(Có bài mẫu) Dàn ý nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)

Viết bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là một trong những kĩ năng tập làm văn các em học sinh sẽ được học trong chương trình Ngữ văn 9 sách mới. Thông qua bài học này, các em sẽ nắm được cách viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (truyện) cũng như triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ; sử dụng lí lẽ, bằng chứng xác đáng từ tác phẩm để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết. Sau đây là một số mẫu dàn ý nghị luận về tác phẩm hoặc đoạn trích cùng với các bài văn mẫu chi tiết sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo học tập.

Dàn bài nghị luận về tác phẩm hoặc đoạn trích

1. Yêu cầu đối với bài văn phân tích tác phẩm truyện

- Giới thiệu khái quát tác phẩm truyện cần phân tích (nhan đề, tác giả, thể loại), nêu nhận xét chung về tác phẩm.

- Làm rõ được nội dung chủ đề của tác phẩm.

- Phân tích được những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm truyện (cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôi kể, ngôn ngữ người kể chuyện, không gian, thời gian, chi tiết tiêu biểu,...) và hiệu quả thẩm mĩ của chúng; tập trung vào một số yếu tố nghệ thuật nổi bật của tác phẩm.

- Triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ; sử dụng lí lẽ thuyết phục, bằng chứng xác đáng để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết.

Khẳng định được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

2. Dàn ý phân tích bi kịch của người phụ nữ trong Chuyện người con gái Nam Xương

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, “Chuyện người con gái Nam Xương” và số phận bi kịch của Vũ Nương.

2. Thân bài

a. Vẻ đẹp của Vũ Nương

- Vũ Nương là cô gái xinh đẹp: tư dung tốt đẹp.

- Là cô gái có đức tính tốt đẹp: thùy mị, nết na.

→ Khiến chàng Trương đem lòng yêu mến và cưới về làm vợ.

- Ngày chồng tòng quân: nàng đau lòng, dặn dò và mong chồng bình an trở về.

- Khi chồng ra trận: ở nhà một lòng một dạ chăm sóc con trai và chăm sóc mẹ chồng những ngày cuối đời.

→ Là người vợ hiền lành, đảm đang, đầy đủ “công - dung - ngôn - hạnh” đáng ngưỡng mộ.

→ Là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ với những phẩm hạnh tốt đẹp.

b. Số phận bi kịch của Vũ Nương

- Nguyên nhân: khi chồng bế con ra thăm mộ mẹ, đứa nhỏ đã tiết lộ bố nó đêm nào cũng đến thăm nó → Trương Sinh đem lòng nghi ngờ, ghen tuông.

- Khi Trương Sinh về nhà đã chửi mắng nàng và đuổi nàng đi mặc cho nàng van xin và thanh minh.

→ Người phụ nữ không được tự quyết định số phận của mình mà phải phụ thuộc vào người đàn ông trong gia đình. Tuy mình bị oan nhưng không được thanh minh.

- Để chứng minh tấm lòng chung thủy của mình Vũ Nương đã nhảy sông tự tử.

→ Đau khổ, xót thương trước số phận bất hạnh của nàng sau những điều tốt đẹp nàng đã làm cho nhà chồng.

- Sau này, khi Trương Sinh hiểu ra oan khuất của nàng đã vô cùng đau xót nhưng nàng không thể trở về nhân gian được nữa mà mãi ở lại nơi thủy cung. → Đây được coi là cái kết vừa có hậu vừa đoản hậu của Vũ Nương: có hậu vì cuối cùng nàng cũng được minh oan và khiến cho người làm nàng đau khổ là Trương Sinh nhận ra lỗi lầm, ân hận về lỗi lầm đó; đoản hậu vì nàng không được quay lại nhân gian để sống tiếp kiếp người, để nhận lại phúc đức sau những nghĩa cử cao đẹp nàng đã làm.

3. Kết bài

Khẳng định lại số phận của Vũ Nương và giá trị của tác phẩm.

3. Dàn bài nghị luận về đoạn trích hay một tác phẩm văn xuôi

1. Đối tượng

- Giá trị nội dung hay giá trị nghệ thuật nói chung.

- Một khía cạnh, một phương diện nội dung hoặc nghệ thuật qua một đoạn trích hoặc qua cả tác phẩm.

2. Yêu cầu chung

- Đọc kĩ đề bài, hình dung các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm: hoàn cảnh sáng tác, nội dung khái quát, giá trị nghệ thuật nổi bật của đoạn trích, của tác phẩm.

- Xác định vấn đề cần nghị luận, các thao tác lập luận sử dụng và phạm vi dẫn chứng đưa vào trong bài làm.

- Lập dàn ý sơ lược dựa trên một số câu hỏi thông thường như: vấn đề cần nghị luận là gì?

Những biểu hiện của vấn đề đó trong đoạn trích, trong tác phẩm? Các chi tiết hình ảnh thể hiện cho vấn đề? Giá trị nội dung tư tưởng được biểu hiện là gì? ...

3. Dàn ý khái quát

a) Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận (một phương diện nội dung, nghệ thuật...)

b) Thân bài:

Dù là dạng bài nào, học sinh cũng cần đảm bảo đủ ba luận điểm cơ bản sau:

Luận điểm 1: Khái quát chung

- Nêu hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung khái quát của tác phẩm.

- Hoặc là nêu vị trí, dẫn dắt nội dung tác phẩm đến nội dung của đoạn trích.

*Luận điểm 2: Làm rõ vấn đề nghị luận

- Phân tích, làm sáng tỏ vấn đề nghị luận theo yêu cầu của đề. Chia vấn đề thành các luận điểm và lấy các chi tiết, hình ảnh, nhân vật để làm sáng tỏ cho luận điểm.

- Hoặc là phân tích, cảm nhận, bình luận về một vấn đề trong phạm vi của một đoạn trích.

*Luận điểm 3: Đánh giá chung (bình luận)

- Đánh giá khái quát về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích hoặc của tác phẩm.

c) Kết bài: Khái quát, khẳng định vấn đề nghị luận.

4. Dàn bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ ngắn gọn

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, bài thơ, đoạn thơ (hoàn cảnh sáng tác, vị trí của đoạn thơ)

- Trích dẫn thơ.

Thân bài:

- Làm rõ nội dung tư tưởng, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ (Phân tích theo từng câu/cặp câu, bám sát vào từ ngữ mang giá trị nghệ thuật trong từng câu thơ => làm nổi bậc giá trị nghệ thuật, cái hay của bài thơ).

- Bình luận về giá trị của bài thơ, đoạn thơ. Cái hay, cái đẹp, giá trị tư tưởng mà nó mang lại cho người đọc. Kết hợp liên hệ so sánh với các cây bút khác để làm rõ nét riêng của tác phẩm.

Kết bài:

Đánh giá vai trò và ý nghĩa đoạn thơ, bài thơ trong việc thể hiện nội dung tư tưởngvà phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

5. Dàn bài nghị luận về một ý kiến văn học

Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, nội dung ý kiến, nhận định hướng tới.

- Trích dẫn lại ý kiến/nhận định đó.

Thân bài:

Triển khai các luận điểm, vận dụng các thao tác phân tích, chứng minh để làm rõ nhận định.

Kết hợp so sánh, bàn luận để làm rõ.

Kết bài:

Khẳng định lại vấn đề, nêu ý nghĩa.

6. Dàn ý nghị luận về một tình huống truyện.

Tình huống truyện:

- Tình huống truyện có thể hiểu là hoàn cảnh, bối cảnh tạo nên câu chuyện.

- Là mối quan hệ đặc biệt giữa nhân vật này với nhân vật khác; giữa hoàn cảnh và môi trường sống với nhân vật. Qua đó nhân vật bộc lộ tình cảm, tính cách hay thân phận góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác giả.

- Tình huống tâm trạng.

- Tình huống hành động.

- Tình huống nhận thức.

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, vị trí văn học của tác giả. (có thể nêu phong cách).

- Giới thiệu về tác phẩm (đánh giá sơ lược về tác phẩm).

- Nêu vấn đề cần nghị luận.

b. Thân bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác

- Phân tích các phương diện cụ thể của tình huống và ý nghĩa của tình huống đó.

+ Tình huống 1....ý nghĩa và tác dụng đối với tác phẩm.

+ Tình huống 2...ý nghĩa và tác dụng đối với tác phẩm.

- Bình luận về giá trị của tình huống: làm nên thành công cho tác phẩm như thế nào, giá trị nghệ thuật mà nó mang lại.

c. Kết bài:

- Đánh giá ý nghĩa vấn đề đối với sự thành công của tác phẩm.

- Cảm nhận của bản thân về tình huống đó.

7. Dàn ý nghị luận về một nhân vật, nhóm nhân vật trong truyện

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, vị trí văn học của tác giả. (có thể nêu phong cách).

- Giới thiệu về tác phẩm (đánh giá sơ lược về tác phẩm), nêu nhân vật.

- Nêu yêu cầu đề bài.

b. Thân bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác

- Phân tích các biểu hiện tính cách, phẩm chất nhân vật. (chú ý các sự kiện chính, các biến cố, tâm trạng thái độ nhân vật...)

- Đánh giá về nhân vật đối với tác phẩm

c. Kết bài:

- Đánh giá nhân vật đối với sự thành công của tác phẩm, của văn học dân tộc.

- Cảm nhận của bản thân về nhân vật đó.

8. Dàn bài nghị luận về giá trị của tác phẩm văn xuôi.

A. Dàn bài giá trị nhân đạo.

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu về giá trị nhân đạo.

- Nêu nhiệm vụ nghị luận

b. Thân bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác

- Giải thích khái niệm nhân đạo: Giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của văn học chân chính, được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của con người, sựnâng niu trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ.

+ Phân tích các biểu hiện của giá trị nhân đạo:

+ Tố cáo chế độ thống trị đối với con người.

+ Bênh vực và cảm thông sâu sắc đối với số phận bất hạnh con người.

+ Trân trọng khát vọng tư do, hạnh phúc và nhân phẩm tốt đẹp con người.

+ Đồng tình với khát vọng và ước mơ con người.

Đánh giá về giá trị nhân đạo.

c. Kết bài:

- Đánh giá ý nghĩa vấn đề đối với sự thành công của tác phẩm

- Cảm nhận của bản thân về vấn đề đó.

B. Dàn bài giá trị hiện thực.

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu về giá trị hiện thực.

- Nêu nhiệm vụ nghị luận.

b. Thân bài:

- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác.

- Giải thích khái niệm hiện thực:

+ Khả năng phản ánh trung thành đời sống xã hội một cách khách quan trung thực.

+ Xem trọng yếu tố hiện thực và lí giải nó bằng cơ sở xã hội lịch sử.

- Phân tích các biểu hiện của giá trị hiện thực:

+ Phản ánh đời sống xã hội lịch sử trung thực.

+ Khắc họa đời sống, nội tâm trung thực của con người.

+ Giá trị hiện thực có sức mạnh tố cáo (hay ca ngợi) xã hội, chế độ.

- Đánh giá về giá trị hiện thực.

c. Kết bài:

Đánh giá ý nghĩa vấn đề đối với sự thành công của tác phẩm.

9. Phân tích Quả trứng vàng của Tạ Duy Anh

“Bàn tay trao hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm” - đó là thông điệp từ trái tim yêu thương, thứ vũ khí để chống lại mọi khó khăn trong cuộc đời. Cũng vậy thông điệp về tình yêu thương được nhà văn Tạ Duy Anh gửi gắm qua nhân vật Tú Minh trong “Quả trứng vàng”, cậu có ước mơ thật đẹp, vàng ươm màu nắng, gieo cho đời thật nhiều tinh khôi.

Nhà văn Tạ Duy Anh hẳn không còn là cái tên xa lạ với những người yêu văn chương, bởi cùng với những tác giả như Nguyễn Nhật Ánh hay Nguyễn Ngọc Tư, Tạ Duy Anh là một trong những cây bút ấn tượng trên văn đần Việt Nam đương đại. Trong suốt nhiều thập kỉ qua, nhà văn Tạ Duy Anh vẫn luôn cần mẫn “cày bừa trên thửa ruộng muôn thuở của văn chương”, để ươm mầm những hạt giống của sự đẹp đẽ và mới mẻ cho nền nghệ thuật nước nhà. Từng trang văn viết cho thiếu nhi của Tạ Duy Anh chưa bao giờ thôi thổn thức, bên cạnh lòng yêu trẻ, nhà văn luôn mong mỏi về một lớp “búp trên cành” trong sáng và khỏe mạnh, yêu thiên nhiên, sống nhân hậu và biết phân biệt phải trái.

Đọc “Quả trứng vàng” của Tạ Duy Anh trái tim ta bỗng nhẹ tênh, tươi mát bởi những dòng chảy đã qua trong cuộc đời thật ngọt ngào, thi vị, trong dòng chảy tươi đẹp ấy chắc chắn có khoảng trời tuổi ấu thơ đầy thơ mộng, mến yêu. Chẳng vậy mà, nhà văn Tạ Duy Anh đã khắc hoạ trong lòng mỗi bạn đọc hình ảnh một nhân vật Tú Minh vô cùng hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu để kéo ta về khoảng trời mộng mơ đã qua. Hiện lên trang văn nhẹ nhàng, vàng ươm màu nắng, trong tựa gió thoảng là hình ảnh Tú Minh hồn nhiên, vô tư với thói quen “ghi lại dòng nhật ký vào cuốn số lưu niệm cho riêng bản thân cậu” để lưu lại thời khắc đẹp nhất đời người khi “ở tuổi mười hai cùng suy nghĩ mang đầy nuối tiếc về dòng chảy thời gian trôi qua vội vã khiến thời thơ ấu đang vùn vụt lao qua những “ga” cuối cùng” làm cậu ngẩn ngơ, nghẹn ngào. Nhà văn đã đem lại cho ta những giây phút được sống lại một thời nhỏ dại đã qua, khiến ta nhìn thấy đâu đó chính bóng dáng của mình trong trang nhật kí mà đứa trẻ nào mỗi đêm đều thao thức, nắn nót ghi lại lòng mình với biết bao buồn vui, trăn trở một cách đầy mê say, chân thành. Thế nên, chỉ bằng vài dòng mở đầu truyện ngắn ta đã thấy hiện ra một Tú Minh tinh tế, nhạy cảm, trưởng thành trong suy nghĩ so với lứa tuổi “mười hai” vội vã của bạn bè cùng trang lứa còn đang khao khát đuổi theo giấc mơ làm người lớn.

Tú Minh có một tâm hồn đẹp, thánh thiện, giàu tình yêu thương. Cậu thật dễ mến! Hãy dõi theo cách mà cậu đối xử với quả trứng xinh khi tình cờ bắt gặp lúc đi học về ta mới thấy được trong tâm hồn đứa trẻ mười hai tuổi Tú Minh luôn chan chứa tình yêu thương. Trên đường đi học về, Tú Minh chợt nhìn thấy một quả trứng gà nằm trong đám lá tre khô. Cậu thấy mình thật may mắn khi nhặt được quả trứng và cũng thấy may mắn cho quả trứng vì cậu nhặt được chứ không nó đã nằm trong bụng một con rắn nào đó. Một suy nghĩ này ra ngay trong đầu cậu là không biết nên làm món gì với quả trứng này bây giờ. Một quả trứng có thể đem đi ốp lết thêm chút muối hoặc luộc dăm ba phút là có ngay một món ngon. Nhưng quả trứng này đẹp đến nỗi cậu không dám ăn, cậu liền đặt vào chiếc hũ sành để xuống cạnh bếp, chờ đợi những điều kì diệu sẽ xảy ra... Tú Minh vui sướng “Ô, một quả trứng gà”, hân hoan “lượm quả trứng lên ngắm nghía” và “mân mê” đầy thích thú, trong sự đắc chỉ nghĩ mình chẳng khác gì anh hùng “Thật may là mình phát hiện ra, nếu không đêm nay nó sẽ vào bụng một con rắn nào đó cũng nên”. Đó là những suy nghĩ rất trẻ thơ được ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ Tạ Duy Anh lách sâu vào trái tim trẻ thơ khiến bạn đọc cũng bật cười trước sự ngộ nghĩnh, rất đáng yêu của Tú Minh trong suy nghĩ “Món trứng ốp lết cũng được lắm. Chỉ cần một chút mỡ, một chút muối tiêu. Hoặc đơn giản hơn là thả béng vào nồi nước sôi và chỉ dăm bảy phút sau là có thể ngồi khoanh chân nhấm nháp vị béo ngậy của trứng luộc”. Thế nhưng, khác với một đứa trẻ thông thường khi cơn đói đến mắt sẽ sáng rực, nhanh chóng xử lí món ăn đang cầm trên tay, còn Tú Minh cậu vội kìm chế suy nghĩ nhỏ bé ấy lại nhường cho những mơ ước tươi đẹp cất cánh trong hi vọng “Mình ăn chỉ một miếng là hết, sẽ chẳng còn cơ hội nào cho mình được ngắm quả trứng đẹp đến nhường kia. Chi bằng đem đặt vào chiếc hũ sành để xuống cạnh bếp, biết đâu chả khối điều kỳ lạ xảy ra”.

Chắt chiu những ước vọng gửi mình trong quả trứng hồng khiến đứa trẻ ấy bỗng trở nên người lớn hơn, trưởng thành hơn, bởi không chỉ vì nghĩ cho mình mà quan trọng hơn trái tim cậu còn mong mỏi nó “có thể biển thành một quả trứng vàng” để “đem chia cho các bạn nghèo trong lớp”. Bất giác, ta nhớ về tuổi thơ trong veo, yên bình, tràn ngập sắc hồng những trứng trong “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh:

“Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng”

Thẳm sâu trong tâm hồn đầy yêu thương của cậu bé Tú Minh, ta còn nhận ra một con người vô cùng cẩn thận, nâng niu từng giọt long lanh nhỏ bé của cuộc đời trong hành động “lấy giấy bọc chặt rồi cẩn thận đặt vào chiếc hũ, không quên chèn trấu chung quanh” cũng không quên thổi hơi ấm khi mang “chiếc hũ đặt cạnh bếp lò, nơi mỗi tối và mỗi sáng cậu đều giúp mẹ nhóm lửa”. Để rồi, chính từ tấm lòng tràn đầy tình người tha thiết cùng những chắt chiu, lượm nhặt ấy đã giúp cậu bé có được thành quả ngọt ngào khi từng ngày trông ngóng thành quả từ món quà mình mới nhặt được hôm nao giờ đây “biến thành chú gà con” vàng rực, đáng yêu “ngay trước mắt cậu”. Cậu hân hoan, vui sướng “cảm động muốn khóc khi chú gà nép mình trong bàn tay che chở của cậu”, có lẽ lúc này cậu bé ắt hẳn đã vỡ oà hạnh phúc, lâng lâng vui sướng, tự hào về thành quả mà biết bao ngày mình ngóng trông chờ đời, thậm chí có những lúc đã “chán nản, thất vọng” vì biết quả trứng sẽ chẳng thể biến thành vàng, ước mơ của cậu “không bao giờ có thật”. Hơn cả mong đợi quả trứng ấy đã biến thành vàng, niềm vui của cậu lớn dần theo sự lớn dần của chú gà con “đã có thể lẽo đẽo theo cậu đi bắt châu chấu”, cho đến lúc mái Nâu “đẻ quả trứng đầu tiên” và lần lượt cho ra đời “nốt quả trứng thứ mười hai”. Để rồi, từ một quả trứng nhỏ xinh, giờ đây qua bàn tay Tú Minh cùng những tỉ mỉ với “một chiếc ổ đẹp tuyệt trần, có lưới bảo vệ rất cẩn thận” cho mái nâu ấp ủ, đã chào đón “ mười hai chú gà con xinh xắn, đáng yêu” khiến cậu “cảm giác sướng run người khi nhìn thấy lũ gà, hiện thân của những điều ước”. Hành trình khám phá sự kì diệu qua ánh mắt mong chờ, tấm lòng trong trẻo, nhân hậu của Tú Minh thật khiến ta xúc động vì biết đâu trong sâu thẳm kí ức ta đã từng nâng niu một món quà mà tự nhiên ban tặng một cách đẹp đẽ như thế!

Tạ Duy Anh không đi khai thác quá sâu về ngoại hình và hoàn cảnh của Tú Minh, ông chỉ dừng lại ở việc miêu tả diễn biến tâm trạng, những hành động cử chỉ đầy yêu thương, trân trọng của Tú Minh dành cho quả trứng, dành cho Mái Nâu với tất cả tấm lòng thấu hiểu tâm hồn trẻ thơ vô cùng sâu sắc của ông, từ đó xây dựng một hình tượng nhân vật trẻ thơ đáng yêu, có tâm hồn trong sáng, thánh thiện, biết yêu thương.

Bằng ngòi bút tinh tế, nhân văn cùng trái tim tràn đầy tình yêu trẻ, nhà văn Tạ Duy Anh đã đem đến cho chúng ta bức tranh dung dị về thời thơ ấu mà ta đã từng đi qua với triền kí ức tươi đẹp đã gieo vào lòng người đọc những khoảng lặng trong veo mà chỉ tuổi thơ mới có được. “Quả trứng vàng” của nhà văn Tạ Duy Anh đã đi sâu vào đời sống tinh thần của con người để khám phá ra vẻ đẹp ẩn sâu nơi tâm hồn non nớt, thơ dại mà rất đỗi nhân hậu, trong sáng của nhân vật Tú Minh để lại nhiều dư vị ngọt ngào, mê say trong trái tim ta cùng tình yêu bỏng cháy, niềm tin mãnh liệt vào đẹp nơi thế gian xanh tươi này.

10. Phân tích Dế mèn phiêu lưu kí - đoạn trích Tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa

“Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài là một trong những tác phẩm thiếu nhi đặc sắc, nổi tiếng được nhiều bạn trẻ yêu thích. Truyện chứa đựng những thông điệp ý nghĩa sâu sắc. Trong đó, đoạn trích “Tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa” là đoạn trích gây được chú ý và gây tiếng vang và cũng là đoạn trích đánh thể hiện sự trưởng thành, chín chắn của Dế Mèn.

Tô Hoài là nhà văn có vốn sống phong phú, năng lực quan sát và miêu tả tinh tế, lối văn giàu hình ảnh, nhịp điệu, ngôn ngữ chân thực, gần gũi với đời sống. Ông có sở trường viết truyện về loài vật. Tô Hoài có những tìm tòi, khám phá trong sáng tạo nghệ thuật đó là một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn, sức sống và ý nghĩa lâu bền ở tác phẩm của ông. “Dế Mèn phiêu lưu kí” là tác phẩm đặc sắc và nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi (truyện đồng thoại). Trong truyện, Dế Mèn là nhân vật chính đã trải qua những cuộc phiêu lưu lí thú, đầy mạo hiểm. Sự trải nghiệm cuộc đời của Dế Mèn, những bài học mà Dế Mèn rút ra qua bao nhiêu hiểm nguy sóng gió chính là hành trang để Mèn bước vào đời và trở thành một chàng Dế cao thượng, trượng nghĩa. Chính vì thế, có thể nói rằng cuộc đời của Dế Mèn là một bài học lớn - đi một ngày đàng, học một sảng khôn.

Cuộc tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa là một trang đời phiêu lưu của chú Dế Mèn đáng yêu. Mèn đi trẩy hội hoa may cùng họ Chuồn Chuồn với hăm hở của một tráng sĩ và có cơ hội tham gia cuộc thi võ đỏ kén ai tài giỏi nhất đứng ra coi sóc việc chung trong vùng. Chưa lên võ đài, nhưng Mèn đã có vinh dự lớn “sơ kiến” võ sĩ Bọ Ngựa. Võ sĩ có “bước chân ngỗng”, con mắt “đu đưa”, lưỡi có “răng cưa”. Hai lưỡi gươm lợi hại cấp bên mạng sườn. Hai sợi râu “phất lên phất xuống”. Rất “hách dịch”, đi đứng “ra lối quan dạng” tỏ vẻ ta đây, coi thiên hạ bằng nửa con mắt! Tại quán hàng cỏ, võ sĩ Bọ Ngựa đã “bổ luôn” một nhát gươm vào đầu Mèn “đau điếng” vì cái tội đi đứng “đủng đỉnh” mục hạ vô nhân của Mèn. Mèn “đá hậu cú song phi” nhưng võ sĩ Bọ Ngựa đã né được! Dưới mắt Mèn thì Bọ Ngựa chỉ có “mấy miếng võ xoàng”, “cái oai rơm rác và lố bịch” ấy chẳng cần để mắt đến. Võ sĩ Bọ Ngựa là “cháu đích tôn cụ võ sư Bọ Ngựa”, phen này sẽ tranh được “chân trạng võ”, ai cũng sợ và tin như thế nên bác Cảnh Cạch đã hết lời khuyên Dế Mèn “mau mau tránh đi nơi khác...”.

Mèn trong cuộc đấu võ thực sự là một trang tuấn kiệt. Lúc đầu Mèn chỉ “ra oai sức khoẻ” hếch đôi càng mẫm bóng “đạp phóng tanh tách” tuôn ra những luồng gió lớn... Nhưng sau đó, vì Bọ Ngựa hống hách, phách lối quá nên Dế Mèn quyết “dạy cho hắn một bài học”. Cả hai đã trải qua ba hiệp đấu, hai võ sĩ xông vào nhau ra đòn bằng thực lực và sở trường của mình, với những thế đánh, những miếng võ cực hiếm nhằm đánh gục đối thủ. Hiệp một, lợi thế nghiêng về võ sĩ Bọ ngựa. Bọ Ngựa “cao nên lợi đòn” đã dùng hai gươm bổ xuống đầu Mèn những nhát “chan chát”. Mèn dùng “đầu gỗ lim” để chống đỡ, đồng thời áp sát vào đánh gần, cứ “nhè bụng” Bọ Ngựa mà đá, khiến địch thủ phải “hạ gươm xuống đỡ, mất đà đầu loạng choạng”. Mèn đã đánh thấp, đánh gần, công thủ mưu trí nên về sau giành được thế chủ động làm cho võ sĩ Bộ Ngựa rối loạn đấu pháp. Hiệp hai, Bọ Ngựa “đổi miếng khác”, co gươm quắp cổ Mèn, “định lách gươm nghiêng vào khe họng” của Mèn, nơi có khe thịt dễ đứt! Mèn đã nhanh trí đổi công “củi xuống, thúc nhanh một răng rất sâu vào bụng” Bọ Ngựa, làm cho địch thủ “choáng người”. Hiệp ba, Bọ Ngựa thất thế hoàn toàn “nhảy lộn qua lưng Mèn”. Và Mèn đã bồi một đòn hiểm, giáng một đòn quyết định, hạ đo ván cháu đích tôn cụ võ sư Bọ Ngựa. Mèn lấy tấn, đá hậu đánh phách một đá trời giáng vào giữa mặt Bọ Ngựa làm cho hắn “rú lên” rơi tọt xuống võ đài. Đó là miếng võ gia truyền của họ nhà để. Đám hội trở nên ồn ào nhốn nháo vì không ai ngờ võ sĩ Bọ Ngựa lại “thua nhanh và thua đau” như thế!

Dế Mèn và Dế Trũi được đám hội tôn lên làm chánh, phó thủ lĩnh đứng đầu các làng trong vùng cỏ may. Cả hai được đám hội xô vào làm kiệu rước. Dế Mèn đã đạt tới vinh quang tột đỉnh trên con đường phiêu lưu.

Đọc chương “Tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa”, ta cảm thấy mình như đang được mục kích những cuộc tranh tài của các trang hiệp sĩ thời trung cổ. Tô Hoài đã sử dụng rất hay một số từ ngữ về võ thuật như: giang hồ, võ đồng môn, song kiếm, chùy, lên tấn, miếng võ, đường quyền, đá hậu, tranh lèo giật giải.., gợi tả không khí đua tranh của khách giang hồ thượng võ. Qua đoạn văn này, ta thấy nhân vật Dế Mèn thật đáng yêu. Chú đã có một lối sống cao đẹp, đàng hoàng trước thiên hạ, dám đọ trí, đua tài với người đời. Không còn nữa một Dế Mèn hung hãng ngổ ngáo. Chỉ thấy bấy giờ, một Dế Mèn khiêm cung, độ lượng, biết trọng danh dự của mình. Khi ấy trước anh chàng Bọ Ngựa kiêu căng, Dế Mèn đã chiến thắng trong tiếng hoan hô cuồng nhiệt. Dế Mèn đánh thắng võ sĩ Bọ Ngựa đâu chỉ để tranh lèo giật giải mà còn thể hiện một cách ứng xử của các hảo hán, anh hùng xưa nay:

“Anh hùng tiếng đã gọi rằng

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!”

(“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)

Dế Mèn trong “Tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa” được nhà văn Tô Hoài xây dựng thành công qua những hình thức nghệ thuật đặc sắc. Nghệ thuật nhân hóa tài tình, với óc tưởng tượng phong phú, những hình ảnh so sánh độc đáo, giàu chất tạo hình. Ngoài ra, vốn ngôn từ đa dạng với hệ thống động từ, tính từ phong phú, sinh động cùng với lời kể dung dị, tự nhiên, như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đoạn văn cho thấy nghệ thuật miêu tả loài vật rất đặc sắc của nhà văn Tô Hoài. Thế giới loài vật được miêu tả sinh động, mỗi nhân vật được nói đến đều có nét riêng về ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, tính cách và lối ứng xử riêng, có mối quan hệ sống còn trong một xã hội thu nhỏ lại, lối kể chuyện có thắt, có mở, tạo đỉnh điểm cao trào khiến cuộc tranh hùng giữa võ sĩ Bọ Ngựa và Dế Mèn... vô cùng hấp dẫn.

Đọc “Tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa” trích “Dế Mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài, bạn đọc không thể quên hình ảnh chú Dế Mèn thật đẹp: Mạnh mẽ, độ lượng, đáng yêu... Hình ảnh Mèn sống mãi trong lòng bạn đọc nhất là bạn đọc nhỏ tuổi.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Văn học - Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
56 64.665
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm