pháp giúp ghi nhớ hiệu quả thay vì để các em học thuần lí thuyết.

2.4. Tại sao giáo dục STEAM lại quan trọng?

Hai yếu tố chủ chốt tạo nên STEAM chính là tính thực tế và sự kết hợp chặt chẽ giữa 5 bộ môn. Thay vì tiếp thu kiến thức thụ động thông qua những bài giảng thuần lý thuyết và những cuốn giáo trình khô khan thì con trẻ được trực tiếp đối mặt với các vấn đề xảy ra trong thực tế cuộc sống, đồng thời tự tìm ra hướng giải quyết nó. Theo thời gian, kiến thức thực tế sẽ được tích lũy dần qua mỗi lần giải quyết vấn đề. Đó là những kiến thức mà các em có thể áp dụng ngay vào cuộc sống của mình chứ không phải những kiến thức mang tính thuộc lòng.

Trong kỷ nguyên mới này, cùng với sự thay đổi và phát triển không ngừng của xã hội, có lẽ sẽ không còn những công việc chỉ yêu cầu duy nhất sự hiểu biết về một lĩnh vực. Phần lớn, các công việc đều cần sự kết hợp kiến thức, kỹ năng từ nhiều bộ môn khác nhau. Ví dụ đơn giản nhất là Kiến trúc sư. Công việc của họ yêu cầu kiến thức liên môn rõ ràng từ tính toán về mặt thông số kỹ thuật để công trình được xây dựng đảm bảo an toàn và đương nhiên là không thể cho qua tính thẩm mỹ của công trình đó. Việc học sinh được học theo phương pháp này sẽ giúp các em được tiếp thu kiến thức liên kết một cách liền mạch. Đó cũng là bệ phóng vững chắc nhất cho sự nghiệp trong tương lai.

2.5. Chữ “A” trong STEAM

Chữ “A” trong STEAM là thuật ngữ đại diện cho nghệ thuật tự do, nghệ thuật ngôn ngữ, nghiên cứu xã hội, nghệ thuật thể chất, mỹ thuật và âm nhạc. Giáo dục STEAM là áp dụng tư duy sáng tạo cho các dự án STEM, kích thích trí tưởng tượng và sáng tạo của trẻ thông qua nghệ thuật. Nó cũng khám phá nơi nghệ thuật tự nhiên phù hợp với các môn học STEM. Học các môn nghệ thuật góp phần vào việc phát triển các kỹ năng cần thiết như công tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề và suy nghĩ phê phán. Nó cũng tăng cường tính linh hoạt của học sinh, khả năng thích ứng, năng suất, trách nhiệm và đổi mới. Tất cả những kỹ năng này là cần thiết cho một sự nghiệp thành công trong bất kỳ lĩnh vực học tập nào. Thay vì như giáo dục STEM truyền thống thì giáo dục STEAM là một bước cải cách, một bước chuyển mình mới đưa giáo dục tiến bộ và phát triển hơn.

2.6. Giáo dục STEAM cung cấp những kỹ năng gì?

Nhờ vào việc kết hợp các kiến thức từ nhiều môn học khác nhau từ công nghệ, khoa học, kỹ thuật, toán học cho đến nghệ thuật, phương pháp giáo dục STEAM giúp trẻ rèn luyện và phát triển nhiều kỹ năng mềm thiết yếu như:

  • Kỹ năng đặt vấn đề: Trước khi bắt tay vào thực hiện bất kỳ một dự án hoặc thí nghiệm nào, học sinh mầm non được giáo viên yêu cầu phải đặt ra bài toán cần giải quyết trước khi đi tìm câu trả lời. Thông qua đó, trẻ sẽ học được cách phân tích, nhận định và dự đoán kết quả sẽ xảy ra.
  • Kỹ năng truy vấn: Kế tiếp, trong quá trình học tập và khám phá, trẻ phải dùng phương pháp truy vấn để đặt câu hỏi và tìm ra đáp án cho nhiều bài toán được đưa ra. Điều này giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng truy vấn. Từ đó, các em sẽ biết cách giải quyết vấn đề cho mọi tình huống khác nhau gặp phải trong cuộc sống.
  • Kỹ năng quan sát: Trong phương pháp STEAM, trẻ mầm non sẽ được rèn luyện được kỹ năng quan sát để tìm ra bản chất của sự vật và hiện tượng.
  • Kỹ năng hợp tác: Các chương trình giảng dạy áp dụng STEAM thường xuyên xây dựng các bài học giúp trẻ có cơ hội làm việc theo nhóm và hợp tác với bạn bè xung quanh. Các bé sẽ cùng đóng góp ý kiến và tìm ra giải pháp cho các vấn đề đặt ra. Qua đó, đối với mỗi bài học trẻ sẽ được học tập và nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau và phát triển kỹ năng làm việc nhóm tốt hơn.

2.7. Giáo dục STEAM tại Việt Nam

Không chỉ ở phương Tây, giáo dục STEAM cũng rất phổ biến tại các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,.... trong đó bao gồm cả Việt Nam.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã có kế hoạch triển khai rộng rãi giáo dục STEAM vào chương trình phổ thông toàn quốc trong thời gian tới. Các trường quốc tế và công lập trọng điểm đã được bố trí phòng học, câu lạc bộ STEAM và mở nhiều lớp học ngoại khoá STEAM nhằm giúp các học sinh, giáo viên và cả phụ huynh làm quen với phương pháp giáo dục này. Ngoài ra, nhiều trường học và Sở GD&ĐT tại các tỉnh thành đã chủ động phối hợp với Bộ GD&ĐT để thiết kế các tiết học ngoài giờ lên lớp và dự án STEAM cho học sinh tham gia ngay tại trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn thúc đẩy sự phát triển của giáo dục STEAM thông qua việc phối hợp với các công ty đa quốc gia, công ty nước ngoài, tổ chức nhiều dự án và cuộc thi STEAM như: ngày hội STEAM, thi tiếng Anh qua dự án STEAM, thi Robot cho học sinh các cấp,... thu hút được sự quan tâm của cả phụ huynh, học sinh. Nhiều học sinh đã đại diện Việt Nam tham gia các cuộc thi STEAM tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và đạt được nhiều giải thưởng.

Có thể thấy, giáo dục STEAM đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng giáo dục Việt Nam cũng như Thế giới. Đây là một phương pháp giáo dục mới mẻ và tiến bộ, sẽ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của những mầm non tương lai quốc gia trong thời đại Công nghệ 4.0 - thời đại với đa dạng hướng ngành nghề và vô vàn phương tiện để trẻ có thể tiếp cận và phát triển bản thân.

3. So sánh STEM và STEAM

STEM và STEAM là hai phương pháp giáo dục hiện đại và ngày càng được ưa chuộng ở nhiều quốc gia. Tuy đã được áp dụng phổ biến trong nhiều trường học nhưng phần đông các em học sinh và bậc phụ huynh chưa nắm rõ khái niệm hai phương pháp này và sự khác biệt của nó. HoaTieu.vn sẽ cung cấp các thông tin hữu ích và giúp các bậc phụ huynh có thêm căn cứ để chọn lựa cho con em mình môi trường và phương pháp học tập phù hợp.

3.1. Giống nhau

- Mục tiêu chung: Cả STEM và STEAM đều nhằm khuyến khích học sinh tư duy logic, sáng tạo, phân tích và giải quyết vấn đề.

- Tập trung vào ứng dụng thực tiễn: Cả hai hình thức giáo dục đều tập trung vào việc áp dụng kiến thức vào thực tế và khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động thực hành.

- Sự tương tác giữa các lĩnh vực: Cả STEM và STEAM khuyến khích sự kết hợp giữa các lĩnh vực khác nhau, như khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học.

3.2. Khác nhau

- Nhấn mạnh vào yếu tố nghệ thuật: STEAM bổ sung yếu tố nghệ thuật vào giáo dục STEM bằng cách kết hợp các hoạt động nghệ thuật, như hội họa, âm nhạc, sáng tạo và thiết kế. Điều này giúp học sinh phát triển khả năng sáng tạo, thẩm mỹ và truyền cảm hứng.

- Tiếp cận toàn diện hơn: Giáo dục STEAM mở rộng phạm vi học tập bằng cách khuyến khích sự tương tác giữa các lĩnh vực khác nhau, trong khi STEM tập trung hơn vào các môn học cốt lõi của STEM.

- Phát triển kỹ năng mềm: STEAM đặc biệt nhấn mạnh phát triển kỹ năng mềm như tư duy sáng tạo, hợp tác, giao tiếp và giải quyết vấn đề, bên cạnh các kỹ năng kỹ thuật và khoa học truyền thống của STEM.

Tóm lại, giáo dục STEM tập trung vào khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, trong khi giáo dục STEAM mở rộng thêm yếu tố nghệ thuật và tập trung vào sự kết hợp giữa các lĩnh vực. Cả hai hình thức giáo dục này đều nhằm phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, nhưng STEAM còn nhấn mạnh phát triển kỹ năng mềm và khuyến khích sự tương tác giữa các lĩnh vực khác nhau.

Mời bạn đọc tham khảo những bài viết khác về Giáo dục - Đào tạo trong mục Biểu mẫu của HoaTieu.vn

Đánh giá bài viết
7 8.807
0 Bình luận
Sắp xếp theo