Giới thiệu sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 3 bộ sách Cánh Diều

Tải về

Sách Hoạt động trải nghiệm 3 Cánh Diều được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kí quyết định phê duyệt và đưa vào sử dụng trong các cơ sở GDPT từ năm học 2022 - 2023. Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 3 bộ sách Cánh Diều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 về phát triển năng lực phầm chất cho người học vừa là một cuốn sách giáo khoa hiện đại, tiệm cận với sách giáo khoa của các nước phát triển trên thế giới. Sau đây là Tài liệu giới thiệu sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 3 bộ sách Cánh Diều, mời các bạn tham khảo.

Điểm mới sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm lớp 3 bộ sách Cánh Diều

GIỚI THIỆU SÁCH GIÁO KHOA
HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM 3

1. Giới thiệu khái quát về cuốn sách

1.1. Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 3 được biên soạn theo Chương trình GDPT 2018, hướng vào hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh

Các hoạt động trong sách giúp học sinh không chỉ khám phá thế giới đầy bí ẩn xung quanh, mà còn khám phá được những tiềm năng tuyệt vời đang ẩn chứa trong chính bản thân mình. Bên cạnh đó, các hoạt động trong sách cũng giúp học sinh thêm yêu thích việc học, biết yêu thương và chia sẻ công việc với các thành viên trong gia đình, nhà trường và xã hội; học sinh thêm yêu thiên nhiên, biết trân trọng và bảo vệ môi trường sống xung quanh.

1.2. Nội dung sách Hoạt động trải nghiệm 3 gồm 9 chủ đề

Các chủ đề bao gồm: Trường học mến yêu, Khám phá bản thân, Em yêu lao động, Những người sống quanh em, Nghề em yêu thích, Em yêu quê hương, Gia đình yêu thương, Em và những người bạn, An toàn trong cuộc sống. Mỗi chủ đề được cấu trúc thành các hoạt động: Sinh hoạt dưới cờ, Giáo dục theo chủ đề và Sinh hoạt lớp. Bên cạnh đó, trong mỗi chủ đề còn có nhiều Hoạt động tiếp nối để học sinh có cơ hội vận dụng những điều đã học vào thực tiễn đời sống, qua đó các em hình thành và phát triển được các năng lực cần thiết của con người hiện đại. Kết thúc chủ đề học tập, học sinh sẽ tự đánh giá việc tham gia vào các hoạt động và kết quả thu được bằng việc lựa chọn biểu tượng khuôn mặt phù hợp với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các em.

1.3. Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 3 do NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) thực hiện.

Sách gồm 100 trang, khổ 19 x 26,5 cm. Sách được thiết kế với nhiều hình ảnh đẹp, màu sắc đa dạng, hài hoà giữa kênh hình và kênh chữ giúp cho học sinh thuận tiện nắm bắt nhiệm vụ và thực hành trải nghiệm để đạt được mục tiêu bài học.

2. Cấu trúc sách Hoạt động trải nghiệm 3

2.1. Sách được cấu trúc thành 9 chủ đề có tính kế thừa cao từ Hoạt động trải nghiệm 1, 2. Việc cấu trúc nội dung sách thành các chủ đề giúp thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn.

2.2. Trong mỗi chủ đề, có trang giới thiệu chủ đề gồm: mục tiêu của chủ đề và hình ảnh có tính đại diện cho chủ đề, giúp học sinh có định hướng và động lực để tham gia vào các hoạt động trải nghiệm trong chủ đề.

2.3. Mỗi chủ đề triển khai trong 4 tuần, tức là một tháng. Trong khoảng thời gian 4 tuần này, học sinh được tham gia nhiều hoạt động theo cùng chủ đề. Do đó, những năng lực cần thiết có cơ hội được hình thành một cách bền vững.

2.4. Mỗi tuần đều gồm 3 hoạt động trải nghiệm chính là: Sinh hoạt dưới cờ, Giáo dục theo chủ đề, Sinh hoạt lớp. Trong đó:

Hoạt động Sinh hoạt dưới cờ mở ra cơ hội để học sinh được tham gia vào hoạt động tập thể, trong phạm vi toàn trường. Hoạt động Giáo dục theo chủ đề chính là trung tâm của Hoạt động trải nghiệm, hướng tới đáp ứng trực tiếp những yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình Hoạt động trải nghiệm. Hoạt động Sinh hoạt lớp được thiết kế như những hoạt động để học sinh chia sẻ, trình diễn, giới thiệu những thành quả trải nghiệm sau một tuần trải nghiệm. Sinh hoạt lớp được tổ chức nhẹ nhàng, vui vẻ và mở ra cơ hội để học sinh được nói, được chia sẻ, được giao tiếp nhiều hơn nhằm phát triển năng lực giao tiếp, tương tác. Hoạt động tiếp nối là hoạt động có tính chất mở rộng của các hoạt động trải nghiệm trên lớp học, đặc biệt là mở rộng về không gian trải nghiệm, thời gian trải nghiệm ngoài giờ lên lớp. Chính hoạt động tiếp nối này mở ra cơ hội nhiều hơn để học sinh được trải nghiệm trong thực tế và phát triển năng lực đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục.

3. Nội dung sách Hoạt động trải nghiệm 3

Chủ đề 1: Trường học mến yêu

Chủ đề này hướng tới mục tiêu: HS thực hiện được việc trang trí, lao động vệ sinh lớp học, giữ an toàn trong khi trang trí lớp học; HS chia sẻ được điều ấn tượng nhất về thầy cô giáo.

Một số hoạt động nổi bật trong chủ đề này đó là HS được tổ chức để tham gia vào hoạt động khảo sát lớp học, xây dựng ý tưởng rồi bắt tay vào trang trí lớp học của mình.

Chủ đề 2: Khám phá bản thân

  • Mục tiêu trọng tâm chủ đề này là nhận ra được những nét riêng của bản thân, xác định được sở thích của bản thân và tự làm được sản phẩm theo sở thích.
  • Một số hoạt động tiêu biểu trong chủ đề: HS sáng tạo sơ đồ tư duy về nét riêng của bản thân và sử dụng sơ đồ đó để giới thiệu về bản thân mình; HS khám phá về sở thích của bản thân và thực hiện hoạt động hoặc sáng tạo sản phẩm theo sở thích cá nhân.

Chủ đề 3: Em yêu lao động

  • Chủ đề này hướng tới mục tiêu: Sắp xếp được thứ tự các hoạt động, công việc trong ngày của bản thân và bước đầu thực hiện được thời gian biểu đề ra; tham gia vào các hoạt động trang trí nhà cửa; tự làm được sản phẩm thể hiện tình cảm với thầy cô.
  • Một số hoạt động tiêu biểu trong chủ đề như: HS xây dựng thời gian biểu và sử dụng thời gian biểu để thực hiện công việc hằng ngày; HS lên ý tưởng trang trí ngôi nhà, và với sự hỗ trợ của người thân các em thực hiện được việc trang trí ngôi nhà của mình; HS sáng tạo được sản phẩm để tri ân thầy cô nhân ngày 20/11 như: tự làm lẵng hoa, thiết kế tấm thiệp để gửi tặng thầy cô giáo.

Chủ đề 4: Những người sống quanh em

  • Mục tiêu trọng tâm của chủ đề này là thực hiện được một số việc làm phù hợp với lứa tuổi thể hiện sự quan tâm đến các thành viên trong cộng đồng; tích cực tham gia một số hoạt động tình nguyện, nhân đạo, giáo dục truyền thống do nhà trường, địa phương tổ chức.
  • Chủ đề 4 được triển khai trong tháng 12 là tháng của yêu thương, gắn kết và chia sẻ. Trong chủ đề này, HS được tham gia vào nhiều hoạt động ý nghĩa như thể hiện nói lời hay, làm việc tốt; thực hiện việc làm thể hiện quan tâm tới những người xung quanh qua việc làm và chia sẻ món quà yêu thương; thảo luận để xác định những việc tốt có thể làm với những người xung quanh và cùng thi đua để thực hiện được những việc tốt đó.

Chủ đề 5: Nghề em yêu thích

  • Chủ đề này hướng tới mục tiêu HS kể tên được một số đức tính cần có của người lao động trong nghề nghiệp mà mình yêu thích và nêu được một số đức tính của bản thân liên quan đến nghề yêu thích; xác định được những thứ thực sự cần mua để tiết kiệm, tránh lãng phí.
  • Trong chủ đề này, HS được tham gia vào các hoạt động khám phá về nghề nghiệp yêu thích thông qua việc thực tế, thảo luận và chia sẻ trước lớp; HS được tham gia vào các trò chơi thực hành mua sắm và chi tiêu tiết kiệm.

Chủ đề 6: Em yêu quê hương

  • Mục tiêu của chủ đề này là HS nhận diện được vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên ở địa phương và tuyên truyền được tới bạn bè, người thân việc bảo vệ vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên ở địa phương; HS nêu được những biểu hiện của ô nhiễm môi trường, tham gia tích cực vào các hoạt động phù hợp với lứa tuổi để phòng, chống ô nhiễm môi trường.
  • Trong chủ đề này có một số hoạt động tiêu biểu như: HS tham quan cảnh đẹp thiên nhiên ở địa phương, chia sẻ những điều em được trải nghiệm với các bạn; HS lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch vệ sinh môi trường xung quanh.

Chủ đề 7: Gia đình yêu thương

  • Chủ đề này hướng tới mục tiêu HS thể hiện được lòng biết ơn, sự quan tâm, chăm sóc đến bố mẹ, người thân bằng lời nói, thái độ và việc làm cụ thể; hình thành được thói quen giữ gìn nhà cửa, gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ; thực hiện việc sử dụng điện, nước tiết kiệm trong gia đình.
  • Trong chủ đề 7, HS được tham gia vào một số hoạt động có tính thực tiễn cao như làm món quà biết ơn để gửi tặng người thân; giúp đỡ người thân bằng việc làm vừa sức; thực hành sử dụng tiết kiệm điện, nước trong gia đình.

Chủ đề 8: Em và những người bạn

  • Chủ đề này hướng tới mục tiêu HS thực hiện được một số việc làm phù hợp với lứa tuổi thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đến bạn bè xung quanh; thực hiện được hoà giải bất đồng trong quan hệ bạn bè.
  • Một số hoạt động tiêu biểu trong chủ đề 8 là: Vòng tay bạn bè: đó là vẽ bàn tay tình bạn và viết tên những người bạn vào bàn tay đó; thảo luận để xây dựng những lưu ý ứng xử với bạn bè; xây dựng tủ sách tình bạn trong lớp học; thực hành hoà giải bất đồng với bạn qua các tình huống cụ thể.

Chủ đề 9: An toàn trong cuộc sống

  • Chủ đề này hướng tới mục tiêu HS nhận thức được các nguy cơ nếu không thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện được việc làm đảm bảo an toàn trong ăn uống.
  • Một số hoạt động trải nghiệm tiêu biểu trong chủ đề bao gồm: HS chia sẻ về những việc đã làm được để giữ vệ sinh an toàn trong ăn uống; thảo luận để xác định những lưu ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cùng nhau xây dựng thông điệp về vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Phương thức tổ chức hoạt động trải nghiệm và đánh giá

4.1. Phương pháp tổ chức

- Phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, tạo hứng thú và khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động trải nghiệm.

- Tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm thông qua các hoạt động tìm tòi, vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có vào đời sống; hình thành, phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định, dựa trên những tri thức và ý tưởng mới thu được từ trải nghiệm.

- Khuyến khích, tạo cơ hội cho học sinh suy nghĩ, phân tích, khái quát hoá những trải nghiệm để đúc rút kinh nghiệm, hình thành kiến thức và kĩ năng mới.

- Lựa chọn linh hoạt, vận dụng hợp lí, khoa học các phương pháp giáo dục, các phương pháp dạy học tích cực vào việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Một số phương pháp cơ bản thường được khuyến khích sử dụng khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm như: phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp đóng vai, phương pháp tổ chức trò chơi, phương pháp kể chuyện, phương pháp dự án,…

4.2. Đánh giá quá trình và kết quả trải nghiệm của học sinh

- Mục đích đánh giá là thu thập thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt so với chương trình; sự tiến bộ của học sinh trong và sau các giai đoạn trải nghiệm. Kết quả đánh giá là căn cứ để định hướng học sinh tiếp tục rèn luyện hoàn thiện bản thân.

- Nội dung đánh giá là các biểu hiện của phẩm chất và năng lực đã được xác định trong chương trình: năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động. Các yêu cầu cần đạt về sự phát triển phẩm chất và năng lực của mỗi cá nhân chủ yếu được đánh giá thông qua hoạt động theo chủ đề, thông qua quá trình tham gia hoạt động tập thể và các sản phẩm của học sinh trong mỗi hoạt động.

- Đối với Sinh hoạt dưới cờ và Sinh hoạt lớp, nội dung đánh giá chủ yếu tập trung vào sự đóng góp của học sinh cho các hoạt động tập thể và việc thực hiện có kết quả hoạt động chung của tập thể. Đồng thời, các yếu tố như động cơ, tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, tính tích cực đối với hoạt động chung của học sinh cũng được đánh giá thường xuyên trong quá trình tham gia hoạt động.

- Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và đánh giá của cộng đồng; giáo viên chủ nhiệm lớp chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả đánh giá.

- Cứ liệu đánh giá dựa trên thông tin thu thập được từ quan sát của giáo viên, từ ý kiến tự đánh giá của học sinh, đánh giá lẫn nhau của học sinh trong lớp, ý kiến nhận xét của cha mẹ học sinh và cộng đồng; thông tin về số giờ (số lần) tham gia hoạt động trải nghiệm (hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động lao động,...); số lượng và chất lượng các sản phẩm hoàn thành được lưu trong hồ sơ hoạt động.

- Kết quả đánh giá đối với mỗi học sinh là kết quả tổng hợp đánh giá thường xuyên và định kì về phẩm chất và năng lực và có thể phân ra làm một số mức để xếp loại. Kết quả đánh giá Hoạt động trải nghiệm được ghi vào hồ sơ học tập của học sinh (tương đương một môn học).

5. Những điểm nổi bật

5.1. Hoạt động trải nghiệm 3 là sự tiếp nối, có tính kế thừa cao từ Hoạt động trải nghiệm 2

Sách Hoạt động trải nghiệm 3 kế thừa về các chủ đề trải nghiệm, cách thức cấu trúc các chủ đề, cách thức thiết kế các hoạt động trong từng chủ đề. Tuy vậy, so với Hoạt động trải nghiệm 2, Hoạt động trải nghiệm 3 cũng có một số điều chỉnh để phù hợp với khả năng học tập của học sinh lớp 3 và phù hợp với các yêu cầu được đưa ra trong Chương trình Hoạt động trải nghiệm 3. Tên một số chủ đề đã được thay đổi như chủ đề Trường tiểu học, chủ đề Em với cộng đồng; chủ đề Nghề nghiệp trong cuộc sống,… Bên cạnh đó, trong mỗi hoạt động trải nghiệm, kênh chữ cũng được tăng cường nhiều hơn.

5.2. Hoạt động trải nghiệm 3 là cầu nối giữa các môn học với hiện thực đời sống

Nội dung sách hướng trực tiếp vào hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh, trong đó bao gồm các năng lực chung như: tự chủ – tự học, giao tiếp – hợp tác, giải quyết vấn đề – sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng hướng học sinh tới các năng lực đặc thù như năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp.

5.3. Toàn bộ các bài trong Hoạt động trải nghiệm 3 được xây dựng theo hướng tổ chức cho học sinh được thực hành, làm việc, trao đổi chia sẻ, trải nghiệm thực tiễn

Qua việc được thực hành, làm việc, trao đổi chia sẻ, trải nghiệm thực tiễn, học sinh phát triển được bản thân, phát triển được các năng lực được quy định trong Chương trình giáo dục mà không dừng lại ở kiến thức lí thuyết. Hoạt động trải nghiệm 3 chính là cuốn sách thể hiện đầy đủ, triệt để tư tưởng của toàn bộ bộ sách Cánh diều, đó là “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống” và đây cũng chính là một cách diễn đạt khác của Dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh mà chương trình GDPT 2018 đã xác định.

6. Kết luận

6.1. Sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 3 của Bộ sách Cánh diều là sản phẩm tâm huyết của tập thể tác giả – những nhà khoa học đồng thời là những nhà giáo giàu kinh nghiệm và gắn bó với giáo dục tiểu học.

6.2. Nội dung sách là các bài học vui tươi, sinh động, có tính giáo dục cao, hấp dẫn học sinh; kênh hình được thiết kế hợp lí, đẹp mắt, sinh động, hấp dẫn như quy định của chương trình và nhận được sự ủng hộ cao của giáo viên, học sinh trong quá trình thực nghiệm.

6.3. Sách được biên soạn và xuất bản theo quy trình chặt chẽ từ khâu lên ý tưởng, viết bản thảo, dạy thực nghiệm tới thẩm định. Chúng tôi hi vọng và tin tưởng cuốn sách sẽ là người bạn đồng hành tin cậy và lí thú với thầy cô và các em học sinh.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.752
Giới thiệu sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm 3 bộ sách Cánh Diều
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm