Giới thiệu sách giáo khoa Tiếng Việt 3 bộ sách Cánh Diều

Tải về

Sách Tiếng Việt 3 Cánh Diều được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kí quyết định phê duyệt và đưa vào sử dụng trong các cơ sở GDPT từ năm học 2022 - 2023. Sách giáo khoa Tiếng Việt 3 bộ sách Cánh Diều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 về phát triển năng lực phầm chất cho người học vừa là một cuốn sách giáo khoa hiện đại, tiệm cận với sách giáo khoa của các nước phát triển trên thế giới. Sau đây là Tài liệu giới thiệu sách giáo khoa Tiếng Việt 3 bộ sách Cánh Diều, mời các bạn tham khảo.

Điểm mới sách giáo khoa Tiếng Việt 3 bộ sách Cánh Diều

GIỚI THIỆU SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT 3

(BỘ SÁCH CÁNH DIỀU CỦA NXB ĐHSP TP HỒ CHÍ MINH)

I. Thông tin chung

Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 3 (Cánh Diều) do NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phối hợp với NXB Đại học Sư phạm (Hà Nộị) và Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) sản xuất. Sách gồm 2 tập, khổ 19 x 26,5 cm, nhiều màu. Tập 1 dày 136 trang, tập 2 dày 128 trang.

Kèm theo SGK có bộ sách tham khảo thiết yếu, gồm Sách giáo viên Tiếng Việt 3; Vở bài tập Tiếng Việt 3; vở Luyện viết Tiếng Việt 3 (gồm Tập viết, Chính tả); Truyện đọc lớp 3 (phục vụ yêu cầu đọc mở rộng của Chương trình) và các sách tham khảo khác (Phiếu ôn luyện cuối tuần Tiếng Việt 3; Em luyện viết đúng, viết đẹp 3; Thực hành tiếng Việt 3; vở Luyện tập chính tả 3).

II. Cấu trúc của sách và của bài học

1. Cấu trúc của sách

Sách được thiết kế theo 4 chủ đề (Măng non, Cộng đồng, Đất nước, Ngôi nhà chung). Mỗi chủ đề gồm một số chủ điểm. Mỗi chủ điểm là một bài học chính, được học trong 2 tuần (Riêng chủ điểm Bạn bè bốn phương được học trong 3 tuần).

Ngoài 15 bài học chính, sách còn có 4 bài ôn tập giữa và cuối mỗi học kì.

2. Cấu trúc của bài học

Mỗi bài học chính trong sách là một đơn vị trọn vẹn về nội dung (một chủ điểm), trọn vẹn về các hoạt động học tập (đọc, viết, nói và nghe). Trong mỗi bài học, các hoạt động đọc, viết, nói và nghe được bố trí xen kẽ, luân phiên cho phù hợp với tâm lí tiếp nhận của HS và điều kiện dạy, học thực tế. Cụ thể như sau:

Tuần thứ nhất:

1) Bài đọc 1: 2 tiết

2) Bài viết 1 (Tập viết): 1 tiết

3) Nói và nghe: 1 tiết

4) Bài đọc 2: 2 tiết

5) Bài viết 2 (Tập làm văn): 1 tiết

Tuần thứ hai:

1) Bài đọc 3: 2 tiết

2) Bài viết 3 (Chính tả): 1 tiết

3) Nói và nghe: 1 tiết

4) Bài đọc 4: 2 tiết

5) Bài viết 4 (Góc sáng tạo): 1 tiết

III. Những điểm kế thừa và đổi mới so với SGK Tiếng Việt 3 cũ

1. Những điểm kế thừa

1.1. Cơ sở pháp lí

Cơ sở pháp lí của việc kế thừa là Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT và Quyết định số 404 ngày 27/03/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK GDPT. Điểm d, khoản 2, Điều 1, Quyết định số 404/QĐ-TTg quy định “nguyên tắc xây dựng chương trình mới, SGK mới” là: “Chương trình mới, sách giáo khoa mới kế thừa ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa hiện hành đồng thời tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế.”.

1.2. Những điểm kế thừa cụ thể

- Tiếp tục thực hiện tư tưởng dạy học tích hợp và tích cực.

- Cấu trúc sách theo hệ thống chủ điểm; cấu trúc bài học theo hệ thống hoạt động rèn luyện kĩ năng (đọc, viết, nói và nghe).

- Sử dụng lại khoảng 25% văn bản tập đọc từ SGK cũ; số văn bản này chiếm khoảng 31% tổng số văn bản tập đọc trong SGK mới.

- Thiết kế hệ thống bài tập viết theo hướng vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học ở lớp 1, lớp 2 vào việc viết các từ ngữ và câu chứa chữ viết hoa.

- Thiết kế hệ thống bài tập chính tả gồm 3 nội dung: ôn bảng chữ cái; nghe - viết, nhớ - viết đoạn văn; làm bài tập khắc phục lỗi về vần khó và lỗi do phương ngữ.

2. Những đổi mới

2.1. Cơ sở pháp lí

- Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chương trình GDPT năm 2018 (gồm Chương trình tổng thể và Chương trình môn Ngữ văn) ban hành theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.2. Những đổi mới cụ thể

- Cấu trúc sách theo hệ thống chủ đề - chủ điểm: sửa đổi, bổ sung các chủ điểm trên cơ sở tổ chức lại theo hệ thống chủ đề để bảo đảm tính hệ thống, tính phát triển của bộ SGK Tiếng Việt tiểu học và đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực (năng lực đặc thù, năng lực chung) cho học sinh.

- Cấu trúc sách có phần cứng và phần mềm (khoảng 50 tiết) để phù hợp với các đối tượng khác nhau và thực tế ở các địa bàn khác nhau.

- Cấu trúc bài học phù hợp với quy trình hoạt động: Chia sẻ (Khởi động) – Khám phá – Luyện tập – Vận dụng – Tự đánh giá.

- Cấu trúc các bài đọc theo 3 phần: Đọc thành tiếng – Đọc hiểu – Luyện tập; không tổ chức tiết Luyện từ và câu.

- Thiết kế lại toàn bộ nội dung rèn luyện các kĩ năng viết và nói - nghe phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

IV. Những điểm mới so với SGK Tiếng Việt 2 Cánh Diều

1. Về cấu trúc sách và cấu trúc của bài học

1.1. Thu gọn hệ thống chủ đề, từ 5 chủ đề thành 4 chủ đề.

1.2. Học sinh thực hiện các hoạt động Tự đọc sách báo, Tự đánh giá ở nhà; bố trí 1 tiết/1 bài học để học sinh kể lại (đọc lại) và trao đổi về các văn bản đã đọc ở nhà.

2. Về nội dung giáo dục

2.1. Nội dung các chủ đề, chủ điểm được mở rộng và nâng cao hơn:

- Chủ đề Măng non (Thiếu nhi) giáo dục HS ý thức tiết kiệm, ý thức chăm sóc sức khỏe, ý thức lao động, ý thức rèn luyện để trở thành đội viên.

- Chủ đề Cộng đồng bồi dưỡng cho HS tình cảm yêu thương, chia sẻ với cộng đồng; đồng thời mở rộng nhận thức của các em về các hoạt động trong xã hội (nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất, thể dục thể thao và sáng tạo nghệ thuật).

- Chủ đề Đất nước bồi dưỡng cho HS lòng yêu nước thông qua những bài đọc về cảnh đẹp của quê hương, đất nước và những câu chuyện lịch sử thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của các tầng lớp nhân dân ta (phụ nữ, thiếu nhi, thanh niên, các dân tộc) trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc; đồng thời mở rộng nhận thức về cuộc sống ở các vùng miền, về đại gia đình các dân tộc anh em trên đất nước ta.

- Chủ đề Ngôi nhà chung bồi dưỡng cho HS ý thức bảo vệ môi trường, tình hữu nghị giữa các dân tộc; đồng thời mở rộng hiểu biết về một số nền văn hóa, trước hết là của một số nước Đông Nam Á.

2.2. Các câu hỏi, bài tập có yêu cầu cao hơn:

- Câu hỏi đọc hiểu không chỉ yêu cầu tái hiện mà có yêu cầu giải thích, suy luận, khái quát, tổng hợp nhiều hơn.

- Các bài luyện tập gắn với bài đọc không chỉ yêu cầu nhận diện mà có yêu cầu phân tích, vận dụng nhiều hơn.

- Các bài tập chính tả đoạn, bài có thêm yêu cầu nhớ - viết.

- Yêu cầu viết đoạn văn không hạn chế số câu; quy trình viết đoạn văn được tổng kết thành quy tắc Bàn tay (5 bước viết) dễ nhớ.

3. Phiên bản điện tử của SGK Tiếng Việt 3

Phiên bản điện tử thể hiện sách giấy bằng hình ảnh tĩnh và động, thể hiện các bài tập dưới hình thức tương tác. Phiên bản điện tử cũng lưu thông tin về hoạt động đọc và làm bài tập, giúp giáo viên, cha mẹ học sinh và bản thân học sinh theo dõi hoạt động học tập và kết quả làm bài tập của mỗi học sinh.

Tài khoản truy cập được in dưới lớp tem chống giả (ở góc dưới, bên trái bìa 4 sách giấy), cấp miễn phí cho một phương tiện điện tử của người dùng sách.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 4.462
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm