(194 trang) Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn 2024

Tải về

File tài liệu ôn thi THPT quốc gia môn Ngữ văn

Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn 2024 được Hoatieu chia sẻ trong bài viết này là tài liệu ôn tập môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2024 vô cùng hữu ích để các em học sinh nắm được những kiến thức trọng tâm môn Văn thi tốt nghiệp. Tài liệu ôn thi tốt nghiệp 2024 môn Văn được biên soạn bám sát chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 cũng như đúng cấu trúc đề mình họa môn Ngữ văn đã được Bộ công bố. Sau đây là chi tiết file tài liệu ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Văn, mời các bạn cùng tham khảo.

Nội dung tài liệu ôn thi THPT quốc gia môn Ngữ văn

Phần một. Nội dung và cách ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Ngữ văn nêu lên cơ sở và nội dung cần ôn luyện.

Phần hai. Các dạng đề luyện tập, gồm 25 đề với đầy đủ các dạng, loại theo đúng định dạng và cấu trúc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Phần ba. Gợi ý làm đề luyện tập, nêu hướng dẫn cách làm và một số nội dung chính cần đạt.

Sách Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Ngữ văn dùng cho tất cả các học sinh dự thi tốt nghiệp, không phân biệt học bộ sách giáo khoa nào. Sách cũng không chỉ phục vụ cho học sinh lớp 12 mà tất cả học sinh đều có thể tham khảo và luyện tập trong quá trình học môn Ngữ văn. Cách thức ôn luyện và làm bài đã được nêu trong sách, các thầy, cô giáo và học sinh chỉ cần thay ngữ liệu khác vào mô hình đề là có thể có đề luyện tập, vận dụng.

Hi vọng sách sẽ đáp ứng được mục tiêu nêu trên, giúp giáo viên và học sinh tháo gỡ các khó khăn trong việc dạy, học và ôn thi tốt nghiệp cấp Trung học phổ thông. Do lần đầu biên soạn theo yêu cầu mới nên cuốn sách khó tránh khỏi những thiếu sót nhất định, mong các thầy, cô giáo và bạn đọc góp ý để lần sau sách được chỉnh sửa ngày một tốt hơn.

Trân trọng giới thiệu cùng các em học sinh, thầy, cô giáo và bạn đọc.

Câu hỏi đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản

MỨC ĐỘ

VĂN BẢN VĂN HỌC

VĂN BẢN NGHỊ LUẬN

VĂN BẢN THÔNG TIN

1.BIẾT

- 2 CÂU

0,5 điểm/ 1 câu

- Nhận biết thể loại của văn bản.

- Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.

- Chỉ ra sự kết hợp của các phương thức biểu đạt.

- Nhận biết các đơn vị ngôn ngữ như ngữ âm, từ loại, biện pháp tu từ, các kiểu câu,... trong văn bản.

- Nhận biết đề tài và nhân vật chính trong một văn bản văn học. - Nhận biết một số đặc điểm của thể loại truyện truyền kì trong văn bản.

- Nhận biết đặc điểm nổi bật của thơ trữ tình hiện đại được thể hiện trong văn bản.

- Chỉ ra một yếu tố biểu tượng, tượng trưng, siêu thực trong một văn bản thơ.

- Nhận biết nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình, chủ thể trữ tình trong văn bản thơ.

- Chỉ ra nhân vật thể hiện rõ nhất đặc điểm của nhân vật hài kịch trong văn bản.

- Nhận biết và chỉ ra tình huống hài kịch trong văn bản.

- Chỉ ra một số biểu hiện về tính hư cấu và phi hư cấu trong văn bản truyện kí.

- Nêu ra một số đặc điểm của thể phóng sự trong văn bản.

- Nhận biết một số biểu hiện của tỉnh trữ tình trong văn bản tuỳ bút.

- Nhận biết ngôi kể, người kể chuyện, điểm nhìn trong văn bản.

- Dẫn ra ví dụ về lời người kể chuyện, lời nhân vật, lời độc thoại, lời đối thoại,... trong văn bản.

- Chỉ ra một số biểu hiện của phong cách cổ điển, hiện thực hoặc lãng mạn của văn bản.

– Nhận biết được quan điểm của người viết về lịch sử, văn hoá,... được thể hiện trong văn bản.

- Nêu bố cục và tóm tắt nội dung chính trong mỗi phần của văn bản.

-Nhận biết mục đích của văn bản.

– Nhận biết đề tài của văn bản.

-Phân biệt nghị luận văn học và nghị luận xã hội; nghị luận trung đại và nghị luận hiện đại.

- Nhận biết phương thức chính và phương thức biểu đạt kết hợp trong văn bản. Nhận biết đặc điểm của các thao tác chính và các thao tác kết hợp được sử dụng trong văn bản.

-Chỉ ra luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng tiêu biểu, độc đáo trong văn bản.

- Nhận biết tình cảm, thái độ của người viết qua văn bản.

– Nhận biết các biện pháp tu từ, các loại câu khẳng định, phủ định,... trong văn bản. Nhận biết các bằng chứng khách quan và bằng chứng chủ quan trong văn bản.

-Nêu được bố cục và tóm tắt nội dung chính của mỗi phần của văn bản.

- Nhận biết mục đích của văn bản.

Nhận biết đề tài của văn bản.

- Nhận biết đặc điểm của văn bản thông tin tổng hợp.

-Chỉ ra phương thức biểu đạt chính và phương thức biểu đạt kết hợp trong văn bản thông tin tổng hợp.

-Nhận biết cách thức triển khai trong văn bản.

-Chỉ ra các chi tiết, dữ liệu tiêu biểu, độc đáo trong văn bản.

-Nhận biết nội dung của phần sa pô.

2.THÔNG HIỂU

-2 Câu

-1điểm/1 câu

- Đánh giá vai trò của yếu tố kì ảo trong truyện truyền kì. Biết liên hệ vai trò của yếu tố này trong truyện cổ dân gian.

- Giải thích đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại qua một số yếu tố tiêu biểu.

- Nêu tác dụng của một số yếu tố trong thơ trữ tình hiện đại như ngôn ngữ, hình tượng, biểu tượng, yếu tố tượng trưng, siêu thực,...

– Nhận xét vai trò của một số yếu tố trong hài kịch như ngôn ngữ, xung đột, hành động, nhân vật, kết cấu, tình huống, thủ pháp trào phúng....

– Giải thích được một số đặc điểm của phóng sự, nhật kí hoặc hồi kí qua một số yếu tố như tính phi hư cấu và một số thủ pháp nghệ thuật như miêu tả, trần thuật; sự kết hợp chi tiết, sự kiện hiện thực với trải nghiệm, thái độ và đánh giá của người viết,...

- Chỉ ra tác dụng của các biện pháp tu từ có trong văn bản.

- Nêu tác dụng của các từ ngữ, câu văn, hình ảnh độc đáo trong văn bản. – Giải thích ý nghĩa nhan đề văn bản.

– Nêu vai trò của các chi tiết, sự kiện, nhân vật tiêu biểu trong văn bản.

– Nhận xét sự phù hợp của người kể chuyện, điểm nhìn trong việc thể hiện chủ đề của văn bản.

– Nêu được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.

- Nêu giá trị nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ có trong văn bản.

- Phát hiện các giá trị văn hoá, triết lí nhân sinh từ văn bản.

– Nhận xét sự phù hợp giữa chủ đề, tư tưởng và cảm hứng chủ đạo trong văn bản.

- Nêu ý nghĩa của nhan đề văn bản nghị luận, đặt nhan đề cho văn bản.

-Nhận xét, đánh giá sự phù hợp của nội dung nghị luận với nhan đề văn bản.

-Phân tích tác dụng của một số thao tác nghị luận như chứng minh, giải thích, bình luận, so sánh, phân tích hoặc bác bỏ,...

- Phân biệt luận đề và luận điểm; lí lẽ và bằng chứng trong văn bản.

- Nêu tác dụng của sự kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản.

- Phân tích sự phù hợp của các lí lẽ và bằng chứng; giữa lí lẽ và luận điểm, giữa các luận điểm và luận đề trong văn bản.

- Chỉ ra quan điểm của người viết thể hiện qua văn bản.

- Phân tích và nhận xét đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản.

- Phân tích tác dụng của từ ngữ và các biện pháp tu từ trong văn bản.

- Chỉ ra tác dụng của các loại câu khẳng định, phủ định,... trong văn bản.

- Phân tích vai trò của các yếu tố ngôn ngữ biểu cảm và giọng điệu của người viết trong văn bản.

- Hiểu tác dụng của các bằng chứng khách quan và bằng chứng chủ quan trong văn bản.

- Phân tích vai trò của cách lập luận trong văn bản.

- Chỉ ra tỉnh thuyết phục của văn bản.

- Dẫn ra các câu văn trong văn bản thể hiện ý kiến nhận xét mang tính chủ quan của người viết.

- Nêu ý nghĩa của nhan đề văn bản thông tin, đề xuất được nhan đề khác cho văn bản.

– Nhận xét và đánh giá được sự phù hợp của nội dung với nhan đề văn bản.

- Phân tích vai trò của các số liệu trong văn bản.

- Phân biệt các yếu tố ngôn ngữ và phi ngôn ngữ trong một văn bản.

– Nêu tác dụng của sự kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản.

- Phân tích sự phù hợp của cách triển khai thông tin với mục đích của văn bản,

- Nêu tác dụng của một số yếu tố ngôn ngữ nổi bật trong văn bản (từ ngữ, các loại câu, biện pháp tu từ,...).

- Chỉ ra thái độ và quan điểm của người viết thể hiện qua văn bản.

- Phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản của văn bản.

- Phân tích và nhận xét cách chọn lọc và sắp xếp thông tin trong văn bản.

- Phân tích và nhận xét được tính mới mẻ, cập nhật và độ tin cậy của dữ liệu, thông tin trong văn bản.

- So sánh hiệu quả biểu đạt của văn bản thông tin chỉ dùng ngôn ngữ với văn bản thông tin có kết hợp với các yếu tố phi ngôn ngữ.

- Phân tích vai trò của các yếu tố hình ảnh, bảng biểu, đồ thị,... trong văn bản.

3. VẬN DỤNG

- 1 Câu

- 1 điểm/1 câu

-Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử để hiểu nội dung thông điệp của văn bản.

- Vận dụng những kiến thức về tác giả, tác phẩm để hiểu văn bản.

- Phân tích và đánh giá khả năng tác động của tác phẩm văn học đối với người đọc và tiến bộ xã hội.

-Vận dụng những hiểu biết về tiếng Việt để hiểu văn bản.

-Vận dụng kinh nghiệm đọc, trải nghiệm về cuộc sống và kiến thức văn học để đánh giá, phê bình văn bản văn học, thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân về văn bản văn học.

– Nêu bài học hoặc ảnh hưởng của văn bản đối với cá nhân người đọc.

- Viết đoạn văn ngắn (khoảng 5 - 10 dòng) ghi lại cảm xúc hoặc sự yêu thích của cá nhân về một chi tiết, câu chữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật,... của văn bản.

– Liên hệ, so sánh với một văn bản khác đã học hoặc đã đọc.

-Trình bày tóm tắt nội dung văn bản bằng một sơ đồ.

-Nêu ấn tượng của cá nhân về một ảnh minh hoạ trong văn bản, đề xuất nội dung minh hoạ khác,...

- Nhận xét ý nghĩa của vấn đề nghị luận đặt ra trong văn bản.

- Nêu tác động của nội dung văn bản đối với cá nhân người đọc.

– Liên hệ với bối cảnh đời sống xã hội hiện nay để nêu ý nghĩa của vấn đề đặt ra trong văn bản nghị luận.

- Chỉ ra mối quan hệ giữa nội dung văn bản với bối cảnh xã hội khi tác phẩm nghị luận ra đời.

-Bài học từ văn bản nghị luận đã đọc (nội dung tư tưởng hoặc cách viết văn nghị luận).

– Liên hệ nội dung văn bản nghị luận với trải nghiệm và quan điểm của bản thân.

-Tóm tắt hệ thống luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong văn bản nghị luận bằng một sơ đồ.

- Viết đoạn văn ngắn nêu mục đích hoặc nội dung chính của văn bản nghị luận.

- Nêu thái độ của người đọc với vấn đề đặt ra trong văn bản nghị luận (tán thành hoặc phản đối, và lí giải).

- Phát biểu ý kiến cá nhân về yếu tố thích nhất trong văn bản nghị luận và lí giải.

- Nhận xét ý nghĩa của nội dung thông tin chính đặt ra trong văn bản.

– Nêu tác động của nội dung văn bản với cá nhân người đọc.

– Liên hệ với bối cảnh đời sống xã hội hiện nay để nêu ý nghĩa của vấn đề đặt ra trong văn bản.

– Chỉ ra mối quan hệ giữa nội dung với bối cảnh xã hội khi văn bản ra đời. Bài học từ văn bản thông tin (nội dung hoặc cách viết).

– Liên hệ nội dung văn bản thông tin với trải nghiệm và quan điểm của bản thân. Trình bày thông tin trong văn bản bằng một sơ đồ.

- Viết đoạn văn ngắn nêu mục đích hoặc nội dung chính của văn bản.

– Nêu thái độ của người đọc với vấn đề đặt ra trong văn bản (tán thành hoặc phản đối và lí giải).

-Phát biểu ý kiến cá nhân về yếu tố thích nhất trong văn bản thông tin và lí giải.

- Đề xuất minh hoạ cho văn bản.

Hướng dẫn làm các câu hỏi đọc hiểu

CÁC BƯỚC

VĂN BẢN VĂN HỌC

VĂN BẢN NGHỊ LUẬN

VĂN BẢN THÔNG TIN

Bước 1

Đọc kĩ, xác định đúng kiểu/loại văn bản

Mục đích của văn bản văn họcbộc lộ, thổ lộ, giãi bày cảm xúc, tình cảm, tư tưởng của người viết (nhà văn, nhà thơ) trước một đối tượng nào đó trong cuộc sống.

Theo nghĩa rộng, văn bản văn học gồm tất cả các văn bản sử dụng ngôn từ một cách có nghệ thuật (thơ, truyện, kịch, hịch, cáo, chiếu, biểu,...).

Theo nghĩa hẹp, văn bản văn học chỉ bao gồm các sáng tác có hình tượng nghệ thuật được xây dựng bằng văn bản hư cấu (như thần thoại, sử thi, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, thơ,...) hoặc văn bản phi hư cấu (như các thể loại của kí).

CT Ngữ văn 2018 quan niệm văn bản văn học theo nghĩa hẹp: Loại văn bản có mục đích thổ lộ, giãi bày tình cảm, cảm xúc là chính. Trong văn bản văn học có nhiều thể loại lớn và tiểu loại. Thể loại lớn của văn bản văn học gồm: truyện, thơ, kí, kịch; trong mỗi thể loại lớn có các tiểu loại.

– Truyện có các tiểu loại như: truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dân gian (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn, sử thi, truyện thơ,...), truyện truyền ki, truyện thơ Nôm, truyện trinh thám, truyện khoa học viễn tưởng....

– Thơ gồm có thơ lục bát; thơ bốn, năm, sáu, bảy, tám chữ; thơ Đường luật (tứ tuyệt, thất ngôn bát cú); thơ tự do; thơ văn xuôi;... Ngoài ra, người ta còn phân loại thơ theo tính chất như thơ có yếu tố tự sự, miêu tả; thơ có yếu tố tượng trưng, siêu thực;... thơ ca dân gian; thơ trung đại; thơ hiện đại,...

– Kí có các tiểu loại như tuỳ bút, phóng sự, tản văn, hồi kí, nhật kí, bút kí,...

- Kịch có bi kịch, hài kịch, kịch dân gian (tuồng, chèo,...).

Mỗi thể loại đều có đặc điểm riêng, có những thể loại HS dễ nhận ra như các thể thơ, văn bản kịch, nhưng có thể loại khó nhận biết hơn như truyện và kí vị đều là văn xuôi. Trong trường hợp đó, các em cần căn cứ vào đặc điểm riêng của mỗi loại.

Chẳng hạn:

- Đặc điểm của truyện là tính hư cấu, tưởng tượng, thưởng có cốt truyện (mở đầu, phát triển và kết thúc), có nhân vật và sự việc, có bối cảnh (không gian, thời gian)...

– Đặc điểm của kí là tính phi hư cấu (sự việc, nhân vật có thật); tính trữ tình khá đậm nét thể hiện ở cái tôi người viết và ngôn ngữ giàu chất thơ, vấn đề trong ki giàu ý nghĩa thời sự,....

*Khi đọc văn bản, các em cần chú ý đặc điểm riêng thuộc các thể loại khác nhau:

- Đọc truyện cần chú ý các đặc trưng tự sự: cốt truyện, tình huống, nhân vật, chi tiết, điểm nhìn, lời văn trần thuật và các bút pháp nghệ thuật gắn với từng tiểu loại của văn bản như truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện thần thoại, truyện truyền kì, truyện thơ Nôm,... Thông qua các yếu tố hình thức trên để hiểu thông điệp, nội dung, tư tưởng của truyện.

- Đọc thơ cần chú ý các nét đặc trưng trữ tình như mạch cảm xúc, cảm hứng trữ tỉnh; cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình, khổ thơ, vần, nhịp, cấu tứ, hình ảnh, các biện pháp tu từ, ngôn ngữ,... gắn với mỗi tiểu loại (thơ Đường luật, thơ tự do, thơ lục bát,...). Từ các yếu tố hình thức này để hiểu tình cảm, cảm xúc chủ đạo và thông điệp tư tưởng của tác giả qua văn bản thơ.

– Đọc văn bản kí cần chú ý tính xác thực và cái “tôi” của tác giả; màu sắc trữ tình, ngôn ngữ giàu chất thơ, ngôi kể, điểm nhìn, các thủ pháp nghệ thuật gắn với mỗi tiều loại của ki (tuỳ bút, tản văn, phóng sự, hồi kí, bút kí, truyện ki,...) và dấu ấn cá nhân của người viết,... Thông qua hình thức văn bản mà hiểu được thái độ, tình cảm, tư tưởng của tác giả và ý nghĩa xã hội của các vấn đề văn bản kí nêu lên,...

– Đọc văn bản kịch cần chú ý cách trình bày (hồi, mục, cảnh, hệ thống nhân vật, lời thoại và các chỉ dẫn nghệ thuật,...), nội dung, tư tưởng; cách tổ chức mâu thuẫn, xung đột và giải quyết vấn đề; các biện pháp nghệ thuật gắn với đặc điểm của mỗi tiểu loại (hài kịch, bi kịch);... Từ đó để hiểu được nội dung, tư tưởng, thái độ của tác giả, cũng như ý nghĩa xã hội và tác động của các vấn đề mà văn bản kịch nêu lên.

Mục đích của văn bản nghị luậnnhằm thuyết phục người đọc, người nghe về một vấn đề 3 (ý kiến, quan điểm, hiện tượng,...). Để thuyết phục người nghe / người đọc, người viết cần nêu lên ý kiến, quan điểm của mình, sau đó thuyết phục người nghe / người đọc bằng cách lập luận, nêu các lí lẽ và bằng chứng cụ thể. Lập luận, lí lẽ giúp người ta hiểu ra vấn đề, còn bằng chứng để người ta tin. Khi đã hiểu và tin thì sẽ bị thuyết phục.

Văn nghị luận chủ yếu thuyết phục người nghe / người đọc bằng lí lẽ, dẫn chứng (tác động vào lí trí, trí óc), ngoài ra, nhiều khi còn thuyết phục bằng cảm xúc, tỉnh cảm của người viết.

Căn cứ vào đối tượng nghị luận, người ta chia ra nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

*Đối tượng bản luận của nghị luận xã hội là các vấn đề xã hội, về một tư tưởng, đạo lí hoặc một hiện tượng có thật trong cuộc sống. * Còn đối tượng của nghị luận văn học là một vấn đề văn học (phân tích, đánh giá tác phẩm văn học; làm sáng tỏ một đặc điểm nội dung hay nghệ thuật của một thể loại; hoặc so sánh, đánh giá hai tác phẩm, hai hiện tượng văn học,...).

- Dù là loại nào thì khi đọc văn bản nghị luận, HS cũng cần nhận ra được các yếu tố quan trọng như:

– Luận đề: vấn đề lớn, trọng tâm và bao trùm lên toàn bộ văn bản; thường mỗi bài chỉ có một luận đề và được nêu ngay ở nhan đề bài nghị luận.

– Luận điểm: các ý kiến nhằm làm sáng tỏ cho luận đề, một bài nghị luận có thể có nhiều luận điểm. Luận điểm thường mở đầu cho các phần trong thân bài của văn bản nghị luận.

- Lí lẽ: sự lập luận, nêu lên căn cứ và cơ sở nhằm làm sáng tỏ cho luận điểm.

- Bằng chứng là các ví dụ cụ thể dẫn ra để làm rõ cho lí lẽ và luận điểm.

* Trong văn nghị luận, người ta còn chia ra nghị luận trung đại và nghị luận hiện đại.

- Nghị luận trung đại chỉ các loai văn hành chính - chức năng, được sử dụng trong thời phong kiến trước đây như hịch, chiếu, cáo, biểu, thư, lời tựa, lời bạt,... Văn nghị luận trung đại thường viết theo lối văn biền ngẫu, đề tài là những vấn đề hệ trọng của đất nước; do tính chất “văn – sử - triết bất phân” nên nhiều tác phẩm nghị luận trung đại có tính hình tượng, giàu cảm xúc trữ tình như Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Đại cáo bình Ngô Nguyễn Trãi),...

- Nghị luận hiện đại ra đời sau nên chủ yếu sử dụng lí lẽ, lập luận lô gích, bằng chứng xác thực để thuyết phục người đọc, người nghe. Nhiều bài nghị luận hiện đại giàu cảm xúc, nhiệt huyết.... như Tuyên ngôn Độc lập hoặc Lòng yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh), Nguyễn Trãi – người anh hùng dân tộc hoặc Nguyễn Đình Chiểu – ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc (Phạm Văn Đồng), Một thời đại trong thi ca (Hoài Thanh), Lại đọc “Chữ người tử tù” (Nguyễn Đăng Mạnh)...

- Khi đọc văn bản nghị luận, các em cần chú ý nhận biết và đánh giá được sự đúng đắn, mới mẻ, độc đáo của luận đề, luận điểm mà văn bản nêu lên; thấy được các lí lẽ, bằng chứng tiêu biểu, đa dạng. Lí lẽ và bằng chứng tập trung làm rõ cho luận điểm; các luận điểm làm rõ cho luận đề.

- Đọc hiểu văn nghị luận cần nhận biết được cảm xúc, thái độ, nhiệt huyết của người viết thể hiện trong văn bản; phân tích được đặc điểm ngôn ngữ văn nghị luận: vừa lô gích, chặt chẽ vừa giảu màu sắc biểu cảm.

- Mục đích của văn bản thông tin là chuyển tải thông tin một cách khách quan, hiệu quả bằng các dữ liệu, con số, hình ảnh, sự kiện,... với hình thức trình bày và cách nêu thông tin đa dạng, hấp dẫn.

- Văn bản thông tin hết sức đa dạng, phong phú về cả đề tài, nội dung, cách thức triển khai và hình thức thể hiện. CT Ngữ văn 2018 quy định cấp THPT tập trung học kiểu văn bản thông tin tổng hợp. Tính chất và đặc điểm của văn bản thông tin tổng hợp thể hiện ở sự kết hợp nhiều phương thức biểu đạt nhiều cách trình bày (kênh chữ và kênh hình) trong một văn bản. Văn bản thông tin tổng hợp thường sử dụng phương thức chính là thuyết minh và kết hợp với các phương thức khác như biểu cảm, tự sự, miêu tả,...

- Hình thức của một văn bản thông tin thường có các mục: nhan đề, ngày tháng công bố, sa pô, các tiểu mục, hệ thống kí hiệu, hình ảnh,...

- Khi đọc hiểu văn bản thông tin, các em cần chú ý xác định được nội dung các thông tin cơ bản, đánh giá được tầm quan trọng và ý nghĩa của các thông tin trong văn bản; nhận biết được cách triển khai thông tin của bài viết (nguyên nhân – kết quả, triển khai theo thời gian, không gian hay theo mức độ quan trọng của thông tin,...); hiểu được tác dụng của hình thức trình bày thông tin (nhan đề, sa pô, các đề mục nhỏ, bố cục, hình ảnh,...); nhận biết được tác dụng của các yếu tố tạo nên văn bản thông tin tổng hợp.

BƯỚC 2

Xác định tính chất của loại câu hỏi: nhận biết, thông hiểu hay vận dụng

Để đảm bảo phân hoá trình độ HS, đề thi phải bao gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (HS chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện tốt nghiệp THPT) vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao (để phân hoá, phục vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng). Nghĩa là, đề thi phải đánh giá được HS ở cả ba mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Đối với môn Ngữ văn, yêu cầu về các mức độ nêu trên cần được hiểu đúng bản chất và phù hợp với đặc trưng môn học.

NHẬN BIẾT

– Nhận biết nghĩa là nhận ra được sự vật, hiện tượng, trả lời được câu hỏi: Nó là gì?.

Mức nhận biết thường xoay quanh các yêu cầu nhận diện các yếu tố hình thức bề nổi của văn bản. Mức độ nhận biết các loại, kiểu văn bản được thông qua nhiều dạng câu hỏi khác nhau.

Câu trả lời cũng không cần nêu chính xác định nghĩa, khái niệm mà chỉ cần miêu tả, giới thiệu đúng đặc điểm của sự vật, hiện tượng, và quan trọng hơn là nhận ra được sự vật, hiện tượng ấy trong thực tế. Ví dụ: đề yêu cầu xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích thì HS không phải nêu định nghĩa về biện pháp tu từ mà chỉ cần xác định đó là biện pháp nào.

THÔNG HIỂU

- Thông hiểu nghĩa là nắm được bản chất của sự vật, hiện tượng (thường phải suy luận, không tìm thấy trực tiếp câu trả lời trong văn bản). Một số yêu cầu thường gặp về thông hiểu như khái quát chủ đề, nội dung chính, vấn đề chính mà văn bản đề cập, nêu cách hiểu về một hoặc một số câu văn trong văn bản, hiểu được quan điểm, tư tưởng của tác giả, hiểu được ý nghĩa, tác dụng, hiệu quả của việc sử dụng thể loại, phương thức biểu đạt, từ ngữ, chi tiết, hình ảnh, biện pháp tu từ,... trong văn bản, hiểu được một số nét đặc sắc về nghệ thuật theo đặc trưng thể loại (thơ, truyện, kịch, kí,...) hoặc một số nét đặc sắc về nội dung của văn bản.

Để đánh giá mức độ thông hiểu, người ta thường yêu cầu trả lời câu hỏi: Thế nào?, Là gì? hoặc Tại sao?, Vì sao?,... Để trả lời các câu hỏi này, HS phải lí giải và lập luận để chứng minh rằng cách hiểu của mình là có cơ sở chứ không phải chỉ là đoán mò, nhớ máy móc, hình thức. Tuy nhiên, hình thức đánh giá mức độ thông hiểu của HS rất đa dạng, không phải chỉ hỏi khái quát như trên mà có thể kiểm tra bằng nhiều cách khác nhau.

VẬN DỤNG

- Vận dụng: trong môn Ngữ văn, vận dụng chính là biết thực hành tạo lập trong giao tiếp (nói, viết). Vận dụng là biết làm theo, “bắt chước” những “mẫu mã” hay, đẹp để tạo ra sản phẩm của mình. Các câu hỏi, bài tập kiểm tra, đánh giá năng lực vận dụng thường yêu cầu tạo ra một sản phẩm tương tự. Cụ thể, để đánh giá khả năng vận dụng của HS, có thể yêu cầu như: nhận xét, đánh giá về tư tưởng, quan điểm, tình cảm, thái độ của tác giả thể hiện trong văn bản; nhận xét về một giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản; rút ra bài học về tư tưởng, nhận thức, thông điệp cho bản thân,...

Trong vận dụng, có khi còn yêu cầu vận dụng cao là mức độ cao hơn vận dụng, chỉ độ khó của yêu cầu thực hành tổng hợp, kết hợp cả kĩ năng đọc hiểu và viết; đòi hỏi phải có sự sáng tạo, phải vận dụng được khả năng phân tích, tổng hợp để rút ra những kết luận, nhận xét, đánh giá theo quan điểm của mình. Hình thức đánh giá mức độ vận dụng cao chủ yếu là yêu cầu HS viết đoạn văn, bài văn hoàn chỉnh.

Trong để kiểm tra đọc hiểu một văn bản, các câu hỏi thường được nêu theo thứ tự ba mức độ từ dễ đến khó. Số lượng và tỉ lệ các câu hỏi theo mức độ nhận thức tuy thuộc vào tính chất và yêu cầu của mỗi kì thi.

Theo định dạng và cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GDĐT đã công bố, từ năm 2025 trở đi, số lượng câu hỏi đọc hiểu sẽ là năm câu, mức độ được yêu cầu theo tỉ lệ 2/2/1 (nhận biết 2 câu, thông hiểu 2 câu và vận dụng 1 câu) hoặc 1/2/2.

Trong ba loại mức độ ấy, câu hỏi thông hiểu và vận dụng khó hơn nên thường được nhiều điểm hơn câu hỏi nhận biết. Cũng theo định dạng và cấu trúc đề thi của Bộ GDĐT đã công bố, thì tỉ lệ điểm dành cho phần đọc hiểu là 4 điểm với 5 câu hỏi tự luận. Ví dụ, nếu đề yêu cầu theo cấu trúc 1/2/2 thì tỉ lệ điểm của 5 câu sẽ là: nhận biết (0,5 điểm), thông hiểu (0,75) và vận dụng (1,0 điểm).

Bước ba.

Trả lời một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm

Câu hỏi đọc hiểu thường yêu cầu HS trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm, không diễn đạt dài dòng,.... Sau đây là ví dụ về cách trả lời một đề đọc hiểu.

Để xem toàn bộ nội dung sách Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn 2024, mời các bạn sử dụng file tải về trong bài.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục lớp 12 của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 111
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm