Top 15 Bài suy nghĩ của em về lối sống vô cảm trong giới trẻ hiện nay
Suy nghĩ của em về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay (15 bài)
- 1. Dàn ý cách viết bài văn nghị luận về bệnh vô cảm
- 2. Suy nghĩ của em về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
- 3. Nêu suy nghĩ của mình về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
- 4. Trình bày suy nghĩ của em về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
- 5. Suy nghĩ của em về bệnh vô cảm
- 6. Suy nghĩ của em về căn bệnh vô cảm
- 7. Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về thói vô cảm của một bộ phận thanh niên trong xã hội hiện nay
- 8. Nêu suy nghĩ của em về sự thờ ơ, vô cảm của giới trẻ hiện nay
- 9. Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về lối sống vô cảm
- 10. Anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
- 11. Viết một đoạn văn ngắn thể hiện suy nghĩ về bệnh vô cảm
- 12. Nghị luận về bệnh vô cảm học sinh giỏi
- 13. Viết bài nghị luận 200 chữ về bệnh vô cảm
“Bệnh vô cảm” không phải là căn bệnh trong y học mà nó là một căn bệnh xã hội nguy hiểm cần loại bỏ. Đây là thái độ, là cách sống tiêu cực đáng phê phán, dần làm mờ nhạt “lòng nhân ái” của con người. Trong bài viết này Hoatieu xin chia sẻ đến bạn đọc các bài văn mẫu suy nghĩ của em về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay siêu hay giúp các bạn hiểu rõ hơn về tác động tiêu cực của căn bệnh vô cảm trong đời sống ngày nay.
1. Dàn ý cách viết bài văn nghị luận về bệnh vô cảm
1) PHÂN TÍCH ĐỀ
– Yêu cầu: Trình bày suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay.
– Dạng đề: Nghị luận về một hiện tượng đời sống.
– Phạm vi tư liệu, dẫn chứng : những sự việc, con người quan sát được trong thực tế đời sống.
– Thao tác lập luận : giải thích, phân tích, bình luận.
2) LUẬN ĐIỂM BÀI NGHỊ LUẬN VỀ BỆNH VÔ CẢM
– Luận điểm 1: Giải thích khái niệm bệnh vô cảm.
– Luận điểm 2: Thực trạng, biểu hiện của căn bệnh vô cảm
– Luận điểm 3: Nguyên nhân của bệnh vô cảm
– Luận điểm 4: Tác hại của căn bệnh vô cảm.
– Luận điểm 5: Đề xuất giải pháp khắc phục.
3) DÀN Ý NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ BỆNH VÔ CẢM
a) Mở bài nghị luận về bệnh vô cảm
– Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Trong cuộc sống hiện nay tồn tại nhiều căn bệnh nguy hiểm mà cách chữa chỉ có một, đó chính là sự thay đổi suy nghĩ từ chính bản thân mỗi người.
– Nêu vấn đề cần nghị luận đặt ra ở đề bài: Bệnh vô cảm chính là một trong những căn bệnh nguy hiểm đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện nay.
b) Thân bài
* Luận điểm 1: Giải thích khái niệm bệnh vô cảm.
– “Vô” tức là không, không có
– “Cảm” là tình cảm, cảm xúc
-> Vô cảm có thể hiểu là không có tình cảm, cảm xúc, cảm nhận
=> Bệnh vô cảm có thể hiểu là sự thờ ơ, vô tâm, lạnh nhạt, ích kỉ, nhỏ nhen, không quan tâm đến những sự vật, sự việc xung quanh mình.
* Luận điểm 2: Thực trạng, biểu hiện của căn bệnh vô cảm trong cuộc sống.
– Căn bệnh vô cảm ngày càng phổ biến, lan rộng trong xã hội:
+ Thờ ơ, vô cảm với những hiện tượng trái đạo lí, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội:
- Hiện tượng livestream trên mạng xã hội (hiện tượng học sinh cấp 2 tại Hải Dương)
- Bắt gặp hiện tượng trộm cắp thì im lặng
- Học sinh thấy các hiện tượng tiêu cực như quay cóp, bạo lực học đường thì coi như không biết…
+ Thờ ơ, vô cảm với những nỗi buồn, nỗi đau của chính những người đồng bào:
- Gặp người tai nạn bị tai nạn giao thông xúm vào bàn bạc, quay phim, chụp ảnh.
- Bỏ qua những lời kêu gọi giúp đỡ của đồng bào miền Trung bão lũ,…
+ Thờ ơ, vô cảm với những vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước:
- Thờ ơ với những cảnh đẹp quê hương
- Thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh tại các điểm du lịch…
+ Thờ ơ, vô cảm với chính cuộc sống của bản thân mình:
- Hiện tượng học sinh đi học muộn, không chú ý học tập.
- Hiện tượng sinh viên thức rất khuya sử dụng smartphone, thể hiện sự thờ ơ với chính sức khỏe của bản thân…
(Lưu ý: Kết hợp lồng các dẫn chứng trong quá trình phân tích)
* Luận điểm 3: Nguyên nhân của bệnh vô cảm.
– Sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống khiến con người phải sống nhanh hơn, không còn thời gian để ý tới những gì xung quanh.
– Sự bùng nổ mạnh mẽ của những thiết bị thông minh dẫn đến sự ra đời của các trang mạng xã hội -> con người ngày càng ít giao tiếp trong đời thực.
– Sự chiều chuộng, chăm sóc, bao bọc quá kĩ lưỡng cha mẹ đối với con cái -> coi mình là trung tâm, không để ý đến điều gì khác nữa.
– Sự ích kỉ của chính bản thân mỗi người.
* Luận điểm 4: Tác hại của căn bệnh vô cảm.
– Con người mất đi những chỗ dựa mỗi lúc khó khăn
– Xã hội tràn đầy những điều xấu, điều ác
– Đối với mỗi cá nhân nó sẽ khiến họ giống như một cỗ máy không có tâm hồn, thành kẻ vô trách nhiệm, vô nhân tính.
– Cuộc sống mất đi những giá trị đích thực của nó, chỉ là sự tồn tại
– Xa hơn, con người đánh mất đi những giá trị tốt đẹp của dân tộc
– Nếu tình trạng này lan rộng ra phạm vi toàn nhân loại thì hành tinh này sẽ trở thành hành tinh của các cỗ máy.
– Ảnh hưởng, làm lệch lạc những suy nghĩ của thế hệ tương lai.
* Luận điểm 5: Đề xuất giải pháp khắc phục.
– Lên án, phê phán những hành vi tiêu cực, thờ ơ vô cảm đối với đời sống xung quanh
– Hạn chế phụ thuộc vào các thiết bị thông minh, thế giới ảo…
– Rèn luyện lối sống lành mạnh: Yêu thương, quan tâm, giúp đỡ mọi người…
– Tăng cường thực hành, trải nghiệm thực tiễn trong các môn học: Đạo đức, giáo dục công dân để học sinh học cách yêu thương, chia sẻ.
– Mỗi người hãy mở lòng mình sống yêu thương, quan tâm đến gia đình, những người xung quanh và chính bản thân mình
– Tuyên truyền rộng rãi, tổ chức các hoạt động xã hội với mục đích xóa bỏ “căn bệnh vô cảm”.
* Liên hệ bản thân:
(Lưu ý: Liên hệ những hành vi, biểu hiện của căn bệnh vô cảm trong chính môi trường học đường để hiểu và tránh)
c) Kết bài
– Khẳng định lại tác hại của căn bệnh vô cảm: Vô cảm là căn bệnh nguy hiểm, để lại hậu quả nghiêm trọng mà mỗi người cần tránh.
– Rút ra bài học: Lời nhắn gửi đến tất cả mọi người cần chung tay đẩy lùi căn bệnh này.
2. Suy nghĩ của em về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
Bài viết do Hoatieu.vn biên soạn và chỉnh sửa, không copy qua website khác. Mời bạn đọc tham khảo để hoàn thành bài viết của mình.
Chúng ta đang sống ở thời đại khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, rất nhiều những nghiên cứu chế tạo robot, nhân vật thực tế ảo có hình dáng, cảm xúc của con người đã, đang và sẽ thành công. Nhưng thật kì lạ, những nhà khoa học thì đang cố biến "sắt thép" trở thành một thứ có "tình cảm", nhưng lại có những con người bằng máu thịt thì lại mất dần cảm xúc với cuộc sống. Trong xã hội hiện đại, đây gọi là bệnh vô cảm. "Căn bệnh" có cái tên lạ lùng này dường như đang len lỏi trong từng ngõ ngách, biến con người thành những con robot không cảm xúc.
Vậy thế nào là "vô cảm"? Vô cảm là tình trạng tinh thần của con người, biểu hiện ở việc con người không có sự quan tâm, chia sẻ đối với những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh mình, không có sự rung cảm với cảm xúc, hoàn cảnh của người khác; thiếu sự thấu hiểu, lòng trắc ẩn với tình cảm, nỗi đau của người khác. Chính vì vậy, những người vô cảm chỉ biết sống cho bản thân, chỉ biết nghĩ cho bản thân, ngại phiền toái, ngại va chạm. Tình trạng này kéo dài, sẽ dẫn đến cách hành xử độc đoán, chỉ biết làm lợi cho bản thân, dung túng cho điều xấu.
Đáng buồn là trong xã hội hiện đại, chúng ta lại chẳng khó để bắt gặp những kẻ vô cảm như thế. Các bạn đã từng gặp trường hợp không một ai giúp đỡ người bị tai nạn vì sợ phiền, sợ rắc rối chưa? Hay đã gặp trường hợp một bạn bị bạo lực học đường mà có rất nhiều học sinh chỉ đứng vây xem, không ai can ngăn, gọi người lớn, thậm chí có người còn dùng điện thoại quay chụp lại hình ảnh xấu hổ của người bị hại. Sau đó, đáng buồn hơn nữa, những video đó được vô tư phát tán trên mạng. Rồi trường hợp một hành khách bị móc túi trên xe bus, có rất nhiều người nhìn thấy nhưng lại làm ngơ vì sợ bị trả thù, sợ bị tấn công, để đến khi bạn sinh viên nhận ra bị mất đồ, sự sợ hãi, lo lắng của bạn cũng chỉ nhận được những ánh mắt thờ ơ của mọi người... Đây là sự thờ ơ với cái ác, cho thấy kẻ vô cảm còn đáng sợ hơn cái ác, vì chúng họ là kẻ tiếp tay cho điều ác tái diễn.
Còn một kiểu biểu hiện đáng buồn hơn nữa là sự thờ ơ với điều tốt đẹp, thậm chí sinh lòng ghen ghét, đố kị. Đó là những lời bình luận ác ý trước sự việc một em học sinh nhặt được tài sản giá trị lớn và nhờ công an trả lại cho người đánh mất. Biểu hiện tị nạnh khi bạn bè nhận được lời khen hoặc đạt điểm cao hơn. Một tin tức về việc giúp đỡ ai đó, về nghị lực vượt lên cuộc sống khó khăn, hay những điều tốt đẹp khác bao giờ cũng ít tương tác hơn những thông tin giật tít giật gân, những vụ việc xấu xí, dường như con người ngày nay thích lao vào ngó nghiêng, cười cợt người khác hơn là đồng cảm, sẻ chia.
Trong một thế gới vô cảm, giá trị đạo đức tốt đẹp dần bị xói mòn bởi chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, và "bệnh vô cảm" trở thành căn bệnh nan y khó chữa, nó len lỏi trong từng ngóc ngách, xâm nhập cả vào gia đình, nơi vốn được coi là chốn bình yên để trở về. Khi chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, con người chỉ biết sống vì bản thân mình, cha mẹ vô tâm với con cái, con cái thờ ơ với cha mẹ già, anh chị em trong gia đình không còn sự gắn kết. Vô cảm với chính người thân trong gia đình thì sao có thể nảy sinh cảm xúc với những con người, sự việc ngoài xã hội.
Trong những câu ca dao, tục ngữ của ông cha ta truyền từ ngàn xưa đã răn dạy con cháu rằng: "Thương người như thể thương thân"; "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", hay "Lá lành đùm lá rách"... Không thể phủ nhận xã hội vẫn còn nhiều người tốt, việc tốt vẫn diễn ra hằng ngày. Tuy nhiên, những giá trị nhân sinh quan sâu sắc, tốt đẹp ấy ngày nay dường như đã bị lu mờ. Phải khẳng định rằng, vô cảm không có nghĩa là những người này không biết khóc, không biết cười, không còn cảm xúc. Mà đơn giản chỉ là tầm nhìn của họ chỉ quẩn quanh bên chính bản thân họ, mọi cảm xúc sinh ra đều liên quan đến lợi ích cá nhân của họ, họ cũng không muốn sẻ chia hay có lòng thấu hiểu, vị tha với người khác, thậm chí với chính người thân trong gia đình. Thực tế đáng buồn này là hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức, lối sống của một bộ phận con người ngày nay. Nếu không có "phương thuốc" hữu hiệu
Nghĩa cử ấy là một minh chứng sinh động của lòng yêu thương con người. Biểu hiện của lòng yêu thương con người là sự đồng cảm, chia sẻ, đùm bọc giữa người với người trong cuộc sống. Tình yêu thương con người là lẽ sống, tình cảm cao đẹp, là chuẩn mực đạo đức mà con người cần hướng tới trong xã hội. Đáng tiếc là một bộ phận giới trẻ hiện nay chỉ biết yêu thương chính bản thân mình, thiếu sự quan tâm, sẻ chia, vị tha đối với những người xung quanh, thậm chí với cả những người thân. Thực trạng trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự sa sút đạo đức, lối sống của giới trẻ ngày nay.
Câu hỏi đặt ra là làm sao để có một "phương thức" hữu hiệu chữa trị căn bệnh đang có nguy cơ lan rộng này? Mỗi cá nhân, mỗi gia đình là tế bào của xã hội, do đó, có lẽ để trị bệnh tận gốc phải xuất phát từ cách giáo dục của gia đình. Gia đinh là một môi trường giáo dục lý tưởng, gắn liền với mỗi con người từ khi sinh ra đến khi lớn lên. Gia đình là cái nôi giáo dục nhân cách đạo đức, những tri thức vỡ lòng cho một đứa trẻ từ khi chúng biết nhận thức. Do đó, phương thuốc đầu tiên để chữa trị căn bệnh "vô cảm" chính là phương thức giáo dục của gia đình. Sống trong một gia đình luôn tràn ngập sự yêu thương, nhưng có kỷ luật, nguyên tắc sẽ dạy dỗ ra một cá nhân có lòng yêu thương, biết sẻ chia. Không chỉ vậy, đứa trẻ sống trong một gia đình tốt sẽ được hưởng nền giáo dục tốt, được dạy dỗ hình thành nhân cách sống tốt đẹp.
Cách hành xử, phản ứng của trẻ một phần từ sự học hỏi xã hội, một phần là do ảnh hưởng của gia đình. Những đứa nhỏ được tiếp xúc với mạng xã hội từ sớm, xem nhiều thông tin, hình ảnh tiêu cực hoặc chìm đắm trong game online đa phần sẽ thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống thực tại. Nguyên nhân bởi chúng quá chìm đắm trong thế giới của mình, không cần biết xung quanh đang thay đổi như thế nào, thậm chí không quan tâm cả người thân, gia đình thì sao biết sẻ chia với người ngoài. Bên cạnh đó, ở một số gia đình, chính bản thân cha mẹ cũng thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, thiếu sự quan tâm, giáo dục, hình thành nhân cách sống tốt đẹp cho con em mình; chiều chuộng con vô điều kiện. Về lâu dài, những đứa trẻ đó chỉ biết nghĩ cho bản thân, chỉ biết "nhận" lấy mà không biết "chi đi", sinh ra sự nghèo nàn về cảm xúc, bàng quang trước cuộc sống thường nhật.
Liều thuốc giáo dục quan trọng thứ hai cần đến từ nhà trường, nơi đào tạo ra những con người có tài, có đức, không chỉ giổi về kiến thức và còn có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt. Thầy cô được xem như cha mẹ thứ hai của học sinh. Cho nên, nếu nhà trường chỉ là nơi lấy thành tích làm đầu, thầy cô cũng vô cảm thiếu sự yêu nghề mến trẻ thì sao có thể đào tạo nên lứa măng non tốt cho đất nước. Sự "vô cảm" chỉ có thể tạo nên những con người "vô cảm" và sẽ trở thành mầm họa cho xã hội. Lúc ấy, con người sẽ chẳng còn ai biết rung động trước cái đẹp, đồng cảm với cái khó, sẽ chẳng còn những tình yêu nồng nàn như Xuân Diệu, cũng không còn sự xót thương với mảnh đời cơ cực như Nam Cao, cũng chẳng còn những sự chiêm nghiệm về cuộc sống, thay vào đó là một xã hội thực dụng, ta chỉ biết ta.
Thế nhưng, thế giới vẫn luôn hiện hữu những điều tốt đẹp. Mỗi chúng ta hãy luôn giữ niềm tin vào tình yêu và sự lương thiện, bản ngã của mỗi người. Đặc biệt là các bạn trẻ, không chỉ cần sự nỗ lực trau đồi tri thức, mà còn cần sống có lý tưởng, tự rèn luyện cho bản thân phẩm chất, nhân cách đúng đắn, biết lan tỏa tình yêu thương, quan niệm sống lạc quan đến mọi người xung quanh. Chỉ có tình yêu thương mới là nguồn sức mạnh đánh bại sự vô cảm. Yêu thương là hạt giống luôn được ươm mầm trong trái tim mỗi người, chỉ chờ cơ hội để được sinh trưởng, lan tỏa mà thôi.
3. Nêu suy nghĩ của mình về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
Có một nhà văn nổi tiếng từng nói "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà chính là nơi không có tình thương" để nhắc nhở con người về cái giá phải trả của sự vô cảm. Thế nhưng cuộc sống càng hiện đại, con người càng trở nên vô cảm hơn. Vô cảm vô hình đã trở thành căn bệnh nguy hiểm trong xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của chúng ta.
Bạn hiểu gì về vô cảm? Vô cảm là thờ ơ, không mảy may rung động, không quan tâm đến mọi việc, mọi người xung quanh. Đây là thái độ sống tiêu cực, ích kỉ trong cuộc sống, hoàn tòa trái ngược với tình thương của con người với con người. Người vô cảm sống lạnh lùng, thờ ơ, dường như chủ động tách mình khỏi tất cả các mối quan hệ với cuộc đời. Vô cảm trong xã hội hiện đại giống như một loại virus ăn sâu vào các tầng lớp xã hội, trở thành vấn đề đáng lo cho toàn xã hội.
Vô cảm được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức khác nhau, song cái cốt lõi là sự ích kỉ, sự đề cao cái tôi cá nhân hơn cả cái ta chung, sống chỉ vì bản thân mà không nghĩ cho người khác. Vô cảm sẽ thờ ơ, dửng dưng trước cả niềm vui lẫn nỗi buồn của người khác, kể cả khi người ta đã lâm vào đường cùng, phải đối mặt với những mất mát, đau thương tột cùng, họ cũng không đồng cảm, không mảy may rung động. Thậm chí ngay cả với vấn đề của bản thân, người vô cảm cũng sẽ không thể hiện bất cứ cảm xúc gì.
Tệ hơn, những người vô cảm còn tỏ thái độ tiêu cực, khinh bỉ, vô tình khoét sâu thêm nỗi đau của người khác. Họ không ý thức được hành động và thái độ của mình có thể gây ra tổn thương cho mọi người xung quanh. Chúng ta có thể bắt gặp căn bệnh này qua nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống như nam thanh niên không nhường ghế cho người lớn tuổi hay những lời lẽ vô tình trước nỗi buồn của người khác.
Vô cảm gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng trong xã hội. Sự thờ ơ, vô cảm khiến cho mối quan hệ giữa người với người trở nên lạnh lùng, xa cách. Bản thân người vô cảm cũng trở nên ích kỉ và xấu xa hơn, nhân cách sẽ dần biến chất, sớm muộn cũng bị mọi người xa lánh, xã hội lên án. Sẽ ra sao nếu mỗi người chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, không quan tâm đến bất cứ ai khác. Xã hội hiện nay, trầm cảm đang trở thành hồi chuông báo động. Một trong những nguyên nhân của trầm cảm là do sự vô tâm vô cảm của mọi người, không lắng nghe không tin tưởng vào những khó khăn mà người khác đang chịu đựng, Thậm chí buông lời lẽ nhục mạ, mỉa mai. Những vụ việc tự tử thương tâm vì dư luận xã hội chính là bằng chứng xác thực nhất. Trong môi trường học đường, sự vô tâm với bạn bè cùng trang lứa cũng là nguyên nhân của tình trạng cô lập và bạo lực học đường. Xã hội vô cảm sẽ tràn đầy ghen ghét đố kị, tổn thương và bạo lực, chiến tranh.
Nhưng nguyên nhân do đâu vô cảm lại trở thành một căn bệnh? Nguyên nhân đầu tiên là do chính bản thân mỗi người, do sự ích kỉ của mình. Họ không vượt qua được những cám dỗ, những tham vọng của bản thân. Ngoài ra cũng có nhiều nguyên nhân khách quan khác. Xã hội phát triển quá nhanh, nhịp sống trở nên vội vã, con người bị cuốn vào những guồng quay, dần trở nên lạnh lùng, vô cảm hơn. Hay do sự nhút nhát, dễ dàng chạy theo hiệu ứng đám đông, vô tình đánh mất bản thân mình. Cũng có những người do được nuông chiều mà trở nên bướng bỉnh, coi thường mọi người, không dễ cảm thông với người khác.
Song dù vì nguyên nhân gì đi chăng nữa, vô cảm cũng là căn bệnh nguy hiểm cần được điều trị tận gốc. Làm thế nào để xóa bỏ nó, đẩy lui nó? Đầu tiên, xã hội cộng đồng cần nâng đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyện truyền về tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, nhất là cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Gia đình và trường học cần quan tâm đến con em mình, giúp các em hiểu được những giá trị đạo đức tốt đẹp, giá trị thực sự của tình yêu thương. Quan trọng nhất là bản thân mỗi người cũng cần có ý thức, lý tưởng của mình. Sống trong xã hội cần biết yêu thương quan tâm mọi người xung quanh. Có rất nhiều tấm gương về lòng vị tha, yêu thương người khác nhưng cũng có không ít người lạnh lùng vô cảm. trước những hành động vô tâm đó cần lên án và phê phán để xã hội ấm áp tình người hơn.
Mỗi chúng ta không thể sống mà tách biệt khỏi cộng đồng. Cuộc sống vội vã vô tình khiến chúng ta quên đi nhiều giá trị tốt đẹp khác. Hãy sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn, bởi lẽ “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
4. Trình bày suy nghĩ của em về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
Trong đời sống đang phát triển mạnh mẽ về công nghệ, máy móc, con người có thể kiếm được nhiều tiền hơn, giàu có hơn, nhưng có một thứ dường như có biểu hiện vơi đi, đó là sự quan tâm giữa người với người? Cuộc sống công nghiệp với những tất bật và tốc độ vận động quá nhanh khiến người ta hẫng hụt đến mức ít quan tâm đến nhau hơn. Phải chăng những tất bật ấy là nguyên nhân khiến “bệnh vô cảm” có cơ hội lan rộng?
Vô cảm là một căn bệnh hiện không có trong danh sách của ngành y học, nhưng nó đã ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người. Vậy “bệnh vô cảm” là gì? Vô là không, cảm là tình cảm, cảm xúc. Vô cảm là trạng thái con người không có tình cảm. Sống khép mình lại, thờ ơ lạnh nhạt với tất cả mọi việc xung quanh. Trong nhịp sốhg hiện đại ngày nay, một sô' người chỉ lo vun vén cho đời sống cá nhân và quay lưng lại với cộng đồng xã hội. Một số người tự làm mình trở nên xa lánh, không quan tâm đến ai, không biết đến niềm vui nỗi buồn của người khác. Đó là “bệnh vô cảm”. Chỉ lo chạy theo giá trị vật chất, đôi khi con người ta đã vô tình đánh mất đi vẻ đẹp đích thực của tâm hồn. Cuộc sống dù có sung túc hơn, giàu sang hơn, nhưng khi con người không biết quan tâm yêu thương nhau, thì đó vẫn không được xem là cuộc sống trọn vẹn được. Ngại giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn, cuộc sống của chúng ta dần đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân từ xưa “Lá lành đùm lá rách”.
Ngày nay, một số người chỉ biết sống và nghĩ cho riêng mình. Như khi thấy bao người hành khất bên đường, họ không giúp đỡ, thậm chí còn khinh miệt, dè bỉu chế nhạo trước nỗi bất hạnh của những mảnh đời đáng thương đó. Và cũng như bao tệ nạn, mọi việc xấu xa cướp giật giữa đời thường vẫn xảy ra hằng ngày đấy thôi, nhưng không ai dám can ngăn. Vì sao? Vì sao con người lại vô cảm như vậy? Phải chăng cũng vì họ sợ, sợ sẽ gặp rắc rối liên lụy, cho nên không dại gì lo nghĩ đến chuyện của người khác. Nhưng đc không là “chuyện của người khác”, đó chính là những vấn đề chung của xã hội. Sao con người lại có thể quay lưng lại với chính cộng đồng mình đang sống được kia chứ! Và không chỉ dừng lại ở một vài cá nhân, bộ phận nhà nước cũng có lối sống ích kỉ như vậy. Một vài cơ quan giàu sang luôn tìm cách bóc lột người dân, như về việc chiếm đất đai, tài sản... Rồi sau đó, hc ngoảnh mặt đi một cách lạnh lùng, bỏ lại sau lưng những mảnh đời khốn khổ khi cùng bao giọt nước mắt hờn trách cuộc đời không thể sẻ chia cùng ai. Đó không phải là biểu hiện của “bệnh vô cảm” hay sao!
Nếu cứ mãi tiếp tục như vậy, cuộc sống này sẽ mất hết tình thương, mất hết niềm cảm thông san sẻ, mất đi cả truyền thống đạo đức quý báu ngày xưa. Sẽ không còn là “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ nữa”, mà chỉ còn lại sự lạnh nhạt, sự thờ ơ vô cảm. “Tình thương là hạnh phúc của con người”, liệu cuộc sống này có còn ý nghĩa nữa hay không nếu con người cứ tự khép mình lại và chỉ biết sống cho bản thân? Liệu bạn có cảm thấy hạnh phúc nếu xung quanh mình chỉ toàn là giọt nước mắt cùng với nỗi bất hạnh của bao người? Thomas Merton đã từng nói: “Nếu chúng ta chỉ biết tìm hạnh phúc cho riêng mình thì có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy. Hạnh phúc đích thực là biết sống vì người khác". Bạn giàu sang u? Bạn thành công ư? Nhưng khi đã trở nên vô cảm, bạn chỉ thấy mỗi bản thân mình mà thôi. Sự giàu sang, sự thành công như vậy có mang lại hạnh phúc cho bạn không khi bạn chỉ sống một mình, hay đúng hơn là bạn tự tách mình ra khỏi cộng đồng, sống không sẻ chia.
Sống đôi khi đơn giản là học cách yêu thương. Hãy thử một lần trải lòng mình ra dù chỉ là chút ít ỏi. Bởi vì, khổ đau được san sẻ sẽ vơi đi một nửa, còn hạnh phúc được san sẻ sẽ nhân đôi. Hãy thử nghĩ xem, cụ già trên đường kia sẽ có thể qua đường nếu bạn chịu bỏ chút ít thời gian dừng xe lại và dắt cụ qua. Em bé sẽ không lạc giữa chợ nô'u bạn chịu bỏ chút ít thời gian đưa em về phường công an tìm mẹ... Mỗi ngày đến trường, bạn có thể dành dụm một chút ít tiền cho quỹ “Vì người nghèo". Nhiều, rất nhiều những việc bạn có thể làm nếu bạn chịu bỏ “chút ít”. Những đóng góp của bạn đôi khi rất nhỏ nhặt nhưng quan trọng hơn hết, đó là tình thương, là sự quan tâm chia sẻ, là cả một tấm lòng. Hãy làm những gì có thể để giúp cho nỗi đau của bao người được vơi đi. Sự trao đi yêu thương đôi khi cũng là điều mang lại hạnh phúc. Phải nói rằng, xã hội càng văn minh, thì con người đối xử với nhau nhân ái hơn, văn minh hơn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại đâu đó lối sống thực dụng, ích kỉ đã làm tổn thương đến truyền thông “nhiễu điều phủ lấy giá gương” của dân tộc ta. Vì vậy, chúng ta không nên nói đời sống công nghiệp đã làm nảy sinh “bệnh vô cảm”, mà căn bệnh ấy xuất phát từ việc giáo dục con em và công dân chúng ta chưa thật nghiêm túc. Thật khó tìm nguyên nhân đầy đủ, nên xin trao câu hỏi này cho các nhà giáo dục và xã hội học, tâm lí học,.
Trong ca khúc “Mưa hồng”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”. Vâng, đừng sống quá vội vã! Đừng để dòng đời hối hả có thể cuốn bạn đi! Đừng quay lưng lại với tất cả! Đừng để dòng màu đỏ chảy trong con người bạn trở nên lạnh đen. Đừng để một khi nào đó dừng lại, bạn chợt nhận ra mình đã vô tình đánh mất quá nhiều thứ! Hãy nuôi dưỡng lòng nhân ái, tình thương của mình cùng mọi người đẩy lùi “căn bệnh vô cảm” kia. Và cũng bởi vì ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến nên hãy cho và nhận những gì bạn có trong ngày hôm nay.
5. Suy nghĩ của em về bệnh vô cảm
Nếu sống không có tình cảm thì khác nào tự huỷ hoại hai tiếng "con người". Truyền thống người Việt từ xưa "thương người như thể thương thân". Đó là truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời mà dân ta giữ gìn. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, lại xuất hiện những con người có lối sống gặm nhấm dần mòn những truyền thống tốt đẹp ấy. Đó là những con người mang trong mình căn bệnh vô cảm - một căn bệnh cực kì nguy hiểm.
Bệnh vô cảm không hề có trong danh sách bệnh của y học. Vậy nhưng điều đáng nói là những điều đó gây ra lại khiến con người ta phải xót xa, đau đớn thay. Có thể những căn bệnh hiểm nghèo, bệnh thế kỉ AIDS là sự quan tâm hàng đầu của y học hiện nay bởi sự nguy hiểm chết người của chúng. Tuy nhiên nó vẫn chỉ là căn bệnh và với sự tiến bộ y học vẫn hy vọng có thể được chữa khỏi. Còn bệnh vô cảm? không đơn giản là sự sống còn của một ai đó mà nó là cả một vấn đề của xã hội - vấn đề nhân đạo.
Những "biểu hiện lâm sàng" của căn bệnh này rất dễ nhận biết. Ngày qua ngày biết bao nhiêu những ứng xử vô cảm diễn ra mà đôi khi người ta coi chúng như những việc bình thường. Người ta thấy việc làm càn không ngăn, thấy người yếu bị ức hiếp cũng không bênh vực. Những líu do "đó là việc của kẻ khác, hơi đâu quan tâm.." càng tiếp tay cho những kẻ xấu, việc xấu lấn tới. Cụ thể, thấy người bị nạn lại bỏ đi, đưa những ánh nhìn lạnh lùng, vô cảm, thậm chí có kẻ lợi dụng cơ hội để ăn cắp, lấy tài sản của họ. Đó là những kẻ không biết động lòng trước nỗi đau của người khác, không biết phẫn nộ, bất bình trước cái xấu. Những cách sống khô khan nghèo nàn và khan hiếm tình cảm như vậy thất đáng buồn. Càng đáng buồn hơn nữa khi nó tồn tại ở mọi tầng lớp, lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người lớn. Một đứa trẻ có thể bắt con chuồn chuồn và vặt cánh, ngắt đuôi nó, lấy đó xem nhu một thú vui. Chúng không hề biết nghĩ hay thất sợ sệt mà ngần ngại. Nhiều bậc cha mẹ cũng nghĩ chuyện bình thương, nó chỉ biết chơi với con vật vậy thôi. Nhưng chác chắn một điều rằng , vô tình đã gieo vào mình ít nhiều mầm mống bệnh vô cảm. Chẳng hạn những cử động, thoát khỏi bàn tay đứa trẻ của con chuồn chuồn một cách bất lực không làm cho đứa trẻ động lòng thương. Liệu có chắc rằng sau này nó không hành động với con người như vậy. Nói một cách khác có thể bạn cho hơi quá nhưng không hề vô lí, nó có thể đối xử với người ta như đã từng đối xử với con chuồn chuồn khi nó lớn lên ai biết được?
Nhiều khi người ta nghĩ rằng giới trẻ là những người văn minh nhất vì họ có tri thức. Nhưng điều đó là chưa hẳn. Người ta chỉ dạy cho họ những tri thức khoa học, mấy khi họ được học những điều về cách sống tình cảm, cách đối nhân xử thế. Có chăng cũng những câu lí thuyết nhàm chán, dần ra cũng chẳng còn tác dụng. Họ chỉ biết sống tốt hơn nếu họ được sống trong môi trương ứng xử tình cảm giữa mọi người. Vậy nên những cảnh xua đuổi người hành khuất, bố thí với ánh mắt dè bĩu, khinh thường của các bạn trẻ cũng không hiếm khi ta bắt gặp. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm thậm chí hàng triệu để tiêu xài vào những thứ vô bổ mà không dám bỏ ra vài nghìn để mua một tờ báo hay một tờ vé số mà các em nhỏ đang nài nỉ khàn cả cổ...Ai dám bảo văn minh là thế?
Những người dân thường đã thế, nếu những người nằm trong đội ngũ lãnh đạo cũng có những người vô cảm, những người thờ ơ trước nỗi khổ dân nghèo, những con người làm các ngành nghề lương tâm như bác sĩ, giáo viên... mà vô cảm thì thế nào? Cuộc sống ngày càng xô bồ, hối hả. Mọi người cứ chạy theo cái vòng quay của cuộc sống. NGười ta mưu sinh chạy theo đồng tiền mà nhiều khi lại bị chính nó điều khiển. Những bản chất truyền thống tốt đẹp của con người bị đồng tiền che lấp. Người ta chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà quên đi người khác. Dần ra, họ sống cuộc sống vô cảm, thậm chí vô nhân đạo , không biết quan tâm, chia sẻ với mọi người. Một người sống trong môi trường không có sự quan tâm chia sẻ giữa mọi người lẫn nhau thì càng có nguy cơ mắc bệnh vô cảm. Không có gì nguy hiểm hơn là một xã hội toàn những người vô cảm.
Ta vẫn thường nghe đâu đó có câu: "Người với người sống để yêu nhau" không có tình yêu của con người với nhau thì đâu thể gọi là xã hội loài người. Vậy nên phải tao ra môi trường sống đầy tình yêu, sự quan tâm, san sẻ với nhau, có như thế căn bệnh vô cảm mới có thể được chữa.
6. Suy nghĩ của em về căn bệnh vô cảm
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng
Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi...”
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi gắm qua những nốt nhạc của mình một sợi chỉ đỏ để gắn kết con người với nhau. Đó chính là “tấm lòng” theo gió cuốn đi. Thế nhưng, thực trạng của xã hội hiện đại lại không đẹp như lời bài hát, bởi căn bệnh vô cảm đã và đang lan truyền một cách chóng mặt - một căn bệnh nguy hiểm mà ai trong số chúng ta cũng có thể mắc phải.
Yêu thương nhau mới khó, chứ xa cách nhau thì chẳng phải là chuyện quá dễ dàng sao? Vô cảm là trạng thái cảm xúc mang tính tiêu cực, là sự tuyệt đối của thờ ơ, lạnh lùng. Sự bình thản một cách đáng sợ của chúng ta trước mọi biến đổi của cuộc sống xung quanh đã tạo nên những bức tưởng kiên cố ngăn cách ta với thế giới. Benjamin Franklin đã nhắc tới những con người với căn bệnh vô cảm ấy qua câu nói “Có những người chết ở tuổi 25 và đến 75 tuổi mới được chôn”. Câu nói có khiến ai đó giật mình? Ta có ở trong đó không? Ta chết khi còn quá trẻ. Vì tâm hồn ta mục ruỗng, héo úa, tàn tạ. Lẽ sống của ta cũng không còn vì ta chưa bao giờ cho đi để nhận lại yêu thương. Yêu thương sẽ chỉ được nảy mầm khi nó được gieo xuống và được chăm sóc hàng ngày. Vô cảm chính là thứ thuốc độc giết chết tâm hồn của ta, khi chúng chưa kịp gieo xuống đất và lớn lên.
Xã hội càng hiện đại, lượng thông tin mà chúng ta nhận được từ nó lại càng nhiều. Nhưng đáng buồn thay, ngày qua ngày những thông tin ấy chỉ toàn là mặt tối của hiện đại, của phát triển. Ta rùng mình ớn lạnh khi nghe tin một đứa bé 12,13 tuổi dám thẳng tay giết hại người bà của mình chỉ vì vài chục nghìn thỏa mãn đam mê với những trò chơi ảo trên mạng. Người yêu cũ sẵn sàng giết hại cả nhà bạn gái chỉ vì sự ngăn cản từ phía gia đình. Bao nhiêu cái chết thương tâm, bao nhiêu mạng người vô tội chỉ vì những con quỷ dữ máu lạnh tồn tại trong tâm hồn và chỉ một phút lơ là, nó đã cướp đi phần lương thiện trong ta.
Còn đau đớn hơn khi ngày ngày trên mặt báo là những khuôn mặt ngây thơ vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường đã sẵn sàng hành hung bạn bằng dao, bằng kiếm, bằng những trận ẩu đả đậm chất giang hồ chỉ vì bạn lỡ lời trên mạng xã hội hay vì nhắn tin vụng trộm với “bạn trai”, “bạn gái” của mình. Nhưng buồn hơn nữa là bạn bè đứng đó, không những không can ngăn, không tìm cách giúp bạn hòa giải mà lại cổ vũ, xúi bẩy, quay clip đăng lên mạng để nhận được những ánh nhìn mà đối với chúng là sự ngưỡng mộ, là sự nể phục. Điều gì đã khiến những cô cậu học trò áo trắng đơn thuần mang trong mình một tâm hồn hiếu chiến đến thế? Sẽ ra sao nếu các em vẫn cứ tiếp tục thờ ơ với chính mình, tiếp tục sống với những tháng ngày bồng bột, thiếu suy nghĩ, với sự vô cảm cứ lớn dần lên không cách nào kìm hãm lại được? Thật khó mà tưởng tưởng một đất nước với những con người lấy thách thức làm bản lĩnh, lấy chiến tích của những cuộc ẩu đả làm thước đo giá trị của con người, đất nước ấy không biết sẽ đi về đâu.
Ta quên làm sao được tiếng khóc nức nở, tiếng van xin đầy bất lực của anh tài xế trong vụ hôi bia ở Đồng Nai tháng 12/2013. Nhìn đôi mắt ngỡ ngàng, đôi tay run rẩy và sự níu kéo tuyệt vọng của anh ta có thấy nhói lòng? Người ta bỏ qua hết những âm thanh ấy, bước qua giá trị đạo đức thường ngày, đạp đổ lằn ranh của sự lương thiện mà bước chân sang bờ bên kia của cái ác. Đôi khi, ranh giới giữa thiện và ác cũng chỉ mong manh như một tấm màn mỏng. Vậy mà ta vẫn không đủ lý trí để xé toạc tấm màn mà sống với đúng lương tri của mình.
Tố Hữu đã từng viết:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau...”
Lương thiện là bản tính vốn có của mỗi người. Mới sinh ra chúng ta có ai là người xấu? Nhưng dòng đời xuôi ngược bon chen với gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến ta thay đổi, biến chất. Con người bị những thứ vật chất phù phiếm che mắt để rồi sa ngã, đánh mất chính mình. Tiền tài, danh lợi lại là thứ được xếp trước đạo đức và nhân cách con người. Sự tác động khách quan từ cuộc sống cũng chỉ là một phần nhưng quan trọng nhất vẫn là cá nhân mỗi chúng ta. Nếu chúng ta đủ lý trí và bản lĩnh đã không bị cám dỗ bởi những thứ phù hoa ấy. Hoặc giả như ta kiên định ngay từ đầu với quan điểm sống của riêng mình thì ta còn dễ bị lung lay bới những tác động trong chốc lát từ ngoại cảnh sao?
Hệ lụy tất yếu của căn bệnh vô cảm là mọi sự kết nối trở nên màu mè, vô nghĩa. Con người sống với nhau bằng sự giả dối, hời hợt. Những mối quan hệ dần rạn nứt, mờ nhòe bởi ta thu mình lại trong vỏ ốc chật hẹp, chỉ đủ chỗ cho những toan tính nhỏ nhen và ích kỷ. Con người không còn rung động trước cái đẹp mong manh, khó nắm bắt của thiên nhiên như màu “trắng điểm” hoa lê trong Truyện Kiều vì họ chỉ đi lướt qua, chứ không dừng lại để cảm nhận. Con người cũng sẽ không yêu bằng sự cao thượng như Puskin, nồng nàn, mãnh liệt như Xuân Diệu, cũng chẳng phải là sự quê mùa chân thật như Nguyễn Bính nữa, thay vào đó là một tình yêu đầy thực dụng của tình - tiền - tài. Chao ôi! Xã hội bây giờ sao mà loạn quá!
Thế nhưng, ta vẫn hãy giữ niềm tin vào tình yêu và tấm lòng. Bởi đâu đó xung quanh ta vẫn có những người nguyện ươm những mầm lương thiện vào đất, ấp ủ nó từng ngày, từng giờ; nâng niu, chia sẻ từng miếng cơm, manh áo cho những người kém may mắn hơn ta. Cũng có thể chỉ là một lời an ủi, động viên rất nhỏ từ một người xa lạ lúc ta đang lạc đường, lỡ bước cũng đủ để kéo một tâm hồn lạc về lại với cuộc sống. Chỉ có yêu thương mới đủ sức đánh bại được bệnh vô cảm đang ăn sâu vào suy nghĩ những con người hiện đại. Mà yêu thương ở đâu được? Trong mỗi chúng ta vẫn luôn có một hạt mầm, chỉ cầm ươm cho nó lớn lên....
Bệnh vô cảm đang hủy hoại cộng đồng từng ngày và nó sẽ còn phát triển không ngừng nếu chúng ta vẫn ích kỷ, nhỏ nhen với suy nghĩ bó hẹp trong cái giếng của mình. Yêu thương và chia sẻ, dù nhỏ nhưng tôi tin nó vẫn sẽ đủ sức để lan truyền tới trái tim của tất cả mọi người. Giống như ở đâu đó trên Trái Đất này, Chí Phèo sẽ vẫn gặp Thị Nở ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình.
7. Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về thói vô cảm của một bộ phận thanh niên trong xã hội hiện nay
Bài viết do Hoatieu.vn biên soạn và chỉnh sửa, không copy qua website khác. Mời bạn đọc tham khảo để hoàn thành bài viết của mình.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Đó là lời răn dạy của người xưa về tình yêu thương, sự đoàn kết giữa con người với con người trong xã hội, cũng là truyền thống, sức mạnh tinh thần đưa đất nước vượt qua muôn trùng thử thách của giặc ngoại xâm, thiên tai, hoạn nạn. "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ" hay "Thương người như thể thương thân" từ ấy đã trở thành đạo lý sống của con người, được các thế hệ cha ông gìn giữ, phát huy. Thế nhưng đến ngày nay, khi nhân loại bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật hiện đại mang đến bao tiện ích thuận lợi, giúp con người, đặc biệt là thế hệ trẻ mở mang thêm điều kiện học tập, trau dồi và tiếp cận với nguồn kiến thức mới thì kì lạ thay, giá trị đạo đức tốt đẹp về lòng tương thân tương ái lại ngày càng xói món, biến chất. Dần dần sản sinh ra thế hệ thanh niên sống thực dụng, ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân, thờ ơ, bàng quan với mọi việc xung quanh. Thử nghĩ xem, thế hệ con người mới sống vô cảm như thế thì liệu xã hội có phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn?
Vô cảm trong xã hội hiện đại đã trở thành căn bệnh chưa có thuốc chữa hay "vắc xin" phòng ngừa. Vấn đề vô cảm trong xã hội đang là câu hỏi thách đố cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm. Tìm hiểu thực trạng và nguyên nhân của “bệnh vô cảm”, chúng ta sẽ thấy tác hại ghê gớm mà nó đem đến cho cuộc sống của con người, khiến sự tử tế và sự nhân văn cạn kiệt.
"Bệnh vô cảm" là căn bệnh tâm hồn của những người có trái tim lạnh giá, không xúc động, sống ích kỷ, lạnh lùng. Họ thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa, hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình. Đồng thời cũng chẳng có cảm xúc với những việc làm, nghĩa cử cao đẹp của người khác, chỉ biết nghĩ cho bản thân và vì lợi ích của bản thân. Thật đau lòng mỗi khi những hình ảnh vô cảm và thiếu đạo đức của giới trẻ được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo hay những việc được chính chúng ta chứng kiến hằng ngày. Những sự việc như các bạn học sinh đánh nhau, cởi đồ và xé áo bạn mình đang có nguy cơ trở thành một “phong trào” hay là học sinh đánh thầy cô giáo, giáo viên có hành động và lời nói thiếu mô phạm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sư phạm. Điều đáng lên án là, khi chứng kiến các vụ việc trên, hầu hết các bạn đều dửng dưng, bàng quan như không thấy gì; số khác lại cổ vũ cho những hành động vô đạo đức và thiếu văn hóa, thậm chí tung clip lên mạng xã hội để hùa theo sai trái. Những suy nghĩ như "chuyện không liên quan đến mình", "nó phải thế nào thì mới bị bắt nạt", "mạnh ai nấy sống"... đã khiến lòng trắc ẩn của con người bị bào mòn. Chúng ta không còn day dứt trước sự khổ đau của người khác, không còn phẫn nộ trước sự xấu xa. Nguy hại hơn, căn bệnh vô cảm lại đang len lỏi sâu rộng trong bộ phận giới trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Thử nghĩ xem, một đất nước sẽ phát triển thế nào nếu lứa thanh niên thời đại mới có suy nghĩ lệch lạc như thế?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của giới trẻ. Do bản thân họ thiếu tình yêu thương, thiếu lòng quảng đại; họ sống bằng thứ lý trí sắt đá, tình cảm khô cằn của mình. Khi một con người bị chính cái xấu hãm hại, khi mà những điều tốt đẹp không xảy đến với bản thân, thì họ sẽ trở nên hận đời và vô cảm trước cuộc đời. Họ không còn lòng tin vào điều tốt, thế nên họ vô cảm trước những điều tốt đẹp trên cuộc đời này. Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại, nhiều gia đình - tế bào của xã hội lại rất ít khi dạy con có sự đồng cảm với người khác. Ngay từ bé, lúc trẻ bắt đầu nhận thức thế giới mà bố mẹ bỏ bê con cái, bó hẹp không gian giao tiếp của trẻ, mặc trẻ giao lưu với những trờ chơi game online, những video xấu trên mạng thì liệu đứa trẻ ấy học cách yêu thương từ đâu? Đúc kết kinh nghiệm giáo dục con cái, ông cha ta đã khuyên: “Dạy con từ thuở còn thơ”, cũng tựa như uốn nắn thân cây, phải uốn từ lúc cây còn non, đâu có ai để đến lúc lớn mới dạy dỗ. Nhưng dường như nhiều gia đình ngày nay không coi trọng điều này, không quan tâm đến việc dạy con phải có sự đồng cảm, yêu thương, giúp đỡ và biết tha thứ cho người khác. Không chỉ vậy, một bộ phận cha mẹ lại quá yêu chiều con, đáp ứng mọi yêu cầu từ con mà không dạy cho con biết chia sẻ, quan tâm và sống có trách nhiệm với bản thân và những người xung quanh. Một đứa trẻ chỉ biết "nhận" thì sẽ nghèo nàn về cảm xúc đến mức nào?
Một nguyên nhân lớn khác đến từ nhà trường và xã hội. Nhà trường, xã hội là một trong những thành tố quan trọng trong giáo dục đạo đức. Tuy nhiên ngày nay, ở một số trường chỉ chú tọng nhồi nhét kiến thức mà bỏ quên vấn đề đạo đức. Một bộ phận giáo viên thiếu mẫu mực, nhiệt huyết với việc giáo dục, vẫn còn đó những thầy cô chưa hoàn thiện nhân cách. Thực tế không thiếu giáo viên ăn nói thô lỗ, vô văn hóa trước mặt học sinh. Những hành vi này xâm nhập vào thế giới quan của học sinh, dần dà hình thành lối hành xử thô bạo, thiếu tình thương. Sự vô cảm lẽ nào chẳng bắt nguồn từ đó? Thầy cô được xem như cha mẹ thứ hai của học sinh. Nếu họ vô cảm thì sẽ thiếu tình thương dành cho những đứa con của mình, thiếu nhiệt tình và trách nhiệm trong việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Vì “vô cảm” họ cũng sẽ “đào tạo” ra những học trò vô cảm như họ.
Bệnh vô cảm có những tác hại thật ghê gớm, nó không chỉ làm suy giảm đạo đức của một cá nhân mà còn đẩy xã hội đến bờ tụt hậu, suy thoái, mối quan hệ giữa con người với con người sẽ chẳng còn yêu thương, mà chỉ còn lại sự thờ ơ lãnh đạm. Đặc biệt đối với thanh niên hiện nay, bệnh vô cảm là căn bệnh chết người bào mòn mọi cảm xúc. Những thanh niên này là thế hệ tương lai của đất nước, họ sẽ rời ghế nhà trường và làm ngành nghề nào đó, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, tài xế, công chức... Nhưng với sự vô cảm từ tâm hồn, họ sẽ chỉ mang lại nỗi đau cho người khác và trở thành vấn nạn của xã hội. Thử hỏi một bác sĩ vô tâm sẽ có tình thương với bệnh nhân hay chăng? Một giáo viên thiếu sự nhiệt huyết sao có thể bồi dưỡng những tâm hồn thơ trẻ tốt đẹp? Một nhân viên công vụ ích kỷ liệu sẽ khiến câu nói "hành chính bằng hành là chính" tiếp tục kéo dài?... Đây quả thật là một mối họa vô cùng lớn cho xã hội!
Nhip sống hối hả, rồi lo toan cơm áo gạo tiền, lối sống quá nặng tính cá nhân khiến con người ngày càng ít để tâm đến người khác, có nhiều người thấy không cần giúp ai cả, và lâu dần hình thành tâm lý sống "chỉ biết mình". Trong nhiều trường hợp, sự vô cảm còn bắt nguồn cả ở sự sợ vạ lây, "không phải đầu cũng phải tai". Gần đây trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip một người đàn ông trước khi giúp người bị tai nạn đã phải đưa điện thoại nhờ người khác quay xác nhận rằng mình không phải là thủ phạm gây tai nạn mà chỉ là người giúp đỡ. Vừa quay clip, vừa khẳng định rằng quay lại cho chắc chắn để tránh vạ lây. Hành động này cho thấy một thực trạng đáng buồn rằng đôi khi lòng tốt lại trở thành thứ phiền phức. Hay gần đây nhất là vụ việc cô gái bị sát hại vì tin tưởng bạn cùng xóm trọ, giúp anh ta dọn phòng trước khi nghỉ Tết, không ngờ bị anh ta tính kế hãm hại. Khi lòng tốt bị lợi dụng, dần dần những người tốt cũng sẽ trở nên thờ ơ.
“Bệnh vô cảm” là con đường dẫn đến tội ác. Hơn nữa, nó còn lây lan trong cộng đồng: một người vô cảm thì mọi người xung quanh sẽ vô cảm theo, và cuối cùng, có thể là cả một xã hội vô cảm. Vô cảm còn ví như căn bệnh “ung thư tâm hồn”. Nói đến căn bệnh thể xác thì người ta sợ nhất là ung thư, còn nói đến căn bệnh tâm hồn thì “vô cảm” cũng đáng sợ không kém. Bởi lẽ, nó có sức công phá ghê gớm trên nhân cách và đạo đức của con người. Từ đó, nó phá hủy toàn bộ nền kinh tế và chính trị của cả một dân tộc. Chính vì thế, từ cá nhân đến gia đình, từ trong nhà trường ra ngoài xã hội, phải chung tay góp sức, tích cực đẩy lùi căn “bệnh vô cảm” này ra khỏi đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Mỗi bạn trẻ hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức của con người, biết đồng cảm với mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái, yêu thương những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình.
Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Con người sống mà không có tình thương thì chẳng khác chi con vật, chẳng khác chi cái xác không hồn, tồn tại giữa dòng đời một cách vô nghĩa, và sẽ chết dần mòn trong cô đơn, lạnh lẽo. Thế nên, chúng ta hãy tích cực chống lại “bệnh vô cảm”, phải sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt là phải mở lòng mình ra với cuộc sống. Chúng ta nên có một “trái tim nóng” để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương, biết rung cảm với mọi người. Hãy phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”. Đó là liều thuốc đặc hiệu để chữa “bệnh vô cảm”. Như vậy, giới trẻ mới là chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam giàu đẹp, hiện đại và văn minh.
8. Nêu suy nghĩ của em về sự thờ ơ, vô cảm của giới trẻ hiện nay
Xã hội đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế… Chính sự phát triển như vũ bão này lại là tác nhân khiến cho thái độ sống của con người với nhau trở nên xa lạ, không còn thân thiết. Bởi guồng quay cuộc sống kéo họ vào những bận rộn, hối hả đời thường. Và thái độ sống vô cảm, thờ ơ cũng từ đó mà hình thành nên.
Trước hết chúng ta cần hiểu rõ vô cảm là như thế nào? Và tại sao lại gọi vô cảm là “bệnh”. Người ta chỉ gọi bệnh ho, bệnh lao, bệnh ngoài da… có thể dùng thuốc để chữa nhưng vô cảm cũng là một loại bệnh. Chắc hẳn có ý ẩn dụ gì đằng sau câu chữ đó. Vô cảm chính là thái độ sống lạnh nhạt, thờ ơ đối với cuộc sống, với những người ở xung quanh chúng ta. Bản thân chúng ta không quan tâm, không có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và với người khác.
Hiện nay khi đất nước ngày càng phát triển thì vô cảm càng dễ dẫn đến thành một loại bệnh. Cần phải tìm “phương thuốc” để chữa trị, xích gần hơn nữa tình cảm giữa người với người, phương pháp ấy sẽ xóa bỏ được lối sống lãnh đạm, thờ ơ này ở con người trong xã hội này.
Căn bệnh vô cảm khi đã tồn tại trong con người thì sẽ ăn sâu, bám rễ không chịu buông. Mỗi người cần có cách thức, có phương pháp để hạn chế căn bệnh nguy hiểm có thể ăn mòn trái tim của mỗi người.
Bệnh vô cảm xuất hiện trong đời sống hiện đại ngày càng nhiều, đó chính là thái độ, cách ứng xử giữa người với người. Họ không còn thân thiết, hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện mà đã trở nên vô cảm, lạnh lùng, thờ ơ, không còn quan tâm nhiều đến cuộc sống của nhau nữa.
Những người con xa nhà lâu ngày, bị cuốn vào guồng quay của công việc nên việc hỏi thăm cha mẹ thường xuyên cũng thưa dần. Rồi những lần gọi điện, những lần về thăm cứ cạn vơi theo năm tháng. Như thế chúng ta đang vô tình khiến cho trái tim mình, cho bản thân mình vô cảm với những người thân yêu nhất. Vô cảm thật đáng trách, đáng giận nhưng nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm, biết sửa chữa, biết hỏi thăm cuộc sống của nhau thì thật đáng quý. Con người ai cũng có lỗi lầm, chỉ cần biết nhận sai và sửa sai.
Hiện nay, có rất nhiều tình huống dở khóc dở cười khi con người cứ lạnh nhạt, vô tâm với nhau. Mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống; có người giàu sang, có người khốn khó, biết trách ai được.
Chiều nay khi đi trên phố, tôi thấy có một đôi vợ chồng trẻ đi trên chiếc xe Sh sang chảnh. Họ đi qua khu chợ ồn ào, náo nhiệt, cười nói rất vui vẻ. Họ bắt gặp một bà lão già mắt kèm nhem dắt theo một đứa cháu nhỏ chân không đi dép mặc bồ quần áo rách rưới. Họ ngả chiếc nón trước mắt hai vợ chồng kia xin vài ba đồng. Nhưng hai bà cháu nhận lại là ánh mắt khinh khỉnh, không quan tâm. Hai vợ chồng ấy mang theo hương nước hoa thơm lừng, bỏ lại sau lưng thái độ lạnh lùng đến vô tâm. Như vậy đó, vô cảm chỉ là những biểu hiện nhỏ nhặt trong cuộc sống như vậy nhưng chúng ta đâu phải ai cũng có đủ tâm để nhận ra.
Con người ta sống ở trên đời cần phải yêu thương, chia sẻ cho nhau những lúc khốn khó. Thấy nỗi khổ của người khác như nỗi khổ của bản thân mình thì mới có thể giúp đỡ một cách thực tâm được. Cũng bởi vì thái độ sống thờ ơ, lạnh nhạt nên cuộc sống của họ thiếu đi tình yêu thực tâm nhất.
Đối với thế hệ trẻ thì thái độ sống vô cảm cần phải ngăn chặn trước. Vì tương lai đất nước cần những con người tài giỏi và biết sẻ chia, biết yêu thương đồng loại. Dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta có thể dùng chính trái tim mình để sưởi ấm những trái tim khác đang đầy những vết xước hơn.
Vô cảm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, từ sự phát triển quá nhanh của xã hội khiến cho con người không bắt kịp được. Cũng từ đó họ bị cuốn sâu vào sự bộn bề, lo toan mà quên mất đi tấm lòng yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh mình.
Vô cảm có thể sẽ thành thói quen nếu như chúng ta không kịp ngăn chặn và từ bỏ. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần phải tự nhận thức được suy nghĩ của bản thân mình. Rằng khi yêu thương và sẻ chia thương yêu thì chúng ta sẽ thấy bản thân mình sống có ích, sống tốt đẹp hơn.
9. Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về lối sống vô cảm
Nếu như ngày nay HIV/AIDS đã được các nhà khoa học tìm ra xu hướng điều trị mới nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng quét sạch toàn bộ HIV ra khỏi danh sách những căn bệnh không có thuốc chữa thì vô cảm_căn bệnh tinh thần của con người vẫn chưa tìm ra vắc xin. Bệnh vô cảm là một thái độ sống chưa tốt, có nhiều biểu hiện tiêu cực đáng báo động trong xã hội. Điều đó khiến cho mỗi con người cần phải suy ngẫm, trăn trở với mong muốn tìm ra giải pháp trị liệu hiệu quả.
Vậy bệnh vô cảm là căn bệnh như thế nào? Vô là không, cảm là cảm xúc. Vô cảm chính là không có cảm xúc. Nó đã trở thành “bệnh” nhiễm sâu vào trong suy nghĩ và hành động của mỗi người. Bệnh vô cảm là thái độ sống thờ ơ, dửng dưng, không quan tâm đến con người và sự vật, sự việc diễn ra xung quanh trong cuộc sống. Căn bệnh vô cảm khiến cho con người ta sống một “trái tim không có tình người”. Mà như Nam Cao đã nói “không có tình thương, con người chỉ là một con vật bị sai khiến bởi lòng ích kỉ” (Đời thừa).
Chắc hẳn ngay từ khi còn thơ bé chúng ta đã được đọc truyện cổ tích. Nếu ai đã từng đọc “Cô bé bán diêm” ắt hẳn sẽ không thể quên được cái đêm hôm ấy – đêm Giáng sinh “Trời lạnh mọi người quây quần bên chiếc lò sưởi để đón Giáng sinh…. Trên khắp phố phường một số người hối hả trở về nhà dường như không có ai để ý đến cô bé”. Mặc dù đôi mắt ngây thơ ấy nửa van xin nửa ngại ngùng, chẳng hiểu sao cô vẫn bán như mọi ngày nhưng hôm nay tuyệt nhiên không một ai hỏi đến phải chăng vì họ vô tâm hay họ quá vội vã? Chính thái độ thờ ơ đó đã để em chết vì cái đói, cái giá lạnh trong đêm Giáng sinh hạnh phúc của bao người. Cái chết ám ảnh của cô bé đã khiến cho người đọc xót xa mà day dứt sao đêm ấy mọi người lại bỏ mặc em đến vậy. Tác giả ắt hẳn rất đau lòng khi đã để em chết trong hiện thực nghiệt ngã, đau lòng khi thấy giá trị đạo đức đang đi xuống nhưng cũng là để nhắn nhủ với bạn đọc hãy biết sống có tình người, yêu thương lẫn nhau.
Bước ra từ trang sách những con người vô cảm trong đêm Giáng sinh vẫn hiện hữu ở khắp mọi nơi trong cuộc sống. Bệnh vô cảm có ở trong mọi lứa tuổi, nghề nghiệp căn bệnh ấy đã “lây nhiễm” trong toàn xã hội. Ngay một số quan chức cấp cao_ những người mà theo Hồ Chí Minh nhận định: “Mỗi người Đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng mình vào Đảng là để làm đầy tớ cho nhân dân… làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan nhân dân… và phải làm cho tốt”. Những con người ấy phải phục vụ cho lợi ích của quần chúng nhưng một số chính quyền địa phương lại có thái độ dửng dưng, không quan tâm.
Vụ án gần đây của Đặng Văn Hiến (Đăk Nông) vụ việc tranh chấp đất đai giữa dân làng và người của công ty Long Sơn. Trong tình thế nguy kịch giữa một bên là đất đai bị cướp, vợ con bị đe dọa và thái độ hung hăng của chúng đã buộc Hiến phải nổ súng. Tiếng súng ấy không phải của một tội phạm khát máu. Tiếng súng thức tỉnh lương tri. Tiếng súng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự vô cảm của chính quyền địa phương. Nếu có sự can thiệp của cơ quan chức năng thì có lẽ người dân lương thiện không phải dùng đến bạo lực để giải quyết để bây giờ phải lãnh án giết người.
Ngay cả trong môi trường giáo dục_nơi ươm mầm tri thức cho đất nước nhưng căn bệnh vô cảm vẫn có mặt. Bạo lực học đường là vấn đề nổi trội lên hiện nay. Các em học sinh thấy bạn bè đánh nhau không can ngăn mà cổ súy, dửng dưng quay clip cho lên mạng xã hội. Thầy cô giáo thấy hành vi sai trái của học sinh thì lờ đi như không biết. Con người ta thật bình tâm trước cái xấu.
Bệnh vô cảm biểu hiện ngay trong những hành động ta vô tình bắt gặp ngoài đường. Là thấy kẻ gian móc túi mà không dám lên tiếng, là thấy những số phận bất hạnh nghèo khổ ta thờ ơ ngang qua. Là những vụ tai nạn giao thông nạn nhân đang giành giật giữa sự sống và cái chết ngay trước mặt nhưng họ vẫn làm ngơ, họ bàn tán, xì xào mà sao không một ai gọi cấp cứu.
Vô cảm không chỉ đối với mọi người mà còn đối với chính bản thân, người thân yêu nhất của mình. Hội thánh đức chúa trời đang hoạt động mạnh mẽ ở nước ta. Đây là một tà đạo hủy hoại nếp sống văn minh của con người. Những hội viên “ngây thơ” đa phần là sinh viên chính vì thờ ơ, không quan tâm theo dõi tin tức nên để mình bị lôi kéo, dụ dỗ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Biểu hiện của bệnh vô cảm vô cùng đa dạng, đối tượng phong phú, nó lây nhiễm như một dịch bệnh có ở mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Vậy nguyên nhân nào khiến cho căn bệnh ấy ngày càng trầm trọng? Cuộc sống ngày càng phát triển con người càng phải guồng quay hối hả chạy theo vật chất mà quên mất rằng thế giới tinh thần rất quan trọng. Vô cảm xuất phát từ tâm lí đám đông họ sợ gặp rắc rối, sợ “mua dây buộc mình”. Vô cảm bởi lối sống ích kỉ chưa được giáo dục đúng đắn…
Chính căn bệnh ấy đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, nó làm cho con người từ “nhân chi sơ tính bản thiện” trở thành người vô tâm, vô tình. Vô cảm làm mất đi truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh thần tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”. Nó làm cho văn hóa “tắt lửa tối đèn có nhau” dần mất đi trong cuộc sống nhộn nhịp nơi phố phường, khiến con người sống chạm mặt mà cách lòng…
Tuy nhiên không phải ai cũng mắc phải căn bệnh ấy, trong xã hội còn rất nhiều người tốt dám hi sinh xả thân cứu người, nhiều hành động đẹp để ta học tập. Để đẩy lùi được căn bệnh ấy cần phải xây dựng được một lối sống văn minh, một xã hội đồng cảm, sẻ chia. Cần khơi dậy lòng nhân ái và dung khí trong mỗi con người. Cần xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, gìn giữ truyền thống nhân đạo của dân tộc.
Là một người trẻ em nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh vô cảm. Đây là một căn bệnh cần được điều trị kịp thời. Mỗi người chúng ta hãy cùng nhau chung tay đẩy lùi “dịch bệnh” để cuộc sống này biết yêu thương, vui buồn trước nỗi đau của mỗi con người, để xã hội này là xã hội của tình thương yêu. Một nhà văn Nga đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương” chính là vậy.
10. Anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay
"Vô cảm" là không có cảm giác, không có tình cảm, không xúc động trước một sự vật, hiện tượng, một vấn đề gì đó trong đời sống. Bệnh vô cảm là căn bệnh của những người không có tình yêu thương, sống dửng dưng trước nỗi đau của con người, xã hội, nhân loại...
Trải qua các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, những cuộc đọ sức với thiên tai khắc nghiệt, nhân dân ta đã có truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Dường như càng qua gian khổ, đau thương, mất mát con người lại sống gần nhau, quan tâm, giúp đỡ nhau nhiều hơn. Tình làng nghĩa xóm, thương người như thể thương thân đã trở thành một đạo lí của dân tộc: "Bán anh em xa mua láng giềng gần".
Hiện nay, trong cuộc sống vật chất ngày càng được cải thiện hơn, đầy đủ hơn, người ta dễ có xu hướng lo vun vén cho bản thân và gia đình mình, ít quan tâm đến những vấn đề xã hội. Trước kia, ông cha ta đã phê phán lối sống chỉ biết vun vén cho riêng mình. Cuộc sống quanh ta hiện nay không thiếu những người như thế. Họ sống thờ ơ với mọi việc đang diễn ra, nhà nào nào đóng cửa biết nhà nấy. Nhà hàng xóm có hoạn nạn, có con cái bị rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội họ cũng bàng quan như không biết. Đi đường gặp người bị tai nạn, họ cũng bỏ qua như không nhìn thấy. Thấy lũ trẻ cái nhau thậm chí đánh nhau họ cũng làm ngơ. Trước cảnh khổ đau của những người tàn tật, bất hạnh, họ cũng không mảy may xúc động...Bệnh vô cảm đã làm cho con người như vô tri, vô giác, không thể hòa nhập với cộng đồng.
Trong công việc, bệnh vô cảm làm cho con người chẳng khác nào một cái máy. Họ làm việc một cách đơn điệu, tẻ nhạt. Con người mắc bệnh vô cảm trong công việc, chắn chắc hiệu quả công việc sẽ không thể nào cao, thậm chí còn làm trì trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng.
Là cán bộ, công chức của Nhà nước, mắc bệnh vô cảm sẽ dẫn đến xa rời nhân dân, tắc trách trong công việc. Một bác sĩ vô cảm không thể có tình thương người bệnh, nhất là những người bệnh nghèo. Không thiếu những trường hợp vì vô cảm mà người bệnh không được chăm sóc chu đáo, dẫn đến những cái chết đáng tiếc. Một kĩ sư vô cảm có thể dửng dưng trước những sinh mạng con người do công trình không đạt chất lượng của mình gây ra. Một tài xế vô cảm sẵn sàng xem thường tính mạng của người khác khi phóng nhanh vượt ẩu. Một thầy giáo vô cảm chỉ nghĩ bài giảng cho xong chuyện, còn nói gì đến tình nghĩa thầy trò, tận tâm dạy bảo, nhất là những học trò còn học kém, gia đình khó khăn. Cán bộ vô cảm sẽ không thể nhìn thấy hoàn cảnh của mỗi người dân, không thấy những nỗi bức xúc của nhân dân, giúp đỡ nhân dân tận tâm, tận tình.
Gần đây thôi, nếu bạn có tình cờ xem qua các trang báo sẽ ngỡ ngàng vô cùng với "sự nhẫn tâm" đến đáng sợ của con người: Một thanh niên gào khóc thảm thiết trên chuyến xe buýt khi kẻ gian lấy mất chiếc bóp của anh ấy nhưng đáp lại là sự im lặng đến xót xa. Và đau lòng hơn nữa khi xem cảnh bao người đi "hôi bia" khi chuyến xe định mệnh của người tài xế đáng thương lật trên đường. Đáp lại cho tiếng khóc của anh là tiếng cười hả hê của những người đi nhặt của "trên trời rơi xuống". Viết đến đây tôi lạnh cả người và tự hỏi lòng trắc ẩn, tình thương của con người hiện đại có còn hay không? Phải chăng khi xã hội phát triển con người lại đánh mất tình yêu thương?
Là bản thân học sinh chúng ta hãy ra sức chống bệnh vô cảm trong việc làm, học tập hằng ngày của mình. Hãy quan tâm giúp đỡ bạn bè. Hãy chia sẻ những gì mình có thể cho những cuộc đời bất hạnh quanh ta. Đừng để một ngày nào đó khi nhìn thấy bà lão ăn xin, một đứa bé côi cút bơ vơ, một người khách lỡ đường mà trái tim bạn không lên tiếng. Hãy thắp sáng, hãy gieo mầm cho những yêu thương trong trái tim bạn, trái tim tôi, trái tim tất cả chúng ta.
Tình thương là cái quí giá của con người; bệnh vô cảm đã làm mất phẩm chất ấy, không khác gì biến dòng máu hồng hào trở thành màu xanh. Trái tim mỗi người cần thắp sáng ước mơ, khát vọng, ý chí và sự sáng tạo gắn bó với cộng đồng. Điều đó sẽ chống được bệnh vô cảm và làm cho cuộc đời của con người.
11. Viết một đoạn văn ngắn thể hiện suy nghĩ về bệnh vô cảm
Xã hội ngày càng phát triển thì càng có nhiều vấn nạn xảy ra, xuất hiện những căn bệnh xã hội, một trong số đó là căn bệnh vô cảm. Bệnh vô cảm ngày càng lớn mạnh và trở thành nỗi lo lắng cho xã hội ngày nay.
Bệnh vô cảm là một căn bệnh sinh ra trong nhận thức mỗi con người. Đó là sự thờ ơ với mọi việc, hiện tượng trong đời sống. Những con người có trái tim lạnh lùng với tất cả nỗi đau, sự bất hạnh khó khăn của người khác. Có thể lí giải căn bệnh vô cảm sinh ra do xã hội phát triển ngày càng nhanh, con người lao vào guồng quay kiếm tiền, lo cho cuộc sống gia đình, bản thân mà quên đi các sự vật sự việc đang diễn ra xung quanh. Họ bận lo lắng cho mình mà quên đi việc phải giúp đỡ những con người đang gặp khó khăn cần họ giúp đỡ, hoặc làm ngơ hay im lặng trước cái xấu mà đáng ra mình phải lên tiếng. Nhưng nguyên nhân của sự vô cảm không thể không nhắc đến những con người có sẵn bản tính ích kỉ, không muốn giúp đỡ người khác hay xã hội trở nên tốt hơn.
Bệnh vô cảm có nhiều biểu hiện dễ nhận thấy trong cuộc sống. Bệnh vô cảm im lặng và làm ngơ với những khó khăn của người bên cạnh mình, thậm chí là người thân. Ví dụ như họ dửng dưng với việc phải giúp bố mẹ làm việc nhà, để cho cụ già phải đứng trên xe buýt trong khi mình được ngồi. Họ im lặng đi qua những tai nạn cần giúp đỡ trên đường, vội vàng tránh né vì sợ liên lụy đến bản thân và tốn thời gian của mình. Hay vô cảm do sự ích kỉ của bản thân, sự thù hằn hay lòng ghen ghét. Thậm chí vô cảm là ánh mắt lạnh lùng có phần khinh bỉ với những con người có khiếm khuyết trên cơ thể, mắc những căn bệnh khó chữa hay những hoàn cảnh đáng thương. Những người có trái tim vô cảm thường có hiểu biết hẹp hòi hay thường không có lòng nhân ái, họ ích kỷ cùng trái tim cằn cỗi.
Có thể lấy hàng trăm nghìn ví dụ về bệnh vô cảm trong đời sống mà con người ta phải cảnh tỉnh trên báo chí. Ví dụ như chiều ngày 13/3/2015, tại một khu đất trống ở Thành phố Hồ Chí Minh bỗng xảy ra một vụ nổ lớn khiến anh Nguyễn Hữu Đức bị bỏng nặng. Người dân xung quanh đưa anh tới bệnh viện nhưng không một con taxi nào chịu chở anh. Clip được quay lại và phát trên mạng làm cho mọi người rùng mình về nỗi đau của người khác. Hay gần đây là vụ nữ sinh 12 bị bỏng bị lên án vì sự thờ ơ của các giáo viên hay sự vô cảm của một phần cộng đồng mạng khi mắng nhiếc nữ sinh ấy làm quá mọi việc lên….
Ngày xưa có câu:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước thì thương nhau cùng.
Lá lành đùm lá rách”
Câu đó ám chỉ một dân tộc có truyền thống tương thân tương ái từ xa xưa, nhưng tiếc thay khi xã hội càng phát triển truyền thống tốt đẹp ấy dần bị mai một bởi một bộ phận không ít người càng ngày trở nên vô cảm. Đó là một căn bệnh lây lan và để lại những hậu quả xấu cho đất nước. Con người trở thành kẻ vô trách nhiệm thậm chí vô lương tâm, nặng hơn nữa là có tội. Bác sĩ mà vô cảm sẽ để cho nhiều bệnh nhân nặng bệnh mà càng thêm nặng .Cũng vì vô cảm dân cư mạng không đặt hoàn cảnh bản thân vào người khác mà bình luận những câu phiến diện mà cho người trong cuộc trở nên càng tội tệ, không thiếu những vụ tự tử vì bị giễu cợt hay bịa chuyện. Căn bệnh vô cảm sẽ như thế nào nếu ai cũng mắc? Tất cả mọi người sẽ quay lưng lại với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác, làm ngơ trước cái xấu. Từ đó cái xấu sẽ thống trị cho sự tốt đẹp lâu nay đang tồn tại của xã hội. Nó đang làm mất đi tình thương giữa con người với con người. Nếu không ngă lại nó sẽ thành sự hiển nhiên được xã hội chấp nhận và lan rộng mãi như một bệnh dịch nguy hiểm.
Mọi người cần có phương pháp ngăn chặn căn bệnh nguy hiểm này. Cần trích dẫn những hiện tượng vô cảm lên các phương tiện truyền thông như báo chí, các trang mạng xã hội như một lời cảnh tỉnh răn đe với những con người mang trong mình trái tim vô cảm. Giới trẻ cần được dạy biết yêu thương khi được sinh ra, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bố mẹ cũng đừng vô tâm trước con cái để trẻ em không làm theo bởi Khổng Tử đã nói rằng trẻ em sinh ra tờ giấy trắng. Chúng ta nên đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện, vừa có ích cho xã hội vừa đánh thức trái tim yêu thương trong mỗi con người.
Trái đất, xã hội sẽ trở nên đẹp biết bao nếu con người cởi mở với nhau hơn, quan tâm yêu thương nhau. Chúng ta luôn cố gắng cho bản thân mình trở nên tốt đẹp, có lẽ gì mà chúng ta không nỗ lực để cho xã hội để càng trở nên tươi đẹp hơn.
12. Nghị luận về bệnh vô cảm học sinh giỏi
Nghị luận về bệnh vô cảm - Mẫu 1
Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống. Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chip “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội – bệnh vô cảm.
Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy ?Trước hết là về cái đẹp, bây giờ ra ngoài đường, hiếm ai có thể bắt gặp một người đàn ông đạp xe ung dung dạo mát, thưởng ngoạn cái không khí trong lành, tươi mát dưới những hàng cây cổ thụ vàm bóng quanh bờ hồ ; một người con gái dịu hiền, yêu kiều trong chiếc váy thanh thoát tản bộ trên những con đường hoa sấu, hoa sữa đầy mộng mơ mà hầu hết là những dòng người tấp nập, vội vã, chen lấn xô đẩy trên đường, xe buýt. Lúc ấy cũng chính là lúc mà con người ta mất một phần tâm hồn đẹp đẽ đã bị chôn vùi dưới lớp cát.
Phải chăng cũng vì như thế mà họ càng lúc càng khép chặt cánh cửa trái tim mình lại, không còn biết hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai ?Vô cảm với cái đẹp mới chỉ là bước đầu. Một khi người ta đã không biết ngưỡng mộ, không biết say mê, rung động trước những điều đẹp đẽ thì trái tim cũng dần chai sạn rồi đến đóng băng. Khi ấy, không chỉ là cái đẹp mà đứng trước những hành động ác động, vô lương tâm, con người ta cũng cảm thấy bình thường, không oán trách cũng không cảm thông, động lòng với những nạn nhân bị hại . Một tháng trước, tôi đọc được một bài báo trên mạng có đưa tin về vụ một đứa bé Trung Quốc hai tuổi bị xe tải cán . Thương xót, đau lòng làm sao khi nhìn cô bé đau đớn nằm trên vũng máu mà không một người nào qua đường để ý, cuống cuồng gọi cấp cứu. Họ nhìn thấy rồi đấy nhưng họ lại cố tình như không thấy, đi vòng qua cô bé để tiếp tục con đường nhạt thếch, sáo mòn của mình . Càng chua xót, đau lòng, phẫn nộ hơn khi chiếc xe tải tiếp theo nhìn thấy cô bé nằm đó, vẫn thoi thóp thở, bám víu lấy cuộc đời lại vô tình chẹt cả bốn bánh xe nặng trịch đi qua người cô bé, thản nhiên đi tiếp. Người qua đường vẫn thế, vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Cô bé xấu số chỉ được cấp cứu khi một người phụ nữ nhặt rác đi qua, thấy cảm thông, đau lòng nên đã bế cô đi bệnh viện.
Có những con người ích kỷ, vô tâm, tàn nhẫn như vậy đấy. Không những thế, bây giờ ra đường gặp người bị cướp, bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng lại không thấy anh hùng nào ra can ngăn, cứu giúp hay chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là báo công an. Đó là những con người “không dại gì” và cũng chính “nhờ” những người “không dại gì” đó mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn loạn. Chính lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng được thể truyền nhiễm, lây lan. Vô cảm còn là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái ác. Nó là một căn bệnh lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao có thể thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm của người khác. người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích của riêng mình mà thôi .
Nếu không vô cảm, tại sao các cô giáo ở trường mầm non lại nhẫn tâm giật tóc, đánh đập, bịt miệng các cháu bé còn ngây thơ, nhỏ tuổi ? Tại sao một người còn chưa qua tuổi trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà người ta để lấy của cải ? Xa hơn nữa là các công chức bình thản ăn tiền ủng hộ, trợ giúp những số phận đau thương, bất hạnh của người dân để kiếm lợi cho riêng mình. Và còn nhiều, còn nhiều hành động xấu xa hơn nữa. Tất cả những điều vô lương tâm ấy đề xuất phát từ căn bệnh vô cảm mà ra. Chúng ta biết bệnh vô cảm vô cùng nguy hiểm nhưng lại đặt ra câu hỏi: Rốt cuộc thì nguyên nhân tại sao ? Suy cho cùng, tình cảm là điều chi phối tất cả. Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương. Chính vì không cảm nhận được tình yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc.
Tình cảm như những hạt mưa, hạt mưa càng to, càng nặng thì càng dập tắt được những ngọn lửa của lòng thù hận, ghen ghét, bi ai và nó cũng như một ngọn lửa thổi bùng cháy mãnh liệt trong tâm hồn để nuôi dưỡng tiếp nguồn sống cho chúng ta. Vì vậy, điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh vô cảm “không còn đất sống” là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm nhận, biết yêu ghét, thương giận và chia sẻ những điều tinh túy đó cho những người xung quanh mình. “Con người ta không phải là cái đồng hồ và trái tim ta cũng không phải là cái lò xo” – một giáo sư người Anh đã nói như thế . Tóm lại, ta nhận thấy rằng căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biệt vận động Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần “người”, giành lại “trái tim” mà tạo hóa đã ban cho chúng ta, đào thải căn bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội .
Nghị luận về bệnh vô cảm - Mẫu 2
Chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế thị trường khi mà tất cả các giá trị của cuộc sống đang ngày càng bị mai một đi. Con người ta sống trong thời đại này cũng bị đồng tiền, bị guồng quay của cuộc sống cuốn đi và đôi lúc chúng ta cảm thấy mình đang dần sống vô cảm với xã hội. Bệnh vô cảm đã và đang trở thành một trong những vấn đề bức xúc của xã hội ta hiện nay.
Bệnh vô cảm xuất phát từ tâm hồn của tất cả mọi người. Khi mà trước tất cả các sự hiện tượng của cuộc sống không còn có tác động gì đến chúng ta nữa. Vô cảm chính là làm ngơ là thờ ơ trước những diễn biến của cuộc sống xung quanh mình.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh vô cảm, có khi do xã hội khiến cho con người ta mải miết chạy theo đồng tiền chạy theo những hư vinh vật chất. Bệnh vô cảm có thể xuất phát ở tất cả mọi người chứ không riêng gì những người xấu. Vì có khi người tốt im lặng trước cái xấu để cho cái xấu nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Bệnh vô cảm biểu hiện rất đa dạng, muôn màu, vô cảm với xã hội, người thân, gia đình, bạn bè và đôi khi còn vô cảm với cả bản thân mình nữa. Có không ít trường hợp tai nạn giao thông mà không một ai đưa đi bệnh viện mặc dù lúc đó còn rất đông người. Lên xe bus thấy kẻ gian móc túi nhưng vẫn dửng dung như không, xem như không có chuyện gì xảy ra. Trong cuộc sống thấy kẻ gian lộng hành, tham nhũng nhưng vẫn tỏ ra mắt mù tai điếc không nghe không thấy gì hết. Bệnh vô cảm đang càng ngày càng lan rộng ra ngoài xã hội xâm nhập vào từng các gia đình, người thân của chúng ta. Thậm chí đối với cả anh em ruột thịt mà còn ra tay được với nhau thì thử hỏi đạo đức còn đâu?
Bệnh vô cảm để lại rất nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội. Nó biến con người ta trở thành một công cụ vô tri vô giác không có tình thương. Đây là căn bệnh từ trong tim con người nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tất cả chúng ta, không gì nguy hiểm bằng việc đục khoét trái tim con người, biến con người trở thành máu lạnh. Bệnh vô cảm sẽ khiến cho những người cán bộ, người phụng sự vì nhân dân quên mất nhiệm vụ của mình, sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mà quên mất lợi ích quốc gia dân tộc. Thật đáng lo lắng khi những người y, bác sĩ đội ngũ cứu người mắc căn bệnh này vì nó sẽ đe dọa đến mạng sống của từng bệnh nhân…
Căn bệnh vô cảm sẽ khiến con người ta nhanh chóng tiếp tay cho cái ác, quay lưng lại với các giá trị chân – thiện – mỹ. Nó sẽ đầu độc tâm hồn của tất cả con người chúng ta biến chúng ta trở thành những cỗ máy không có trái tim.
Để ngăn chặn được những hành động này thì chúng ta cần phải biết yêu thương, đồng cảm chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống. Hãy vì một xã hội luôn ran ngập tình yêu thương và trách nhiệm. Đặc biệt là các thanh niên trong xã hội hiện nay cần nêu cao hơn nữa tình cảm tường thân tương ái yêu thương con người.
Mỗi chúng ta hãy trở thành một con người tốt, con người có ích cho xã hội hôm nay. Hãy cùng chung tay từ hôm nay dù chỉ là một hành động rất nhỏ thôi để xây dựng một cộng đồng tình nghĩa tương thân tương ái.
13. Viết bài nghị luận 200 chữ về bệnh vô cảm
Bài nghị luận 200 chữ về bệnh vô cảm - Mẫu 1
Vô cảm là một trong những căn bệnh “ung thư tâm hồn” của một bộ phận người trong xã hội. Vậy vô cảm là gì? Vô cảm là thái độ sống thờ ơ, dửng dưng, không cảm xúc với tất cả sự việc và con người xung quanh. Vô cảm hiện nay không chỉ dừng lại ở thái độ sống mà cao hơn, nó đã trở thành lối sống tiêu cực của một bộ phận người. Biểu hiện rõ nhất của người có lối sống vô cảm đó là hành động ích kỉ, không quan tâm đến mọi người xung quanh, thờ ơ trước mọi nỗi đau của xã hội, thậm chí thờ ơ với chính người thân và bản thân của mình. Một cô gái bị bạn trai đánh đập giữa đường nhưng hành động của những người xung quanh lại chỉ dừng lại ở việc mở điện thoại ra quay phim, chụp ảnh rồi up lên các trang mạng xã hội cùng lời “bàn tán vô ích”.
Đáng trách hơn là những người chủ động chọn cho mình lối sống vô cảm, tự cô lập bản thân, tách biệt mình khỏi xã hội với những suy nghĩ tiêu cực, ích kỉ. Vậy thì nguyên nhân từ đâu mà họ lại chọn cho mình lối sống vô cảm? Có thể xét đến chính ý thức, lí tưởng sống lệch lạc, tiêu cực cùng những tham vọng ích kỉ của họ, nhưng cũng cần suy nghĩ đến sự tác động của xã hội, của đám đông vào tâm lí của họ, sự thiếu quan tâm của gia đình, người thân khiến cho họ trở nên trơ lì về cảm xúc.
Song, dù có vì bất kì nguyên do gì thì thái độ sống, lối sống vô cảm vẫn là mối lo ngại của xã hội khi nó không chỉ làm tha hóa, mai một về nhân cách con người mà còn ảnh hưởng đến xã hội, đến sự đoàn kết của tập thể.
Bài nghị luận 200 chữ về bệnh vô cảm - Mẫu 2
Xã hội đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế…Chính sự phát triển như vũ bão này lại là tác nhân khiến cho thái độ sống của con người với nhau trở nên xa lạ, không còn thân thiết. Bởi guồng quay cuộc sống kéo họ vào những bận rộn, hối hả đời thường. Và thái độ sống vô cảm, thờ ơ cũng từ đó mà hình thành nên. Trước hết chúng ta cần hiểu rõ vô cảm là như thế nào? Và tại sao lại gọi vô cảm là “bệnh”. Người ta chỉ gọi bệnh ho, bệnh lao, bệnh ngoài da…có thể dùng thuốc để chữa nhưng vô cảm cũng là một loại bệnh. Chắc hẳn có ý ẩn dụ gì đằng sau câu chữ đó. Vô cảm chính là thái độ sống lạnh nhạt, thờ ơ đối với cuộc sống, với những người ở xung quanh chúng ta. Bản thân chúng ta không quan tâm, không có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và với người khác Căn bệnh vô cảm khi đã tồn tại trong con người thì sẽ ăn sâu, bám rễ không chịu buông. Mỗi người cần có cách thức, có phương pháp để hạn chế căn bệnh nguy hiểm có thể ăn mòn trái tim của mỗi người. Bệnh vô cảm xuất hiện trong đời sống hiện đại ngày càng nhiều, đó chính là thái độ, cách ứng xử giữa người với người. Họ không còn thân thiết, hỏi thăm nhau đủ thứ chuyện mà đã trở nên vô cảm, lạnh lùng, thờ ơ, không còn quan tâm nhiều đến cuộc sống của nhau nữa. Vô cảm có thể sẽ thành thói quen nếu như chúng ta không kịp ngăn chặn và từ bỏ. Bởi vậy, mỗi cá nhân cần phải tự nhận thức được suy nghĩ của bản thân mình. Rằng khi yêu thương và sẻ chia thương yêu thì chúng ta sẽ thấy bản thân mình sống có ích, sống tốt đẹp hơn.
Bài nghị luận 200 chữ về bệnh vô cảm - Mẫu 3
Xã hội ngày nay người ta nhắc đến căn bệnh “vô cảm” nhiều hơn là nhắc đến HIV/AIDS, và thực sự căn bệnh này còn đáng sợ hơn cả cái chết trắng. Vô cảm là sự thờ ơ, lạnh lùng, không quan tâm đến người khác, là một người không cảm xúc, dửng dưng trước nỗi đau của người khác. Nói cách khác, người vô cảm chỉ biết sống cho mình, họ chẳng mảy may quan tâm đến người khác, mặc kệ tất cả những người xung quanh mình. Ví dụ điển hình như trên đường có vụ tai nạn xe, chỉ có 1-2 người dừng lại hỏi han còn lại ai cũng chỉ nhìn rồi lại phóng xe đi tiếp, không hỏi thăm, không giúp đỡ. Đặc biệt là giới trẻ ngày nay, đánh nhau còn đánh hội đồng, không can ngăn lại còn cổ vũ chụp hình quay video đưa lên mạng xã hội. Căn bệnh vô cảm bắt nguồn từ chính lối sống, lối suy nghĩ của con người, lối sống ích kỷ, vô tâm khiến con người ta vô cảm, chính vì vậy phải thay đổi lối sống của chính mình, yêu thương và chia sẻ nhiều hơn, luôn mở rộng vòng tay giúp đỡ mọi người đó chính là liều thuốc tốt nhất chống lại căn bệnh vô cảm.
Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.
- Chia sẻ:Nam Nguyễn
- Ngày:
Tham khảo thêm
Cảm nhận về hình tượng nhân vật khách trong bài Phú sông Bạch Đằng
Top 10 mẫu phân tích Phú sông Bạch Đằng siêu hay
Phân tích đoạn 2 phú sông Bạch Đằng siêu hay
Soạn Văn lớp 10 bài Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
Top 9 mẫu tóm tắt Chuyện chức phán sự đền Tản Viên hay và đầy đủ
Top 3 bài phân tích đoạn 1 Phú sông Bạch Đằng
Top 9 bài phân tích Chuyện chức phán sự đền Tản Viên hay chọn lọc
Gợi ý cho bạn
Có thể bạn cần
Top 8 mẫu phân tích khổ cuối bài Tràng giang hay chọn lọc
Hướng dẫn khai Phiếu đảng viên (mẫu 2-HSĐV)
Mẫu Bài thu hoạch nghị quyết trung ương 4 khóa 12 cho Đảng viên
Biên bản họp chi bộ đề nghị kết nạp Đảng viên
Top 4 mẫu Cảm nhận bài thơ Sóng hay chọn lọc
Thực hành theo hướng dẫn để tạo ra 02 sản phẩm hỗ trợ việc giảng dạy môn Toán cấp tiểu học
Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên module GVMN 3 năm 2024 mới cập nhật
Bộ tranh thiếu nhi về chào mừng Đại hội Đoàn 2024
Công văn xin hủy tờ khai Thuế GTGT do kê khai sai 2024
Suy nghĩ về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân Mẫu 05/KK-TNCN, 05-DK-TCT 2024
Mẫu nhận xét các môn học theo Thông tư 22, Thông tư 27
Bài viết hay Văn xuôi
3 mẫu dàn ý cảm nhận về nhân vật Phương Định trong truyện Những ngôi sao xa xôi
Đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Tôi đi học
Câu phủ định là gì?
Top 6 bài phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ siêu hay
(12 mẫu) Viết bài văn về một người tốt, việc tốt trong xã hội
Nói giảm nói tránh là gì? Ví dụ về nói giảm nói tránh