Là một giáo viên cần làm gì để vào Đảng năm 2024?

Hoatieu xin chia sẻ với các bạn mẫu bài thu hoạch cảm tình Đảng với câu hỏi Là một giáo viên cần làm gì để vào Đảng?. Đây là một mẫu câu rất cần thiết với mỗi người giáo viên đang muốn xin vào Đảng. Mời các bạn tham khảo Mẫu bài thu hoạch Là một giáo viên cần làm gì để vào Đảng trong bài dưới đây.

1. Bài thu hoạch Là một giáo viên cần làm gì để vào Đảng?

Những điều giáo viên cần làm để vào Đảng
Những điều giáo viên cần làm để vào Đảng

Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của công tác giáo dục đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực của đất nước, trong đó không thể thiếu vai trò quyết định của người giáo viên, Người từng khẳng định “Không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hoá”.

Thực tiễn đã chứng minh, nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo, nhân dân tôn vinh, gọi người thầy giáo là "kỹ sư tâm hồn".

Là một giáo viên cần làm gì để vào Đảng?

Thứ nhất, phải có phẩm chất đạo đức và kiến thức chuyên ngành mình giảng dạy.

Đây là yếu tố quan trọng đóng vai trò tiên quyết đối với một người giáo viên. Mỗi giáo viên phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt, giáo viên chủ chốt có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu hơn; phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Ðảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phải gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Ðảng, Nhà nước và của nhân dân.

Giáo viên đảm trách môn học, phần học nào phải có kiến thức sâu về lĩnh vực đó, hay nói cách khác, giáo viên cần tránh giảng tràn lan, mà phải tập trung vào chuyên sâu của mình.

Thứ hai, người người giáo viên muốn làm Đảng viên phải có kỹ năng sư phạm.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, truyền đạt, quán triệt những chủ trương, đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đến với học viên một cách sâu rộng, linh hoạt, sinh động và thiết thực thì người giáo viên cũng cần có “kỹ năng sư phạm”. Kỹ năng sư phạm là đường truyền dẫn, là mạch nối giữa người dạy và người học. Mỗi giáo viên có kỹ năng sư phạm riêng. Có kỹ năng sư phạm sẽ tạo nên sự cuốn hút, hấp dẫn cho người học, tức là nghe rồi, lại muốn nghe tiếp và dễ dàng đọng lại trong người nghe. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên chất lượng của lớp học mà đòi hỏi mỗi người làm công tác giảng dạy phải có và rèn luyện tốt hơn kỹ năng sư phạm.

Thứ ba, người giáo viên muốn được vào Đảng phải thật sự nhạy bén trước gian đoạn phát triển mới.

Giai đoạn hiện nay, tình hình kinh tế - chính trị xã hội trong nước và trên thế giới đang có những biến động mới, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự giao lưu, hội nhập quốc tế càng mở rộng. Cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch bằng “diễn biến hoà bình” với các thủ đoạn tinh vi và quyết liệt hơn, đang đặt ra cho cách mạng nước ta những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lực lượng giáo viên cũng phải có những nhận thức mới cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn mới, phải nêu cao ý thức tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn, để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tri thức khoa học cần thiết và phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp và tác phong công tác đáp ứng đòi hỏi ngày một cao hơn của tình hình, nhiệm vụ mới. Người giáo viên phải phân tích dự đoán được xu hướng phát triển của khu vực, thế giới và trong nước, cũng như đoán định được bản đồ chính trị của thế giới hiện nay, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng được thể hiện ngay hành vi, lối sống và quá trình thực hiện công việc được giao. Bản lĩnh đó được đào luyện trong học tập, làm việc và qua việc noi theo tấm gương tiêu biểu nào đó; nó là sự kết tinh các phẩm chất tâm lý tích cực, tốt đẹp để từ đó thể hiện ra ngoài bằng các hành động thể hiện sự kiên định, ý chí trung thành với “lý tưởng thiêng liêng” mà mình đã tin, đã yêu và đã chọn. Bản lĩnh chính trị thể hiện ở sự vững vàng của quan điểm, lập trường; ở sự “nhạy bén chính trị”, sự tôn trọng chuẩn mực “chân, thiện, mỹ” để ứng xử một cách độc lập, sáng tạo trong đời sống chính trị - xã hội. Bản lĩnh chính trị giúp người giáo viên dám nghĩ, dám làm, tận tụy phục vụ Nhà nước, nhân dân; tránh được các âm mưu “diễn biến”, các cám dỗ tư lợi. Trong các nguy cơ đó, vấn đề “tự diễn biến” trong suy nghĩ, hành động của cán bộ đảng viên sẽ rất bất lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; do đó việc phòng chống nguy cơ “tự diễn biến” bằng giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị là rất quan trọng.

Vì vậy, quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ đảng viên của các cấp uỷ Đảng và động viên giúp đỡ họ để nâng cao hơn nữa chất lượng tự học, tự tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên là nội dung trọng yếu, rất cần kíp trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới hiện nay.

Thứ tư, vai trò của người đảng viên là giáo viên trong việc quán triệt và thực hiện đầy đủ tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Giáo viên chúng ta phải dành nhiều thời gian hơn để nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ đảng viên. Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Cảnh, “Mục tiêu đưa ra 27 biểu hiện của suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển biến đưa ra biểu hiện để mỗi đảng viên tự chấn chỉnh bản thân, tự nhận thức để có những đóng góp xây dựng Đảng tốt hơn”.

2. Những giải pháp nâng cao vai trò của người đảng viên là giáo viên

Thứ nhất, đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học viên thì giáo viên cần phải là một người có “phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng”; xây dựng hệ thống kiến thức chuyên ngành vững chắc, người giáo viên phải tự mình kiểm tra biểu hiện, hành động của bản thân mình, xem có khi nào có lúc nào, chúng ta truyền đạt thông tin thiếu chính xác hay không?

Phẩm chất chính trị của người giáo viên đó chính là: có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, hiểu biết sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chấp hành đúng quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; không hoang mang dao động về chính trị tư tưởng, có niềm tin vào sự nghiệp đổi mới của đất nước; tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước. Phẩm chất chính trị đúng đắn sẽ là cái gốc cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục được giao trong bất kỳ tình huống khó khăn nào.

Phẩm chất chính trị của người giáo viên còn thể hiện ở tính đảng, đây là một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Người giáo viên khi giảng dạy, nghiên cứu phải đứng trên lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân, đứng trên lập trường lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin; phục tùng tổ chức và giữ vững nguyên tắc phát ngôn của Đảng. Tôn trọng khách quan của lịch sử, sự thật lịch sử và phải trung thành với lịch sử. Do đó, người giáo viên phải tự giác rèn luyện, hun đúc phẩm chất chính trị qua học tập lý luận, tổng kết thực tiễn để vận dụng sáng tạo vào lĩnh vực chuyên môn của mình.

Giáo viên cần tập trung vào kiến thức chuyên ngành là nằm để phát huy năng lực, sở trường của bản thân. Giáo viên phải tu dưỡng, biết “đọc”, tự tìm tòi, nghiên cứu, thông qua sách, báo, qua đồng nghiệp; đặc biệt là qua thực tiễn hoặc qua các đợt tập huấn...để nâng cao trình độ chuyên môn của mình.

Thứ hai, xây dựng kỹ năng sư phạm.

Người giáo viên phải xác định cho được mục tiêu mình “đứng lớp” là nhằm tạo cho người học tiếp thu kiến thức truyền đạt; từ đó có kỹ năng sư phạm riêng cho mình. Kỹ năng sư phạm của người giáo viên có được một phần là do bẩm sinh, nhưng chủ yếu là do sự khổ công rèn luyện để ngày càng hoàn thiện hơn. Để rèn luyện kĩ năng sư phạm, tôi thiết nghĩ bản thân mỗi giáo viên cần phải làm tốt các công việc như sau: trước khi giảng, giáo viên cần tự đặt bản thân mình vào vị trí của học viên để xem rằng học viên có thể hiểu, hứng thú với những kiến thức mà mình truyền đạt hay không?, ngoài ra, giáo viên cần tập giảng thật lưu loát để truyền cảm hứng những vấn đề mà mình có ý định trình bày tới học viên. Để bài giảng trở nên sinh động, thu hút học viên, giáo viên nên sử dụng một cách linh hoạt ngôn ngữ hình thể như: mắt, tay, chân, kết hợp với lời nói, kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học phát huy tính tích cực;sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật (bao gồm: các phần mềm ứng dụng vi tính văn phòng, radio, ghi âm, video, máy chiếu... ) trong giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học viên - đây cũng là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với mỗi giáo viên. Các phương tiện đó nhằm bổ sung và làm phong phú thêm những nội dung của bài giảng; thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của học viên, làm cho học viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Đồng thời để kỹ năng sư phạm của mình ngày càng hoàn thiện hơn, giáo viên cũng cần tham gia thường xuyên các buổi dự giờ của các giáo viên khác trong trường, các giáo viên trường mời thỉnh giảng để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm…

Thứ ba, giáo viên muốn làm Đảng viên phải là người “nhạy bén”.

Tính nhạy bén là nắm bắt thông tin mới một cách nhanh chóng, chính thống, chính xác, rõ ràng; phải có đầu tư nghiên cứu sâu các quan điểm, luận điểm về xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam để cập nhật vào bài giảng một cách hợp lý khoa học, theo phương pháp biện chứng để có thể truyền đạt đúng, hành động đúng nhằm lôi cuốn mọi người; tạo cho người nghe có được tính chủ động, tự giác để cùng nhau thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng ta, của Đảng bộ tình và của trường.

Sự nhạy bén của giáo viên còn thể hiện ở thường xuyên nghiên cứu thực tế, nắm thông tin cơ sở về công tác xây dựng Đảng của các Chi bộ, Đảng bộ trong và ngoài tỉnh; nắm bắt việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...để sớm thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, thông tin, hoạt động của đảng viên ở cơ sở, làm giàu thêm kiến thức thực tiễn, vận dụng vào từng phần, từng môn, từng bài trong quá trình truyền đạt, hướng dẫn trên bục giảng cho học viên.

Thứ tư, quán triệt các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Người giáo viên phải tuyệt đối nói không với 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phải thường xuyên cập nhật những thông tin sai phạm về những biểu hiện trên, từ đó hướng dẫn cho học viên tự tu dưỡng đạo đức, ngăn chặn sự suy thoái trước hết trong bản thân của mỗi người.

Tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ trong đó nhấn mạnh việc “làm theo”. Học Bác nhất là phải gắn “nói” đi đôi với “làm”, “làm” rồi phải kiểm tra, đánh giá đúng đắn để “nêu” (nêu gương điển hình). Mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải là tấm gương tiến bộ, trong sáng; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật để cho cấp dưới và mọi người noi gương. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, quần chúng; giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, quần chúng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những hoạt động của công tác xây dựng Đảng trong mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Vì vậy, cấp ủy, lãnh đạo các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả những hoạt động đó ở cơ quan, đơn vị mình.

Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến là một giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 - CT/TW. Thực hiện tốt điều đó sẽ là tạo động lực thúc đẩy toàn cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên, quần chúng thi đua rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực. Để thực hiện việc nhân rộng điển hình tiên tiến có hiệu quả, cần thực hiện một số nội dung công việc như: làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các đối tượng ở cơ quan, đơn vị, các cấp chnhs quyền từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, tập trung xây dựng, hoàn thiện cách tiêu chí điển hình tiên tiến, làm cơ sở để các tập thể, cá nhân phấn đấu, bình xét, khen thưởng. Việc làm này phải được tiến hành công khai, dân chủ; các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng phải là những tấm gương thực sự tiêu biểu.

Đẩy mạnh các công tác tự phê bình và phê bình theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cho rằng, “muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích” và “không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”. Dám nhận xét cái đúng cái sai của mình và mạnh dạn phê bình người khác để làm sao xây dựng chi bộ, đảng bộ ngày càng vững mạnh, để làm tốt nhiệm vụ của người đảng viên là giáo viên, bằng nhiều biện pháp đấu tranh xây dựng nội bộ.

Vai trò của đảng viên là giáo viên rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì người giáo viên phải vững kiến thức về chuyên môn, có lập trường chính trị vững vàng, có tâm huyết với nghề, có kỹ năng sư phạm… đồng thời người giáo viên phải thật sự là tấm gương mẫu mực và có tinh thần trách nhiệm cao, ngày càng trưởng thành trở thành một lực lượng tuyên phong mạnh mẽ, đầy sáng tạo, có trình độ chính trị, pháp luật và chuyên môn vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác xây dựng đảng trong tình hình phát triển mới.

3. Liên hệ bản thân giáo viên cần làm gì và phấn đấu như thế nào để trở thành đảng viên?

Nội dung dưới đây do HoaTieu.vn sưu tầm và thực hiện, chỉ mang giá trị tham khảo!

Trở thành một người Đảng viên được đứng trong hàng ngũ của Đảng là vinh dự lớn lao. Trong quá trình phấn đấu trở thành Đảng viên, tôi luôn nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình, đặc biệt là trong vai trò là một giáo viên.

Tôi hiểu rõ vị trí và vai trò của mình là một chiến sĩ cách mạng trong đội quân tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam và nhân dân lao động. Động cơ vào Đảng của tôi chính là muốn góp sức của mình để xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp hơn. Tôi cam kết sẽ không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực để có thể góp phần vào sự nghiệp giáo dục, đồng thời phát triển Đảng một cách bền vững.

Là một giáo viên, tôi cũng thấu hiểu rằng sự nghiệp giáo dục là nền tảng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, tôi cam kết:

  • Hoàn thành tốt các nhiệm vụ giảng dạy và chăm sóc học sinh, luôn tôn trọng và hết lòng phục vụ nhân dân.
  • Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, đặc biệt là trong công tác giảng dạy và quản lý lớp học.
  • Tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và công tác quần chúng, vận động học sinh và phụ huynh thực hiện đường lối chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước.
  • Phê bình và tự phê bình mình để nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, đồng thời duy trì đoàn kết trong Đảng.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở rằng: "cán bộ đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng. Quét sạch chủ nghĩa cá nhân mà nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng là trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tinh thần quốc tế trong sáng, luôn xứng đáng với người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân". Tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi luôn nhắc nhở bản thân phấn đấu tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đặc biệt là trong công tác giảng dạy của mình.

Với sự quyết tâm này, tôi tin rằng bản thân sẽ trở thành một người Đảng viên giỏi, một giáo viên đáng tin cậy, luôn được học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp yêu quý, tín nhiệm; đồng thời góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành giáo dục, của Đảng và đất nước.

Trên đây là mẫu bài thu hoạch Là một giáo viên cần làm gì để vào Đảng 2024 mới nhất. Mời các bạn cùng xem các mẫu thu hoạch khác tại mục Bài thu hoạch, dự thi - Tài liệu.

Đánh giá bài viết
11 20.747
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm