Vấn đề mà anh/chị tâm đắc nhất khi tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng?

Hoatieu xin chia sẻ mẫu bài thu hoạch Vấn đề mà anh/chị tâm đắc nhất khi tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng? Đây là một câu hỏi thường thấy và rất quan trọng trong các Bài thu hoạch cảm tình Đảng. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết dưới đây.

1. Bài thu hoạch Vấn đề mà anh/chị tâm đắc nhất khi tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng? (Mẫu số 1)

Tham gia lớp “Bồi dưỡng kết nạp Đảng” do Đảng bộ Trường Đại học ............. tổ chức, bản thân tôi cảm thấy một niềm vinh dự và tự hào. Được học tập từ những bài giảng của các thầy, tôi thấy mình đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Được tiếp xúc và học tập cùng các bạn học viên ưu tú được tuyển chọn từ các Chi đoàn, tôi cũng đã học hỏi được từ các bạn rất nhiều. Kiến thức mà tôi học được từ các thầy là kiến thức cụ thể và thực tế nhất về Cương lĩnh của Đảng, về lịch sử Đảng ta, về Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, về nội dung, những vấn để thực tiễn của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và làm thế nào để phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thứ mà tôi học hỏi được từ các bạn học viên đó là sự chia sẻ tình cảm, cảm xúc với nhau, tinh thần đoàn kết, nhiệt tình, sáng tạo.

Trải qua bốn ngày học tập liên tục, mọi người dường như ai cũng mệt mỏi nhưng điểm trên nét mặt của mọi người vẫn là niềm tự hào, tinh thần ham học hỏi của sinh viên. Những câu hỏi của các bạn sinh viên về làm thế nào để trở thành đảng viên trong môi trường đại học đã thu hút được nhiều những sự chú ý của các bạn học viên. Trao đổi thẳng thắn với các học viên, Thầy ................... cũng đã giải đáp thỏa đáng những câu hỏi mà các bạn đưa ra. Nhiều những câu hỏi để lại những nụ cười, niềm tin và sự háo hức được giải đáp để mỗi học viên có thể biết được và phấn đấu thực hiện. Đối với học viên tham gia học tập tại lớp “Bồi dưỡng kết nạp Đảng” ai cũng hiểu rằng mình là một sinh viên ưu tú của lớp được cử đi tham gia lớp học thì mình phải phấn đấu học tập thật tốt để không phụ lòng tin cậy của tập thể lớp. Vì thế trên khuôn mặt của các bạn luôn rạng ngời vẻ phấn khởi và hăng say học tập. Lớp học hơn hai trăm học viên nhưng rất trật tự, chỉ nghe những lời giảng của Thầy, đó thực sự là một không gian để lại cho chúng ta nhiều kỷ niệm. Mỗi người tham gia lớp học đều có những cảm xúc khác nhau thật khó tả. Một cảm xúc mà để lại trong lòng mỗi người nói riêng và cả lớp nói chung một sự lưu luyến và tiếc thương vô hạn là khi chúng ta được xem một thước phim về “Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Một số học viên đã khóc, tôi cũng dưng dưng nước mắt, cả phòng học như chìm vào trong một cảm xúc tiếc thương vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Người đã ra đi nhưng tinh thần, ý chí, và những bài học của Người dạy vẫn còn nguyên giá trị vĩnh hằng. Để tỏ lòng thành kính về công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi học viên chúng ta cần quyết tâm thực hiện những lời thề như trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Bác Lê Duẩn đọc khi Bác Hồ rời xa chúng ta:

“Vĩnh biệt Người, chúng ta thề:

Đem hết sức mình tiếp tục thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào.

Vĩnh biệt Người, chúng ta thề:

Luôn luôn phát huy tình cảm quốc tế trong sáng của HỒ CHỦ TỊCH, hết lòng góp sức vào việc khôi phục và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa và giữa các Đảng anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương; ra sức ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Vĩnh biệt Người, chúng ta thề:

Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của HỒ CHỦ TỊCH. Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi mình thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cà bách chiến bách thắng của HỒ CHỦ TỊCH tới đích cuối cùng”.

Trên đây thực sự là những giây phút mà tôi tâm đắc nhất. Chính những giây phút này đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc đặc biệt là cảm xúc về “Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Một thước phim để lại giá trị lịch sử sâu sắc nhất đối với từng người Việt Nam từ già đến trẻ, từ học sinh sinh viên đến các cán bộ công nhân viên chức.

2. Bài thu hoạch Vấn đề mà anh/chị tâm đắc nhất khi tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng? (Mẫu số 2)

Vấn đề mà anh/chị tâm đắc nhất khi tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng?
Vấn đề mà anh/chị tâm đắc nhất khi tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng?

Tâm đắc về tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tự phê bình và phê bình được Hồ Chí Minh coi là nguyên tắc sinh hoạt Đảng và là quy luật phát triển của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không có một tác phẩm riêng chuyên bàn về tự phê bình và phê bình. Nhưng, qua những bài nói chuyện, bài viết của Người về các lĩnh vực, nhất là về Đảng ta và về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã thể hiện tư tưởng của Người về tự phê bình và phê bình rất toàn diện và sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, nhất là trong đấu tranh khắc phục bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ những tác phẩm, bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong Đảng, tôi rút ra một số nội dung tâm đắc sau đây.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình:

Theo Người, “Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau”, trong đó, Bác thường đặt tự phê bình lên trước phê bình. Bởi vì, Người cho rằng: mỗi đảng viên trước hết thấy rõ mình trước để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, giống như phải tự soi gương rửa mặt hàng ngày; mình có tự phê bình tốt thì mới phê bình những người khác tốt được. Ở khía cạnh khác, Hồ Chí Minh coi tự phê bình cũng chính là phê bình, là tự tách mình ra khỏi mình để nhìn lại mình, rồi qua đó, thấy được ưu điểm để phát huy và khuyết điểm để sửa chữa. Còn phê bình cũng lại là tự phê bình, bởi qua phê bình đồng chí mình mà mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn lại mình một cách đầy đủ hơn.

Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng của Bác là phải làm thường xuyên, liên tục, nghiêm túc trong các buổi sinh hoạt đảng, phải chú ý cả ưu điểm và khuyết điểm, phải kết hợp chặt chẽ cả hai mặt tự phê bình và phê bình. Đó là biện pháp quan trọng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Điều đó tưởng như đơn giản, nhưng thời gian quan cũng như hiện nay đã có không ít cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng thực hiện chưa đúng, chưa nghiêm túc vấn đề này. Khi tự phê bình thì liệt kê ưu điểm, kể lể thành tích dài dòng, còn hạn chế, thiếu sót thì nêu vài ý cho có nhưng thường chung chung, thậm chí đổ lỗi cho hoàn cảnh; còn khi phê bình thì thường phiến diện, chỉ nêu khuyết điểm mà ít chú ý ưu điểm của đồng chí mình; chỉ phê bình người chứ không phải phê bình việc làm. Đây là căn bệnh phải kiên quyết khắc phục. Muốn vậy, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng phải lãnh đạo chặt chẽ công tác này trong các buổi sinh hoạt chi bộ, nhất là vào cuối năm; mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm rất cao trong Đảng, trước dân.

Vì sao phải tự phê bình và phê bình?

Hồ Chí Minh từng nói, người đời không phải thánh thần, ai cũng có tính tốt, tính xấu, nên khó tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Đảng cũng vậy; Đảng ta cũng từ nhân dân mà ra, nên không thể tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Nhưng, “chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm, khuyết điểm”. Một trong những cách để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm là tự phê bình và phê bình; phải thực hiện thường xuyên từ trên xuống dưới, ai cũng phải thực hiện để ngày càng đoàn kết, tiến bộ. Bởi vì theo Người, sống trên đời, “ai cũng cần tắm rửa cho mình sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn"; “ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”. Tổ chức đảng cũng vậy, có lúc khỏe mạnh, lúc ốm đau, bệnh tật, không vì thấy ốm đau mà lo sợ, bi quan, tuyệt vọng, giấu giếm bệnh tật trong mình. Người nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Vì vậy, tự phê bình và phê bình là liều “thần dược” để chữa trị các chứng bệnh trong cơ thể của tổ chức đảng và mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên, là thứ vũ khí sắc bén nhất giúp Đảng ta ngày càng thêm mạnh, ngày càng phát triển, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đây là vấn đề rất hệ trọng. Nó hệ trọng không phải chỉ ở chỗ tự phê bình và phê bình một cách nghiêm khắc và chân thành, mà quan trọng hơn là tìm cách giải quyết vấn đề thế nào, khắc phục cái đó ra sao.

Liên hệ của bản thân đến việc tự phê bình?

Liên hệ vấn đề này hiện nay thì chúng ta thấy có rất nhiều cái bức xúc. Ví dụ như: Đối với Đảng, xung quanh vấn đề chống tham nhũng, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… Đảng ta tự phê bình nhiều, đưa ra giải pháp cũng nhiều và yêu cầu phải làm quyết liệt, kiên quyết, nhưng khắc phục nó rất khó, thậm chí chưa được bao nhiêu. Đối với cá nhân cán bộ, đảng viên, tình trạng nể nang, né tránh, thiếu trung thực, phiến diện, chưa công tâm ở nhiều người trong tự phê bình và phê bình cũng được Đảng ta chỉ rõ, nhưng chậm được khắc phục, nên ưu điểm chưa được phát huy, khuyết điểm chưa được khắc phục triệt để, thậm chí trở thành tồn tại từ năm này sang năm khác. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng ta đã chỉ rõ: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao”. “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

Từ khi Đảng ta phát động toàn Đảng, toàn quân và toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả người giữ chức vụ lãnh đạo, mới dừng lại ở việc học và nói theo Bác chứ chưa làm theo Bác một cách nghiêm túc cả trong thực thi công vụ cũng như trong sinh hoạt đời thường, thậm chí có người còn làm ngược lại những điều răn dạy của Bác mà vẫn ung dung như không có chuyện gì. Hành vi này bị quần chúng phê phán, oán trách, thậm chí bị các thế lực thù địch, bọn cơ hội lợi dụng để xuyên tạc chủ trương đúng đắn của Đảng ta.

Tình hình trên gây bức xúc trong tổ chức đảng, nhất là đối với những đảng viên chân chính, gây bất bình trong nhân dân.

Để thực hiện tốt hơn tư tưởng của Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình:

Triết lý tự phê và phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực chất là triết lý tu thân, mang tính nhân văn cao cả và sâu sắc. Mỗi câu, mỗi ý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến tự phê bình và phê bình đều cụ thể, thiết thực và toát lên sự chân tình, thẳng thắn, gần gũi, ai cũng có thể học được, làm theo được, nhất là đối với cán bộ, đảng viên chân chính. Triết lý này góp phần quan trọng làm nên lẽ sống, lối sống của con người, là một nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng Cộng sản.

Để học tập và làm theo Bác một cách thực chất, thực hiện tốt hơn tư tưởng của Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng cần thực hiện: nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò tác dụng to lớn của tự phê bình và phê bình; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, kiên quyết, thẳng thắn, trung thực trong tự phê bình và phê bình để tự sửa mình và đồng chí mình. Cần tạo ra môi trường dân chủ trong tự phê bình và phê bình trong Đảng để đảng viên được bày tỏ quan điểm của mình trước cái đúng, cái sai, đặc biệt trước cấp trên. Dân chủ thực sự chính là môi trường tốt nhất để phê bình và tự phê bình đạt mục đích. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tự phê bình và phê bình, tiến hành thường xuyên, phê bình từ trên xuống và từ dưới lên, từ trong ra ngoài. Đối với đảng viên thực hiện nhiệm vụ có quan hệ thường xuyên với dân thì tự phê bình trong dân. Đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như tự phê bình và phê bình. Phải kết hợp một cách chặt chẽ, thống nhất giữa tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật trong Đảng, đảm bảo tính nghiêm minh, đúng người, đúng việc, đúng lúc.

Trên đây là các mẫu Bài thu hoạch Vấn đề mà anh/chị tâm đắc nhất khi tham gia lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng 2024 hay nhất do Hoatieu tổng hợp. Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết liên quan khác trong mục Tài liệu: Bài thu hoạch, bài dự thi.

Đánh giá bài viết
7 7.799
0 Bình luận
Sắp xếp theo