Giới thiệu sách giáo khoa Đạo đức 3 bộ sách Cánh Diều

Sách Đạo đức 3 Cánh Diều được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kí quyết định phê duyệt và đưa vào sử dụng trong các cơ sở GDPT từ năm học 2022 - 2023. Sách giáo khoa Đạo đức 3 bộ sách Cánh Diều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 về phát triển năng lực phầm chất cho người học vừa là một cuốn sách giáo khoa hiện đại, tiệm cận với sách giáo khoa của các nước phát triển trên thế giới. Sau đây là Tài liệu giới thiệu sách giáo khoa Đạo đức 3 bộ sách Cánh Diều, mời các bạn tham khảo.

Điểm mới sách giáo khoa Đạo đức 3 bộ sách Cánh Diều

SGK Đạo đức lớp 3 của bộ sách Cánh Diều là sản phẩm của các tác giả và BTV tâm huyết về giáo dục trong lĩnh vực GD Đạo đức được thẩm định kĩ lưỡng.

Về mục tiêu của sách:

SGK Đạo đức 3 được biên soạn nhằm đáp ứng mục tiêu góp phần hình thành, phát triển ở HS:

+ Các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

+ Các năng lực chung như năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Ngoài ra, cuốn sách còn giúp HS phát triển thêm các NL đặc thù của môn Đạo đức như: NL điều chỉnh hành vi, NL phát triển bản thân, Năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế - xã hội.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.

Về cấu trúc sách:

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trên cơ sở 8 chủ đề trong Chương trình môn Đạo đức lớp 3, tác giả đã thiết kế thành 12 bài học.

12 bài học này thể hiện 4 mạch nội dung của môn Đạo đức ở Tiểu học: Giáo dục Đạo đức; Giáo dục Kĩ năng sống; Giáo dục Pháp luật; Giáo dục Kinh tế; được thực hiện trong 35 tiết/năm học, 1 tiết/tuần.

Nội dung 12 bài học trong sách được lựa chọn đã thể hiện đúng và đầy đủ nội dung chương trình môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

I. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA SGK ĐẠO ĐỨC 3

1. Các bài học trong sách giáo khoa Đạo đức 3 được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.

Các bài học trong sách giáo khoa được thiết kế theo các hoạt động học tập, trong đó mỗi bài học đều được thiết kế theo một cấu trúc thống nhất, gồm 4 phần: khởi động, khám phá, luyện tập, vận dụng.

Phần Khởi động

Để bắt đầu bài học nhằm thu hút học sinh, tạo tâm thế cho HS chuẩn bị vào bài học mới, nhằm khơi gợi cảm xúc đạo đức, khai thác kinh nghiệm với các chuẩn mực đạo đức, pháp luật và kĩ năng sống;

Phần này thường được thực hiện thông qua các hoạt động: nghe hoặc hát bài hát; quan sát hình ảnh; tham gia trò chơi; giới thiệu về một người, địa danh; chia sẻ cùng bạn…

Phần Khám phá

1/ Nhằm khám phá các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật và kĩ năng sống thông qua các hoạt động trải nghiệm như: quan sát tranh ảnh; kể chuyện theo tranh; thảo luận; xử lí tình huống;... phản ánh nội dung bài học,…

Ví dụ:

Bài 1 “Em khám phá đất nước Việt Nam”, có câu chuyện “Gọi sao cho đúng”, nói về Quốc hiệu của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bài 7 “Em khám phá bản thân” có mục 3 Kể câu chuyện và trả lời câu hỏi. thông qua câu chuyện “Cuộc đua của Thỏ và Rùa” HS rút ra được bài học vì sao chúng ta cần biết điểm mạnh và điểm yếu của mình.

2/ Trên cơ sở nội dung bài học, GV tổ chức các hoạt động học tập cho HS: quan sát, trao đổi, thảo luận, chia sẻ,… với các câu hỏi khai thác nội dung câu chuyện,… từ đó HS cùng nhau xây dựng lên kiến thức bài học.

Ví dụ: Bài 5 “Em giữ lời hứa”, mục 2 có hoạt động quan sát tranh và trả lời câu hỏi, là những biểu hiện của việc giữ lời hứa. Hay mục 3 có hoạt động Thảo luận nhóm nói về lợi ích của việc giữ lời hứa.

3/ Với cách thiết kế như trên, các bài học trong sách Đạo đức 3 không cung cấp sẵn kiến thức cho HS, mà được thiết kế thành các hoạt động học tập, thông qua đó, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên, HS được trải nghiệm để tự khám phá, phát hiện, tự hình thành lên kiến thức bài học cho mình.

4/ Cũng thông qua các hoạt động học tập, HS hình thành KN, NL cần thiết: NL giao tiếp và hợp tác trong nhóm, trong lớp (Ví dụ: HS cùng nhau thảo luận, trao đổi, chia sẻ), NL giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Phần Luyện tập

- Gồm các bài tập tự luận, tình huống,… nhằm củng cố, rèn luyện học sinh theo các nội dung đã được thực hiện trong phần Khám phá, tạo điều kiện cho học sinh tăng cường rèn luyện, để hình thành, phát triển các năng lực cần thiết theo yêu cầu của mỗi bài học, như NL hợp tác, NL điều chỉnh hành vi, NL giải quyết vấn đề,…

- Với phần Luyện tập ở mỗi bài học, SGK đáp ứng yêu cầu rèn luyện cho học sinh các kĩ năng: quan sát, nhận xét đánh giá, so sánh,…

Phần Vận dụng

Nhằm tạo điều kiện cho HS thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng bài học vào đời sống thực tiễn ở trong giờ học cũng như ngoài giờ học, thông qua các bài tập yêu cầu vận dụng.

Ví dụ:

- Ở bài 8 “Em hoàn thiện bản thân” có bài tập vận dụng “Nuôi dưỡng hoa ước muốn để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của bản thân”, thông qua hoạt động này, các em rèn luyện để phát huy tốt những thế mạnh, ưu điểm của bản thân và từ đó cố gắng khắc phục những điểm yếu của mình trong học tập cũng như cuộc sống.

- Ở bài 9 “Em nhận biết những bất hoà với bạn” có bài tập vận dụng yêu cầu HS “xây dựng và trang trí một thông điệp về lợi ích của việc xử lí bất hoà với bạn bè”.

2. Nội dung các bài học trong SGK Đạo đức 3 tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.

- Các bài học trong SGK Đạo đức 3 được thiết kế thành các hoạt động học tập phong phú, đa dạng như: Đọc câu chuyện, kể chuyện theo tranh, quan sát tranh; thảo luận; bày tỏ thái độ;… tạo điều kiện cho GV đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, xóa bỏ cách dạy thuyết lí, áp đặt học sinh.

- Thông qua các hoạt động học tập, HS được trực tiếp tham gia, là chủ thể của các hoạt động; HS sẽ hứng thú, tích cực, chủ động trong học tập, làm cho giờ học Đạo đức trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ, sôi động, hấp dẫn.

3. Sách giáo khoa Đạo đức 3 quán triệt xuyên suốt tư tưởng của bộ sách giáo khoa Cánh Diều “Mang cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống”. Toàn bộ nội dung bài học đều được xây dựng từ thực tiễn cuộc sống; phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh lớp 3, phù hợp với xã hội Việt Nam hiện nay, với đặc điểm và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, với điều kiện của nhà trường.

Ví dụ: Các hình ảnh được đưa ra trong bài 11 “Em nhận biết quy tắc an toàn giao thông” bao gồm cả khung cảnh của thành phố, nông thôn, miền núi, vùng sông nước,… hay trong bài 2 “Em yêu Tổ Quốc Việt Nam” có các địa danh rất gần gũi, quen thuộc với các em học sinh, các vùng miền vì nó gắn liền với những sự kiện lịch sử của ba miền Bắc, Trung Nam,… là dữ liệu cần thiết để tác giả biên soạn nội dung các bài học.

Đồng thời nội dung các bài học lại được thực hành, vận dụng trong cuộc sống, thông qua các các hoạt động Luyện tập và Vận dụng.

4. Các bài học trong sách thể hiện tính đa dạng vùng miền, không mang định kiến giới, định kiến dân tộc.

SGK Đạo đức 3 luôn quán triệt quan điểm không định kiến vùng miền, giới, dân tộc:

- Có hình ảnh, câu chuyện miền Bắc, miền Trung, miền Nam, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bằng, thành phố.

- Các hình ảnh trong sách cũng có hình ảnh người kinh và hình ảnh người dân tộc ít người.

Các bài học trong sách thể hiện được yêu cầu về đổi mới đánh giá.

- Nội dung các câu hỏi, bài tập trong mỗi bài học trong sách Đạo đức 3 được thiết kế theo hướng mở, phù hợp với định hướng đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh; giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh, cũng như đánh giá được kết quả giáo dục với các mức độ khác nhau; đồng thời giúp GV trong đánh giá thường xuyên, đánh giá quá trình.

- Với hệ thống câu hỏi mở trong sách Đạo đức 3, mục tiêu kiểm tra, đánh giá không nhằm đánh giá kiến thức học sinh, mà nhằm đánh giá khả năng tư duy, năng lực của HS theo các yêu cầu về NL chung và NL đặc thù của môn học và khả năng vận dụng kiến thức của HS vào đời sống thực tiễn; đánh giá thái độ của học sinh trước các hiện tượng, vấn đề đạo đức, pháp luật trong đời sống xã hội xung quanh.

6. Các bài học trong sách thể hiện rõ yêu cầu tích hợp và phân hóa.

- Các bài học trong sách Đạo đức 3 thể hiện rõ yêu cầu tích hợp với nhiều môn học khác như: với môn Mĩ thuật, thông qua các hoạt động quan sát tranh; với môn Âm nhạc, thông qua các hoạt động hát hoặc nghe các bài hát ở phần Khởi động; với môn Tiếng việt, thông qua các hoạt động đọc câu chuyện; với môn Lịch sử và Địa lí thông qua các câu chuyện về anh Kim Đồng hay giới thiệu ngắn gọn các địa danh như: Hồ Gươm, bến Nhà Rồng, với Hoạt động trải nghiệm thông qua nội dung các bài học.

- Đồng thời, thông qua mỗi bài học sách Đạo đức 3 còn thể hiện được yêu cầu phân hóa theo trình độ của học sinh và phân hóa theo vùng miền. Thông qua hệ thống câu hỏi phong phú nhất, Đạo đức 3 Cánh Diều có các câu hỏi, bài tập trung bình cho HS mọi miền đất nước; có các bài tập nâng cao cho HS khá giỏi.

7. Cách trình bày và hình thức sách giáo khoa

- Sách Đạo đức 3 sử dụng ngôn ngữ giản dị, trong sáng, gần gũi với HS lớp 3; cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, thân thiện với học sinh.

- Sách sử dụng kênh chữ kết hợp với kênh hình. Kênh hình được thiết kế hợp lí, vui tươi, không chỉ là minh hoạ, mà chủ yếu là phản ánh nội dung, từ các biểu hiện hành vi, thái độ, thông qua đó HS khai thác nội dung để trao đổi, thảo luận, chia sẻ, rút ra kết luận, hình thành kiến thức bài học.

Tóm lại, sách giáo khoa Đạo đức 3 Cánh Diều đã thể hiện đúng và đủ mục tiêu giáo dục theo Chương trình GDPT và Chương trình môn GDCD mới 2018. Sách đã tiếp cận theo xu thế của SGK các nước có nền giáo dục tiên tiến, với nội dung đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

GV sử dụng SGK Đạo đức 3 Cánh Diều sẽ thuận tiện trong việc tổ chức các hoạt động dạy học theo yêu cầu đổi mới phương pháp. HS học các bài học Đạo đức 3 - bộ sách Cánh Diều, sẽ hứng thú với các bài học mới.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.744
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi