Bộ đề đọc hiểu ngoài chương trình Ngữ văn 6 có đáp án

Bộ đề đọc hiểu ngoài chương trình Ngữ văn 6 có đáp án gồm: 149 đề đọc hiểu môn Văn lớp 6 ngoài chương trình, kèm lời giải chi tiết. Đây là tài liệu hữu ích giúp các em học sinh lớp 6 rèn luyện, củng cố kỹ năng đọc hiểu và trả lời câu hỏi, so sánh đáp án với bài làm của mình. Mời các bạn tải Bộ đề đọc hiểu Ngữ Văn 6 ngoài chương trình file word tại bài viết.

1. Đề đọc hiểu ngoài chương trình Văn 6 số 1

Vua Hùng đi nhiều nơi để tìm đất đóng đô của nước Văn Lang. Vua đi tới một miền phong cảnh đẹp đẽ, đất phẳng mà rộng, có nhiều khe suối. Vua cho là thế đất chưa đủ, bèn sai chim đại bàng đắp một trăm quả gò, hẹn trước khi trời sáng phải xong. Chim đại bàng khuân đá đắp được 99 quả gò, chợt có con gà ngủ gáy sáng, chim đại bàng ngỡ trời sáng, vỗ cánh bay đi. Vua Hùng đi tìm đất khác.

Lại tới nơi khác, vua thấy có một ngọn núi cao sừng sững như cái trụ chống trời vươn lên giữa hàng trăm quả đồi vây quanh. Vua thúc ngựa lên ngọn núi, dừng ngựa đứng trông bốn phương tám hướng, rộng hẹp, thấp cao, rừng trải ra xa, khe ngòi quanh lượn, vua đẹp lòng vừa ý, mới dong ngựa từ từ xuống núi. Chợt con ngựa quay đầu, vó ngựa đập mạnh, núi lở xuống sạt mất một góc. Vua chê thế đất không vững, bèn bỏ đi.

(…) Vua đi mãi nơi này nơi khác mà chưa chọn được nơi nào có thể định đô. Đi tới một vùng, trước mặt có ba con sông tụ hội, hai bên có núi Tản Viên, Tam Đảo chầu về có đồi núi gần xa, có ruộng đồng tươi tốt, có dân cư đông vui. Lại giữa vùng đồi có một quả núi cao hẳn lên như đầu một con rồng, còn những dãy núi kia như những khúc rồng uốn lượn. Vua cả mừng thấy núi non kì thú, đất tốt, sông sâu, cây cối xanh tươi. Vua Hùng chọn nơi đây làm đất đóng đô, có thế hiểm để giữ, có thế để mở, có chỗ cho muôn dân hội tụ. Đó chính là kinh đô Văn Lang ngày xưa.

(Trích “Vua Hùng chọn đất đóng đô”, theo Viện Văn học, Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, tập I: Thần thoại- Truyền thuyết, NXB Giáo dục, 1999, tr. 463 – 464).

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Đoạn trích kể về mấy lần vua Hùng phải lựa chọn để tìm ra vùng đất đóng đô?

Câu 3: Nhân vật Vua Hùng trong đoạn trích được khắc họa chủ yếu thông qua yếu tố nào? Qua đoạn trích, em thấy vua Hùng là người như thế nào?

Câu 4: Biện pháp tu từ nào sử dụng trong câu văn: “Lại giữa vùng đồi có một quả núi cao hẳn lên như đầu một con rồng, còn những dãy núi kia như những khúc rồng uốn lượn.” ? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 5: Trong đoạn trích, Vua Hùng khi chọn đất đóng đô luôn chú ý đến con số 100. Con số đó gợi cho em liên tưởng đến hình ảnh nào trong truyền thuyết mà em biết.

Câu 6: Theo em, việc lặp lại chi tiết vua Hùng đi hết nơi này đến nơi khác để chọn đất đóng đô thể hiện dụng ý gì của tác giả dân gian?

GỢI Ý TRẢ LỜI

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

Câu 2: Đoạn trích kể về 3 lần vua Hùng phải lựa chọn để tìm ra vùng đất đóng đô.

Câu 3:

- Nhân vật Vua Hùng trong đoạn trích được khắc họa chủ yếu thông qua hành động và suy nghĩ.

- Qua đoạn trích, em thấy vua Hùng là người vô cùng cẩn trọng và luôn hướng tới một sự trọn vẹn, hoàn hảo khi cất công tìm nơi đặt kinh đô đầu tiên của nước ta.

Câu 4:

- Biện pháp tu từ nào sử dụng trong câu văn: “Lại giữa vùng đồi có một quả núi cao hẳn lên như đầu một con rồng, còn những dãy núi kia như những khúc rồng uốn lượn.” là biện pháp so sánh.

- Tác dụng: Giúp người đọc dễ hình dung về vùng đất mà vua Hùng chọn đồng thời ca ngợi thế đất đẹp và linh thiêng.

Câu 5: Trong đoạn trích, Vua Hùng khi chọn đất đóng đô luôn chú ý đến con số 100. Con số đó gợi cho em liên tưởng đến hình ảnh bọc trăm trứng trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Câu 6: Theo em, việc lặp lại chi tiết vua Hùng đi hết nơi này đến nơi khác để chọn đất đóng đô thể hiện dụng ý của tác giả dân gian: Cho thấy việc chọn đất đóng đô là việc hệ trọng, quyết định vận mệnh và sự phồn thịnh của đất nước...

2. Đề đọc hiểu ngoài chương trình Văn 6 số 2

Đề số 1:

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Mẹ! Người con yêu quý nhất

(Tác giả: Phan Huỳnh Vân Anh)

Mẹ là tiếng hát câu thơ

Ru con vào những giấc mơ tuyệt vời

Du dương hai tiếng à ơi

Đong đưa con ngủ, suốt đời không quên

Mỗi ngày con lớn khôn lên

Trong vòng tay mẹ êm đềm thiết tha

Mẹ là tổ ấm mái nhà

Tình thương, cao cả, bao la, dạt dào

Lời mẹ dạy bảo ngọt ngào

Hiền từ, âu yếm, xiết bao ân tình

Mẹ là nắng ấm bình minh

Là bông hoa cúc đẹp xinh sáng ngời

Ơn mẹ biển rộng mây trời

Không gian ấp ủ cho đời con tươi.

Nay thì mẹ đã qua đời

Bỗng dưng hạnh phúc chơi vơi chiều tà!

(Những bài thơ hay sẽ là món quà ý nghĩa dành tặng mẹ nhân kỷ niệm Ngày của Mẹ (Mother's day) năm 2017. Trích Báo Giao thông- Chủ Nhật, 29/08/2021)

Câu 1 . Bài thơ trên được viết theo thể thơ gì? Chỉ ra cách gieo vần trong bốn câu thơ đầu tiên.

Câu 2: Em hãy cho biết nội dung chính của bài thơ.

Câu 3: Trong bài thơ, chủ thể trữ tình đã bộc lộ tình cảm, cảm xúc gì?Với ai?

Câu 4: Câu thơ Mẹ là nắng ấm bình minh/Là bông hoa cúc đẹp xinh sáng ngời

sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó.

Câu 5: Chỉ ra những biện pháp tu từ đặc sắc trong bài thơ.

Câu 6: Bài thơ gợi cho em những tình cảm, cảm xúc gì? Em rút ra được bài học gì cho bản thân.

GỢI Ý TRẢ LỜI

Câu 1 .

- Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát.

- Cách gieo vần:

+ Chữ thứ 6 của câu lục (thơ) vần với chữ thứ 6 của câu bát (mơ);

+Chữ thứ 8 của câu bát (vời) vần với chữ thứ 6 của câu lục tiếp theo (ơi).

+ Chữ thứ 6 của câu lục (ơi) vần với chữ thứ 6 của câu bát (đời)

thơ - mơ; vời - ơi - đời

Câu 2: Nội dung chính của bài thơ: Nói về vai trò của mẹ đối với con cái và tình cảm của người con dành cho mẹ của mình.

Câu 3: Trong bài thơ, chủ thể trữ tình đã bộc lộ tình cảm, cảm xúc biết ơn, trân trọng những việc làm của người mẹ, qua đó thể hiện tình yêu thương và cảm xúc hụt hẫng khi người mẹ qua đời.

Câu 4: Câu thơ Mẹ là nắng ấm bình minh/Là bông hoa cúc đẹp xinh sáng ngời

sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh. Tác dụng: Gợi hình, gợi cảm; giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về vai trò của người mẹ trong suy nghĩ của người con và tô đậm vẻ đẹp của người mẹ.

Câu 5: Những biện pháp tu từ đặc sắc trong bài thơ:

- So sánh:

Mẹ là tiếng hát câu thơ

Mẹ là tổ ấm mái nhà

Mẹ là nắng ấm bình minh

Là bông hoa cúc đẹp xinh sáng ngời

- Điệp ngữ: Mẹ là

- Sử dụng nhiều từ láy: Du dương, đong đưa, êm đềm, thiết tha, bao la, dạt dào, ngọt ngào, chơi vơi…

Câu 6: Bài thơ gợi cho em những tình cảm, cảm xúc: yêu thương mẹ, biết ơn mẹ vì những việc mẹ đã làm và trân trọng những giây phút được ở bên mẹ.

Bài học: Yêu thương mẹ, giúp đỡ mẹ những việc làm trong khả năng của mình, cố gắng học tốt, vâng lười cha mẹ, thầy cô…

3. Đề đọc hiểu ngoài chương trình Văn 6 số 3

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Trời nhiều sao quá. Đêm không trăng, các vì sao càng sáng hơn. Chi chít những sao, như rắc hạt vừng lóng lánh. Trông ra xung quanh, lại thấy mặt đất dưới chân phía có những ao, những đầm hồ li ti từng vũng sao, từng vốc sao. Bóng sao ánh xuống, mặt nước đựng đầy ánh sao rơi.

(Theo Tô Hoài, Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả, tr.120, NXB Giáo dục, 2000)

a. Đoạn trích trên miêu tả cảnh vào thời gian nào? Cảnh vật ấy có đặc điểm gì nổi bật?

b. Xác định các thành phần chính của câu: Trời nhiều sao quá.

c. Tìm câu văn có sử dụng biện pháptu từ so sánh trong đoạn văn trên.

d. Hãy tả về cảnh đẹp của quê hương em bằng một đoạn văn ngắn khoảng 3 - 5 câu.

GỢI Ý:

a

- Miêu tả cảnh vào buổi tối/đêm.

- Đặc điểm nổi bật: một tối/đêm không trăng, trời rất nhiều sao.

b

- Các thành phần chính của câu:

Trời / nhiều sao quá.

CN VN

c

- Câu văn có sử dụng biện pháp tu từ so sánh: Chi chít những sao, như rắc hạt vừng lóng lánh.

.........

Tải file Bộ đề đọc hiểu ngoài chương trình Ngữ văn 6 có đáp án về máy để xem đầy đủ nội dung

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Lớp 6: Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
8 7.534
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo