Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh tiểu học, giữa giáo viên với cha mẹ học sinh
Hoatieu.vn xin chia sẻ mẫu đáp án câu hỏi tự luận module 7: Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh tiểu học; giữa giáo viên với cha mẹ học sinh. Đề xuất cách giải quyết và giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó. Mời các bạn tham khảo dưới đây.
Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh tiểu học; giữa giáo viên với cha mẹ học sinh. Đề xuất cách giải quyết và giải thích lý do
- 1. Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh tiểu học - đề xuất cách giải quyết
- 2. Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với cha mẹ học sinh - đề xuất cách giải quyết
- 3. Tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh tiểu học, giáo viên và phụ huynh học sinh
- 4. Xây dựng tình huống trong mối quan hệ giữa GV với học sinh tiểu học và cha mẹ học sinh
1. Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh tiểu học - đề xuất cách giải quyết
1.1. Phát hiện học sinh lấy trộm tiền
Tình huống: Bạn tình cờ bắt gặp hoặc có một học sinh khác mách bạn rằng bạn A lấy trộm tiền của bạn. Bạn sẽ xử lý như thế nào?
Đề xuất cách giải quyết mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh tiểu học
Đầu tiên, không nhắc đến việc lấy trộm tiền mà hãy vờ buồn bã than thở rằng bạn bị mất tiền đang rất buồn, về nhà bạn ấy sẽ bị bố mẹ đánh vì làm mất tiền.
Sau đó nói với học sinh rằng nếu đến chiều nay, hoặc qua tiết học này mà vẫn chưa tìm thấy tiền thì cô sẽ phải báo công an đến điều tra, lục soát từng người.
Đây chính là cơ hội cho em học sinh đấy trả lại tiền cho bạn.
Từ cách xử lý này, có thể phát sinh hai trường hợp:
Thứ nhất, học sinh A trả lại tiền cho bạn: Sau khi em A đã trả lại tiền, bạn không nên lờ đi luôn mà nên tìm một buổi để gọi riêng em lên nói chuyện. Bạn nói bạn đã biết em A lấy tiền, bạn sẽ không nói cho ai nhưng em A phải trả lời tại sao lại lấy tiền. Sau khi biết nguyên nhân, bạn nhẹ nhàng khuyên giải điều này là sai trái và ví dụ những hậu quả đáng buồn của với hành vi trộm tiền này. Đồng thời nói rằng cô tin tưởng em là một học sinh ngoan, chắc chắn lần sau em sẽ không tái phạm nữa.
Thứ hai, trong tình huống học sinh A vẫn không trả lại tiền cho bạn: Bạn vẫn không nên mắng chửi chì chiết em trước lớp mà nên gọi em ra để nói chuyện riêng. Bạn nói một cách nghiêm túc rằng đã nhìn thấy em lấy trộm tiền. Bạn hỏi nguyên nhân trộm tiền và đối với học sinh này, bạn cần răn dạy một cách nghiêm khắc hơn. Bạn có thể nêu những hậu quả phóng đại như nếu sau này em còn lấy trộm tiền, để người khác biết được thì em có thể bị bạn bè xa lánh, không tin tưởng, chia sẻ thứ gì với em nữa, thậm chí còn bị đuổi học và không có trường nào nhận.
Giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó:
Học sinh tiểu học vẫn còn ngây thơ và ham chơi nên sẽ sợ sự đe dọa và sợ bị cô lập. Ở cấp tiểu học, đe dọa về những trường hợp có thể xảy ra vẫn rất hiệu quả với các em nên không nhất thiết phải áp dụng các biện pháp xử lý thật như mắng chửi nêu tên trước lớp hay gọi phụ huynh.
Học sinh tiểu học vẫn là những đứa trẻ chưa hoàn toàn phát triển về mặt tâm lý, nên nhiều khi, các bé có thể lấy trộm đồ vì những nguyên nhân rất đơn giản như vì bạn bè kích thích nên muốn lấy trộm tiền để mua được đồ cho bằng bạn bằng bè, muốn gây sự chú ý,.... Biết được nguyên nhân thì bạn sẽ biết cách dạy bảo khác nhau.
Thứ mà các em cần ở lứa tuổi này không phải sự trừng phạt mà là sự tin tưởng. Bạn dành cho học sinh 2 cơ hội được tự mình sửa lỗi sẽ giúp em tự thấy xấu hổ, khắc sâu lỗi lầm của bản thân. Việc tha thứ của giáo viên cũng giúp học sinh nhận ra nếu biết sai mà sửa thì vẫn sẽ được khoan dung, đón nhận.
1.2. Nhận thấy một học sinh trung bình yếu có điểm cao bất ngờ
Tình huống: Khi chấm bài kiểm tra hôm nay của học sinh, bạn cảm thấy bất ngờ vì có một trường hợp đột xuất, đó là bài làm của một học sinh có mức học trung bình yếu của lớp nhưng lại tốt đến kinh ngạc. Đến hôm trả bài nếu là bạn, bạn sẽ làm những gì trong tình huống này?
Hướng giải quyết:
Điều đầu tiên mà bạn không thể bỏ qua đó chính là khen ngợi bài làm của học sinh đó trước lớp vì em ấy đã có cách làm hay và độc đáo. Song song với việc đó bạn cần khéo léo xem xét xem bài làm đó có thực sự là của em đó hay không bằng cách gọi em ấy có thể lên bảng nói cách chữa bài và nói về cách làm của mình để các bạn khác trong lớp cùng nhau học tập theo, việc đó còn có thể giúp em ấy chứng minh được sự tiến bộ của mình và làm sáng tỏ việc mà bạn đang băn khoăn. Chắc chắn lúc này sẽ xảy ra 2 trường hợp:
- TH1: Em học sinh này nói một cách trơn tru và làm tốt mọi thứ mà bạn yêu cầu. Từ đó chứng minh được em đã thực sự tiến bộ
- TH2: Em ấy lúng túng không nói rõ ràng được thì bạn cũng đừng vội phê bình em ấy ngay trước lớp, mà hãy làm điều này thật tế nhị có thể sau giờ học bạn nói chuyện riêng với em ấy. Và điểm đó bạn chưa nên ghi vội mà có thể để xem thời gian tới em ấy thể hiện thế nào.
1.3. Chủ nhiệm một lớp không sôi nổi
Tình huống: Khi BGH phân công cho bạn chủ nhiệm một lớp. Sau khi nhận lớp, bạn cảm thấy không khí học tập và các phong trào của lớp rất trầm. Trong lớp rất ít khi học sinh phát biểu bài, có ngày chẳng có học sinh nào phát biểu, các hoạt động của lớp cũng không hang hái. Trước tình trạng này bạn cẩn làm gì để khuấy động phong trào của lớp mà mình chủ nhiệm?
Hướng giải quyết
Bạn cần tìm hiểu lý do vì sao các phong trào của lớp lại trầm như vậy. Sau khi đã tìm hiểu rõ được phần nào nguyên nhân thì sau đó hãy tiếp tục đưa ra hướng giải quyết. Chẳng hạn như:
- Động viên khuyến khích tinh thần của các em khi làm được việc tốt.
- Lồng ghép các câu chuyện, câu đố vui vào bài dạy. Học sinh tiểu học còn ham chơi nên các em sẽ có hứng thú hơn.
- Tổ chức thêm một số các hoạt động ngoại khóa, các trò chơi chung để các em em hòa đồng và năng động hơn
- Cần có những khích lệ khi các học sinh tham gia các hoạt động của trường
- Tổ chức thi đua giữa các nhóm trong lớp, biểu dương khen thưởng cho các học sinh và các nhóm.
- Đặt ra các phần thưởng dành cho các bạn hay giơ tay phát biểu nhất để các em có tinh thần phát biểu.
Ngoài việc làm sôi nổi phong trào trong lớp thì các hoạt động như thế này còn làm siết chặt thêm tình bạn giữa các học sinh trong lớp nữa.
1.4. Học sinh chưa hòa đồng với bạn bè và có xu hướng cô lập
Tình huống: Thấy một học sinh trong lớp ít nói chuyện, vui chơi cùng với bạn bè. Em thường làm những công việc riêng một mình. Thầy cô cần giải quyết như thế nào?
Để giúp đỡ học sinh hòa nhập với lớp học tốt hơn thì cần phải tìm hiểu và trò chuyện với học sinh, để các em thoải mái và nói ra lý do bản thân không chơi cùng bạn bè. Ở tình huống này sẽ có hai trường hợp:
Trường hợp 1: Học sinh bị cô lập do bạn bè xa lánh, điều này là dấu hiệu của bạo lực học đường, những học sinh có xu hướng cô lập những bạn có hoàn cảnh đặc biệt. Vì thế giáo viên cần có sự giáo dục nhẹ nhàng với cả lớp, giúp các em đồng cảm với bạn, cần có hành động giúp đỡ bạn chứ không nên xa lánh.
Trường hợp 2: Học sinh đó không muốn chơi với bạn bè. Với trường hợp này thường do chính sự mặc cảm của học sinh đó, nên giáo viên cần tháo gỡ những mặc cảm của em thật nhẹ nhàng và thân thiện. Giáo viên cũng có thể tổ chức những trò chơi theo nhóm để nhằm tạo điều kiện học sinh đó kết nối với các bạn hơn.
Độ tuổi tiểu học hiện nay nhiều em cũng có những suy nghĩ và hành động tiêu cực vô hình khiến cho tình trạng cô lập, độc lập dễ diễn ra. Vì thế giáo viên cần có những biện pháp gắn kết các em thật khéo léo.
2. Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với cha mẹ học sinh - đề xuất cách giải quyết
2.1. Phụ huynh xin cho con được nghỉ tập văn nghệ
Tình huống giữa giáo viên và cha mẹ học sinh số 1: Một em học sinh rất có năng khiếu múa được trường chọn vào đội tuyển văn nghệ cấp trường. Nhưng phụ huynh của em ấy lại đến xin cho con mình được nghỉ tập văn nghệ vì sợ tập văn nghệ ảnh hưởng đến việc học các môn văn hóa của con.
Đề xuất cách giải quyết mối quan hệ giữa giáo viên với cha mẹ học sinh
- Đầu tiên, khen em học sinh đó ngoan, học giỏi, và đặc biệt là có năng khiếu văn nghệ rất tốt, có nhiều tố chất hoạt động xã hội rất được thầy cô và ban bè mến mộ. Nếu được bồi dưỡng sớm thì sẽ rất phát triển.
- Sau đó, phân tích cho phụ huynh hiểu: Tham gia hoạt động văn nghệ trong trường học thực chất là một hoạt động học tập rèn luyện, có tác dụng bổ trợ cho các việc học văn hóa. Tham gia hoạt động văn nghệ không chỉ giúp cháu năng động, hòa nhập với bạn bè hơn, mà còn thể giúp cháu nâng cao sự tự tin trước đám đông, phát triển các kỹ năng mềm như biểu diễn, giao tiếp.
- Lại phổ cập thêm: Năng khiếu văn nghệ của trẻ em là hết sức quan trọng, nhất là trong xã hội ngày nay, năng khiếu văn nghệ, ca hát rất dễ tạo cơ hội cho con người thành đạt về mọi mặt.
- Nếu lần văn nghệ này được giải cũng là một thành tích đáng khen trong quá trình học hành của cháu, có thể ghi vào học bạ để học bạ đẹp hơn.
- Nhà trường sẽ sắp xếp lịch sinh hoạt hợp lý cho đội văn nghệ nhà trường, đảm bảo cân bằng thời gian học tập và tập luyện cho các cháu.
Giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó:
Những yêu cầu của học sinh đều là vì họ cảm thấy đó là tốt cho con mình - bạn nên thông cảm cho điều đó. Phụ huynh cũng là người có quyền quyết định thay cho các học sinh ở cấp tiểu học, vì vậy bạn không nên làm căng hay tranh cãi với phụ huynh, điều này vừa không giải quyết được gì vừa có thể khiến phụ huynh vô tình trút giận vào con. Thay vào đó, hay khen bé và nêu những điểm có lợi khi bé tham gia văn nghệ, một người phụ huynh yêu con sẽ muốn những điều tốt nhất cho con của mình.
2.2. Phụ huynh đánh con trước mặt giáo viên
Tình huống như sau: Lớp bạn đang chủ nhiệm có một học sinh vi phạm nghiêm trọng nội quy của nhà trường. BGH đã yêu cầu bạn phải đưa em đó về tận nhà để nói chuyện với phụ huynh. Nhưng khi chưa kịp để giáo viên trình bày tường tận mọi việc, thì phụ huynh của em đã đứng dậy tát em học sinh tới tấp vì đã làm “xấu mặt” gia đình. Vào địa vị của người giáo viên chủ nhiệm này, bạn xử lý tình huống này như thế nào?
Cách giải quyết:
Đứng trước tình huống khó xử này bạn nên thật bình tĩnh và khéo léo. Trước tiên, bạn cần tìm cách chấm dứt ngay hành động đánh con của phụ huynh, sau đó phân tích để phụ huynh nhận ra rằng trong việc giáo dục con cái bằng bạo lực sẽ không bao giờ đem lại kết quả tốt đẹp mà đôi khi việc đó còn phản tác dụng. Hãy để cho phụ huynh thật bình tĩnh, bạn mới bắt đầu câu chuyện của mình một cách thật nhẹ nhàng, cởi mở.
Bạn phải giải thích cho phụ huynh hiểu rằng nhà trường luôn coi trọng vai trò của gia đình trong việc phối hợp để giáo dục học sinh, nhất là khi chúng phạm lỗi. Dù đó có thể là một học sinh chưa ngoan, hay nghịch ngợm, thường vi phạm nội quy của trường, lớp nhưng nhà trường không bao giờ mong muốn gia đình lại giáo dục em bằng bạo lực. Vì các em đang ở độ tuổi còn quá nhỏ và với các em mọi thứ chỉ như vừa mới bắt đầu, thế nên sự nhẹ nhàng, ân cần nhưng tuyệt đối nghiệm khắc mới có tác dụng khi chúng có lỗi. Bạo lực hay sự xúc phạm quá đáng chỉ khiến tình hình xấu đi làm chúng dễ nảy sinh tâm lý chống đối và trở nên ương ngạnh hơn mà thôi.
2.3. Phụ huynh xin cho con thôi học
Trong lớp bạn chủ nhiệm có một học sinh học rất kém, lại thường xuyên đi học muộn, trong giờ học lại thường ngủ gật, không chú ý nghe giảng. Khi bạn đến gặp phụ huynh của em ấy nhằm trao đổi về tình hình học tập của em và muốn phối hợp với gia đình để giúp đỡ em học tốt thì mẹ của em lại xin cho con thôi học. Lý do là vì bố em mất sớm, em lại có em nhỏ, mẹ em muốn xin cho em thôi học, ở nhà trông em để mẹ đi bán hàng kiếm tiền nuôi các con.
Gợi ý cách xử lý tình huống của GV: Do nhà nước đã quy định phổ cập trung học cơ sở nên bạn không thể đồng ý cho học sinh nghỉ học vì còn chưa học hết cấp II, cho dù sức học của em ấy yếu kém. Mặt khác, nghỉ học lúc này sẽ làm mất đi cơ hội được đào tạo, trang bị mọi kiến thức để em ấy bước vào đời, và chắc chắn em ấy cũng sẽ không có cơ hội để sau này có được việc làm tốt, tương lai không thể rộng mở. Việc ở nhà trong độ tuổi này cũng sẽ có thể làm cho học sinh buồn chán, thậm chí chơi bời, lêu lổng. Bạn hãy động viên gia đình cho em học hết phổ thông cơ sở, sau đó sẽ đi học một nghề nào đó để em ấy có thể tự kiếm sống, tự lập, giúp đỡ mẹ và các em.
Nếu mẹ của học sinh tỏ ý lo lắng rằng con mình kém cỏi, có đi học cũng chẳng theo được, chẳng có lợi ích gì, thì bạn cần phải khéo léo, tế nhị nói rằng em ấy học chưa tốt không phải vì em ấy kém mà chỉ vì em ấy chưa có thời gian và chưa thực sự tập trung vào việc học. Như vậy, gia đình học sinh vừa tin tưởng con mình, vừa không phải xấu hổ vì kết quả học tập của con. Bạn hãy yêu cầu gia đình tạo điều kiện cho cháu tập trung học và bạn cũng hứa sẽ quan tâm, khích lệ để cháu học tốt hơn. Bạn có thể phân công những em học sinh khác kèm cặp, giúp đỡ học sinh đó.
Nếu gia đình học sinh muốn cháu ở nhà giúp việc nhà vì hoàn cảnh khó khăn như vậy thì bạn có khăng khăng không đồng ý vì lý do nhà nước đã có luật phổ cập giáo dục đến hết cấp II thì cũng không ích gì. Trong trường hợp này, bạn nên nhẹ nhàng động viên gia đình cho cháu đi học tiếp vì chính tương lai của cháu. Bạn có thể cắt cử học sinh ngoài giờ học thay phiên nhau đến giúp đỡ việc nhà cho em ấy có thời gian đi học. Bạn nên phối hợp với hội phụ huynh của lớp, trường và địa phương để giúp đỡ gia đình em vượt qua khó khăn này. Bạn cũng có thể động viên gia đình cho các em nhỏ của học sinh đi gửi nhà trẻ để mẹ em có thể yên tâm đi làm mà em học sinh ấy vẫn được tiếp tục đi học.
2.4. Giáo viên và lời nhờ vả của phụ huynh
Tình huống: Trong lớp có một học sinh cá biệt nên phụ huynh của học sinh đó đã nhờ vả thầy, cô giáo chủ nhiệm giáo dục con em. Giáo viên cần ứng xử như thế nào?
Trong tình huống này thì giáo viên cần ứng xử như sau:
- Cảm ơn về sự tín nhiệm của phụ huynh đối với giáo viên và nhà trường, nói về trách nhiệm của nhà trường với học sinh.
- Cùng với đó, nói sẽ cố gắng phối hợp cùng gia đình, nhà trường để giáo dục em tốt hơn.
- Tuy nhiên cũng cần nói nhẹ nhàng về tầm quan trọng của phụ huynh về việc giáo dục con em, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên để giáo dục học sinh đó đạt được hiệu quả.
Bởi vì quá trình giáo dục không thể chỉ do nhà trường thực hiện mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nếu gia đình buông lỏng thì dù nhà trường có giáo dục đúng đắn cũng không thể chấn chỉnh các em.
3. Tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh tiểu học, giáo viên và phụ huynh học sinh
Tham khảo bài viết: Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh THCS
3.1. Tình huống giáo viên mắc lỗi và học sinh nhận ra lỗi sai
Tình huống: Bạn đang say sưa trong bài giảng và vô tình nói nhầm/nói sai/tính sai một nội dung trong bài giảng mà không phát hiện ta. Một bạn học sinh trong lớp đã nhận ra lỗi sai và đứng lên nhắc bạn về lỗi sai đó. Trong tình huống khó xử như thế, bạn sẽ làm gì?
Gợi ý: Bạn lập tức kiểm tra lại có đúng là bản thân đã sai hay không. Nếu sai, bạn nên nhận sư sơ suất của mình trước mặt học sinh. Đồng thời, biểu dương em học sinh đã nhắc bạn lỗi sai, khen học sinh hiểu bài và chăm chú tiếp thu kiến thức trong giờ học. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phân tích cho học sinh hiểu trong cuộc sống, đôi khi ai cũng sẽ mắc sai lầm, giáo viên cũng như vậy.
3.2. Phụ huynh học sinh xin cho con thôi học vì con học kém.
Tình huống: Trong lớp bạn chủ nhiệm có một học sinh học kém, bị ở lại lớp, tiếp thu kiến thức chậm. Đầu năm học, bạn không thấy học sinh đó đến lớp. Bạn đã đến gặp phụ huynh học sinh để tìm hiểu và trao đổi tình hình học tập của học sinh. Tuy nhiên, bố học sinh lại muốn xin cho con thôi học vì lý do: con không được không ngoan bằng các bạn, đi học chỉ phí thời gian, phí tiền. Trước tình huống này, bạn nên làm gì để giúp đỡ học sinh?
Gợi ý:
Trước tiên, bạn cần phân tích kết quả học tập năm trước của học sinh cho phụ huynh hiểu, tìm ra khả năng học sinh trong môn học nào đó (nếu có) hoặc sở thích của học sinh.
Tiếp đó, bạn giải thích cho cha mẹ học sinh rằng: Mọi trẻ em đều có quyền được đi học, kể cả trẻ khuyết tật. Mặc dù con không được không ngoan như các bạn, nhưng khi được học, được chơi cùng các bạn cùng trang lứa, con sẽ có cơ hội được học hỏi nhiều hơn, bệnh của con cũng sẽ được cải thiện. Thêm vào đó, việc trang bị kiến thức cho con bước vào đời vô cùng quan trọng, giúp con có việc làm phù hợp nuôi sống bản thân trong tương lai.
Ngoài ra, bạn cũng cần nêu rõ cho cha mẹ học sinh biết ở trường vẫn có các bạn khuyết tật đang theo học. Hằng năm, nhà trường đều có kế hoạch giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập, giúp các em tiếp thu bài hiệu quả nhất và để phối hợp cùng gia đình giáo dục, theo dõi sự tiến bộ của học sinh.
3.3. Học sinh làm bài tập môn khác trong giờ dạy của giáo viên
Tình huống: Trong giờ học của mình, bạn phát hiện có học sinh lén làm bài tập môn khác. Dù đã nhắc nhở nhưng học sinh vẫn cố tình làm tiếp vì em này chưa hoàn thành bài tập giáo viên giao của môn học đó. Trong trường hợp này, bạn nên làm gì?
Gợi ý:
Trong tình huống này, nhiều thầy cô sẽ tỏ ra bực bội và quyết định có những biện pháp xử lý học sinh nghiêm khắc. Tuy nhiên, trong tình huống này, bạn nên lựa chọn cách thức tế nhị hơn, không gây ảnh hưởng tâm lý của học sinh.
Bạn có thể tâm sự riêng nhẹ nhàng hoặc thẳng thắn nói với em học sinh ngay trước lớp rằng việc làm của em là không đúng, không phải cứ tranh thủ học môn này trong tiết học của môn khác thì kết quả học sẽ tốt hơn, mà chỉ khiến em không tập trung học được cả 2 môn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể phân tích rằng: Việc sử dụng thời gian cho môn học này vài môn học khác rất phản khoa học. Các em nên chăm chú nghe giảng trên lớp để có thể nắm trọn kiến thức ngay ở lớp, khi về nhà sẽ không mất nhiều thời gian để làm bài. Việc lên kế hoạch thời gian học tập khoa học sẽ giúp các em học ôn hiệu quả hơn là học dàn trải.
Như vậy, không cần quá gay gắt trong tình huống này, vì chưa chắc học sinh đã coi thường giáo viên, mà chỉ vì lo sợ sẽ bị giáo viên môn học khác phạt khi chưa hoàn thành bài tập được giao mà thôi. Bạn cần dùng lời nói, hành động chân thành của một người giáo viên để truyền tải kinh nghiệm học tập của bản thân, chắc chắn sẽ khiến học sinh thấy bạn là giáo viên có tinh thần trách nhiệm, có tình thương đối với các em.
3.4. Giáo viên bị học sinh chê bai về chuyên môn
Tình huống: Là một giáo viên mới ra trường, tình cờ bạn nghe được hai học sinh đi trước đang nói chuyện và có ý chê bai bài giảng của bạn vừa nông cạn, vừa kém hấp dẫn. Trong tình huống đó, bạn sẽ làm gì?
Gợi ý:
- Việc bàn tán về các thầy cô giáo dường như đã là một “căn bệnh mãn tính” của học sinh. Nào là cô này xinh, cô kia xấu, cô này ăn mặc “model”, thầy kia có nụ cười duyên, đôi mắt đẹp, rồi cô kia có dáng đi “hãm tài”… vô vàn những “đặc điểm” của các thầy cô trở thành đề tài cho các cuộc bàn luận sôi nổi ở mọi lúc mọi nơi. Là một giáo viên trẻ bạn nên “làm quen” dần với điều này và đôi khi cũng phải coi nó là “chuyện thường ngày ở huyện” nên không cần để ý.
- Nhưng lần này bạn vô tình nghe thấy câu chuyện về cách giảng bài của bạn. Không thể bỏ ngoài tai được rồi. Là một giáo viên trẻ mới về trường, bạn luôn có tâm lý lo lắng, “nghe ngóng” xem có ai bàn tán gì về cách dạy của mình không? Phương pháp truyền đạt của mình đã thực sự phù hợp chưa?... Vì vậy khi nghe lời phàn nàn dù không trực tiếp và chưa chắc đã chính xác này cũng làm bạn giật mình. Bạn sẽ “hành động” ngay lập tức bằng cách đi vượt lên trên và ra tín hiệu cho chúng biết là bạn đã nghe thấy, và “liệu hồn” mà chấm dứt ngay. Điều đó cũng cần thiết để ngăn chặn việc nói năng về giáo viên không đúng chỗ, nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi. Biết đâu khi bạn đi qua rồi chúng còn bàn tán nhiệt tình hơn thì sao.
- Hay bạn sẽ bỏ qua vì cho rằng đó chỉ là những câu chuyện thường ngày, chẳng có gì lạ của học sinh, không đáng phải bận tâm. Nếu nghĩ như vậy e rằng bạn đã quá chủ quan. Vì biết đâu những lời nói đó lại phản ánh đúng sự thật, một sự nhận xét rất cần thiết để bạn tiến bộ mà không bao giờ bạn có thể nghe một cách trực tiếp. Vì thế hãy thận trọng và bình tĩnh hơn, cố gắng lắng nghe hết những điều mà hai học sinh đó đang “trò chuyện” về mình (mặc dù phải nói thẳng rằng “nghe trộm” câu chuyện của người khác là việc làm hơi xấu, bạn không nên vận dụng nó một cách thường xuyên). Sau đó bạn chắt lọc thông tin và xem lại cách dạy của mình xem có gì chưa ổn và tìm cách khắc phục. Nhưng điều này đòi hỏi sự điềm tĩnh, biết lắng nghe và thấu hiểu học sinh mà không phải giáo viên nào cũng có được. Thái độ luôn sẵn sàng tiếp thu để thay đổi rất cần thiết cho những giáo viên trẻ muốn cải thiện khả năng giảng dạy của mình. Và trong buổi học hôm sau chắc chắn bạn phải dành ra một khoảng thời gian để thẩm định lại thông tin.
- Bạn có thể bắt đầu vấn đề một cách nhẹ nhàng cởi mở: “Như các em biết cô là một giáo viên trẻ, mới ra trường nên kinh nghiệm nghề nghiệp còn rất non nớt. Chính vì vậy cách giảng bài của cô chắc chắn sẽ còn những chỗ chưa sâu sắc, chưa phù hợp. Trước hết cô mong các em hiểu và thông cảm cho cô. Nhưng điều cô mong muốn hơn đó là các em sẽ góp ý, giúp đỡ cô để cô có thể thay đổi. Nếu các em không cho cô biết thì trước hết người thiệt thòi sẽ là các em. Các em hoàn toàn có quyền phát biểu thẳng thắn những suy nghĩ của mình vì mục đích xây dựng, cô rất cảm ơn và trân trọng những ý kiến đó”. Dừng một lát để học sinh có thời gian để suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, bạn có thể tiếp tục bằng cách mời các em phát biểu. Nhân cơ hội này bạn cũng nên “đánh tiếng” cho hai em học sinh hôm qua đã bàn tán sau lưng bạn là bạn đã biết các em “nói xấu” về bạn bằng cách “vô tình” gọi một trong hai lên trình bày ý kiến của mình. Kết thúc buổi thảo luận đó, bạn cần phải chốt lại vấn đề và không quên nhắc nhở các em: “Cô rất vui vì hôm nay các em đã nói lên những suy nghĩ của mình. Cô hứa sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với các em hơn. Cô trò chúng ta cùng phấn đấu vì một kết quả tốt đẹp nhất. Nhưng cô mong rằng lần sau có vấn đề gì các em hãy cứ trao đổi thẳng thắn với các thầy cô giáo, đừng e ngại điều gì cả. Đó là quyền lợi chính đáng của các em. Tuyệt đối không nên đem những vấn đề đó ra bàn tán, nếu “chẳng may” các thầy cô biết được sẽ nghĩ không hay về các em”.
- Sau cuộc trò chuyện vừa chân tình vừa nghiêm khắc ấy, chắc chắn học sinh sẽ cảm phục bạn hơn không chỉ vì bản lĩnh của một cô giáo trẻ mà còn vì sự cởi mở, tinh thần cầu tiến, không tự ái cá nhân, luôn phấn đấu vì tương lai của học trò.
4. Xây dựng tình huống trong mối quan hệ giữa GV với học sinh tiểu học và cha mẹ học sinh
Học sinh bị bạn học khác bắt nạt
Tình huống: A là học sinh hiền lành, nhút nhát trong lớp bạn làm chủ nhiệm, thường xuyên bị một nhóm bạn lớp khác chọc ghẹo, bắt nạt và lấy đồ. A rất sợ hãi nhưng không dám tố giác với giáo viên và cha mẹ vì sợ sẽ bị nhóm bạn kia bắt nạt nhiều hơn.
Cách xử lý:
- Giáo viên chủ động quan sát, nắm bắt tình hình của bạn A để kịp thời ngăn chặn hành vi bắt nạt, lấy đồ của nhóm bạn bắt nạt.
- Liên hệ với giáo viên chủ nhiệm của lớp mà nhóm bắt nạt đang học, cùng phối hợp để giáo dục, răn đe nhóm học sinh có hành vi bắt nạt, giải thích hành vi bắt nạt bạn học là sai, yêu cầu các em chấm dứt ngay lập tức.
- Tâm sự, động viên học sinh bị bắt nạt, giúp em vượt qua sự tự ti, sợ hãi, khuyến khích em mạnh dạn tố giác khi có việc tương tự xảy ra với bản thân và bạn học khác.
- Phối hợp với phụ huynh học sinh của học sinh bắt nạt và học sinh bị bắt nạt để cùng giải quyết vấn đề. Cần xử lý triệt để ngay từ đầu, tránh việc nhóm học sinh bắt nạt cảm thấy tị nạnh, vẫn kín đáo bắt nạt bạn học khác.
Phụ huynh đặt nặng thành tích học tập của con với giáo viên
Tình huống: Trong lớp có phụ huynh em T thường xuyên nhắn tin, gọi điện thoại yêu cầu giáo viên hỗ trợ, chấm điểm cao cho em T, giúp em T có sổ học bạ đẹp. Trong trường hợp này, giáo viên xử lý như thế nào?
Cách giải quyết:
- Giáo viên cần từ tốn nhưng vẫn thể hiện thái độ kiên quyết trong giao tiếp với phụ huynh, tỏ rõ quan điểm sẽ giúp đỡ em T trong học tập, nhưng không có chuyện thiên vị, nới lỏng khi chấm điểm cho em T để nâng cao thành tích.
- Giải thích với cha mẹ học sinh về quy chế đánh giá học sinh tiểu học, tiêu chí chấm điểm với mỗi môn học, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn luôn chấm điểm công bằng, khách quan, dựa trên khả năng thể hiện trên bài kiểm tra của học sinh.
- Giải thích và đề nghị phụ huynh tạo điều kiện tốt nhất để con tự cố gắng học tập, tôn trọng sở thích của con, không nên gây áp lực về thành tích học tập cho con, khiến con bị ảnh hưởng tâm lý.
- Tránh tranh cãi gay gắt, thể hiện thái độ cởi mở để cùng phụ huynh giáo dục học sinh.
Học sinh thắc mắc vì sao bài kiểm tra của em giống bài của một bạn trong lớp nhưng điểm của em lại thấp hơn
Tình huống: Sau khi trả bài kiểm tra, học sinh A đứng lên thắc mắc với giáo viên về kết quả điểm bài kiểm tra với lý do: "Bài của em làm giống hệt bài của bạn H, sao bạn ấy lại được điểm cao hơn em?"
Cách giải quyết:
Đây là tình huống đặc biệt, giáo viên không thể trả lời qua loa vì sợ bản thân mắc lỗi khi chấm bài, mà cần có sự phân tích cặn kẽ cho học sinh, tốt nhất là nên dành thời gian kiểm chứng lại bài kiểm tra của cả bạn A và bạn H.
- Giáo viên hẹn em A cuối giờ sẽ thu bài của em A và em H để xem lại.
- Khi đối chiếu 2 bài viết, trường hợp 2 bài có kết quả làm đều đúng và không có dấu hiệu sao chép, giáo viên cần nhận lỗi về mình trước học sinh và chấm lại bài, nâng điểm cho bạn A. Trường hợp giáo viên đã kiểm tra kỹ và hoàn toàn chắc chắn về kết quả mình đã chấm, cũng cần có sự giải thích nhẹ nhàng để em A hiểu vì sao bài kiểm tra của mình thấp điểm hơn.
Có thể thấy, trong thực tiễn, có rất nhiều tình huống sư phạm đặt ra, yêu cầu giáo viên cần linh hoạt trong xử lý vấn đề với học sinh và phụ huynh học sinh. Tùy từng đối tượng sẽ có sự thay đổi trong cách giải quyết. Cùng một tình huống nhưng không thể áp dụng cách xử lý trong mọi trường hợp. Điều cần thiết là lựa chọn cách nào hợp lý, đảm bảo công bằng, khách quan, khiến học sinh tâm phục và phụ huynh hài lòng. Từ đó giáo viên và cha mẹ học sinh cũng có sự tin tưởng lẫn nhau, cùng phối hợp giáo dục học sinh tốt hơn.
Trên đây là các mẫu Xây dựng tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh tiểu học; giữa giáo viên với cha mẹ học sinh. Đề xuất cách giải quyết và giải thích lý do tại sao lại lựa chọn cách giải quyết đó. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các bài viết liên quan khác trong mục Tài liệu: Dành cho giáo viên nhé.
- Chia sẻ:Lê Diệu Linh
- Ngày:
Tham khảo thêm
Đáp án trắc nghiệm Module 6 Cán bộ quản lý (CBQL)
Đánh giá biện pháp phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường
Phẩm chất đạo đức cần hình thành cho học sinh THPT được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 là những phẩm chất nào?
Đáp án trắc nghiệm cuối khóa Module 6 Tiểu học
Xây dựng 2 tình huống trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh THCS
Thực hành phân tích việc thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong lớp học trường học tại đơn vị công tác của thầy/cô
Gợi ý cho bạn
-
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể môn Toán 2024
-
(4 mẫu) Powerpoint Phòng chống bạo lực học đường 2024 hay nhất
-
Mục tiêu của việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường là gì?
-
Tài liệu bồi dưỡng Mô đun 2 môn Cơ sở lý luận
-
(Mới cập nhật) Bài thu hoạch chính trị hè năm 2024 dành cho giáo viên (16 mẫu)
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Dành cho giáo viên
Thầy/cô hãy liệt kê 3 đánh giá quá trình mình đã thực hiện và mô tả chi tiết về mục tiêu đánh giá, kết quả thu được và những quyết định giáo dục
Mẫu phân phối chương trình Hoạt động trải nghiệm lớp 1 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Top 8 Kế hoạch phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh Tiểu Học
Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý THPT Nội dung 4
Lời bài hát Bài Ca Gút Chóp – Lê Bống, Mèo Sao Hỏa, Cô Ngân Tv, Mister Vit
Nội dung tích hợp giáo dục an ninh quốc phòng THCS môn Giáo dục công dân KNTT