Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh THCS

Hoatieu xin chia sẻ mẫu đáp án câu hỏi tự luận module 7: Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh THCS; giữa giáo viên với cha mẹ học sinh. Đề xuất cách giải quyết và giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó. Mời các bạn tham khảo dưới đây.

1. Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh THCS - đề xuất cách giải quyết

Tình huống phát hiện học sinh THCS yêu sớm

Tình huống: Bạn phát hiện hai em học sinh trong lớp yêu sớm, có rất nhiều cử chỉ thân mật cả trong giờ học lẫn ngoài giờ. Bạn nên xử lý thế nào?

Đề xuất cách giải quyết mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh THCS:

Cách giải quyết hay nhất trong trường hợp này là bạn làm như không biết chuyện hai em đó có tình cảm với nhau, và cho lớp tổ chức một buổi thảo luận về “tình yêu tuổi học trò” cho các em thảo luận, trao đổi, đưa ra ý kiến riêng của mình.

Bạn hãy làm như “vô tình” gọi hai em học sinh đó lên phát biểu ý kiến trao đổi cùng các bạn. Đây là một đề tài khá kín đáo, tế nhị, vì vậy trong buổi sinh hoạt đó, bạn nên gần gũi trò chuyện cùng các em như một người chị gái để hiểu các em hơn. Có như thế bạn mới có thể biết được những suy nghĩ thực sự của các em về vấn đề này. Đồng thời trong khi nói chuyện bạn cũng định hướng cho các em nên duy trì một tình bạn trong sáng, cùng đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập và trong cuộc sống.

Bạn cũng nên chỉ cho các em thấy rằng ở độ tuổi này các em chưa đủ chín chắn để kiểm soát tình cảm của mình ở mức độ phù hợp nên rất dễ xảy ra những tác động không tốt, nhất là chểnh mảng việc học hành. Những câu chuyện vui từ kinh nghiệm bản thân, từ sách báo hay đơn giản chỉ là kết quả của phút “sáng tác ngẫu hứng” liên quan đến vấn đề này sẽ có tác động rất lớn. Óc hài hước của bạn là công cụ rất hữu hiệu khi phải xử lý những vấn đề tế nhị.

Sau đó bạn cũng nên gặp riêng từng em học sinh đó hỏi han xem vì sao thời gian gần đây các em lại học sa sút. Đó cũng là cơ hội để bạn “nhắc nhở” khéo các em về chuyện yêu đương đã ảnh hưởng đến việc học tập. Với sự ân cần của bạn, chắc chắn các em sẽ tâm sự, chia sẻ và lúc đó bạn sẽ đưa ra những lời khuyên phù hợp.

Nếu vẫn không hiệu quả, bạn có thể gặp riêng từng em để khuyên giải, phân tích cho các em hiểu cái lợi, cái hại của việc yêu đương quá sớm và nhất là các em còn đang tuổi học trò, đang phải tập trung toàn bộ sức lực cho việc học hành thi cử. Hãy dùng những lời lẽ thật chân tình, khéo léo, tế nhị để chuyện trò, tâm sự thật gần gũi.

Bạn hãy khuyên em học sinh nữ nhắc nhở, giúp đỡ người bạn trai học tập thật tốt. Còn đối với em học sinh nam, bạn hãy tác động tới lòng tự kiêu, tính hiếu thắng của em, làm cho em thấy được rằng hình ảnh người con trai hoàn hảo trước mắt bạn gái trước hết phải giỏi giang, có kiến thức, tư duy… để em cảm thấy mình cần phải cố gắng học tập cho thật tốt.

Bạn hãy nói với các em rằng: “Cô rất hiểu chuyện tình cảm ở lứa tuổi các em vì dù sao cô cũng đã từng trải qua. Đó là nhu cầu tâm lý bình thường, nên cô không hề có ý cấm đoán hay lên án các em. Chỉ có điều, cô mong muốn các em hãy giữ một tình cảm trong sáng của tuổi học trò, và cùng giúp đỡ, động viên nhau tiến bộ, tập trung thời gian cho việc học tập. Như thế tình cảm các em dành cho nhau mới thực sự có ý nghĩa và bền vững”.

Giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó:

Việc nảy sinh tình cảm khác giới ở các em tuổi trung học cơ sở hiện nay không còn là hiện
tượng hiếm hoi, tuy nhiên ở lứa tuổi này, đây vẫn được tính là tình yêu đến sớm. Điều này có thể xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Đồng thời cũng do những tác động tiêu cực của những hiện tượng sản phẩm văn hóa không lành mạnh, khiến các em “trưởng thành” quá sớm.
Vì vậy các thầy cô giáo cần có cái nhìn thông cảm và hiểu được tâm sinh lý lứa tuổi của các em để có cách xử lý cho phù hợp.

Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, phụ huynh THCS và cách giải quyết
Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, phụ huynh THCS và cách giải quyết

Tình huống học sinh đem điện thoại đến lớp và sử dụng trong giờ học

Tình huống: Trong lớp học, em học sinh sử dụng điện thoại để chắn tin ngay trong giờ học. Giáo viên cần xử lý như thế nào?

Hướng giải quyết:

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, thì việc kết nối và tìm kiếm thông tin là vô cùng quan trọng. Theo tôi việc cấm học sinh mang điện thoại đến lớp là điều cần thay đổi để học sinh được phép mang nhưng sử dụng đúng lúc đúng chỗ, tránh để các em xao nhãng việc học hành.

Khi vào tình huống này thì giáo viên cần khuyên nhủ các em nhẹ nhàng vì việc học tập vẫn là trên hết, các em có thể sử dụng vào giờ giải lao, khi giáo viên cho phép để tìm kiến kiến thức trên các kênh internet.

Bên cạnh đó cũng đặt ra quy định về việc sử dụng điện thoại, thời gian sử dụng khi cần thiết để các em tuân thủ, những quy định này cần phải có chế tài để các em biết được việc sử dụng trong giờ học là sẽ bị phạt và kỷ luật.

2. Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với cha mẹ học sinh THCS - đề xuất cách giải quyết

Tình huống phụ huynh can thiệp vào việc kỷ luật học sinh

Tình huống như sau: Ở lớp mà bạn đang chủ nhiệm có một học sinh sắp bị đưa ra xét ở Hội đồng kỷ luật. Phụ huynh của em học sinh này là người có chức vị chủ chốt tại địa phương đến đề nghị bạn với tư cách là giáo viên chủ nhiệm xin với Hội đồng kỷ luật chiếu cố và “cho qua” trường hợp vi phạm này. Vậy bạn ứng xử thế nào với vị phụ huynh đó?

Cách giải quyết:

Đầu tiên, bạn nên giải thích cho vị phụ huynh đó hiểu được mức độ vi phạm kỷ luật trầm trọng của con họ cũng như việc đưa ra biện pháp xử lý kỷ luật là cần thiết để giáo dục em. Đồng thời, nói cho phụ huynh biết rằng việc đưa trường hợp của em ra xét ở Hội đồng kỷ luật nhà trường chỉ có mục đích nhằm giúp đỡ em tiến bộ, chỉ cho em thấy hậu quả của việc vi phạm kỷ luật, để từ đó em nhận ra lỗi lầm và chịu trách nhiệm trước những việc làm sai trái của mình. Mặt khác, cũng nên trấn an phụ huynh rằng việc đưa ra hình thức kỷ luật không phải là điều gì ghê gớm cả và bạn sẽ hết sức giúp đỡ trong khả năng có thể để nâng đỡ em nếu như em biết ăn năn và quyết tâm sửa chữa sai lầm của mình.

Mặt khác, bạn cũng hãy thật khéo léo huyển hướng mục đích của buổi gặp gỡ này từ “nhờ vả” sang sự phối hợp để tìm hiểu nguyên nhân mắc lỗi của em học sinh và bàn biện pháp giúp đỡ. Hãy thực hiện điều này bằng một thái độ nghiêm túc, bằng tinh thần trách nhiệm với học sinh, bạn hãy biến cuộc trao đổi đó trở nên thật cởi mở và thẳng thắn.

Song bên cạnh đó, bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần với tình huống rất dễ xảy ra ngay sau đó chính là phụ huynh sau khi bị bạn từ chối sẽ tức giận với bạn. Thế nhưng đừng để ý chí lung lây, bạn hãy cương quyết không thỏa hiệp. Có thể bạn sẽ gặp phải một vài rắc rối nào đó, nhưng dù sao thì bạn cũng đã làm tròn trách nhiệm của một giáo viên chủ nhiệm và chắc chắn rằng sau đó mọi người (kể cả vị phụ huynh đã bị từ chối ấy) cũng không thể nhìn bạn với ánh mắt coi thường.

Tình huống phụ huynh bắt con lấy chồng sớm

Tình huống: Một học sinh đang học cấp 2 và bố mẹ bắt em nghỉ học để lấy chồng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể cho em đi học cùng với phong tục địa phương là con gái nên kết hôn sớm. Nhưng trái lại thì học sinh đó lại rất muốn đi học? Giáo viên cần xử lý như thế nào?

Giải quyết:

Trong tình huống này thì giáo viên cần động viên tinh thần em học sinh và giúp đỡ em được đi học. Cùng với đó là phối hợp cùng với các bên liên quan để động viên gia đình em về việc để em tiếp tục đi học, giải thích về tầm quan trọng của học tập đối với tương lai của các em.

Trong khi đó giáo viên cũng cùng với nhà trường, ban ngành đoàn thể kêu gọi giúp đỡ em về chi phí đi học để em học sinh đó có cơ hội được tiếp tục đến trường, không để tương lai của em bị dập tắt vì gia đình và truyền thống như vậy.

Đây là tình huống khá khó xử nên cần sự nỗ lực của giáo viên, nhà trường và cả xã hội cố gắng để em có thể được tiếp tục mơ ước của mình, bởi việc thay đổi một số suy nghĩ truyền thống cũng là điều không dễ dàng.

Trên đây là các mẫu Xây dựng tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh THCS; giữa giáo viên với cha mẹ học sinh. Đề xuất cách giải quyết và giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các bài viết liên quan khác trong mục Tài liệu: Dành cho giáo viên nhé.

Đánh giá bài viết
6 20.599
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm