Chữ ký số có thể thay thế chữ ký sống và con dấu trong các hợp đồng, thỏa thuận, văn bản khác không?

Hiện nay chữ kí số và chữ kí điện tử đang được rất nhiều người sử dụng trong các giao dịch bởi tính tiện dụng của chúng. Vậy chữ kí số là gì? Chữ ký số có thể thay thế chữ ký sống và con dấu trong các hợp đồng, thỏa thuận, văn bản khác không? Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc một số thông tin tìm hiểu về chữ kí số cũng như giá trị pháp lý của chữ ký số, mời các bạn cùng theo dõi.

1. Chữ ký số là gì?

Chữ ký số là gì?

Theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP về khái niệm chữ ký số như sau:

"Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
6. "Chữ ký số" là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên."

2. Chữ ký số được sử dụng trong trường hợp nào?

Theo hướng dẫn tại Điều 7 Nghị định 130/2018/NĐ-CP về việc sử dụng chữ ký số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức như sau:

"Điều 7. Sử dụng chữ ký số và chứng thư số của cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức

1. Chữ ký số của đối tượng được cấp chứng thư số theo quy định tại Điều 6 Nghị định này chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch theo đúng thẩm quyền của cơ quan, tổ chức và chức danh được cấp chứng thư số.

2. Việc ký thay, ký thừa lệnh theo quy định của pháp luật thực hiện bởi người có thẩm quyền sử dụng chữ ký số của mình, được hiểu căn cứ vào chức danh của người ký ghi trên chứng thư số."

3. Giá trị pháp lý của chữ ký số có tương đương với giá trị của chữ ký trên văn bản được đóng dấu không?

Theo hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 130/2018/NĐ-CP về giá trị pháp lý của chữ ký số như sau:

"Điều 8. Giá trị pháp lý của chữ ký số

1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

3. Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Chương V Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp."

Theo đó, trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

Như vậy, chữ ký số có thể hiểu là thay thế cho chữ ký sống và con dấu trong các hợp đồng, thỏa thuận, hay các loại văn bản khác.

4. Chữ ký số được xem là an toàn khi đáp ứng các điều kiện nào?

Theo hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 130/2018/NĐ-CP về điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số như sau:

"Điều 9. Điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số

Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.

2. Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp:

a) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;

b) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

c) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;

d) Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 của Nghị định này.

3. Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký."

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 44
0 Bình luận
Sắp xếp theo