Giải đáp thắc mắc thường gặp về trợ cấp thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp (Trợ cấp thất nghiệp) là một loại bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động giải quyết tình trạng thất nghiệp. Sau đây là bài viết Giải đáp thắc mắc thường gặp về trợ cấp thất nghiệp để các bạn tham khảo.
Câu hỏi hay về trợ cấp thất nghiệp
- 1. Có thể ủy quyền cho người khác nhận tiền trợ cấp thất nghiệp không?
- 2. Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm có phải nộp lại tiền trợ cấp không?
- 3. Nếu dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm mới thì khoảng thời gian chưa hưởng có được bảo lưu để hưởng lần sau không?
- 4. Nếu không nhận tiền TCTN thì có bị mất?
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp do người sử dụng lao động và người lao động đóng trên cơ sở tiền lương của người lao động và được sử dụng để trợ cấp thất nghiệp, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Trong đó, chế độ mà hầu hết người lao động đều quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, là trợ cấp thất nghiệp.
Trên thực tế, khi thực hiện các quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp, người lao động thường lúng túng, chưa rõ khi gặp các vấn đề sau:
- Có thể ủy quyền cho người khác nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thay mình không?
- Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc mới thì có phải nộp lại số tiền trợ cấp đã nhận?
- Thời gian chưa nhận trợ cấp có được bảo lưu để tính thời gian hưởng trong lần tiếp theo hay không?
1. Có thể ủy quyền cho người khác nhận tiền trợ cấp thất nghiệp không?
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 17 và Khoản 4 Điều 18, Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ đề nghị hưởng hoặc nhận quyết định hưởng trợ cập thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp:
- Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
- Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
- Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động chỉ được ủy quyền nộp hồ sơ đề nghị hưởng hoặc nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chứ không được ủy quyền cho người khác nhận tiền trợ cấp thất nghiệp thay mình dù vì bất cứ lý do nào.
2. Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm có phải nộp lại tiền trợ cấp không?
Theo điểm b, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 21, Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, quy định người lao động chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm và người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 03 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
- Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày có việc làm trong trường hợp này được xác định là ngày bắt đầu làm việc của người đó ghi trong quyết định tuyển dụng;
- Người lao động thông báo đã có việc làm cho Trung tâm dịch vụ việc làm theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có việc mới, người lao động phải thông báo đến với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng theo Khoản 4, Điều 21, Nghị định 28/2015/NĐ-CP thì: người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt việc hưởng vào những ngày của tháng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó tức là không phải nộp lại số tiền đã nhận.
Như vậy, theo quy định của pháp luật khi người lao động có việc làm mới trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp phải thông báo cho Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp để chấm dứt việc hưởng trợ cấp thất nghiệp và không phải nộp lại số tiền đã nhận của tháng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, trường hợp người lao động không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi tìm được việc làm mới thì ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 39, Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020, đồng thời người lao động còn phải nộp lại số tiền đã nhận. (chi tiết quy định xem ở mục 3)
3. Nếu dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm mới thì khoảng thời gian chưa hưởng có được bảo lưu để hưởng lần sau không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5, Điều 21 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP: người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo quy định này, để xác định một người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà có việc làm mới, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp có được bảo lưu thời gian chưa hưởng để hưởng những lần sau hay không, cần lưu ý hai trường hợp sau:
Trường hợp 1: Người lao động có việc làm mới, thực hiện đúng quy định về thông báo có việc làm để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đối với trường hợp này, khoảng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng.
Thời gian bảo lưu = Tổng thời gian đóng TCTN - Thời gian đã hưởng TCTN
Ví dụ: Chị M làm việc tại công ty May D và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp 5 năm (60 tháng). Do thu hẹp sản xuất nên hết hạn hợp đồng chị M không được ký tiếp HĐLĐ và phải nghỉ việc. Chị M làm thủ tục và được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định là 05 tháng. Tuy nhiên, sau khi hưởng được 03 tháng thì chị M tìm được việc làm và thông báo lên Trung tâm dịch vụ việc làm để bảo lưu lại thời gian chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy thời gian được bảo lưu lại của chị M là bao nhiêu?
Theo quy định mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp của chị M được tính tương ứng 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Vậy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu = 60 - (3 x 12) = 24 tháng.
Trường hợp 2: Người lao động có việc làm mới, không thông báo có việc làm để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ví dụ: Chị G làm việc tại công ty TNHH May V và đóng bảo hiểm thất nghiệp được 4 năm (48 tháng). Do công ty V chuyển nhà máy sang tỉnh khác, vì hoàn cảnh điều kiện gia đình nên chị G không bố trí đi làm ở địa điểm mới được, Chị G và công ty thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Trong thời gian chưa tìm được công việc mới, chị G đến Trung tâm dịch vụ việc làm để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và được hưởng trợ cấp 04 tháng. Sau khi hưởng trợ cấp được 02 tháng, chị G tìm được việc làm mới nhưng không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp mà vẫn nhận tiền trợ cấp tháng thứ ba. Vậy việc chị G không thông báo cho Trung tâm dịch vụ việc làm sẽ dẫn tới hậu quả pháp lý gì? Sau khi khắc phục xong các hậu quả pháp lý thì thời gian đóng bảo hiểm nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của chị G được bảo lưu lại là bao nhiêu?
Theo quy định tại điểm c, Khoản 1 và Khoản 3, Điều 39, Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020: "Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; và buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận"
Như vậy, chị G sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 - 2.000.000 triệu đồng và phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp thất nghiệp của tháng thứ 3 đã nhận khi đã tìm được việc làm. Sau khi hoàn trả tiền và chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì chị G được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp của chị
G được tính tương ứng 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Vậy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu = 48 - (2 x 12) = 24 tháng.
Tuy nhiên, trường hợp người lao động cố tình vi phạm, không chấp hành quy định của pháp luật, không hoàn trả tiền trợ cấp thất nghiệp hưởng sai, không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang và sẽ là chỗ dựa cho nhiều người lao động khi lâm vào tình trạng mất việc làm, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động mà còn là giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nhân lực, là chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Do đó, người lao động cần tìm hiểu và thực hiện đúng quy định pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của bản thân mình một cách tốt nhất.
4. Nếu không nhận tiền TCTN thì có bị mất?
Tại Khoản 6 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định: “Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với số tiền TCTN mà NLĐ không đến nhận được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng TCTN cho lần hưởng TCTN tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng TCTN theo quy định”.
Theo đó, trường hợp NLĐ không đến nhận tiền TCTN thì vẫn được bảo lưu thời gian đóng BHTN để tính hưởng TCTN cho những lần hưởng tiếp theo.
Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục bảo hiểm trong mục biểu mẫu nhé.
- Chia sẻ:Tran Thao
- Ngày:
Tham khảo thêm
Gợi ý cho bạn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Bảo hiểm
Mẫu phiếu tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Hướng dẫn cách điền mẫu biểu C70A-HD: Danh sách hưởng chế độ thai sản
Mẫu giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT năm 2024
Mẫu D04b-TS: Danh sách đơn vị BHXH chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN đầy đủ cho người lao động
Mẫu C07-TS: Phiếu sử dụng phôi thẻ BHYT
Mẫu D06-TS: Bảng tổng hợp đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, ngân sách nhà nước hỗ trợ
Thủ tục hành chính
Hôn nhân - Gia đình
Giáo dục - Đào tạo
Tín dụng - Ngân hàng
Biểu mẫu Giao thông vận tải
Khiếu nại - Tố cáo
Hợp đồng - Nghiệm thu - Thanh lý
Thuế - Kế toán - Kiểm toán
Đầu tư - Kinh doanh
Việc làm - Nhân sự
Biểu mẫu Xuất - Nhập khẩu
Xây dựng - Nhà đất
Văn hóa - Du lịch - Thể thao
Bộ đội - Quốc phòng - Thương binh
Bảo hiểm
Dịch vụ công trực tuyến
Mẫu CV xin việc
Biển báo giao thông
Biểu mẫu trực tuyến