Mô tả vắn tắt bảo tàng Hồ Chí Minh ngắn gọn, ấn tượng (3 mẫu)

Mô tả vắn tắt bảo tàng Hồ Chí Minh là mẫu giới thiệu về bảo tàng Hồ Chí Minh ấn tượng, siêu hay sẽ giúp cho bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo khi thực hiện Bài thu hoạch tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh, viết cảm nhận về chuyến đi tham quan Bảo tàng.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Bến Nhà Rồng là nơi bảo quản, trưng bày những hiện vật, tranh ảnh tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó, giúp khách tham quan tìm hiểu rõ hơn về sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và mối quan hệ của Bác đối với nhân dân Sài Gòn và nhân dân miền Nam Việt Nam. Sau đây là Bài thu hoạch bảo tàng Hồ Chí Minh ngắn gọn, mời các bạn cùng tham khảo nhé.

Giới thiệu về bảo tàng Hồ Chí Minh
Giới thiệu về bảo tàng Hồ Chí Minh

1. Mô tả vắn tắt bảo tàng Hồ Chí Minh số 1

Cuối tuần trước, chúng tôi có buổi sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường đã tổ chức cho học sinh toàn trường đến tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. HCM. Trong chuyến thăm đến nơi đây, học sinh chúng tôi đã được nghe kể về lịch sử, tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp và hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Bảo tàng Hồ Chí Minh còn được biết đến với tên gọi bảo tàng Bến Nhà Rồng nằm ở Số 01 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Hơn 100 năm trước, vào ngày 5/6/1911, cũng chính tại nơi đây, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc vẫn đang còn lầm than.

Hiện bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. HCM là một trong những Bảo tàng thuộc quản lý của Sở Văn hóa Thông tin TP. Hồ Chí Minh, và là một chi nhánh nằm trong hệ thống các Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.

Trước ngày 30/4/1975, đây là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales) - một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà được xây dựng từ giữa năm 1862 đến cuối năm 1863 hoàn thành với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt", một kiểu trang trí quen thuộc của đền chùa Việt Nam. Với kiến trúc độc đáo đó nên Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế được gọi là Nhà Rồng và bến cảng mang tên Bến Cảng Nhà Rồng. Năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại, thương cảng Sài Gòn được chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý, họ đã tu sửa lại mái ngói ngôi nhà và thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng mới với tư thế quay đầu ra ngoài.

Trong những năm đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng ngôi nhà làm trụ sở của cơ quan tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ. Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Nhà Rồng - biểu tượng của Cảng Sài Gòn thuộc Cục đường biển Việt Nam quản lý.

Để ghi nhớ lại sự kiện ngày 5/ 6/1911, Bác Hồ (lúc bấy giờ là Nguyễn Tất Thành, lấy tên Văn Ba) đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, Nhà Rồng được giữ lại làm Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 2/9/ 1979, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Người, nơi đây đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về "Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890 - 1945", ngày 20/ 9/1982, ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định số 236/ QĐ-UB thành lập "Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh". Sau hơn 10 năm hoạt động, ngày 30/10/1995, ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định số 7492/QĐ-UBNCVX chính thức chuyển "Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh" thành "Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh". Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và mối quan hệ của Bác đối với nhân dân Sài Gòn và nhân dân miền Nam Việt Nam.

Qua lời kể của chị hướng dẫn viên, chúng tôi biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Hóa ra, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, bảo tàng HCM chỉ có 03 phòng trưng bày (250 m²). Sau hai lần chỉnh lý (1990, 1995) lúc này đã có 09 phòng với 1482,62 m² diện tích trưng bày; 02 phòng kho chứa 10.927 tài liệu, hiện vật và 450 hiện vật trưng bày ngoài trời. Trong 09 phòng trưng bày hiện tại, có 06 phòng trưng bày những chuyên đề cố định bao gồm những tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan tới tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 03 phòng trưng bày chuyên đề thời sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tuyên truyền trong từng thời gian nhất định. Từ năm 1995 đến nay, đơn vị đã tổ chức trưng bày 20 chuyên đề mang tính thời sự tại Bảo tàng và 16 cuộc trưng bày lưu động tại các vùng sâu vùng xa, các quận huyện ngoại thành. Tất cả các phòng trưng bày sau những lần chỉnh lý đều được nâng lên cả về nội dung và hình thức, phối hợp nhiều yếu tố trong khâu trưng bày tạo tính hấp dẫn đối với người xem. Ngoài những hoạt động chính, Bảo tàng còn tiến hành những hoạt động tuyên truyền giáo dục rộng rãi như tổ chức các Hội nghị khoa học, các cuộc tọa đàm giữa các thế hệ, nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu và chiếu phim, tư liệu, hồi ký, các ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về Bảo tàng, in lịch, tổ chức kết nạp Đảng, Đoàn, Đội; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tiểu sử, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh..., Bảo tàng còn là nơi hội họp, gặp gỡ lý tưởng của các tổ chức, đoàn thể đến sinh hoạt truyền thống, học tập, vui chơi; là nơi ra quân của nhiều phong trào cách mạng sôi nổi của thành phố...

Trong hơn 20 năm hoạt động, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã đón tiếp gần 20 triệu lượt khách từ khắp nơi trong nước và nước ngoài đến tham quan. Đặc biệt có hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc gia và đoàn cao cấp các nước đến thăm viếng tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học sinh chúng tôi ai cũng tự hào về nơi đây.

Từ 400 tư liệu, hiện vật (năm 1980) đến nay đã có 11.372 tư liệu, hiện vật và 3300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng vận động nhân dân hiến tặng 2093 tư liệu.

Với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không mệt mỏi và lòng mến khách, yêu nghề của cán bộ công nhân viên Bảo tàng đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng khách tham quan và nhân dân miền Nam. Với những thành tích như trên, liên tục từ năm 1992 đến nay, Bảo tàng luôn nhận được bằng khen của Bộ Văn hóa Thông tin; của UBND TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt 5 năm liền từ 1992 - 1996, Bảo tàng vinh dự được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng III; năm 1998 nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, Nhà Rồng đã được chọn làm biểu tượng của Thành phố, đồng thời UBND Thành phố đã phối hợp với Hiệp hội LYON của Pháp đầu tư trang thiết bị hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cho Bảo tàng, công trình đã khánh thành vào ngày 21/11/1998, làm nổi bật một cách hài hòa các khối kiến trúc đem lại sức sống, năng động cho Ngôi nhà Rồng về đêm.

Năm 2001, nhân kỷ niệm 90 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2001), UBND TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư việc xây dựng mở rộng Bảo tàng; và xây dựng tượng Nguyễn Tất Thành, chỉnh trang nhà Rồng. Ngoài các hoạt động thường xuyên, đơn vị tập trung cải tạo nâng cấp mở rộng diện tích trưng bày; chỉnh lý lớn các phòng trưng bày cố định, tập trung xây dựng những chuyên đề mang đặc trưng của một Bảo tàng Chi nhánh phía Nam như chủ đề "Bác Hồ với miền Nam - miền Nam với Bác Hồ". Thực hiện hoàn chỉnh công tác tin học hóa công tác trưng bày và quản lý kho tư liệu, hiện vật. Đẩy mạnh việc triển khai công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, thực hiện nối mạng với Sở Văn hóa Thông tin, tiến tới nối mạng trao đổi thông tin tư liệu với Cục Bảo tồn Bảo tàng, với các Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án "Mô hình khung cảnh khu vực Cảng Sài Gòn những năm 1911" (ngoài trời) cùng việc phục chế chiếc tàu AMIRAL LATOUCH TREVILL mà ngày 5/6/1911 Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước nhằm làm sinh động, phong phú hơn hình thức trưng bày của Bảo tàng và tạo ấn tượng cảm xúc trực quan gây sự hấp dẫn khách vào tham quan, định hướng phát triển và phối hợp với ngành Du lịch, tạo sự thu hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

2. Bài thu hoạch bảo tàng Hồ Chí Minh số 2

Ngày chúng tôi đến tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh, trời mưa lất phất, cả đất trời như phủ sương giăng kín lối, khung cảnh nên thơ lạ lùng. Cho đến lúc bọn tôi bước chân xuống xe buýt số 20 trên đường Nguyễn Tất Thành để đến một nơi mà cách đây 101 năm, một con người đã ra đi khỏi quê hương lúc đọa đày để rồi sau nhiều thập kỷ bôn ba, Người đã trở về và mang tự do – độc lập cho dân tộc, không ai khác hơn chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, và nơi chúng tôi đến là Bến Nhà Rồng. Chắc hẳn nơi này đã đổi khác khá nhiều kể từ lúc đó. Khi tôi đến thì các sinh viên trong Khoa đã đến khá đầy đủ, lớp trưởng đếm số lượng sinh viên và mua vé vào tham quan. Bảo tàng không lớn lắm nên không gian nơi đây hơn chật vì có thêm một đoàn học sinh tiểu học tham quan nữa, ngoài ra còn có một số nhóm khách nước ngoài, tất cả tập hợp trong ngôi nhà vì trời lúc này càng mưa to hơn.

Bảo tàng Hồ Chí Minh Bến Nhà Rồng
Bảo tàng Hồ Chí Minh Bến Nhà Rồng

Ngôi nhà chúng tôi đang đứng là Nhà Rồng – hay Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi Nhánh TP Hồ Chí Minh, tọa lạc trên ngã ba sông Sài Gòn, địa chỉ số 1 Nguyễn Tất Thành. Nơi đây ngày 5/6/1911 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống tàu “Đô đốc Latouche Tréville” ra đi tìm đường cứu nước.

Khi tham quan khuôn viên, cảnh quan bên ngoài bảo tàng, học sinh chúng tôi được nghe giới thiệu về công trình kiến trúc, lịch sử hình thành và phát triển của nơi đây. Theo lời của người thuyết trình giới thiệu thì bảo tàng trước đây là trụ sở của Tổng Công ty vận tải Hoàng đế, là một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1862 đến cuối năm 1863 thì hoàn thành với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng theo mô típ “Lưỡng long chầu nguyệt” –cũng vì vậy mà người dân thường gọi là Nhà Rồng và bến cảng cũng mang tên là Bến cảng Nhà Rồng. Đến năm 1982, Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh thành lập “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Sau hơn 10 năm hoạt động, 1995, Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh ra quyết định chính thức chuyển “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh”. Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở các tư liệu, hiện vật của Bảo tàng; đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và mối quan hệ của Bác đối với nhân dân miền Nam Việt Nam.

Chuyến thăm quan bảo tàng Hồ Chí Minh bắt đầu thú vị hơn khi chúng tôi được hướng dẫn bước lên tầng 1 và vào 4 phòng để nghe thuyết trình về sơ lược về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở phòng đầu tiên là những chuyện của cha Bác, anh và chị của Bác, hoạt động của Bác lúc còn là học sinh ở Việt Nam, ở phòng này trưng bày nhiều ảnh về những người thân của Bác, hình ảnh của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, hình ảnh các cuộc khởi nghĩa, và cảnh người dân bị bóc lột. Đặc biệt ở gian phòng này còn trưng bày những mô hình ngôi nhà của Bác ở Nghệ An cùng mô hình chiếc tàu mà Bác lúc này lấy tên là Văn ba đã theo nó sang Pháp.

Khi sang đến căn phòng thứ hai, chị thuyết trình kể về cuộc bôn ba của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành qua các Châu lục, cùng những điều Bác làm để kiếm sống như cào tuyết, đốt lò, những điều mà bọn tư sản làm với những người da đen nô lệ. Trong một mảnh giấy ở gian phòng này có ghi lại bút tích khi lần đầu đến thăm tượng Nữ thần Tự do năm 1913, Nguyễn Tất Thành nhìn xuống chân tượng và ghi vào sổ rằng: “Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp, số phận người phụ nữ bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?” .. Người thuyết trình kể rằng: vào những năm 1917 khi Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp, Người đã phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn ở quận 17, Paris, sau đó người thay đổi chỗ ở nhiều lần, trong đó Người ở lâu nhất là nhà số 9 ngõ Compoint. Anh thanh niên thuyết trình lúc này chỉ tay vào một tấm biển mô phỏng có ghi chữ theo tiếng Pháp và đọc (hay là nhớ) “Tại đây, từ năm 19211923, Nguyễn Ái Quốc đã sống và chiến đấu vì quyền độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức”. Ở phòng thứ hai này có nhiều hình ảnh về hoạt động của Bác ở Pháp, Liên Xô, Hội nghị Versailles… cùng hình ảnh một số hiện vật như báo Le Paria (Người cùng khổ), tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, hình ảnh của C.Mác, Ăng-ghen, Lê-Nin,…

Ở căn phòng thứ 3, người thuyết trình nói về vụ án của Nguyễn Ái Quốc ở HongKong cùng sự giúp đỡ của luật sư Loseby, hoạt động thành lập Đảng được miêu tả qua một bức tranh 7 người đang chơi mạt chược để che mắt, công tác huấn luyện, tuyên truyền với một số tác phẩm trưng bày điển hình là “Đường Kách mệnh”, cùng khoảng thời gian 13 tháng bị cầm tù trong nhà giam Quốc Dân Đảng…

3. Cảm nhận về chuyến đi tham quan Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (2 mẫu)

Bảo tàng lịch sử Việt Nam từ lâu đã trở thành địa điểm thường xuyên lui tới của du khách trong và ngoài nước, nhất là những người yêu thích lịch sử. Hè năm ngoái, tôi đã cùng các bạn trong lớp có chuyến tham quan Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Những hình ảnh ấn tượng tại viện bảo tàng đã để lại nhiều cảm xúc, suy nghĩ trong tôi.

Bảo tàng lịch sử Việt Nam nằm ở số 02 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM, bên trong sở thú về phía bên trái và đối diện với Đền thờ Vua Hùng. Trước bảo tàng là một khoảng sân rộng và luôn lộng gió. Cả tòa nhà được xây theo lối kiến trúc Đông Dương cổ, với những mái ngói ống, có gắn vật trang trí hình phụng, hình rồng cách điệu. Đã một thế kỉ trôi qua kể từ khi được xây dựng vào năm 1929, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vẫn giữ cho mình vẻ đẹp cuốn hút, khiến bất cứ ai cũng phải say đắm. Thời gian có lẽ chỉ làm tăng thêm nét quyến rũ, đượm màu rêu phong, cổ kính cho nơi đây.

Dạo bước quanh Bảo tàng, tôi như vị khách du hành xuyên suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam, tìm hiểu về nét đặc trưng văn hóa vùng đất phương Nam thông qua hệ thống các phòng trưng bày cố định, chuyên đề đặc biệt. Mỗi gian phòng là một thời kỳ khác nhau, giúp cho du khách được trải nghiệm lại nước Việt Nam từ thời kỳ tiền sử cho đến hết thời nhà Nguyễn.

Không biết các bạn còn nhớ những bài học lịch sử mà ta đã từng ê a về những phát hiện của dấu tích người Việt đầu tiên không? Những lời giảng về công cụ đá của người tiền sử hay vũ khí ở thời của các vua Hùng? Tất cả bài học lịch sử đều được tái hiện vô cùng sinh động tại bảo tàng, với các hiện vật được lưu trữ cẩn thận trong những ngăn tủ kính.

Bên cạnh mỗi hiện vật là những chú thích vô cùng chi tiết, giúp người đến tham quan cảm thấy thích thú khi tìm hiểu về lịch sử cội nguồn của những đồ vật cổ xưa này. Qua đó mà ta hiểu thêm về cuộc sống của người dân nước ta ở nhiều nhiều năm về trước.

Hiện vật được trưng bày không chỉ thể hiện quá trình lịch sử phát triển mà còn tô đậm nét văn hóa của Việt Nam. Một số khu vực trưng bày những bộ xiêm y sặc sỡ và nhạc cụ truyền thống của các dân tộc, tạo thành một dải rực rỡ màu sắc.

Những hiện vật và khung cảnh cổ kính trong bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã níu lấy bước chân, khiến tụi học sinh chúng tôi chẳng muốn ra về. Khiến tôi thêm yêu, tự hào về lịch sử lâu đời của Việt Nam. Tôi cũng đã chụp rất nhiều bức ảnh kỉ niệm trong không gian thơ mộng và cổ kính của bảo tàng. Chắc chắn tôi sẽ trở lại nơi đây vào một ngày không xa.

Mời các em học sinh truy cập group Bạn Đã Học Bài Chưa? để đặt câu hỏi và chia sẻ những kiến thức học tập chất lượng nhé. Group là cơ hội để các bạn học sinh trên mọi miền đất nước cùng giao lưu, trao đổi học tập, kết bạn, hướng dẫn nhau kinh nghiệm học,...

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
11 8.623
0 Bình luận
Sắp xếp theo