(Mới) Những điều giáo viên tiểu học không nên làm, không được làm

Việc cư xử đúng mực và đúng phẩm chất luôn là những điều quan trọng mà các thầy cô cần ghi nhớ để không vi phạm tác phong sư phạm cũng như tạo ra môi trường học đường thân thiện, lành mạnh đến các em học sinh. Dưới đây là tổng hợp những điều giáo viên không nên làm cũng như các quy định mới nhất về các điều giáo viên không được làm theo quy định của pháp luật. Mời các bạn cùng tham khảo.

Nghề giáo luôn là nghề cần sự tâm huyết, nhiệt tình và tấm lòng bao dung. Dưới đây là một số lỗi của giáo viên khi lên lớp có thể làm giảm hiệu quả giảng dạy và khả năng tiếp nhận của học sinh mà người giáo viên nên tránh.

Những điều giáo viên không nên làm với học sinh

Những điều giáo viên tiểu học không được làm

Dưới đây là tổng hợp những điều giáo viên tiểu học không được làm căn cứ theo quy định tại điều lệ trường Tiểu học mới nhất. Cụ thể như sau:

Theo khoản 1 Điều 31 Điều lệ Trường Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, những hành vi của giáo viên tiểu học thực hiện theo quy định của ngành giáo dục và của pháp luật, trong đó cần chú ý:

- Không xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức.

- Không gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh.

- Không ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất.

- Không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tuỳ tiện cắt xén nội dung giáo dục.

- Không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người khác; không hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

Những điều các thầy cô không nên làm đối với học sinh

1. Lạnh lùng và thiếu thân thiện

Một người thầy nghiêm khắc và có uy thường khiến học sinh kính trọng và vâng lời. Nhưng khi cái uy ấy trở thành bức tường ngăn cách giữa thầy và trò thì cảm giác khó gần và thiếu thân thiện sẽ làm những tiết học nặng nề, gò bó. Điều này khiến các em nghĩ rằng bản thân thầy cô cũng không mấy vui vẻ với lớp, nhiệt tình với trò.

2. Ứng xử “bằng vai phải lứa” với học sinh

Giáo viên thân thiện với học sinh không đồng nghĩa với việc trở thành người “bằng vai phải lứa” với các em. Song không ít giáo viên mắc phải sai lầm nghiêm trọng này, đặc biệt là các thầy cô trẻ. Lứa tuổi học sinh có nhiều bí mật, tâm tư cần chia sẻ, nhưng tìm cách tiếp cận không khéo léo sẽ đánh mất vị thế của người thầy. Ứng xử với học sinh theo kiểu “cá mè một lứa” sẽ làm giảm hiệu quả trong quá trình dạy và học.

3. Phạt học sinh và “bêu rếu” trước lớp

Một người thầy có đạo đức sẽ không bao giờ làm thế! Bởi nếu hình phạt dù có đủ sức làm gương cho các học sinh khác không tái phạm thì lại trở thành nỗi xấu hổ ám ảnh trong ký ức của chính học sinh bị phạt. Chỉ một lần bị “bêu rếu” trước tập thể, học sinh đó không chỉ chịu áp lực từ thầy cô, bạn bè, gia đình mà còn gây phản ứng tâm lý ghét kiến thức môn học do thầy cô đó dạy. Nếu thầy cô tinh tế dành thời gian gặp riêng học sinh, phê bình, rút kinh nghiệm và sau đó là động viên để các em đừng tái phạm thì chắc chắn hiệu quả của việc giáo dục sẽ cao hơn.

4. Không minh bạch khi chấm điểm

Kết quả học tập đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của học sinh. Nó không chỉ thể hiện năng lực, sở trường, sở đoản của các em mà còn là cơ sở để định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Thế nhưng, việc chấm bài kiểm tra do giáo viên thực hiện đôi khi do yếu tố tình cảm chi phối nên đánh giá thiếu khách quan trong kết quả học tập tạo nên những suy nghĩ lệch lạc của học sinh...

5. Nhục mạ và quát tháo để “thị uy”

Nhục mạ học sinh là một hành vi vi phạm đạo đức của người thầy. Khi bị nhục mạ trước tập thể khiến nhiều học sinh tỏ ra sợ hãi và mất tự tin trong buổi học. Không những thế, khi người giáo viên buông lời nhục mạ học sinh của mình sẽ làm mất niềm tin trong lòng các em. Từ đó các em sẽ dễ mất phương hướng khi người có trách nhiệm dạy mình “lời hay ý đẹp” lại phát ngôn thiếu văn hóa.

Là người thầy, muốn chiến thắng được cái “ngông” rất trẻ người non dạ của học sinh thì thực sự cần có đức, có tâm. Tuy nhiên, nhiều giáo viên lại chọn cách quát mắng học sinh ngay khi bước chân vào lớp để các em sợ và “giữ trật tự”. Người thầy hay quát tháo vô tình đã tạo bầu không khí tâm lý căng thẳng, biến chính lớp học của mình thành một “chiến trường” mà họ sẽ luôn thua cuộc vì học sinh sẽ chống đối thay vì chịu “khuất phục”.

6. Giáo dục theo kiểu “trống đánh xuôi-kèn thổi ngược”

Học sinh sẽ mất lòng tin nếu như thầy cô thiếu sự thống nhất trong cách giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức - nhân cách. Các em thường tuân thủ và tiếp nhận một cách “tuyệt đối” về lối sống, văn hóa, ứng xử từ phía giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế có những biểu hiện mâu thuẫn giữa chính lời nói và hành động của thầy cô dẫn đến học sinh không biết thầy cô nào là người cần phải học tập… Giáo dục theo kiểu này học sinh sẽ không tìm thấy đâu là chân lý, đâu là mô hình mẫu mực để noi theo. Cụ thể, một số giáo viên giáo dục học sinh không hút thuốc, nói tục, chửi thề…, nhưng chính một số thầy cô lại không mẫu mực làm tấm gương sáng để các em noi theo.

7. Kìm hãm trí sáng tạo của học sinh

Các em học sinh đều muốn gia đình tự hào bằng những điểm tốt và lời khen ngợi của thầy cô. Có lẽ vì thế mà các em chăm chỉ học các bài văn mẫu, vẽ mẫu sao cho giống “lời cô dạy” nhất. Và “sai chồng sai” khi nhiều giáo viên còn duy trì lối truy bài học vẹt. Thay vì hỏi các em hiểu gì, nghĩ gì lại vội vàng yêu cầu đọc thuộc lòng bài ngày hôm trước một cách máy móc. Cái sai của người thầy ở đây là thay vì chỉ ra những con đường để học sinh chọn mà đi, lại ép các em đi theo đúng một con đường mà thầy cô đã đi mòn rồi.

8. Thiên vị và định kiến trong ứng xử

Người thầy hãy luôn là một hình mẫu lý tưởng để học sinh soi vào đó, lấy nhân cách để giáo dục nhân cách. Chỉ có nhân cách mẫu mực là phương tiện tốt nhất trong giáo dục học sinh.
Đây là một sai lầm ở người thầy khiến nhiều học sinh khó chịu nhất. Là thầy thì phải công bằng, sáng suốt như những vị quan tòa trên bục giảng. Nhưng sự thiên vị của thầy cô đã làm học sinh sớm nản lòng vì cái hình thức “bất công xã hội” giản đơn nhất mà các em được chứng kiến. Đặc biệt, ở tiểu học và THCS, khi chớm nhận thức được cuộc sống, các em đã phát hiện ra thầy cô hay cho bạn lớp trưởng điểm cao và ít khi gọi bạn không học thêm nhà lên bảng. Từ đó, các em sẽ bất mãn với cuộc sống khi phải chứng kiến những điều tiêu cực ngay trong chính lớp học.

9. Nói xấu đồng nghiệp với học sinh

Đây là sai lầm mà không ít giáo viên hay mắc phải khi quá gần gũi và thường xuyên “tâm sự” với các học sinh trong lớp. Những câu chuyện vui chen ngang tiết học căng thẳng là điều cần thiết để các em lấy tinh thần và có cảm giác hứng thú với môn học. Và đặc biệt là dù được lòng học sinh đến đâu, người thầy cũng không nên mang chuyện bất bình với đồng nghiệp ra để “tâm sự” trước lớp, vừa làm xấu hình ảnh của người thầy, vừa dễ gây ra sự bất hòa.

10. Nổi giận

Nổi giận trong bất cứ tình huống nào cũng đều có thể biến thành một thảm họa. Đối với nền giáo dục châu Á thì điều này còn mang tiếng xấu. Tâm trạng của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp tới học sinh, đôi khi bạn muốn giữ bình tĩnh nhưng lại không kiềm chế được bản thân. Khi bạn cảm thấy tâm trạng mình thực sự không tốt, dễ kích động thì cách tốt nhất là bạn nên tạm thời đi ra khỏi lớp học. Việc tạm thời rời khỏi lớp học để bạn cảm nhận được tình huống đang xảy ra, lúc này bạn cần tìm ra phương pháp giúp mình trấn tĩnh lại một cách nhanh nhất hoặc có thể đếm từ 1 đến 100, sau đó bạn sẽ quay trở lại lớp học và đối diện với học sinh.

11. Mất quyền kiểm soát lớp học

Trong bất cứ tình huống nào cũng không nên dễ dàng để học sinh phá vỡ trật tự lớp học. Một khi bạn đã mất nó thì bạn phải mất rất nhiều công sức mới có thể lấy lại được. Đặc biệt là khi bạn cho chúng chơi trò chơi hoặc tham gia hoạt động gì đó, học sinh sẽ dễ kích động, hò hét vì quá hưng phấn. Nếu như thái độ của bạn có phần tiêu cực, dễ dãi thì chúng sẽ càng làm tới, và ngày càng không tôn trọng bạn. Khi trật tự lớp học bị phá vỡ thì bạn nên làm một động tác nào đó để thu hút sự chú ý của chúng (ví dụ: chạm vào mũi, đặt tay lên đầu...), khi nhìn thấy giáo viên như vậy, học sinh sẽ làm theo, bạn sẽ làm như thế cho tới khi tất cả học sinh trong lớp đều làm theo và lớp trở lên yên ắng.

12. Quá nhiều phiếu học tập

Không nên phát cho học sinh quá nhiều phiếu học tập, không nên để chúng viết hết phiếu này tới phiếu khác, cách tốt nhất là nên thu hút học sinh tập trung vào bài học, nên tận dụng bảng đen để tiến hành dạy học.

13. Chế giễu học sinh

Một điều chúng ta nên hiểu đó là không nên chế giễu học sinh, đôi khi cách trêu đùa hay bình luận cũng vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của chúng. Khi lên lớp bạn cần vận dụng tính hài hước của mình để góp phần làm bầu không khí học tập thêm vui vẻ, nhưng nên biết cách vận dụng sao cho không mạng lại kết quả xấu. Bạn nên là tấm gương để cho học sinh thấy rằng không nên thỏa mãn tính hài hước của mình bằng việc chế giễu hay mỉa mai người khác. Cách tốt nhất bạn nên làm là chê ít khen nhiều.

14. Ngồi một chỗ dạy

Trừ khi bạn cảm thấy mệt mỏi hay đi lại khó khăn thì mới nên ngồi 1 chỗ dạy, bởi khi bạn ngồi như vậy sẽ khiến học sinh cảm thấy bạn đang lười biếng. “ Dạy học” chính khoảng thời gian bạn dùng kiến thức để tương tác với học sinh, dẫn dắt học sinh suy nghĩ. Là một giáo viên bạn sẽ không mong rằng học sinh chỉ biết ngồi im một chỗ, tốt nhất là nên biết kết hợp giữa “động” và “ tĩnh”. “Tĩnh” là biết ngồi im lắng nghe cô giảng bài, “động” là tích cực tham gia các hoạt động, các trò chơi hoặc tham gia thảo luận. Tương tự, giáo viên cũng vậy, cũng cần phải kết hợp “động-tĩnh” hài hòa, ngoài việc đứng trên bục giảng, bạn cũng nên đi đi lại lại trong lớp để quan sát học sinh kỹ hơn.

15. Thói quen tới lớp muộn

Giáo viên luôn là tấm gương để học sinh noi theo. Do vậy nhất cử nhất động của giáo viên đều ảnh hưởng trực tiếp tới học sinh. Nếu như bạn thỉnh thoảng tới lớp muộn thì không sao, nhưng nếu việc đó diễn ra thường xuyên tạo thành thói quen thì sẽ khiến học sinh có suy nghĩ “tới muộn cũng chẳng sao, dù sao cô giáo cũng tới muộn mà” từ đó bắt chước cô giáo. Nếu như bạn tới muộn thì nhất định phải công khai xin lỗi học sinh, khiến chúng hiểu được tầm quan trọng của việc tới “đúng giờ”.

16. Cách dạy dập khuôn

Có một số giáo viên lên lớp rất máy móc, thường chỉ đọc nguyên trong giáo án ra chứ không biết cách thiết kế các bài giảng khác nhau. Không khí lớp học trầm lắng, tẻ nhạt sẽ khiến ham muốn học hành của học sinh giảm đi, đặc biệt học ngoại ngữ thì càng phải nói nhiều, càng cần có các động tác mô phỏng, vận dụng các từ hoặc các câu đã học để ghi nhớ chúng lâu hơn. Cũng giống như đứa trẻ 1 tuổi học nói, nó không đơn thuần là ngồi im để nghe 1 loạt các câu chuyện mà bố mẹ chúng kể mà nó còn không ngừng nói theo, kể theo. Giáo trình chỉ là cung cấp tài liệu và khung bài học cần dạy, còn việc kết hợp thể hiện bài dạy như thế nào thì đó là trách nhiệm của mỗi giáo viên.

17. Thiên vị

Mỗi một học sinh khi lên lớp đều mong muốn giáo viên quan tâm mình, hướng dẫn cho mình. Tất nhiên giáo viên cũng không phải là không có những học sinh mà mình yêu thích, nhưng giáo viên không nên thể hiện ra các hành vi thiên vị, cục bộ của mình. Có thể bạn vốn dĩ không thích một loại người nào đó, nhưng là giáo viên bạn cần phải thể hiện sự công bằng tới tất cả các học sinh, biết cách quan tâm và khen ngợi chúng thích hợp.

Ở lứa tuổi này học sinh bắt chước rất nhanh, do vậy thân là một giáo viên bạn cần đặc biệt chú ý tới lời ăn tiếng nói, nhất cử nhất động của mình để làm sao không khí học tập của lớp và việc dạy của bạn không bị ảnh hưởng bởi những lỗi trên!

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Dành cho giáo viên của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
2 1.207
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm