Phân biệt dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp 2024

Phân biệt dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp 2024. Dân chủ một hình thức thiết chế xã hội đồng thời cũng là một trong những quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người. Vậy dân chủ có những hình thức nào và được biểu hiện ra sao? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây cùng HoaTieu.vn.

Dân chủ là quyền cơ bản của con người
Dân chủ là quyền cơ bản của con người

1. Dân chủ trực tiếp là gì?

Căn cứ Điều 6 Hiến pháp 2013 quy định:

Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.

Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ với những quy chế, thiết chế để nhân dân thảo luận, biểu quyết, tham gia trực tiếp quyết định công việc của cộng đồng nhà nước.

Đây là hình thức tham gia của mọi công dân một cách bình đẳng và trực tiếp vào các quyết định trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,… theo biểu quyết đa số, là sự thể hiện một cách trực tiếp ý chí của chủ thể quyền lực về những vấn đề quan trọng nhất.

Ví dụ: Tất cả công dân đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được trực tiếp đi bỏ phiếu bầu ra những người mình tin tưởng, đủ đức đủ tài vào trong Hội đồng nhân dân các cấp và các đại biểu quốc hội.

Hiện nay, dân chủ trực tiếp được chú ý và quan tâm nhiều hơn, người dân ngày càng có trình độ văn hóa, vì thế mà họ chủ động tìm hiểu thông tin những diễn biến, hoạt động, công việc của cộng đồng nhà nước. Công dân không chỉ quan tâm đến quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân, mà họ còn muốn tham gia đóng góp sự hiểu biết, ý kiến của mình, bàn luận về các vấn đề cộng đồng.

Việc trình độ dân trí nâng cao khiến cho việc hiểu biết pháp luật cũng được phổ biến hơn, người dân giám sát công việc nhà nước, gửi đơn, thư khiếu nại, giám sát chi tiêu ngân sách và xây dựng kết cấu hạ tầng địa phương.

2. Dân chủ gián tiếp là gì?

Căn cứ Điều 6 Hiến pháp 2013 quy định thì:

Dân chủ gián tiếp là hình thức dân chủ thông qua những quy chế, thiết chế để nhân dân bầu ra những người đại diện thay mặt mình quyết định các công việc chung của cộng đồng, đất nước.

Như vậy, dân chủ gián tiếp là dân chủ đại diện, mà yếu tố quan trọng nhất là trong đó người dân có quyền bỏ phiếu trực tiếp bầu ra người đại diện cho mình quyết định các công việc chung của cộng đồng, đất nước.

Những người được bầu đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và phải hành động dựa trên nguyên tắc đó.

Tuy nhiên trên thực tế, việc chỉ dựa vào dân chủ đại diện vẫn không thể đảm bảo sự tham gia của người dân. Tính dân chủ, sự tham gia ý kiến của người dân còn gây nghi ngờ không chỉ ở hệ thống dân chủ đại diện trong nước mà còn cả trên thế giới.

Chính vì vậy Dân chủ đại diện và Dân chủ trực tiếp là bổ sung cho nhau, hỗ trợ nhau, để cùng đảm bảo quyền lợi cho người dân, để người dân cất lên tiếng nói, tham gia bàn luận, giám sát các công việc nhà nước, đảm bảo nhà nước của dân, do dân, vì dân.

3. Phân biệt dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp

Hình ảnh cử tri đi bầu cử - biểu hiện thực hiện quyền dân chủ trên thực tê.
Hình ảnh cử tri đi bầu cử - biểu hiện thực hiện quyền dân chủ trên thực tế.

3.1. Giống nhau

Cả quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp đều thể hiện cho quyền lực của nhân dân mà cụ thể ở đây là quyền làm chủ.

3.2. Khác nhau

Sự khác nhau giữa dân chủ trực tiếp và gián tiếp thể hiện trên 4 mặt sau đây:

Ý nghĩa

  • Dân chủ trực tiếp đề cập đến một hình thức chính phủ trong đó công dân tham gia một cách chính đáng vào việc quản lý của chính phủ.
  • Dân chủ gián tiếp bao hàm một nền dân chủ trong đó mọi người bầu cho người đại diện của họ, để đại diện cho họ trong việc tham gia đến công việc của cộng đồng, đất nước.

Cách thức

  • Dân chủ trực tiếp: Tham gia trực tiếp vào công việc của cộng đồng, đất nước.
  • Dân chủ gián tiếp: Người dân thực hiện quyền làm chủ thông qua cơ quan, người đại diện.

Tính chất:

  • Dân chủ trực tiếp: Mang tính chất quần chúng rộng rãi. Phụ thuộc vào trình độ nhân dân.
  • Dân chủ gián tiếp: Mang tính chất phản ánh gián tiếp, đôi khi không chính xác, cụ thể. Phụ thuộc vào khả năng người đại diện.

Sự thích hợp

  • Dân chủ trực tiếp: Quy mô dân số nhỏ.
  • Dân chủ gián tiếp: Quy mô dân số lớn.

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Dân chủ trực tiếp và gián tiếp vì thế trở thành một trong những quyền quan trọng nhất của con người, thể hiện sự tự do, bình đẳng, quyền làm chủ của mỗi người.

Tuy hai hình thức dân chủ này có sự khác nhau, giống nhau nhưng đều thực hiện quyền dân chủ của nhân dân và hơn hết là hai hình thức này đều có những điểm tích cực và yếu điểm khác nhau. Chính vì vậy nhà nước, tổ chức thực hiện linh hoạt hai hình thức dân chủ này nhằm đảm bảo hệ thống dân chủ nước ta luôn được đảm bảo. Sự kết hợp hai hình thức dân chủ này sẽ đem lại hiệu quả dân chủ cao. Vì trong tổ chức và hệ thống nhà nước ta thì hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp vẫn đang được thực hiện. Nếu trong một tổ chức nhỏ thì nên thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp để công dân được thực hiện quyền dân chủ cao nhất của mình.

4. Ưu điểm của dân chủ trực tiếp

Cử tri được bàn bạc trực tiếp để đi đến thống nhất các quyết sách, chương trình hành động trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.... theo biểu quyết đa số. Mọi công dân bình đẳng không phân biệt giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội ... ,; tập trung được nhiều ý kiến hay, quý báu từ nhân dân để Đảng, Nhà nước xây dựng luật, các chính sách; phát huy được tinh thần tự quản của nhân dân. Mang tính quần chúng rộng rãi.

5. Nhược điểm của dân chủ trực tiếp

Hạn chế của của dân chủ trực tiếp: Phạm vi hẹp, chỉ ở tầm vi mô, ban đầu. Phụ thuộc vào trình độ nhận thức của người dân.

Không phải ai cũng có đủ kiến thức để hiểu hết tất cả mọi vấn đề ở mọi mặt nếu không phải trong lĩnh vực mà mình nắm chắc. Vì thế, đôi khi sự góp ý dân chủ trực tiếp sẽ mang tính cá nhân, cái nhìn chủ quan. Chính vì vậy, dân chủ luôn được hiểu là dân chủ theo quy định, trong một mức độ nhất định và không vượt ra ngoài phạm vi quy định của pháp luật.

6. Ưu điểm của dân chủ gián tiếp

Nhân dân được làm chủ thông qua người đại diện nên phạm vi được bao quát toàn bộ lãnh thổ từ địa phương đến trung ương, trên mọi lĩnh vực. Nhiều vấn đề của người dân trên khắp mọi miền đều được đề cập và phản ánh.

7. Nhược điểm của dân chủ gián tiếp

Hạn chế của dân chủ gián tiếp: Nguyện vọng của nhân dân không được phản ánh trực tiếp nên phụ thuộc nhiều vào khả năng của người đại diện. Đôi khi nguyện vọng của nhân dân chưa được phản ánh kịp thời và chính xác.

Vì vậy, việc bầu ra người đại diện cho nhân dân, cán bộ nhà nước, các đại biểu quốc hội đủ đức, đủ tài luôn là công tác quan trọng và ngày càng được chú trọng trong tình hình hiện nay.  Khi mà mặt bằng dân trí ở nước ta ngày càng nâng cao, mọi người đều đã ý thức được tầm quan trọng của những người đại diện cho nhân dân phải có tâm, tầm nhìn và thực lực tài giỏi.

Bài viết trên đã giải thích sự giống và khác nhau chi tiết về dân chủ trực tiếp và gián tiếp, mời bạn đọc tham khảo các bài viết liên quan tại mục Là gì? mảng Hỏi đáp pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
5 10.880
0 Bình luận
Sắp xếp theo