Mẫu bài dự thi Em yêu lịch sử Việt Nam năm 2024
Mẫu bài dự thi Em yêu lịch sử Việt Nam năm 2024
Cuộc thi "Em yêu lịch sử Việt Nam" được tổ chức nhằm thể hiện niềm tự hào một tình yêu đối với dân tộc Việt Nam. HoaTieu.vn xin giới thiệu tới các bạn mẫu bài dự thi Em yêu lịch sử Việt Nam mới nhất hiện nay cùng với những câu hỏi trong phần dự thi thể hiện tình yêu lịch sử Việt Nam.
Mẫu bài dự thi Em yêu lịch sử Việt Nam
1. Mục đích hội thi Em yêu lịch sử Việt Nam
Hội thi Em yêu lịch sử Việt Nam nhiều năm qua đã được tổ chức với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, thu hút mọi lứa tuổi học sinh tham gia. Qua các năm, hội thi Em yêu lịch sử Việt Nam đã thực sự trở thành một sân chơi bổ ích, giúp học sinh thể hiện sự hiểu biết, niềm say mê thích thú với môn lịch sử Việt Nam, mà còn giúp các em chủ động tìm tòi, say mê nghiên cứu, trân trọng lịch sử hào hùng dân tộc.
Việc tổ chức hội thi nhằm tạo điều kiện để học sinh tìm hiểu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam bằng cách thức mới mềm mại, dễ hiểu hơn, qua đó giúp học sinh hứng thú và tâm huyết với bộ môn lịch sử đang học trong nhà trường. Đồng thời, góp phần nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, xác định ý thức trách nhiệm của người công dân tương lai tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phồn vinh, giàu đẹp.
2. Nội dung các câu hỏi về bài dự thi Em yêu lịch sử Việt Nam:
Câu 1: Nêu những hiểu biết của em về sự kiện Cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Lấy dẫn chứng tiêu biểu về những đóng góp của quê hương em cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Theo em độc lập có ý nghĩa như thế nào với một quốc gia?
Đáp: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ tháng 4/1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đưa tới thời cơ của cuộc cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18-8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội...
Trong không khí cách mạng ấy, quê hương Hà Nam anh hùng cũng đóng góp một phần quan trọng trong chiến thắng chung của toàn dân tộc. Thi hành Chỉ thị của Trung ương, cùng với phong trào cách mạng toàn quốc phát triển nhanh chóng đã giúp cho phong trào cách mạng ở Hà Nam phục hồi và phát triển. Cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã biết đón thời cơ, chủ động đẩy mạnh các hoạt động, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh lên cao thêm một bước.Hội nghị tại thôn Cao Mật (Kim Bảng) đầu tháng 5/1945 do đồng chí Hà Kế Tấn chủ trì đã quyết định những nhiệm vụ quan trọng: Công tác tuyên truyền, thành lập chính quyền cách mạng, giải quyết nạn đói, ra tờ báo Quyết Chiến để tuyên truyền, hướng dẫn và cổ vũ phong trào, tổ chức lớp huấn luyện quân sự, thu thập vũ khí trang bị cho lực lượng tự vệ.
Ngày 13/8/1945, Nhật đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh. Ngay đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa và truyền ngay đến các địa phương. Ở Hà Nam, trong hai ngày 15 -16/8/1945, tại thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc (Duy Tiên), Hội nghị đại biểu Việt Minh tỉnh quyết định kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh Hà Nam. Hội nghị quyết định giành chính quyền ở các huyện trước, sau đó tập trung lực lượng giành chính quyền ở tỉnh và huyện Thanh Liêm là địa bàn sát tỉnh lỵ. Kết hợp chính trị với quân sự, dùng dụ hàng trước khi đánh; triệt để cô lập quân Nhật, sẵn sàng đối phó khi chúng ngoan cố chống lại.
Sáng ngày 20/8/1945, như một sự thống nhất trong hành động, cả ba huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng đã nhất tề vùng lên khởi nghĩa và giành thắng lợi.
Tại Bình Lục, khoảng 7 giờ ngày 22/8/1945, hàng ngàn quần chúng trong huyện mang băng cờ, biểu ngữ, gậy gộc có lực lượng tự vệ hỗ trợ từ nhiều hướng tiến về bao vây huyện đường, buộc tên Huyện trưởng đầu hàng nộp dấu ấn, sổ sách, vũ khí cho Ủy ban Khởi nghĩa.
Tại thị xã Phủ Lý, ngày 24/8/1945, ngay từ sáng sớm, lực lượng cách mạng của 5 huyện tiến về thị xã dưới hình thức vũ trang giành chính quyền. Ở dinh Tỉnh trưởng, quân cách mạng tiến vào hạ lệnh giải tán bộ máy, quân Nhật hoảng sợ nằm im trong doanh trại không dám kháng cự. Bọn ngụy quyền ở Thanh Liêm run sợ trước thế lực của cách mạng cũng đã nhanh chóng đầu hàng. Đúng 10 giờ ngày 24/8/1945, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động thị xã Phủ Lý đã đánh dấu Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nam thắng lợi hoàn toàn, hòa chung với không khí thắng lợi ở các địa phương khác.
Theo em, độc lập dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng với một quốc gia. Như chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và tư tưởng ấy đến hiện tại vẫn mang ý nghĩa thời đại sâu sắc. Có độc lập sẽ có tất cả, đất nước không thể phồn vinh, dân tộc không thể phát triển, nhân dân không thể tự do, hạnh phúc nếu không có độc lập. Do đó, khi độc lập, tự do bị xâm phạm, cả dân tộc phải quyết tâm đứng lên bảo vệ. Thực tế lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước của Việt Nam đã chứng minh điều đó. Ngày nay, khi nước nhà đã hoàn toàn thống nhất, độc lập, tự do, mỗi người dân phải phấn đấu đem hết sức mình cống hiến xây dựng đất nước, xã hội phồn vinh, không chỉ đem lại ấm no, hạnh phúc cho bản thân mà là của toàn dân tộc.
Câu 2: Hãy giới thiệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám (khoảng 1-2 trang A4). Theo em giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thể hiện ở những điểm nào?
1. Khái quát về Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- Quốc Tử Giám - ngôi trường đại học đầu tiên ở Việt Nam
- Kiến trúc độc đáo của Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- Ý nghĩa của Khuê Văn Các và hồ Thiên Quang
=> Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách, có những đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển về mọi mặt của thủ đô cũng như của cả nước. Từ năm 1962, di tích đã được Bộ Văn hóa xếp hạng quốc gia và đến nay là Di tích Quốc gia đặc biệt, 82 tấm bia được Unessco vinh danh là di sản tư liệu thế giới. Di tích luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị. Năm 1988, Thành phố đã thành lập Trung tâm nghiên cứu văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và giao nhiệm vụ quản lý di tích trực tiếp và toàn diện. Hiện nay, các hạng mục kiến trúc chính trong di tích đã được tu bổ, phục dựng để phục vụ nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị, khai thác du lịch của thủ đô cũng như của cả nước.
2. Giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thể hiện ở những điểm nào?
- Giá trị lịch sử:
Qua nghiên cứu, có thể thấy rằng Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di tích đặc biệt quan trọng của
quốc gia, nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, nơi lưu giữ và thể hiện đặc sắc nhất những giá trị nổi
bật của văn hiến Việt Nam. Tại đây, nơi hội tụ và lan tỏa của bề dày lịch sử và chiều sâu văn
hiến vượt qua thời gian với những giá trị nổi bật của chân - thiện - mỹ, của trí tuệ và tri thức của
cả dân tộc văn hiến và anh hùng. Trong những giá trị tiêu biểu của di tích Văn Miếu – Quốc Tử
Giám, giá trị lịch sử được đánh giá cao.
Trước hết phải nói đến hệ thống bia Tiến sĩ của Văn Miếu, nơi đây được xem là những pho sử
liệu bằng đá vô cùng độc đáo, quý giá, bởi đã cung cấp nhiều tư liệu quý về lịch sử khoa cử Việt Nam và chứa đựng các giá trị văn hóa khác. Ý tưởng dựng bia ghi tên các tiến sĩ khởi phát từ vua Lê Thánh Tông, là vị hoàng đế học sâu, hiểu rộng, quan tâm nhiều đến sự hưng thịnh của đất nước và nền văn hóa dân tộc. Những tấm bia đề danh tiến sĩ là biểu tượng của tinh thần hiếu học, đồng thời là sự tôn vinh của các thời đại với những người đã thành danh trên con đường học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội. 82 bia Tiến sĩ đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới toàn cầu. Năm 2015, hệ thống bia Tiến sĩ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia
Nằm sau khu Văn Miếu là khu Quốc Tử Giám với nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu,
nhà chuông, nhà trống hai bên. Nhà Tiền đường được lựa chọn là nơi tổ chức các buổi lễ tuyên
dương, khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi và các hội thảo khoa học, các buổi lễ quan
trọng của Thủ đô Hà Nội và của Nhà nước. Nơi đây cũng là sự lựa chọn số một của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố khi tổ chức các cuộc hành trình về nguồn và đặc biệt là trước mỗi kỳ thi quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt của cuộc đời. Nhà Hậu đường là nơi thờ phụng các danh nhân có công xây dựng nên Văn Miếu và những người có góp phần lớn trong nên Nho học Việt Nam. Nơi đây càng khẳng định giá trị lịch sử của Văn Miếu qua các thời kì, vẫn được bảo toàn và thờ phụng qua các thế hệ
Một bộ phận không thể tách rời của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là hồ Văn. Nơi đây đã diễn ra
các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa. Và cho đến tận ngày nay, trong dịp Tết
Nguyên đán vừa qua, nơi đây đã diễn ra Hội Chữ xuân Canh Tý với chủ đề "Thành Đức”, thu
hút hàng chục nghìn người tới và tham gia. Hoạt động đã góp phần nâng cao giá trị lịch sử tốt
đẹp về hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài của cha ông ta bao đời nay.
- Giá trị văn hóa:
Qua nghiên cứu văn bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể thấy quan điểm rất rõ ràng về
đào tạo và sử dụng nhân tài của cha ông. Mặt khác, một số văn bia còn nhằm mục đích giáo dục nhân cách, đạo đức cho đội ngũ quan lại đương thời và hậu thế. Tám mươi hai tấm bia đề danh tiến sĩ là biểu tượng của tinh thần hiếu học, đồng thời là sự tôn vinh của các thời đại với những người đã thành danh trên con đường học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.
Ngày nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ có chức năng thờ phụng, lưu danh những bậc
hiền triết mà còn là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, kế tục truyền thống tôn
vinh của dân tộc Việt Nam từ nghìn năm qua, dưới sự chủ trương của Đảng và Nhà nước về tôn tạo, trùng tu và phát huy giá trị văn hóa của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những năm qua, nơi đây được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước chọn để tổ chức lễ vinh danh các tân giáo sư, phó giáo sư cùng hoạt động tôn vinh các trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu của thủ đô Hà Nội nói riêng, trí thức cả nước nói chung.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám với sự phát triển các dấu ấn văn hóa vùng đất Thăng Long và tiếp
tục được vun đắp bằng các sự kiện lễ hội truyền thống mang sắc thái riêng như lễ khai bút đầu
năm, hội hoa xuân, lễ tuyên dương nhân tài… Với những giá trị tự thân cũng như vai trò và tầm
ảnh hưởng sâu rộng đối với việc tạo lập, phát triển nền văn hóa truyền thống, dù ở giai đoạn nào của lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng mang ý nghĩa quan trọng đối với người dân mọi miền đất nước; là tinh hoa cao quý cần phải được giữ gìn cho muôn đời sau.
Câu 3: Trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội, em yêu thích nhất nhân vật lịch sử nào? Vì sao? Hãy trình bày hiểu biết của em về nhân vật đó.
Nhắc đến nhân vật lịch sử Thăng Long – Hà Nội, nhiều người nghĩ đến những nhân vật nổi tiếng như các vị vua thời Lý - Trần, những vị tướng kỳ tài trong 3 cuộc đánh đuổi quân Nguyên - Mông, nhưng với em, em rất thích nhân vật Thánh Mẫu Quỳnh Hoa Công Chúa – con gái tiên chúa Khúc Thừa Dụ và hy vọng sẽ tìm thêm được những tư liệu nói về bà nhiều hơn.
Ít ai biết Khúc Thừa Dụ còn một người con gái từng được dân chúng tôn thờ là Thánh Mẫu. Đó là công chúa Khúc Thị Ngọc (còn gọi là Công chúa Quỳnh Hoa), em gái Trung chúa Khúc Hạo.
Tương truyền, thuở nhỏ Khúc Thị Ngọc thông minh, ý chí mạnh mẽ hơn người, sớm bộc lộ biệt tài về đầu óc tổ chức. Tuy con nhà gia thế nhưng nàng ham bơi lội, đua thuyền. Trong thời gian cùng sống với cha tại phủ Tống Bình, công chúa Quỳnh Hoa được tham gia bàn kế an dân giữ nước. Từ khi Tiên chúa Khúc Thừa Dụ qua đời, Khúc Hạo thay cha trị vì đất nước, nàng đã xin người anh cho mình được để tâm tìm mưu kế phát triển dân sinh.
Tuy là con nhà cành vàng lá ngọc, nhưng công chúa Khúc Thị Ngọc lại là người thuần hậu, thương dân. Bà tự nguyện rời cảnh lầu son về vùng nông thôn, giúp dân nghèo khai phá ruộng sình lầy phía nam thành Đại La, trở thành ruộng vườn, làng mạc, chợ búa sầm uất đông vui.
Bà thân chinh đi bảo ban, hướng dẫn dân chúng xây chùa, tu nhân tích đức, sống lương thiện; Trong dân gian có truyền thuyết rằng: Khi ở phủ Tống Bình, một hôm bà đi thuyền dạo chơi Tây Hồ, gặp mưa to, bèn vào chùa Trấn Quốc thỉnh chuông niệm Phật. Tiếng chuông ngân lên thì từ Hồ Tây có con trâu vàng hiện lên năn nỉ xin theo hầu.
Bà Khúc Thị Ngọc, xuống thuyền theo dòng Kim ngưu, con trâu vàng rẽ nước băng lên phía trước dẫn lối. Kỳ lạ thay, thuyền bà lướt tới đâu, thì lạch nước thành sông, bãi lầy thành đồng ruộng.
Các làng xóm, chợ búa mọc lên theo. Đến khi gặp một làn nước trong mát, bà xuống tắm. Xong rồi bà đi lên gò cao, trút bỏ xiêm y rồi biến. Dải yếm đào bà để lại, đã hóa thành một dải ruộng dài hàng cây số từ thôn Vĩnh Mộ qua thôn Cổ Chất đến thôn Phượng Cù ngày nay.
Đền thờ bà Chúa dựng trên gò đất cao tại đầu làng Vĩnh Mộ, gần sông Nhuệ, thuộc xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ). Ban đầu, đền chỉ là túp lều tranh, dựng sơ sài, xung quanh là đồng chiêm trũng.
Đến khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư về La Thành, đổi tên là Thăng Long, vua bèn ban sắc chỉ cho dân chúng trong vùng tôn tạo xây đình chùa. Nhân đó, ba làng Vĩnh Mộ, Cổ Chất và Phương Cù đã xây ngôi miếu lộ thiên hình ngai để thờ Bà.
Sang triều Lê, miếu Thánh Mẫu lần đầu tiên được tôn tạo. Nhưng phải đến nhà hậu Lê mới xét công lao và ban sắc phong thần cho Bà, nhưng sắc chỉ đã thất truyền. Trong đền hiện chỉ còn tấm biển sơn son thiếp vàng đề bốn chữ “Lịch triều phong tặng” là dấu tích của lần phong tặng ấy.
Nhưng thật may mắn là đền thờ Thánh Mẫu-công chúa Quỳnh Hoa Khúc Thị Ngọc-còn lưu giữ được ba đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn. Trong vòng 35 năm, ba vị vua nhà Nguyễn đều sắc phong cho Công chúa Khúc Thị Ngọc là bậc thần và bậc thần tôn kính, càng về sau càng trân trọng.
Vua Thành Thái chỉ phong là “Khúc Thị Ngọc công phu nhân chi thần”, nhưng tới vua Duy Tân đã tăng thêm mỹ tự là “Dực bảo trung hưng linh phù Khúc Thị Ngọc công phu nhân tôn thần” (Vị thần đáng tôn kính). Lại đến đời vua Khải Định, sắc phong thêm mỹ tự “Dực bảo trung hưng linh phù Khúc Thị Ngọc công phu nhân tôn thần, hộ quốc tý dân” (nghĩa là Bà chúa linh thiêng đã có công giúp nước che chở bảo vệ dân), đồng thời vua Khải Định còn ra thêm mỹ tự “Trinh uyển tôn thần”, nghĩa là Bà chúa tiết hạnh, thuần hậu, vị thần đáng tôn kính.
Năm 1938, để ghi công đức, sự nghiệp của bà, dân chúng quanh vùng đã cùng trùng tu lớn ngôi đền Thánh mẫu, đồng thời Hội tư văn toàn khu đã làm bài ký, khắc sơn son thiếp vàng và viết bài thơ chữ Hán, khắc lên cuốn thư thật tinh xảo. Bản dịch bài thơ như sau:
Lê triều truyền thánh tích:
Công chúa tối hiển linh
Sắc đẹp trùm thiên hạ
Duy nhất lòng trung trinh
Muôn năm lừng thắng địa
Ba xã nổi danh thiêng
Xa gần trọng công đức
Phúc tinh sáng một miền.
Đền thờ bà Chúa được tôn tạo gần đây nhất là năm 1995, với ngôi nhà ba gian lợp ngói, có một hậu cung. Trên bệ thờ có khán cổ. Trong khán có tượng Thánh Mẫu, tĩnh tọa trên tòa sen. Ngày 4 tháng 2 năm 2003, tại quyết định số 158/QĐ-UB, UBND Hà Tây đã công nhận đền thờ Công chúa Khúc Thị Ngọc (tức Quỳnh Hoa Thánh Mẫu) là di tích lịch sử văn hóa.
Câu 4: Ở tỉnh, thành phố quê hương anh (chị) có những di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) tiêu biểu nào? Anh (chị) hãy giới thiệu về một di sản văn hóa của quê hương mà anh (chị) ấn tượng nhất. Theo anh (chị), cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đó?
Hà Nam là một vùng đất cổ, có lịch sử phát triển lâu đời. Đây cũng là nơi tụ cư của người Việt cổ. Những cổ vật, như mộ thuyền, trống đồng, dụng cụ nông nghiệp, sinh hoạt cổ xưa, những vũ khí tự vệ thô sơ… được tìm thấy ở nhiều nơi trên đất Hà Nam đã chứng tỏ điều đó.
Trải qua các triều đại quân chủ, Hà Nam cũng lưu giữ được nhiều cổ vật quý hiếm mang giá trị lịch sử, văn hóa cao, như: Tượng đá Kinari mang dấu ấn Chăm Pa, các pho tượng Kim Cương, bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý ở chùa Đọi Sơn (Tiên Sơn, Duy Tiên); bia Đại Trị thời Trần ở chùa Giầu (Đinh Xá, Phủ Lý); sách đồng Bắc Lý (Lý Nhân) thời Lê... Trải qua quá trình tụ cư, khai thác vùng đất trũng Hà Nam, bao lớp người xưa cũng để lại trên vùng đất này số lượng di tích dày đặc. Các di tích phân bố đều khắp ở hơn 685 thôn, xóm, tổ phố với trên 1.784 di tích.
Nhưng theo em, truyền thống hiếu học của người Hà Nam là một di sản đáng quý.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Chắc hẳn mọi người đều đã nghe đến bài thơ này của nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam. Quê nội của ông ở làng Vị Hạ (tục gọi là làng Và), xã Yên Đổ nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Hiện nay, "Từ đường Nguyễn Khuyến" nằm tại thôn Vị Hạ - nguyên mẫu trong tác phẩm “Thu điếu” của nhà thơ vẫn được lưu giữ và bảo tồn rất tốt, là điểm tham quan du lịch khá hấp dẫn với du khách khi đến với Hà Nam.
Từ đường Nguyễn Khuyến nằm ở thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam. Cách trung tâm tỉnh Hà Nam khoảng 16km, khu từ đường có cảnh quan thơ mộng với ao thu, ngõ trúc, vườn Bùi. Đây là nơi thờ tự nhà thơ Nguyễn Khuyến và lưu giữ các kỷ vật như: các tác phẩm, các bức hoành phi, câu đối của các bậc đại sĩ tặng nhà thơ.
Trải qua nhiều năm, ngôi nhà của Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến (đỗ Tam Nguyên năm 1864 – 1865) vẫn giữ được nếp nhà xưa, một nét đặc trưng của vùng đồng quê chiêm trũng. Hiện nay, nhà của cụ Nguyễn Khuyến đã trở thành Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Những năm qua, để bảo tồn và phát huy giá trị của "Từ đường Nguyễn Khuyến", các cấp chính quyền địa phương đã có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể:
+ Gây dựng Quỹ khuyến học Vị Hạ, Quỹ khuyến học xã Trung Lương => tạo thành một phong trào học tập giữa các dòng họ. Trẻ em, thanh thiếu niên vùng quê chiêm trũng nghèo khi xưa đến nay luôn chăm chỉ noi gương tiền nhân, quyết tâm vượt khó học thành tài.
+ Cấp ủy, chính quyền huyện Bình Lục luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo tiền đề và động lực mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.
+ Công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích, di sản văn hóa Từ đường Nguyễn Khuyến được thực hiện đúng quy định và nhận được sự quan tâm lớn của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, theo em, để tiếp tục giữ gìn các di sản văn hóa nói chung, Từ đường Nguyễn Khuyến nói riêng, chúng ta cần có chính sách phát triển du lịch bền vững. Đơn cử như du lịch trải nghiệm văn hóa, đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa của du khách, nhất là giới trẻ, cư dân ở các đô thị, du khách nước ngoài... Em cho rằng, di sản văn hóa chỉ được gìn giữ qua năm tháng khi vẫn được mọi người biết đến, nhớ đến, có vậy giá trị tinh thần của di sản mới ngày càng lan tỏa, phát huy những giá trị, góp phần vào gìn giữ những giá trị nhân văn của dân tộc.
Câu 5 :
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
Anh (chị) hãy cho biết hai câu thơ trên là của ai. Nêu ý nghĩa của hai câu thơ đó. Theo anh (chị), cần phải làm gì để người học yêu thích môn Lịch sử?
Trong tác phẩm nổi tiếng “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ có hai câu thơ: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Đây không đơn thuần chỉ là lời kêu gọi mà còn là chân lý, là khoa học, là mỹ học. Bác nói “cho tường” nôm na nhưng thật sâu sắc: Phải biết lịch sử một cách tường tận, rõ ràng, cụ thể. Không dạy cho thế hệ tương lai biết tường tận về lịch sử là có lỗi với lịch sử.
Đây không chỉ là lời kêu gọi mà còn là yêu cầu của Bác với toàn thể nhân dân Việt Nam, mà đặc biệt là thế hệ học sinh phải hiểu rõ được lịch sử Việt Nam, bởi lẽ lịch sử là những gì thuộc về quá khứ nếu không có quá khứ sẽ không có hiện tại và tương lai. “Biết” quá khứ để rút ra bài học xương máu về giá trị con người,đạo đức, lối sống; thấu hiểu nỗi khổ của dân tộc và giá trị quý báu để có được như ngày hôm nay; có quyết tâm xây dựng, bảo vệ và kiến thiết nước nhà; phát huy được truyền thống quý báu và niềm tự hào dân tộc chính đáng của dân ta.
Với ý nghĩa ấy, em nghĩ rằng, quyết định đưa môn lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong chương trình phổ thôn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là quyết sách cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, em cho rằng, chương trình học lịch sử hiện vẫn còn khô khan, thiếu hấp dẫn, đa số học sinh chỉ học để thi, không phải tự nguyện muốn học. Để học sinh, các bạn trẻ chủ động tìm hiểu lịch sử, chương trình học cần có sự hấp dẫn hơn.
Học lịch sử không phải là học thuộc số liệu, dữ kiện mà còn là bài học, là triết lý để suy ngẫm. Thông qua bài học lịch sử trên lớp, chúng em không chỉ muốn lịch sử được tái hiện lại theo cách hấp dẫn hơn, mà chúng em còn muốn được đánh giá lịch sử, thể hiện suy nghĩ của chúng em về những con người, sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.
Không những vậy, em cũng mong thầy cô sẽ giảng dạy, cập nhật cho chúng em biết về những diễn biến của lịch sử, từ lịch sử Việt Nam tới lịch sử khu vực, lịch sử châu lục, lịch sử thế giới, từ lịch sử xa xưa tới lịch sử kề cận, sự kiện mới nhất ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử và những câu chuyện lịch sử ý nghĩa để liên hệ thực tế, rút ra bài học kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, chúng em cũng mong muốn có những buổi trải nghiệm thực tế tại các khu di tích lịch sử. Cách học này không chỉ giúp chúng em hiểu sâu hơn về một dữ kiện/nhân vật lịch sử nào đó, mà còn đọng lại trong chúng em niềm kính trọng cha ông đã dựng xây nên non nước này, đã dũng cảm bảo vệ nền độc lập tự chủ, đã sáng tạo nên cả một nền văn hóa Việt. Từ đó, em tin rằng có thể khơi dậy trong mỗi chúng em niềm tin, niềm tự hào dân tộc để sống cống hiến, chân chính hơn, góp phần ươm mầm thế hệ trẻ có đủ trí, đức, tài xây dựng đất nuước.
Câu 6: Ngày 6 - 12 - 2012, UNESCO đã chính thức công nhận một tín ngưỡng ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Anh (chị) hãy cho biết đó là tín ngưỡng gì? Nêu những điều mà anh (chị) tâm đắc nhất về thời đại là nguồn gốc hình thành nên tín ngưỡng đó.
Ngày 6 - 12 - 2012, UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những điều tâm đắc nhất về thời đại Hùng Vương:
Truyền thuyết kể rằng: Âu Cơ lấy Lạc Long Quân được một thời gian thì sinh ra Bọc trăm trứng, trứng nở ra 100 người con trai. Khi các con khôn lớn, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên”. Hai người từ biệt nhau, trăm người con trai tỏa đi các nơi, trăm người đó trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Vua Hùng chia ra làm mười lăm bộ, đặt tướng văn, võ gọi là lạc hầu, lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi vua đời đời gọi chung một danh hiệu là Hùng Vương. Là tổ tiên của dân tộc Việt cùng sinh ra từ một bọc trăm trứng sâu nặng tình nghĩa anh em một nhà.
Như vậy, nhân dân Việt Nam thờ chung một vị Vua Tổ, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"; "Ăn quả nhớ người trồng cây" thuỷ chung son sắt là điều em tâm đắc nhất mà thế hệ tiền nhân đã gửi lại cho hậu thế hôm nay và cả mai sau.
Câu 7. Anh (chị) hãy nêu cảm nhận của mình về một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.
Trả lời
Như một cây cầu nối hai bờ lịch sử, Cách mạng tháng Tám (1945) thành công đã đưa nước ta bước sang một kỉ nguyên mới, ghi vào những trang sử hào hùng của dân tộc một mốc son chói lọi. Thắng lợi ấy đã đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước, đưa nước Việt Nam ta từ từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành một nước độc lập và dân chủ. Thắng lợi vẻ vang ấy không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn có ý nghĩa quốc tế to lớn bởi nó đã đập tan một mắt xích quan trọng của chủ nghĩa đế quốc, góp phần làm lung lay chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới, là nguồn động lực động viên tinh thần cho các nước thuộc địa đứng lên giành độc lập.
Nhìn lại những ngày trước khi Ban chấp hành Trung ương Đảng phát động lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, dân ta phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” bởi ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và Phát xít Nhật đưa dân ta đến một thảm cảnh kinh hoàng: hơn 2 triệu người chết đói. Để dễ bề cai trị, thực dân Pháp đã cho thi hành chính sách “ngu dân” khiến hơn 90% dân số không biết chữ . Trên bản đồ thế giới, nước chúng ta không được đặt tên. Các nước vẫn chỉ coi ta là thuộc địa của Pháp, không công nhận quyền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc. Ấy vậy mà, chỉ trong vòng hai tuần lễ (15– 30/8/1945) cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra trên khắp ba miền đất nước và giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi này đã thiết lập lại những gì vốn thuộc về ta: nước Việt Nam là một nước tự do và độc lập, dân tộc Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập. Còn gì vui sướng và tự hào hơn thế, lịch sử sang trang, một kỉ nguyên mới được bắt đầu – kỉ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Câu 8. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, anh (chị) yêu thích nhất nhân vật lịch sử nào? Vì sao? Hãy trình bày hiểu biết của anh (chị) về nhân vật đó.
Trả lời
Lịch sử dân tộc không quên những Con Người đã tạo nên bước chuyển mình thời đại. Với em,người mà em yêu mến và cảm phục nhất là Bác Hồ - một người cha, người bác, người anh của dân tộc Việt Nam.
Hồ Chí Minh, (19/5/1890 – 2/9/1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Sắc, quê ở Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước và cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước phải oằn mình dưới gót giày quân xâm lược, ở Người đã sớm hình thành lòng yêu nước và căm thù quân giặc. Năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Biết bao khó khăn và nguy hiểm cũng không khuất phục nổi ý chí sắt đá của người chiến sĩ yêu nước giàu nhiệt huyết cách mạng. Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc ta đi- con đường Cách mạng vô sản, giải quyết khủng hoảng trong đường lối lãnh đạo Cách mạng Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời do Người chủ trì . Dưới ngọn cờ của Đảng, nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn mà mốc son chói lọi nhất là Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đã đọc Tuyên ngôn Độc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bầu làm Chủ tịch nước tại Quốc hội khóa đầu tiên (1/ 1946).
Không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng tài ba mà Hồ Chủ tịch còn là một người yêu văn thơ và biến văn thơ thành một công cụ đắc lực cho cuộc đấu tranh cách mạng. Người đã sáng tác rất nhiều truyện, kí và thơ trữ tình mà “Nhật kí trong tù” còn được coi là “Viên ngọc quý mà Bác đã vô tình đánh rơi vào kho tàng văn học dân tộc”.
Năm 1987, UNESCO đã tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa” và công nhận những đóng góp to lớn của Người đối với hòa bình và sự tiến bộ của nhân loại.
3. Câu hỏi trắc nghiệm Hội thi Em yêu Lịch sử Việt Nam
Câu 1: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày, tháng, năm nào? Tại đâu?
A. Ngày 26/3/1941 tại Pắc Bó, Cao Bằng
B. Ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng
C. Ngày 22/12/1945 tại Ba Đình, Hà Nội
B. Ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Cao Bằng
Câu 2: Trong lịch sử của dân tộc ta, nhà nước đầu tiên được thành lập là nhà nước nào?
A. Văn Lang
B. Âu Lạc
C. Đại Việt
Câu 3: Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược nào? Tại đâu?
A. Quân Nguyên Mông tại sông Bạch Đằng
B. Quân Thanh tại sông Bến Hải
C. Quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng
Câu 4: Hình ảnh lấy bông lau làm cờ nhắc chúng ta nhớ đến vị anh hùng nào?
A. Đinh Bộ Lĩnh
B. Đinh Công Trứ
C. Nguyễn Công Trứ
Câu 5: Vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến nước ta là ai?
A. Khải Định
B. Hàm Nghi
C. Bảo Đại
Câu 6: Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên vào thời gian nào? Do ai sáng tác?
A. Ngày 19/8/1945 tại thủ đô Hà Nội, do Văn Cao sáng tác.
B. Ngày 23/11/1940 tại cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ do đồng chí Nguyễn Hữu Tiến sáng tác.
C. Ngày 27/9/1940 tại khởi nghĩa Bắc Sơn do đồng chí Hoàng Văn Hán sáng tác.
Câu 7: Ai là tác giả của bài Quốc ca Việt Nam?
A. Nam Cao
B. Văn Cao
C. Phong Nhã
Câu 8: Huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh thành nào của nước ta? (Tự luận)
Đáp án: Thành phố Đà Nẵng
Câu 9: Tỉnh Quảng Nam được giải phóng ngày, tháng, năm nào? (Tự luận)
Đáp án: 24/3/1975
Câu 10: Tỉnh Quảng Nam được tái lập vào thời gian nào?
A. 25/12/1996
B. 01/01/1997
C. 29/9/2006
Câu 11: Đội TNTP Hồ Chí Minh được thành lập vào ngày, tháng, năm nào?
A. 15/5/1931
B. 26/3/1931
C. 15/5/1941
Câu 12: Ngày 09/01 hằng năm là ngày gì? (Tự luận)
Đáp án: Ngày học sinh, sinh viên
Câu 13: Đây là hai di sản văn hóa thế giới thuộc tỉnh nào của nước ta? (Tự luận)
Đáp án: Quảng Nam
Câu 14:
"Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam"
là câu nói nổi tiếng của ai?
A. Trần Hưng Đạo
B. Hồ Chí Minh
C. Phạm Văn Đồng
Câu 15: Tam Kỳ được công nhận là thành phố loại II vào thời gian nào?
A. 26/10/2005
B. 29/9/2006
C. 15/02/2016
Trên đây là Mẫu bài dự thi Em yêu lịch sử Việt Nam mới nhất cùng bộ câu hỏi trắc nghiệm Em yêu lịch sử Việt Nam tham khảo. Các bạn có thể tham khảo bài viết liên quan trong chuyên mục Giáo dục - Đào tạo của Biểu mẫu:
Tham khảo thêm
- Chia sẻ:Phùng Thị Kim Dung
- Ngày:
Mẫu bài dự thi Em yêu lịch sử Việt Nam (tệp PDF)
424,8 KB 10/01/2018 10:57:51 CH
Gợi ý cho bạn
-
(5 bài) Tham luận về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho Đoàn viên thanh niên
-
Mẫu đơn xin rút tiền học phí
-
Phiếu góp ý đánh giá sách giáo khoa lớp 3 môn Hoạt động trải nghiệm - Đủ 3 bộ sách
-
Báo cáo kết quả xây dựng cam kết tu dưỡng rèn luyện phấn đấu năm 2024
-
TOP 11 Bài tham luận về học tập đại hội chi Đội nhiệm kỳ 2024 - 2025
-
Bài phát biểu hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời 2022
-
11 câu phân tích kế hoạch bài dạy môn Mỹ thuật tiểu học
-
Bài thu hoạch chương trình GDPT 2018 môn Toán
-
Hướng dẫn ghi sổ sao nhi đồng
-
Kế hoạch xây dựng lấy trẻ làm trung tâm 2024
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Giáo dục - Đào tạo
Mẫu kế hoạch bồi dưỡng phụ đạo học sinh năm học 2024 - 2025
400 câu hỏi ôn thi công chức, viên chức giáo viên năm 2024
Bản cam kết tu dưỡng rèn luyện phấn đấu cập nhật mới nhất năm 2024
Bản đăng ký Dân vận khéo năm mới nhất 2024
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module THPT15
Phân phối chương trình môn Ngữ văn bậc THPT 2024
Thủ tục hành chính
Hôn nhân - Gia đình
Giáo dục - Đào tạo
Tín dụng - Ngân hàng
Biểu mẫu Giao thông vận tải
Khiếu nại - Tố cáo
Hợp đồng - Nghiệm thu - Thanh lý
Thuế - Kế toán - Kiểm toán
Đầu tư - Kinh doanh
Việc làm - Nhân sự
Biểu mẫu Xuất - Nhập khẩu
Xây dựng - Nhà đất
Văn hóa - Du lịch - Thể thao
Bộ đội - Quốc phòng - Thương binh
Bảo hiểm
Dịch vụ công trực tuyến
Mẫu CV xin việc
Biển báo giao thông
Biểu mẫu trực tuyến