So sánh hình ảnh trăng trong các bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng
Phân tích hình ảnh trăng qua các bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng
- 1. Dàn ý phân tích hình ảnh trăng qua bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng
- 2. So sánh ý nghĩa của hình ảnh Ánh trăng trong 2 bài thơ Đồng chí và Ánh trăng
- 3. So sánh hình ảnh trăng qua 3 bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh Trăng
- 4. Hình ảnh ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng, Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá
Hình ảnh trăng trong Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng - Từ lâu, hình ảnh ánh trăng đã được các thi nhân đưa vào thơ ca như một hình ảnh biểu trưng cho cái đẹp. Những bài thơ có hình ảnh ánh trăng lớp 9 như bài Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng. Hình ảnh ánh trăng trong mỗi bài thơ lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Trong bài viết này mời các bạn hãy cùng Hoatieu so sánh hình ảnh trăng trong các bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng nhé.
1. Dàn ý phân tích hình ảnh trăng qua bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng
1. Mở Bài
Giới thiệu khái quát hình ảnh ánh trăng trong ba bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng
2. Thân Bài
a. Điểm chung trong cách miêu tả ánh trăng trong ba bài thơ của các tác giả
- Các tác giả đều xem ánh trăng như người bạn tâm giao gần gũi để giãi bày những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc.
- Ánh trăng xuất hiện trong sự gắn bó mật thiết với cuộc sống của con người.
b. Vẻ đẹp riêng của hình tượng ánh trăng qua mỗi một bài thơ
- Ánh trăng trong bài thơ "Đồng chí": Là biểu tượng cho vẻ đẹp của người lính bộ đội cụ Hồ cũng như vẻ đẹp của tình đồng chí.
+ Gợi mở rất nhiều ý niệm về chiến tranh và hòa bình, hiện thực và lãng mạn.
+ Phác họa thành công vẻ đẹp chiến sĩ quyện hòa cùng tâm hồn thi sĩ của những người nông dân áo lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
- Ánh trăng trong bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá"
+ "Thuyền ta lái gió với buồm trăng", "Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao":
Thể hiện hành trình ra khơi tràn đầy niềm vui phơi phới của con người lao động.
Tái hiện tư thế làm chủ thiên nhiên của ngư dân, gợi khúc ca lao động hùng tráng.
+ "Cá đuôi em quẫy trăng vàng chóe": Gợi lên vẻ đẹp của biển cả trong sự giàu có và trù phú về tài nguyên thiên nhiên.
- Ánh trăng trong bài thơ "Ánh trăng":
+ Gợi mối quan hệ "tri âm tri kỷ" giữa con người và thiên nhiên.
+ "vầng trăng tình nghĩa" tròn đầy, vẹn nguyên nghĩa tình thủy chung, son sắt bằng thái độ "im phăng phắc".
→ Gợi nhắc lối sống ân nghĩa thủy chung, tấm lòng biết ơn, trân trọng đối với quá khứ.
3. Kết Bài
Đánh giá về giá trị của cách miêu tả hình tượng ánh trăng qua ba bài thơ.
2. So sánh ý nghĩa của hình ảnh Ánh trăng trong 2 bài thơ Đồng chí và Ánh trăng
Từ lâu nay trăng vẫn là một trong những chất liệu thơ được nhiều tác giả yêu mến để đưa vào trong tác phẩm. Trăng tròn vành vạnh, ánh trăng sáng lung linh như đưa thi nhân vào cõi mơ. Chẳng vì thế mà Nguyễn Minh Châu đã đưa hình ảnh trăng lồng ghép vào câu chuyện tình đẹp như mơ của Lãm và Nguyệt. Nhưng đến với Nguyễn Duy và Chính Hữu ta lại bắt gặp một hình ảnh trăng rất khác. Một ánh trăng thể hiện tâm hồn lãng mạn của người lính và một ánh trăng như người bạn cố nhân.
Trăng trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:
- Được đặt trong thời gian, không gian: rừng đêm hoang vu, lạnh lẽo. Trăng xuất hiện trong giờ khắc trước một trận chiến đấu mà mất mát, hi sinh là những điều không thể tránh khỏi.
- "Đầu súng trăng treo": Hình ảnh trăng treo trên đầu súng vừa có ý nghĩa tả thực, vừa có tính biểu trưng của tình đồng đội và tâm hồn bay bổng lãng mạn của người chiến sĩ.
=> Ý nghĩa:
- Trăng là biểu tượng đẹp của tình đồng chí
- Trăng là hình tượng hiện thực và lãng mạn, là biểu tượng cho cuộc sống hòa bình, là hình ảnh của quê hương đất nước.
- Trăng còn là vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ đầy lạc quan, lãng mạn.
Trăng trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy:
- Trăng trong quá khứ: là niềm vui bầu bạn của người lính trong gian lao của cuộc kháng chiến. Trăng thuỷ chung, tình nghĩa.
- Trăng tròn vành vạnh là hiện diện cho quá khứ đẹp đẽ không thể phai mờ. Ánh trăng chính là người bạn nghĩa tình mà nghiêm khắc nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta: con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.
Với sự sáng tạo tài tình của hai nhà thơ, hình ảnh trăng trong ba tác phẩm thật sự là hình ảnh đẹp, để lại trong lòng độc giả những cảm xúc dạt dào, sâu lắng.
3. So sánh hình ảnh trăng qua 3 bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh Trăng
Có thể nói trăng là sự kết tinh của những gì đẹp nhất, tinh túy nhất, vẻ đẹp của nó đủ để làm mê đắm hồn thi nhân. Trăng như một người bạn hữu gắn bó bền chặt với con người, là thú vui để họ đăng lầu vọng nguyệt, đàm đạo thi ca. Ánh trăng dát vàng lung linh ánh sáng dịu nhẹ ấy tỏa lan mọi nẻo đường, nó như chạm đến cả tâm hồn thi nhân. Bởi vậy mà trăng luôn là bến đợi, bến chờ của nhiều tác giả. Họ đã đi sâu vào khám phá mọi khía cạnh trong vẻ đẹp của ánh trăng bằng sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc. Và sự khám phá ấy như được phô diễn, được thấm nhuần qua từng câu thơ, từng trang viết. Hình ảnh Ánh trăng đã đi vào thơ ca với vẻ đẹp vĩnh hằng, giờ đây nó như hiện hữu bất diệt trong các bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận; “Đồng chí” của Chính Hữu và "Ánh trăng" của Nguyễn Duy. Đó đều là những thi phẩm tràn ngập ánh trăng.
Trong vườn thơ dân tộc, ta đã bắt gặp hình ảnh ánh trăng trong nhiều thi phẩm với nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó bao trùm tạo vật, gắn bó với con người dẫu đó là lúc gian khổ của chiến tranh khi hòa bình lập lại. Phải chăng vì thế mà nó đã được các nhà thơ khám phá và thể hiện một cách vừa gần gũi lại vừa riêng biệt trên những trang viết của mình? Đọc bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, ta dễ bắt gặp hình ảnh ánh trăng đồng cam cộng khổ cùng những người lính trong thời chống Pháp. Nhà thơ đã gợi mở một không gian bao la của núi rừng Việt Bắc, một hoàn cảnh khắc nghiệt của đêm đông lạnh giá để rồi trăng xuất hiện làm tan biến hết những gian khổ thử thách ấy. Nếu qua những “Cơn ớn lạnh”, những trận “Sốt run người” và những thiếu thốn về vật chất, ta thấy những biểu hiện yêu thương đùm bọc của tình đồng chí thì khổ thơ cuối lại nêu lên những biểu hiện cao đẹp nhất, đó là chung chiến hào:
“ Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Trong đêm đông vô cùng lạnh lẽo hoang vu giữa núi rừng chiến khu, trong gian khổ khắc nghiệt, trong căng thẳng “Chờ giặc tới” thi các chiến sĩ vẫn “đứng cạnh bên nhau”, vào sinh ra tử có nhau.Và trong hoàn cảnh đó thì trăng cũng như một người đồng chí, đồng đội luôn gắn bó và tỏa ánh sáng ấm nồng làm dịu đi cái rét buốt của thiên nhiên. Ánh trăng soi sáng tạo vật, rọi sáng mọi nẻo đường lối đi của các anh lính Cụ Hồ. Nếu người lính trên đường ra trận có ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan thì người lính đi phục kích giặc giữa một đêm đông “rừng hoang sương muối” lại có “đầu súng trăng treo”. Dưới cái nhìn của người lính thì súng và trăng không còn khoảng cách nữa mà quấn quyện với nhau làm tan biến cái hiện thực của chiến tranh gian khổ. Hình ảnh ánh trăng trong thơ Chính Hữu khiến người đọc mê đắm và hòa mình vào không gian bao lãng mạn dưới ánh sáng dát vàng lung linh. Nó như nguồn sáng vô tận rọi vào bức tranh một ánh sáng riêng, một màu sắc riêng thấm đẫm tình người. Phải chăng đó chính là sự khám phá sâu sắc, sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ?
Bài thơ "Đồng chí" quả thực là một thi phẩm tràn ngập ánh trăng. Nó thể hiện rõ phong cách thơ Chính Hữu. Ngôn ngữ thơ hàm sức, mộc mạc, tiết kiệm trong từng hình ảnh, từng câu chữ mà gợi lên nhiều ý nghĩa. Câu thơ chắc gọn bên ngoài mà ẩn chứa một tâm hồn thiết tha, da diết bên trong. Có thể nói, nét độc đáo và đặc sắc nhất trong cách thể hiện của Chính Hữu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp hiện thực và màu sắc lãng mạn. Nhà thơ đã xây dựng hình ảnh mang tính biểu tượng sâu sắc “Súng” và “trăng” là gần và xa, là thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chất chiến sĩ và chất thi sĩ. Phải chăng đó là cách thể hiện rất riêng trong thơ Chính Hữu?
Cũng viết về hình ảnh ánh trăng nhưng trong thời kì đổi mới ở miền Bắc thì Huy Cận lại có sự khám phá rất khác biệt so với Chính Hữu. Đọc bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá", người đọc như được đắm mình trong những trang viết thấm nhuần ánh trăng cuộc sống lao động. Nếu trước năm 1945, thơ Huy Cận giàu chất triết lý và thấm thía bao nỗi buồn thì sau Cách mạng, thơ ông lại dạt dào niềm vui, nhất là khi ông nói về cuộc sống mới, con người mới. Phải chăng vì thế mà hình ảnh ánh trăng trong thơ của ông cũng mang đậm chất vui tươi, hứng khỏi của cuộc sống lao động vùng biển? Huy Cận đã hòa nhập vào cuộc sống lao động và khai thác ý nghĩa của hình ảnh ánh trăng trong mối quan hệ với con người lao động làm chủ cuộc đời. Nhà thơ đã gợi lên bầu không khí hồ hởi, tràn ngập sức sống của cảnh đánh cá trên biển mênh mông rộng lớn. Ông đã nhập thân vào thiên nhiên, vào công việc, vào con người để rồi vẽ nên một khung cảnh lao động vừa thực vừa ảo:
“ Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”
Nếu trong cảnh rừng hoang sương muối, trang đồng cam cộng khổ như một người đồng chí, đồng đội thì giờ đây trong công việc đánh bắt cá của ngư dân, trăng lại là một người bạn đồng hành trên mọi chuyến ra khơi. Đoàn thuyền “lướt”nhẹ mà nhanh trên mặt biển hiền hòa phẳng lặng như một tấm gương soi cảnh trời mây. Trong cái tốc độ phi thường của con thuyền thì có gió lái thuyền đi, buồm đầy trăng sáng. Nhưng nhà thơ lại viết “Thuyền ta lái gió với buồm trăng” thì hình như nó đã biến thành đoàn thuyền của toa nhận mặc khách rồi, đâu còn là đoàn thuyền của ngư dân đánh cá nữa! Ánh trăng theo con người đi khắp biển khơi, tỏa ánh sáng lung linh dát vàng trong đèn tối soi tỏ mọi hoạt động của ngư dân. Biển nước chan hòa ánh trăng làm lộ ra những con cá rực rỡ sắc màu. Ánh trăng quyện với hơi thở của nước Hạ Long tạo nên một không khí vừa hứng khởi lại vừa nên thơ, khiến người đọc như đi vào cõi mộng. Phải chăng đó chính là sự khám phá của Huy Cận về hình ảnh ánh trăng tròn và sự gắn bó với con người lao động làm chủ đất nước?
Nhà thơ đã vẽ nên một khung cảnh lao động tràn ngập ánh trăng với đôi mắt quan sát sắc sảo, trí tưởng tượng phong phú, với trái tim nhạy cảm và tài năng nghệ thuật điêu luyện. Huy Cận đã sáng tạo hình ảnh đẹp, độc đáo qua cách sử dụng màu sắc, sử dụng các thủ thuật nghệ thuật như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa và thậm xưng. Từng câu thơ đều thấm đượm bao sức sống mãnh liệt của người dân vùng biển cũng thấm đượm ánh trăng. Đó chính là cách thể hiện rất riêng trong thơ Huy Cận.
Thơ Nguyễn Duy cũng đi sâu vào khám phá vẻ đẹp của hình ảnh ánh trăng trong sự gắn bó với con người nhưng còn pha màu triết lí thâm trầm và đầy ấn tượng. Ánh trăng ấy tỏa sáng bất diệt, vĩnh hằng trong bài thơ “Ánh trăng” một bài thơ được cô đúc nên từ tâm sự.
Có lẽ nhìn trăng tác giả như nhìn thấy phần khuất tối của mình, thấy được sự vô tâm, quên lãng đáng trách. Xưa, Nguyễn Tuân đã từng coi trăng là “cố nhân”, Xuân Diệu trong bài “Nguyệt Cầm” cũng đã tha thiết gọi: “Trăng thương, trăng nhớ hỡi trăng ngần”. Trở lại với bài thơ “Ánh trăng”, bao nhiêu cảm xúc dường như nén lại nhưng nó cứ thổn thức trong lòng. Trong cái khoảnh khắc bất ngờ ấy khiến cho lòng người trở nên “rưng rưng” – cái “rưng rưng” làm cho con người thanh thản lại, vững tâm lại, cái tốt như hé lộ. Cái nút tâm lí giờ đây đã được nới rộng và niềm tâm sự cũng đang dần được tháo gỡ. Cuộc gặp gỡ giữa trăng với người không hề “tay bắt mặt mừng” mà lắng xuống ở độ sâu cảm nghĩ. Xưa Lí Bạch có viết:
“ Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương”
Nếu ở đây, hai câu thơ trên khơi nguồn cảm xúc cho thơ hướng về quê hương thì trong thơ Nguyễn Duy, trăng lại đưa người đọc tìm về những miền kí ức xa xăm trong quá khứ. Nhìn trăng, nhà thơ nhìn thấy bao kỉ niệm đẹp chợt ùa về – những kỉ niệm đầm ấm nghĩa tình. “Đồng, sông, bể, rừng” tất cả những thứ ấy, thứ quen thuộc với quá khứ lại hiện hữu trong tâm trí con người. Những chặng đường của quá khứ và hiện tại cứ nối nhau, lúc thì đan xen, khi thì tách rời khiến ta nhìn rõ nét băm khoăn, rối bời của tâm trạng. Trước cái nhìn sám hối của nhà thơ, vầng trăng như gợi lên báo cái “còn” mà con người tưởng chừng như đã mất. Hai gương mặt đối diện với nhau ở đây lấp lánh những điều không nói. Phải chăng nó khiến ta nhớ đến khi tình yêu mới bén giữa Kim Trọng và Thúy Kiều? Cũng chính trong giây phút ấy, vầng trăng đã trả cho nhà thơ sự vô tư và tình người dạt dào. Đoạn thơ như đã khắc sâu điều mà nhà thơ muốn tâm sự. Phải chăng những kỉ niệm này cũng khơi dậy cái ân tình sâu nặng của một thế thời chinh chiến?
Nguyễn Duy đã đem phần đẹp nhất, nhân hậu nhất, trong sáng nhất của trăng để soi vào phần đen tối nhất của con người. Trăng là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho sự bất biến, cho vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc đời. Thời gian, kỉ niệm cứ như dòng chảy không ngừng những nó đâu cuốn đi được lòng thủy chung son sắt của trăng? Cái tròn đầy đó đối lập với cái hụt với của kẻ vô tình. Trăng bao dung độ lượng biết bao! . “Ánh trăng im phăng phắc” gợi liên tưởng đến cái nhìn nghiêm khắc khiến nhà thơ giật mình thức tỉnh mặc dù trăng không một lời oán trách. Nhìn trăng – tác giả như nhìn thấy sự vô tâm quên lãng của mình đối với người bạn tri kỉ trong một thời gian quá khứ. Cái “Giật mình” ấy thật đáng trân trọng – một sự thức tỉnh của lương tâm. Phải chăng qua đó tác giả muốn rung lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người? Thế mới biết, những bài học sâu sắc về đạo lí làm người đâu cứ phải tìm trong sách ở hay từ những khái niệm trừu ượng xa xôi!
Trong bài thơ, ánh trăng tỏa sáng không gian, rọi sáng tâm hồn, làm sống dậy trong tâm trí con người bao kỉ niệm gian lao mà đầm ấm nghĩa tình. Những tâm sự sâu kín của người thi sĩ giờ đây là tình cảm chung của cả một thế hệ nặng sâu ân tình. Ta dễ thấy, suốt cả bài thơ chỉ có một chủ thể nhưng cái chủ thể ấy lại dấu mình vô danh. Phải chăng qua đó, Nguyễn Duy muốn nói lên tâm sự chung của mọi người thuộc cùng thế hệ? Cả bài thơ là dòng hoài niệm của nhà thơ về quá khứ nghĩa tình về tuổi thơ hạnh phúc. Đó không còn là một câu chuyện riêng, một tâm sự riêng mà là tiếng lòng sâu sắc của bao người khác. Cái “tôi” chủ quan giờ đã biến thành cái “ta” mang ý nghĩa khái quát hơn, rộng lớn hơn. Cái chung và cái riêng – cái kỉ niệm và cái ân tình cứ hòa quyện với nhau tạo nên một hồn thơ dạt dào cảm xúc.
Vậy với tư cách là một độc giả đi dạo trên chuyến đò thời gian men theo dòng hoài niệm của Nguyễn Duy, ta có thể khẳng định rằng bài thơ “Ánh trăng” là một bài thơ hay mang đầy giá trị. Cái giá trị ấy là sự kết tinh của dòng cảm xúc sâu lắng và chất triết lí thâm trầm. Bài thơ là sự giao nhau của tâm hồn thi sĩ với tâm sự nghĩa tình của cả một thế hệ. Chúng hòa quyện với nhau tạo nên một tư tưởng triết lí sâu xa.
Qua ba tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”, “Đồng chí”, “Ánh trăng” chúng ta thấy rõ sự khám phá và cách thể hiện hình ảnh ánh trăng của ba nhà thơ. Ánh trăng không chỉ là ngọn đèn soi sáng giữa đêm tối mập mờ, mà nó còn là người bạn chi kỉ trên suốt chặng đường ta đi. Dù khó khăn, gian khổ, hiểm nguy ánh trăng vẫn là người bạn luôn sánh bước bên ta. Ánh trăng thủy chung, trọn vẹn, nghĩa tình sắt son. Đó là đạo lí đắt giá không chỉ cho thế hệ những người đã qua một thời trận mạc mà còn cho cả một lớp người mai sau.
4. Hình ảnh ánh trăng trong bài thơ Ánh trăng, Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá
Trăng là nguồn thi liệu bất tận khơi dậy cảm hứng sáng tác của bao thế hệ thi nhân. Cùng sử dụng nguồn thi liệu phong phú ấy, cả Chính Hữu, Huy Cận, Nguyễn Duy trong các bài thơ của mình “Đồng chí”, “đoàn thuyền đánh cá” và “Ánh trăng” đã có những sáng tạo vô cùng độc đáo từ hình ảnh ánh trăng của tự nhiên.
Trăng trong cả ba bài thơ: Đồng Chí ( Chính Hữu), Đoàn thuyền đánh cá ( Huy Cận), Ánh trăng ( Nguyễn Duy) đều là những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng. Hơn hết, những hình ảnh trăng đều vượt qua giới hạn là một hình ảnh thực của tự nhiên để trở thành người đồng đội, người bạn tri kỉ của con người trong cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu và lao động hàng ngày.
Tuy cùng gặp gỡ ở hình ảnh ánh trăng, song bằng tài năng và những sáng tạo riêng mỗi nhà thơ lại tạo ra những nét đặc sắc riêng cho bài thơ của mình. Trong bài thơ Đồng chí, hình ảnh ánh trăng trở thành ẩn dụ đặc sắc cho tình đồng đội, đồng chí, sự gắn bó sâu sắc giữa thiên nhiên và con người trong cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ánh trăng còn trở thành biểu tượng cho hiện thực và lãng mạn. Cùng với tình đồng chí, hình ảnh “đầu súng trăng treo” đã trở thành câu thơ đắt giá, giàu giá trị của bài thơ.
Trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”, ánh trăng là ánh buồm của niềm vui, sự hào hứng khi chở về những thành quả lao động của con người. Sự xuất hiện của trăng làm cho bức tranh lao động trở nên lung linh, rực rỡ hơn:
“Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở sao lùa nước Hạ Long”.
Ánh trăng trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy lại gợi về những ân tình sâu lặng trong quá khứ. Ánh trăng im phăng phắc bỗng tỏa rạng khi đèn buyn-đinh chợt tắt khiến cho người thi nhân giật mình nhớ về những ân tình mình đã vô tình lãng quên. Ánh trăng là người bạn, người tri kỉ luôn đồng hành cùng nhà thơ trong những năm tháng tuổi thơ, trong thời gian chiến đấu gian khổ, ánh trăng cũng là người thức tỉnh những ân tình và trách nhiệm của nhà thơ đối với quá khứ bằng thái độ bao dung, nhân hậu: “ Ánh trăng im phăng phắc/ đủ cho ta giật mình”,
Cả ba bài thơ cùng gặp gỡ ở hình ảnh ánh trăng thế nhưng mỗi nhà thơ lại tạo ra những đặc sắc riêng không trùng lặp cho các tác phẩm thơ văn của mình.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Học tập lớp 9 của HoaTieu.vn.
Tham khảo thêm
Top 7 bài cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn kết trong bài thơ Đồng chí siêu hay
Top 29 mẫu mở bài Đoàn thuyền đánh cá siêu hay
Bài thơ Đồng chí được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
Cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí
Cảm nhận 10 câu thơ giữa bài Đồng chí
Top 9 bài phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng Chí
- Chia sẻ:Trần Thu Trang
- Ngày:
Tải So sánh hình ảnh trăng trong các bài thơ Đồng chí, Đoàn thuyền đánh cá, Ánh trăng doc
23/08/2022 10:55:03 SA
Gợi ý cho bạn
-
Viết đoạn văn kể lại chuyện Tái Ông mất mã và nêu ý nghĩa của điển tích “ngựa Tái Ông”
-
(Có dàn ý) Nghị luận cách giải quyết mâu thuẫn xung đột ở lứa tuổi học trò
-
Giới thiệu trước lớp về vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều bằng lời văn của mình (4 mẫu)
-
(Dàn ý chi tiết) Phân tích truyện ngắn “Tình cha” của nhà văn Nguyễn Anh Đào
-
Em có suy nghĩ gì sau khi học bài Sông núi nước Nam?
-
Đọc hiểu Thuốc đắng - Mai Văn Phấn
-
Thống kê các văn bản đã thi vào 10 Hà Nội 2024
-
Top 5 đoạn văn ngắn về hiện tượng xả rác trong trường học
-
(Chi tiết) Thực hành đọc Nỗi sầu oán của người cung nữ
-
(3 đề) Đọc hiểu Ngọn gió và cây sồi có đáp án
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Phân tích khổ 4 bài Tràng giangHướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Cách viết Phiếu đảng viênMẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Bài thu hoạch học tập nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của ĐảngBiên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Mẫu biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viênTop 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Cảm nhận về bài thơ Sóng - Xuân QuỳnhThực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Đáp án bài tập cuối khóa module 9 môn ToánBài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Module rèn luyện phong cách làm việc khoa học của người GVMNBộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Lịch thi vẽ tranh Thiếu nhi Việt Nam mừng đại hội Đoàn 2024Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Cách hủy tờ khai thuế giá trị gia tăngMẫu tờ trình xin kinh phí hoạt động 2024 mới nhất
Cách viết tờ trình xin kinh phí hoạt độngSuy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ NươngTờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công
Bài viết hay Văn mẫu 9
(Có dàn ý chi tiết) Nghị luận xã hội về một vấn đề cần giải quyết vượt qua căng thẳng và áp lực học tập
Nghị luận nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với ta
Bộ đề thi vào lớp 10 môn Văn có đáp án (50 đề)
Cốt truyện của Lặng lẽ Sa Pa là gì?
Phân tích truyện Làm bạn với bầu trời của Nguyễn Nhật Ánh
Top 5 Đề thi học kì 1 Ngữ văn 9 có ma trận đặc tả, đáp án mới nhất