07 văn bản mới nổi bật về Bảo hiểm - Thuế - Lao động

Tải về

07 văn bản mới nổi bật về Bảo hiểm - Thuế - Lao động

Trong tuần qua (từ ngày 21 - 26/12/2015), HoaTieu.vn cập nhật được nhiều văn bản nổi bật trong lĩnh vực Bảo hiểm - Thuế - Lao động. Cụ thể như sau:

1. Hướng dẫn mới về đóng bảo hiểm thất nghiệp

Từ ngày 01/02/2016, Thông tư 139/2015/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ Quốc phòng bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

  • Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng.
  • Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
  • Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Gia hạn thời hạn tiếp nhận mẫu 06/GTGT

Ngày 25/12/2015, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5593/TCT-KK về thời hạn tiếp nhận mẫu 06/GTGT (mẫu Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng).

Trước tình hình các cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng thuộc đối tượng phải gửi mẫu 06/GTGT nhưng đến ngày 20/12/2015 chưa kịp gửi mẫu này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và phương pháp tính thuế đang áp dụng của cơ sở kinh doanh, Tổng cục Thuế cho phép các cơ sở kinh doanh gửi mẫu 06/GTGT sau ngày 20/12/2015 nhưng phải trước ngày 30/01/2016.

3. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt - Hàn

Từ ngày 20/12/2015, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2015 – 2018 được ban hành kèm theo Thông tư 201/2015/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Hàng hóa nhập khẩu để được áp dụng thuế suất thuế VKFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Thông tư này.
  • Được nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam.
  • Được vận chuyển trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam theo quy định của Bộ Công Thương.
  • Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa KV theo quy định của Bộ Công Thương.

Hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước để được áp dụng thuế suất VKFTA phải thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư này và có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa VK theo quy định của Bộ Công Thương.

4. Thủ tục gửi thang lương, bảng lương

Ngày 21/12/2015, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố thủ tục hành chính lĩnh vực lao động, tiền lương, quan hệ lao động kèm theo Quyết định 1858/QĐ-LĐTBXH. Theo đó:

  • Trình tự thực hiện thủ tục "Gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp" như sau:
    • Bước 1: Doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định và gửi cơ quan quả lý nhà nước về lao động cấp huyện.
    • Bước 2: Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện tiếp nhận thang, bảng lương đăng ký.
  • Cách thức thực hiện: Trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
  • Thành phần hồ sơ: Thang, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp.
  • Đối tượng thực hiện thủ tục này là Người sử dụng lao động.
  • Yêu cầu, điều kiện: Không trái với các nguyên tắc do pháp luật quy định.

Quyết định 1858/QĐ-LĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày ký.

5. Hướng dẫn mới về tiền lương của người lao động

Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Theo đó:

  • Tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương là tiền lương theo hợp đồng lao động.
  • Tiền lương trả cho một ngày làm việc xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (số ngày làm việc bình thường trong tháng không quá 26 ngày).
  • Bãi bỏ quy định về việc phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động, chỉ còn quy định về việc trả lương một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương.
  • Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm.

6. Hướng dẫn mới nhất về hoàn thuế Giá trị gia tăng

Ngày 17/12/2015, Bộ Tài chính ban hành Công văn 18832/BTC-TCT sửa đổi Công văn 10492/BTC-TCT và Công văn 13822/BTC-TCT về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo đó:

  • Ưu tiên chi hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có doanh số năm trước liền kề hoặc năm hiện tại chiếm tỷ trọng từ 51% trở lên trong tổng doanh thu bán hàng hóa dịch vụ trên tờ khai thuế GTGT.

Đồng thời, quy định thủ tục kê khai, hoàn thuế GTGT như sau:

  • Đối với Trụ sở chính:

Lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế kèm theo Bảng kê số thuế GTGT còn phải nộp, còn nợ của Trụ sở chính và chi nhánh để thực hiện bù trừ đối với số thuế GTGT đủ điều kiện hoàn thuế.

  • Đối với chi nhánh:
    • Đảm bảo tuân thủ pháp luật về kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
    • Phải được doanh nghiệp trụ sở chính ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
    • Phải gửi kèm Bảng kê số thuế còn phải nộp, còn nợ của Trụ sở chính, các chi nhánh và đề nghị bù trừ giữa các đơn vị với số thuế GTGT đề nghị hoàn.

7. Hướng dẫn mới về phương pháp tính thuế Giá trị gia tăng

Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 5460/TCT-KK hướng dẫn tiếp nhận mẫu 06/GTGT đối với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) mới thành lập trong năm. Theo đó:

  • Đối với DN, HTX mới thành lập vào quý 4 hàng năm (từ 01/10 đến 31/12): Việc xác định phương pháp tính thuế GTGT và thời gian ổn định phương pháp tính thuế GTGT được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 1097/TCT-KK ngày 30/3/2015 của Tổng cục Thuế.
  • Đối với DN, HTX mới thành lập từ 01/01 đến 30/9 hàng năm:

Về nguyên tắc xác định doanh thu khi hết năm dương lịch đầu tiên của DN, HTX hoạt động sản xuất kinh doanh không đủ 12 tháng thì xác định doanh thu ước tính của năm như sau:

Tổng cộng của chỉ tiêu "Tổng doanh thu của hàng hóa dịch vụ bán ra chịu thuế GTGT" trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế các tháng hoặc quý hoạt động sản xuất kinh doanh chia số tháng hoạt động sản xuất kinh doanh và nhân với 12 tháng.

Việc xác định doanh thu theo nguyên tắc này không phân biệt DN, HTX thực hiện khai theo tháng hoặc quý.

Đánh giá bài viết
1 98
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm