Thông tư số 92/2011/TT-BTC hướng dẫn thực hiện trợ cấp khó khăn đối với người lao động trong doanh nghiệp theo Quyết định số 471/QĐ-TTg

Thông tư số 92/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn thực hiện trợ cấp khó khăn đối với người lao động trong doanh nghiệp theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

BỘ TÀI CHÍNH

--------------------------
Số: 92/2011/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------------

Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2011

THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện trợ cấp khó khăn đối với người lao động
trong doanh nghiệp theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011
của Thủ tướng Chính phủ
___________________

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện trợ cấp khó khăn đối với người lao động trong doanh nghiệp như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty Nhà nước chưa chuyển đổi. Các doanh nghiệp khác (ngoài khu vực Nhà nước) được áp dụng qui định tại thông tư này để thực hiện trợ cấp khó khăn cho người lao động của doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng trợ cấp khó khăn theo hướng dẫn tại thông tư này là người lao động có tên trong danh sách lao động của doanh nghiệp tại thời điểm 30/3/2011 và có thu nhập từ 2,2 triệu đồng/tháng trở xuống (trừ các khoản tiền thưởng từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, tiền ăn ca, tiền chế độ bồi dưỡng nghề độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại nguy hiểm).

Điều 2. Mức trợ cấp và xác định nhu cầu kinh phí trợ cấp khó khăn cho người lao động trong doanh nghiệp

1. Các doanh nghiệp căn cứ vào nguồn Quỹ tài chính hợp pháp và khả năng tài chính của doanh nghiệp để quyết định mức trợ cấp khó khăn cụ thể cho người lao động nhưng tối thiểu là 250.000 đồng/người. Số tiền trợ cấp khó khăn cho người lao động được loại trừ không dùng để tính nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.

2. Căn cứ số lượng lao động thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp khó khăn qui định tại Điều 1 và mức trợ cấp qui định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này, doanh nghiệp tiến hành lập danh sách và xác định tổng số tiền trợ cấp khó khăn cho người lao động.

Điều 3. Thẩm quyền quyết định trợ cấp khó khăn của doanh nghiệp

Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc công ty đối với công ty không có Hội đồng quản trị của công ty Nhà nước chưa chuyển đổi; Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty (đối với công ty TNHH, công ty hợp danh); Hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần); Chủ doanh nghiệp Tư nhân (đối với doanh nghiệp tư nhân), sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức Công đoàn doanh nghiệp (nếu có), quyết định phê duyệt mức chi trợ cấp khó khăn và danh sách người lao động được hưởng trợ cấp khó khăn của doanh nghiệp.

Căn cứ mức trợ cấp và danh sách người lao động được hưởng trợ cấp đã được phê duyệt, các doanh nghiệp chủ động thực hiện chi trợ cấp khó khăn cho người lao động một lần trong năm 2011.

Đánh giá bài viết
1 53
0 Bình luận
Sắp xếp theo