Miễn nhiệm cán bộ có phải là hình thức kỷ luật không?

Miễn nhiệm cán bộ là gì? Miễn nhiệm cán bộ có phải là hình thức kỷ luật không? Cán bộ, công chức bị miễn nhiệm trong trường hợp nào? đang là vấn đề được nhiều cán bộ và người dân quan tâm. Hoatieu.vn sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về các quy định nội dung liên quan về miễn nhiệm, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

1. Miễn nhiệm là gì?

Miễn nhiệm cán bộ, công chức là gì là vấn đề được người dân cũng như cán bộ, công chức quan tâm. Tại Điều 2, Quy định số 41-QĐ/TW  ngày 3/11/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã sửa đổi, bổ sung khái niệm về miễn nhiệm như sau:

Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

Như vậy, có thể hiểu ngắn gọn: Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

2. Miễn nhiệm cán bộ, công chức có phải là hình thức kỷ luật không?

2.1. Miễn nhiệm cán bộ không phải là hình thức kỷ luật

Từ khái niệm miễn nhiệm cán bộ là gì đã giải đáp ở trên, nhiều người cho rằng miễn nhiệm là một hình thức kỷ luật cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc uy tín giảm sút.

Miễn nhiệm có phải là hình thức kỷ luật không

Tại Mục 2 Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP có quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức như sau:

1. Áp dụng đối với cán bộ

a) Khiển trách

b) Cảnh cáo

c) Cách chức

d) Bãi nhiệm

2. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

a) Khiển trách

b) Cảnh cáo

c) Hạ bậc lương.

d) Buộc thôi việc.

3. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

a) Khiển trách.

b) Cảnh cáo.

c) Giáng chức.

d) Cách chức.

đ) Buộc thôi việc.

Như quy định trên, cán bộ, công chức có 7 hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc, hạ bậc lương, bãi nhiệm

Trong các hình thức kỷ luật cán bộ, công chức không có miễn nhiệm. Vậy có thể khẳng định, miễn nhiệm cán bộ không phải là hình thức kỷ luật cán bộ, công chức.

2.2. Miễn nhiệm bộ trưởng, chủ tịch nước có phải là hình thức kỷ luật cán bộ, công chức

Miễn nhiệm bộ trưởng, miễn nhiệm chủ tịch nước đang là vấn đề "nóng" được nhiều người quan tâm đây có phải là hình thức kỷ luật cá nhân không?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Luật cán bộ công chức số 22/2008/QH12 quy định như sau:

Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Vậy Hoatieu.vn giải đáp đến bạn đọc, theo quy định hiện hành, Chủ tịch nước được Quốc hội bổ nhiệm và có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Do đó, Chủ tịch nước là cán bộ.

Tương tự, bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực được phân công. Bộ trưởng là người đứng đầu bộ, là thành viên Chính phủ, do Thủ tướng chọn, đề nghị Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Vì vậy, Bộ trưởng là cán bộ.

Dựa theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP có quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ đã nêu ở trên, hình thức kỷ luật được áp dụng đối với cán bộ là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

=> Khẳng định rằng, việc miễn nhiệm Bộ trưởng, miễn nhiệm Chủ tịch nước không phải là hình thức kỷ luật đối với cá nhân cán bộ.

3. Trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định năm 2024

Cán bộ, công chức sẽ bị miễn nhiệm trong các trường hợp căn cứ điều 5, chương II Quy định số 41-QĐ/TW 

Mời bạn đọc tham khảo một số trường hợp được hoatieu.vn tóm tắt như sau:

  • Uy tín giảm sút, không thể đảm nhận chức vụ được giao
  • Bị kỷ luật khiển trách 2 lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.
  • Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
  • Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
  • Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm nguyên tắc Đảng viên, ảnh hưởng xấu đến uy tín bản thân và cơ quan, đơn vị công tác; vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng.

Tại Điều 30 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cũng quy định, cán bộ, công chức có thể xin miễn nhiệm, thôi làm nhiệm vụ khi:

  • Không đủ sức khỏe cho vị trí đang công tác
  • Không đủ năng lực, uy tín
  • Miễn nhiệm theo yêu cầu nhiệm vụ
  • Vì lý do khác.

=> Tóm lại, miễn nhiệm không phải là hình thức kỷ luật, người bị miễn nhiệm theo một trong các trường hợp nêu trên không còn giữ vị trí, chức danh, làm việc tại cơ quan đó, mà có thể làm việc ở vị trí, chức vụ, cơ quan khác.

Tham khảo thêm Mẫu quyết định miễn nhiệm chức vụ, cán bộ tại Hoatieu.vn.

Mẫu quyết định miễn nhiệm

Trên đây là một số thông tin giải đáp cho Miễn nhiệm là gì? Miễn nhiệm cán bộ, công chức có phải là hình thức kỷ luật không? Cán bộ, công chức sẽ bị miễn nhiệm trong trường hợp nào? Nếu có câu hỏi cần giải đáp, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho Hoatieu.vn để được hỗ trợ.

Tham khảo thêm các nội dung khác tại chuyên mục Hỏi đáp pháp luật của Hoatieu.vn

Đánh giá bài viết
2 55
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm