Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với bé Thu

Hãy tưởng tượng em gặp gỡ và trò chuyện với bé Thu trong đoạn trích “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó. Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện cùng nhân vật là một dạng bài thường gặp trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc một số bài văn mẫu tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với bé Thu, tưởng tượng gặp bé Thu trong Chiếc lược ngà, dàn ý tưởng tượng gặp bé Thu hay và chi tiết sẽ là những tài liệu tham khảo bổ ích cho các em học sinh.

1. Dàn ý tưởng tượng em gặp gỡ và trò chuyện với bé Thu

tưởng tượng em gặp gỡ và trò chuyện với bé Thu

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề

2. Thân bài

- Tình huống gặp gỡ với bé Thu là gì? (khi bé Thu đã lớn, là một cô giao liên hay khi bé Thu vẫn còn nhỏ)

- Miêu tả đôi nét ấn tượng về ngoại hình.

+ Chị xinh xắn, khuôn mặt nhỏ, da trắng, nụ cười,…

+ Khỏe mạnh

- Cuộc trò chuyện với nhân vật về cuộc gặp gỡ với cha?

+ Cuộc gặp gỡ bất ngờ với cha sau tám năm: bất ngờ, hoảng hốt

+ Những ngày cự tuyệt sự chăm sóc của cha

+ Khi biết sự thật vết thẹo của cha vừa thương, xót xa vừa đau khổ vì đã xa lánh cha trong những ngày nghỉ phép ngắn ngủi

+ Cảm xúc dâng trào, ùa vào lòng ba

=> Yêu cha tha thiết, sâu sắc

- Nêu lí do chia tay với nhân vật: nhân vật phải đi làm việc,…

3. Kết bài: Cảm nghĩ chung về nhân vật

2. Tưởng tượng gặp gỡ và trò chuyện với bé Thu siêu ngắn

Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một câu chuyện hay và cảm động về tình cha con mà tôi đã được học trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Đôi khi tôi vẫn thường nghĩ không biết nếu được gặp bé Thu ngoài đời thực bằng xương bằng thịt thì có lẽ tôi với chị sẽ có rất nhiều điều để nói với nhau. Có lẽ chìm đắm trong tác phẩm lâu quá nên trong giấc mơ ngày hôm ấy, mong ước của tôi đã trở thành sự thật.

Trên con đường đất đỏ, những tốp xe tải chở hàng và lương thực đi qua lại bụi cuốn bay mù mịt. Tôi đang ngồi ở một căn lán nhỏ, là nơi những người lính lái xe chở hàng nghỉ ngơi chốc lát sau những giờ lái xe căng thẳng. Ngồi cạnh tôi là một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong tuổi còn trẻ, đôi mắt đen láy, tóc thắt bím 2 bên. Một lát sau, tôi thấy chị lấy trong ba lô ra 1 chiếc lược nhỏ nhắn màu ngà trông rất đẹp. Bất giác tôi chợt hỏi:

- Chị ơi chiếc lược này làm bằng gì mà đẹp vậy? Chị đáp:

- Đây là chiếc lược ngà, là quà của ba tặng chị, chị quý nó lắm.

Tôi buột miệng hỏi nhanh:

- Ơ thế chị có phải chị Thu con chú Sáu?

Chị hơi bất ngờ một chút, sau đó vẻ mặt hơi đượm buồn. Có lẽ do tôi nhắc đến ba chị nên những kỉ niệm cũ lại ùa về.

Một lúc sau, chị bình tâm lại và kể cho tôi nhiều hơn về những câu chuyện của chị với ba lúc còn nhỏ. Không gian như trùng xuống, những dòng kí ức về tình cha con sâu nặng như một thước phim quay chậm giúp tôi hiểu rõ hơn về suy nghĩ và những hành động của chị Thu khi đó. Tôi cũng chẳng có gì chê trách chị bởi khi đó chị cũng mới chỉ là một cô bé. Thời gian nghỉ đã hết, chị Thu lại phải lên đường cùng đồng đội của mình. Tôi ôm chị thật chặt và nói với chị rằng chắc chú Sáu sẽ vô cùng hãnh diện vì có người dũng cảm như chị. Đoàn xe lại tiếp tục hành trình để lại phía sau những bụi khói mờ mịt.

Đến lúc thức dậy tôi vẫn có cảm giác cuộc gặp gỡ với bé Thu trong mơ khi nãy thật chân thực và điều ấy làm tôi cảm thấy lâng lâng vui sướng.

3. Tưởng tượng gặp gỡ bé Thu trong Chiếc lược ngà

Câu chuyện “Chiếc lược ngà” đã kể lại thật cảm động về cuộc gặp gỡ và những tình cảm của cha con ông Sáu. Hình ảnh cha con ông Sáu đã để lại trong lòng tôi nỗi cảm thông, yêu mến và những ấn tượng sâu sắc. Tôi ao ước được gặp bé Thu. Thế rồi niềm ao ước ấy đã trở thành hiện thực. Tôi không thể quên được giây phút phút đó.

Không gian mờ ảo đưa tôi đi. Khi tôi mở mắt ra thì thấy mình ở trong một ngôi nhà nhỏ, giữa Đồng Tháp Mười mà chung quanh nước đã lên đầy - một trạm của đường dây giao thông. Cái trạm này - một ngôi nhà cất chen vào giữa một chòm cây giữa khu rừng tràm thưa, mỗi khi có một cơn gió, sóng nối nhau đập vào tàn cây, nhà lại rung lên và lắc lư như một con thuyền đang chơi vơi giữa biển. Sóng đập đều đều vào các chòm cây. Đàn cò đứng ngủ không yên, một vài con vỗ cánh bay chấp chới. trời sáng trăng suông. Trong nhà có rất nhiều người. Mọi người đang cười đùa trò chuyện trong lúc chờ giao liên đưa đi. Tôi giật mình. Tôi thấy cảnh này vừa lạ vừa quen. Hình như tôi đã gặp đâu đó rồi thì phải nhưng tôi không nhớ được. Bỗng tôi nhìn ra bên ngoài phía bờ sông,tôi thấy một cô gái còn khá trẻ đang ngồi trầm tư một mình. Tôi mạnh dạn đi lại gần. Bây giờ tôi mới nhìn rõ đó là một cô gái người mảnh khảnh, đầu chít khăn, dáng điệu gọn gàng. Tôi đoán cô độ mười tám hai mươi là cùng. Cô gái đang cầm một chiếc lược ngà nước mắt giàn giụa.

- Chào chị? Chị có sao không vậy? Tôi hỏi.

- Chị không sao. Chỉ tại chị xúc động quá thôi. Cám ơn em đã quan tâm.

Bây giờ tôi mới nhận ra mình đang gặp bé Thu. Thật đúng như nhà văn Nguyên Quang Sáng tả. Cô thật đẹp. Tôi vội hỏi:

- Chiếc lược đẹp quá! Nó chắc là kỉ vật mà chị quý trọng lắm phải không?

- Ừ! Chiếc lược ngà là quà ba chị đã tẩn mẩn, kì công làm cho.

- Ba chị thương chị quá! Vây, ba chị đâu?... Tôi đang hỏi nhưng vội ngưng vì biết mình lỡ lời. Lén nhìn chị Thu mà lòng đầy ân hận. Nhưng hình như chị như bị chìm vào kí ức. Giọng chị nghẹn ngào:

- Ba chị mất rồi. Mất khi chưa kịp trao cho chị cây lược mà ba tự làm. Mỗi khi nhìn cây lược ngà ấy, nỗi nhớ về ba lại ùa về trong chị. Chị luôn tự trách mình ngày ấy, vì sao lại làm cho ba buồn, làm cho ba đau lòng. Cảm giác ân hận cứ day dứt mãi trong lòng.

- Tại sao vậy? Chị có thể kể cho em nghe được không? Tôi hỏi

- Đựơc thôi! Chị kể với giọng nghẹn ngào. Nhìn chiếc lược ngà trong chị tràn ngập cảm xúc với bao kỉ niệm lần ba chị về thăm nhà đầu tiên sau tám năm xa cách. Đó cũng là lần đầu chị được gặp người cha mà mình hằng mong ước. Nhưng than ôi! cũng là lần gặp gỡ cuối cùng. Càng nhớ chị càng ân hận day dứt.

Dù biết trước nguyên nhân nhưng tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi và thương cho chị Thu. Tôi nhìn chị thấy chị đang cố kìm nén không cho tiếng nấc bật ra khỏi miệng. Chị nghẹn ngào kể tiếp: “Ngày về thăm nhà, ba chị chỉ được ở nhà có vẻn vẹn có ba ngày, thế mà chị lại từ chối sự săn sóc vỗ về của ba. Ba khao khát được nghe chị gọi tiếng "ba" nhưng chị nhất định không gọi vì chị nghĩ ông không phải là ba mình.

- Tại sao chị lại không nhận cha? Tôi chen ngang

- Tại ông không giống người cha trong tấm hình chụp chung với má chị,. Ba chị không có vết sẹo dài trên mặt như ông ấy. Ôi cái tuổi ngây thơ ngang bướng. Giờ nghĩ lại chị lại thấy buồn cười. Thậm chí, chị còn nói trống không khi mời ba vào ăn cơm; nhất quyết không gọi ba để nhờ chắt nước nồi cơm và hất cái trứng cá mà ba gắp bỏ chén cho chị, làm văng cơm tung tóe. Còn nhớ lúc ấy, ba chị tức giận đã đánh vào mông chị. Thế là chị tức lắm nhưng ngồi im, đầu cúi gầm xuống ngầm phản khán rồi lặng lẽ gắp cái trứng cá bỏ vào chén, đi xuống bến, mở xuồng bơi sang nhà ngoại. Chị khóc, méc ngoại mọi chuyện. Đêm ấy chị được ngoại cho biết vết sẹo dài trên mặt ba là do Tây bắn bị thương.

- Sao nữa chị? Chị kể tiếp đi em hồi hộp quá.

Chị Thu nhìn tôi với cặp mắt còn ngân ngần nước.

- Từ từ chứ. Chờ chị uống miếng nước đã. Nói xong chị lấy bi đông nước bên người uống một ngụm. Uống xong chị kể tiếp: Đêm ấy chị không ngủ được, nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng thở dài trông mau đến sáng để ngoại đưa về nhà. Sáng hôm sau chị theo ngoại về nhà. Chị thấy trong nhà, ngoài sân mọi người đến tiễn ba chị rất đông. Chị đứng trong góc nhà buồn bã nghĩ ngợi. Và khi ba nhìn chị, chị cảm nhận đôi mắt ấy trìu mến lẫn buồn rầu làm sao. Chỉ khi nghe ba nói: “Thôi, ba đi nghe con!” thì tình yêu thương của chị giành cho ba trỗi dậy, chị thét lên: “Ba... Vừa thét chị chạy thó lên, dang hai tay ôm chặt cổ ba. Chị hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, hôn lên cả vết thẹo dài trên má của ba. Chị không muốn cho ba đi. Mặc ba dỗ dành, chị vẫn cứ siết chặt ba. Đến lúc mọi người, mẹ và bà dỗ chị hãy để ba đi, ba sẽ về mua cho chị chiếc lược, chị mới ôm chầm lấy ba lần nữa, mếu máo dặn ba rồi từ từ tuột xuống. Chị không bao giờ quên hình ảnh ba trong lần gặp gỡ đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ấy.

Tôi lặng đi trong xúc động. Thật thương cho chị Thu. Chiến tranh đã làm chị mất đi người cha mà chị yêu quý. Không hiểu sao nước mắt đã nhòe trên mặt tôi. Chị Thu lấy khăn lau nước mắt cho tôi cười nói: Coi em kìa! Mau nước mắt quá! Nghe chị nói tôi chỉ biết cười ngượng. Vội hỏi cho đỡ ngượng:

- Vậy chị được ba tặng chiếc lược ngà khi nào?

Nghe tôi hỏi chị ngẩn người ra. Tôi biết mình đã lỡ lời. Nhưng một thoáng im lặng trôi qua, chị nói với giọng nghẹn ngào:

- Chiếc lược này chị nhận được từ một người bạn của ba. Ba chị đã mất trong một trận càn. Trước khi mất ba chị đã nhờ người bạn đưa cho chị.

Nói xong chị đưa tay quyệt nước mắt. Tôi cảm thấy mình đáng trách quá khi đụng đến nỗi đau của chị. Và tôi rơi vào trầm ngâm với suy nghĩ của mình. Chiếc lược ngà với dòng chữ sẽ mãi là kỉ vật, là nhân chứng về nỗi đau, bi kịch của chiến tranh. Người còn, người mất nhưng kỉ vật, gạch nối giữa cái mất mát và sự tồn tại của chiếc lược ngà vẫn còn đây. Đây là minh chứng tội ác, là những đau thương, mất mát của chiến tranh xâm lược mà các thế hệ bạo tàn gây ra cho chúng ta. Tôi đồng cảm thấm thía nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh mang đến cho chị Thu. Tình cảm cha con sâu sắc của cha con ông Sáu đã vượt qua bom đạn của chiến tranh để ngày càng thiêng liêng, ngời sáng và gắn bó chặt chẽ với tình yêu quê hương, đất nước. Đang mơ màng tôi nghe tiếng gọi

- Cô Hai ơi lên đường được chưa?

Nghe tiếng gọi chị Thu bỏ chiếc lược vào túi áo nhanh chóng chạy vào trong nhà không kịp chào tôi.

Nhìn chị chống sào đưa người qua sông mà tôi trào dâng niềm yêu thương.

Reng! Reng! Tiếng chuông báo thức vang lên. Giờ tôi mới nhận ra minh đã có một giấc mơ thật đẹp. Và tôi học được một bài học vô cùng lớn. Tôi hiểu những mất mát đau thương mà chiến tranh đã gây ra cho bao nhiêu gia đình. Bởi vậy mà tôi càng yêu quý gia đình mình và thêm trân trọng cuộc sống hoà bình hôm nay.

4. Tưởng tượng gặp gỡ bé Thu trong Chiếc lược ngà siêu ngắn

Chắc chắn những ai đọc tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng chúng ta không thể nào quên được hình ảnh bé Thu khóc ôm chầm lấy ba trước khi ba lên đường. Tình phụ tử đã được khắc họa rõ nét nhất trong tác phẩm. Và vào một đêm hôm nọ, sau khi đọc lại câu chuyện, tắt đèn và lên giường đi ngủ, điều tôi mơ ước đã thành sự thật. Tôi đã được gặp gỡ và trò chuyện với bé Thu nay đã là cô giao liên Thu, đó là những phút giây mà tôi không thể quên được.

Không gian này nhìn khá quen quen, à hóa ra đó là chiến khu những người chiến sĩ đang chiến đấu rất quả cảm và anh dũng. Tôi nghe đâu đấy có tiếng của một người con gái hóa ra cô là cô gái giao liên đem những thông tin, những bức thư đến cho các chiến khu.

Cô gái có dừng lại để nghỉ ngơi, tôi đã đi ra nói chuyện với cô. Tôi chào hỏi cô, và được biết hóa ra cô chính là bé Thu trong tác phẩm "Chiếc lược ngà". Tôi rất tò mò về chuyện của cô, cô có kể:

- Từ nhỏ, cô đã sống bên mẹ không hề biết mặt cha như thế nào, nhưng niềm hạnh phúc của cô đó chính là nhìn thấy ba qua bức ảnh mà hồi ba má chụp chung. Ba của cô khá là đẹp trai đó nha. Cũng vì bom đạn của chiến tranh, những trận càn đã khiến cho gương mặt của ba không còn nguyên vẹn. Khi mà ba về thì hoàn toàn không giống với tưởng tượng mà ba có một vết sẹo khá dài trên gương mặt

Tôi hỏi cô

- Thế sao mọi người bắt cô gọi là ba sao cô lại có những phản ứng với ông Sáu như vậy ạ?

- Đúng vậy, dù mọi người nói như thế nào thì cô cũng phản ứng rát gay gắt đối với ông. Đấy đúng là một sai lầm mà đời cô vô cùng hối hận đó. Sau bao nhiêu lâu, khi mà cô nhận ra ba của mình thì cũng là lúc ông phải lên đường. Đó cũng là lần cuối cùng mà cô và ba được gặp nhau và được ba ôm trong lòng.

Tôi lại hỏi cô Thu

- Thế cô ơi, thế vì sao cô lại trở thành cô giao liên như thế này ạ?

Cô Thu trả lời với gương mặt đầy lòng nhiệt huyết

- Đúng vậy, cô trở thành cô giao liên là muốn tiếp nối giấc mơ của ba. Cô cũng có một phần nào đó sự gan dạ, can đảm của ba cô đó. Cô cũng bị giặc bắt mất lần rồi, nhưng bắt có tra khảo nhưng thế nào cũng không chịu khai, không thể đưa ra thư. Cô nghĩ ba trên trời cũng rất tự hào về cô đó.

Nói xong cô rút chiếc lược ngà trong túi ra chải tóc, cô cầm và nói với tôi rằng

- Đây chính là chiếc lược mà ba cô tặng, nó là kỉ vật cuối cùng nó sẽ mãi mãi theo cô......

Tự dưng nói đến đây, tôi giật mình tỉnh giấc và mới phát hiện ra mình vừa ngủ mơ. Cuộc gặp gỡ và trò truyện với cô Thu đã giúp tôi hiểu thêm về cô giao liên dũng cảm ấy. Đó là lòng yêu nước, tình phụ tử. Đây là một tác phẩm hay và đáng để chúng ta suy ngẫm.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 9 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
29 24.892
0 Bình luận
Sắp xếp theo