Top 10 bài cảm nghĩ về ngày Tết siêu hay

Tải về

Cảm nghĩ về ngày Tết cổ truyền - Viết về ngày Tết luôn là chủ đề hay và ý nghĩa giúp chúng ta thêm yêu ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Sau đây là một số bài văn mẫu nêu cảm nghĩ của em về ngày Tết cổ truyền cùng dàn bài cảm nghĩ về ngày Tết hay chọn lọc giúp các bạn học sinh có thêm ý tưởng khi làm bài.

Mỗi khi nhắc đến ngày Tết cổ truyền, chắc hẳn ai cũng có những cảm xúc thật biệt và thiêng liêng về ngày Tết nguyên đán. Ngày Tết cổ truyền với tiết trời se lạnh thoang thoảng mùi hương trầm khiến cho lòng người cảm thấy bình an, trẻ em thì nô đùa bên những khóm hoa xuân, quây quần bên nồi bánh chưng chờ đến giao thừa.

1. Dàn ý cảm nghĩ về ngày Tết cổ truyền

2. Dàn bài cảm nghĩ về ngày Tết

I. Mở bài: Giới thiệu chung về tết nguyên đán

Tết nguyên đán có từ lâu đời và trở thành ngày hội văn hóa đặc sắc của người châu Á trong đó có người Việt Nam. Đây là thời gian cả gia đình sum họp, đầm ấm bên nhau sau khoảng thời gian xa cách.

II. Thân bài

Nguồn gốc Tết nguyên đán

- Tết nguyên đán xuất xứ từ Trung Quốc và đã có từ hàng ngàn năm trước.

- Ngày Tết dành cho các nước sử dụng âm lịch.

Mua sắm thờ cúng tổ tiên

- Chuẩn bị mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên.

- Hoa Tết trang trí nhà cửa đón Tết.

- Bánh kẹo, hoa quả, thức uống: tiếp đãi khách đến nhà và ăn uống trong những ngày Tết được đầy đủ.

- Dọn dẹp, trang trí nhà cửa mới.

Mốc thời gian quan trọng trong Tết

- Tất niên: gia đình làm lễ cúng cuối năm.

- Giao thừa: thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới rất được xem trọng.

- Xông đất: người đầu tiên bước vào nhà để mang đến tài lộc cho chủ nhà.

- Xuất hành: theo quan niệm người xưa xuất hành đúng hướng sẽ mang lại tài lộc, may mắn.

- Chúc Tết người thân, bạn bè: nét đẹp trong truyền thống văn hóa.

- Mừng tuổi: ông bà mừng tuổi cho các cháu bé, ngược lại con cái mừng tuổi cho bố mẹ, ông bà.

- 3 ngày Tết: ngày mùng 1 khởi đầu năm mới kiêng kỵ đến nhà người khac, ngày này còn gọi là Tết cha. Mùng 2 đó là thường gọi là Tết mẹ. Mùng 3 Tết thầy, học sinh đi thăm thầy cô giáo.

Ý nghĩa ngày Tết nguyên đán

- Tết cổ truyền quan trọng và một trong những lễ hội quan trọng trong văn hóa người Việt.

- Gia đình, bạn bè sum họp, gặp mặt sau khoảng thời gian xa cách.

III. Kết bài

Tết nguyên đán là lễ hội quan trọng nhất của người Việt trong một năm, mọi người gặp nhau họp mặt và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp, làm ăn thành đạt trong năm mới. Đây là nét đẹp văn hóa cần được giữ gìn và bảo tồn.

3. Viết cảm nghĩ của em về ngày Tết cổ truyền của dân tộc

Mỗi đất nước đều mang trong mình những nét văn hóa riêng và khác biệt làm nên sự độc đáo của riêng mình. Và một trong những nét văn hóa cổ truyền độc đáo của dân tộc ta chính là ngày Tết nguyên đán.

Chẳng biết tự bao giờ người ta chia ra một năm gồm có bốn mùa và bao giờ mùa Xuân cũng là mùa mở đầu và là mùa đẹp nhất. Mùa Xuân được đánh dấu và bắt đầu bằng Tết Nguyên Đán. Có lẽ Tết Nguyên Đán là cái Tết lớn nhất trong năm. Cứ từ 23 tháng Chạp trở đi, mọi người dường như tất bật rộn ràng hơn để sắm sửa đón Tết cũng như hoàn thành nốt các công việc dang dở ngày cuối năm.

Được hoà mình trong dòng người đông đúc mỗi phiên chợ Tết khiến em cảm thấy vô cùng hào hứng. Người mua người bán ra vào nườm nượp làm khung cảnh phiên chợ ngày Tết thâm náo nhiệt. Những tàu lá dong xanh non nằm lim dim bên những chiếc lạt trắng tinh chuẩn bị được thành hình bánh chưng Tết. Đào, mai, quất, cúc đua nhau khoe sắc trong cái se lạnh của tháng Giêng.

Đêm ba mươi Tết, trong không khí tất niên có lẽ là khoảnh khắc mà mọi người mong đợi nhất. Cả gia đình quây quần, sum họp bên nhau khiến bao muộn phiền như tan biến. Tất cả những lo âu, vất vả đều ở lại năm cũ. Trong không khí tưng bừng của năm mới, cả gia đình em vui vẻ trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất đến các thành viên trong gia đình.

Dù biết năm nào cũng có Tết. Nhưng đối với em Tết lúc nào cũng thật đặc biệt và mang lại cho em những cảm xúc ấm áp tuyệt vời bên gia đình và người thân.

4. Cảm nghĩ về ngày Tết cổ truyền quê em

Trong mỗi chúng ta chắc hẳn ai ai cũng đều yêu Tết. Tết đối với mỗi người đều mang một phong vị thật đặc biệt như mùi khói bếp bên nồi bánh chưng ngày 30 Tết hay những cành đào, cây quất mang hơi thở mùa xuân đã đến thật gần. Tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau thật hạnh phúc.

Yêu biết bao cái không khí bận rộn ngày Tết, mỗi người một việc nhưng cả gia đình luôn quây quần bên nhau cùng trao nhau những niềm hạnh phúc hân hoan chờ đón Tết. Thích nhất là lúc cả nhà quây quần bên nhau ngồi gói bánh chưng, những chiếc bánh vuông vức xanh mướt bên trong là nhân đỗ xanh vàng ruộm, thịt mỡ béo ngậy được gói thoăn thoắt bởi bàn tay khéo léo của bố mẹ.

Chiều 30 cả nhà cùng ăn bữa cơm đoàn viên ấm áp và chờ đợi khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng. Sau khi đón lễ giao thừa, mọi người trong gia đình lại cùng nhau lên chùa đi hái lộc đầu xuân và trao nhau những bao lì xì đỏ thắm với mong muốn cầu chúc một năm mới an khang thịnh vượng.

Em cảm thấy rất yêu ngày Tết cổ truyền của dân tộc bởi mỗi khi Tết đến em lại có những khoảng khắc thật quý giá bên gia đình mình cũng như được biết thêm nhiều phong tục truyền thống của quê hương mỗi khi Tết đến.

5. Bài văn biểu cảm về ngày Tết lớp 7

Khi những bông mai nở sắc màu rực rỡ, rồi trên những cành khô đã nhu nhú những mầm lá non tơ, những con phố hồng thắm sắc đào, vàng giòn ánh nắng... xuân đã về. Xuân sang, Tết đến mang theo cái tưng bừng, náo nhiệt của con người và vạn vật, cái đầm ấm của những lễ hội. Con người tôi như vui hơn, hoà nhập với ngày Tết mang đậm đà bản sắc dân tộc một cách thiết tha.

Tôi yêu Tết, yêu những ngày mới chớm Tết. Xua tan đi cơn gió lạnh buốt ngấm tận xương, xua tan đi bầu trời u ám vì ông mặt trời cứ đắp cái chán đen ngủ hoài, mặc chú gà trông gọi... Tết đến mang theo sự tưng bừng, náo nhiệt của mọi người. Tết ơi, tôi yêu quá đi! Trong những ngày này, bầu trời trong xanh, cao vút thật tinh khôi. Gió xuân thổi dìu dịu, hơi se lạnh chỉ đủ giữ lại một làn sương mỏng như chiếc khăn voan trong không khí. Bản nhạc giao hưởng với tiết tấu rộn ràng của những chú chim đón mừng Tết đến xuân về, giúp mọi vật bừng tỉnh sau những ngày ngủ quên dưới lớp đất khô cằn. Trời đất cũng tươi đẹp hơn, chắt chiu tinh tuý để tiếp thêm nhựa sống cho vạn vật. Con người ai ai cũng căng tràn sức sống và hạnh phúc. Tất cả, tất cả tô đậm lên chữ Tết một cách đẹp đẽ, rạo rực trong tâm hồn Việt.

Thật tuyệt vời khi được hưởng không khí náo nhiệt của những ngày cận Tết. Đường phố, nhà cửa như co lại, hẹp lại nhường chỗ cho mọi người đi sắm Tết. Ai ai cũng lo sắm sửa, trang hoàng nhà cửa thật đẹp để đón Tết. Đào, quất được đánh từ bãi về, lá vẫy vẫy rung rinh trong hạt ngọc mưa xuân. Buồn sao cái Tết của những người xa xứ. Thương sao cái Tết của những đứa trẻ nghèo lang thang. Tôi yêu biết bao ngày Tết với những sinh hoạt văn hoá cổ truyền, những thú chơi tao nhã mang đậm đà bản sắc dân tộc: câu đối đỏ dán nơi cửa nhà, phố ông đồ hân hoan xuân mới. Tết là ngày của sum họp, đoàn tụ gia đình.

Sung sướng, hạnh phúc, bồn chồn,... đó là tất cả tình cảm của tôi trong những ngày giáp Tết. Tôi đi chợ hoa với mẹ, lòng hân hoan náo nức. Từ đầu chợ đến cuối chợ đủ sắc màu khiến tôi cảm thấy vui sướng quá! Đêm giao thừa thiêng liêng là phút giây được quây quần bên gia đình đón chào năm mới. Tôi ngồi vào bàn nắn nót khai bút đầu xuân.

Ngày mùng một lên lễ chùa cầu may. cầm nén hương tôi thầm cầu chúc một năm mới bao điều tốt lành. Ngày mùng hai, vui làm sao lúc được đi chúc Tết mọi người, ông bà, cha mẹ. Nhận những bao lì xì đỏ chói như nhận lời chúc may mắn đầu năm. Mùng ba Tết năm nào tôi cũng ngóng trông bà nội từ miền Nam ra ăn Tết với cả gia đình. Ngồi trong lòng bà, được bà kể lại kĩ niệm ấu thơ, tôi thấy hạnh phúc xiết bao! Tết mang cho tôi tuổi mới, còn bà lại già đi một tuổi.

Qua một tuần nghỉ Tết, Tết sắp hết rồi. Buồn quá! Nhưng những dư vị ngày Tết như vẫn nguyên vẹn. Mâm cơm vẫn đâu đây bánh chưng, vẫn lấp lánh cây quất trong nhà. Cuộc sống trở lại vẻ êm đềm thường nhật khi cánh màn điều trên bàn thờ ông vải đã hạ xuống. Mọi sinh hoạt lại trở lại như cũ. Tạm biệt cái Tết thân thương đầy ngọt ngào.

Cứ thế, cứ thế. Tết đến rồi đi, mang theo bao nỗi nhớ nhung da diết bao cảm xúc ngọt ngào. Tôi tự hỏi: Sao Tết lại ngắn đến vậy?

Cảm nghĩ về ngày Tết cổ truyền siêu ngắn

6. Cảm nghĩ về ngày Tết cổ truyền siêu ngắn

Đối với mỗi người dân Việt Nam, ngày tết cổ truyền của dân tộc có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau thật hạnh phúc.

Mỗi khi Tết đến, mỗi người trong gia đình đều có những công việc riêng. Tuy ai cũng bận rộn, nhưng tất cả đều cảm thấy vui vẻ. Thích nhất vẫn là lúc cả nhà ngồi gói bánh chưng. Những chiếc lá rong xanh, hạt đỗ vàng, thịt mỡ và gạo trắng thơm. Tất cả được bàn tay khéo léo của bà, của mẹ gói thành những chiếc bánh chưng vuông vức.

Chiều ba mươi Tết, cả nhà cùng ăn bữa cơm đoàn viên ấm áp. Để chuẩn bị đón giao thừa mà khoảnh khắc ai cũng mong đợi. Khoảnh khắc giao thừa với nhau thì mọi người chúc nhau sức khỏe với công việc tốt. Tất cả ai cũng vui vẻ ăn uống cười nói. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Sáng mùng một, tôi thức dậy, khi bước ra cửa cảm giác khác với những ngày bình thường. Trời trong lành thời tiết ấm áp khác lạ.

Thế là một năm cũ đã qua, một năm mới đã đến, mọi người đều chúc nhau những điều may mắn cho một năm mới đã đến. Những ngày tết trôi qua thật nhanh khiến tôi cảm thấy có chút tiếc nuối. Yêu biết bao ngày tết cổ truyền của dân tộc.

7. Cảm nghĩ về ngày Tết nguyên đán

Những ngày tết, khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam xinh tươi như được khoác lên mình một chiếc áo mới. Tết đến đem theo những hy vọng về một năm mới may mắn, tốt đẹp hơn.

Mùa xuân đến, Tết đã gõ của mọi nhà, niềm vui nhân đôi, hạnh phúc bội phần. Trẻ em háo hức mong chờ Tết đến. Người lớn lại bận rộn chuẩn bị cho Tết. Thời tiết ngày xuân trở nên ấm áp hơn, những cành đào đang chớm nở. Những lá cờ Tổ quốc được treo cao trên mái ngói đỏ tươi, bay phấp phới giữa bầu trời tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi. Ngoài đường người đi mua sắm tấp nập. Tiếng cười nói, bán mua cho một cái tết đủ đầy vang lên đầy ắp những đường ngõ. Mấy đứa trẻ con nô đùa quanh những hàng bán pháo bông. Em cảm thấy không khí ngày tết thật tuyệt vời biết bao.

Chiều ba mươi Tết, cả nhà quây quần bên bữa cơm tất niên. Vào khoảnh khắc giao thừa, mọi người đều hân hoan trong niềm vui, hạnh phúc cho một khởi đầu “An khang thịnh phượng” hay “Vạn sự như ý”. Những ngày tết thật hạnh phúc khi cả gia đình được quây quần bên nhau.

Sáng mùng một, em theo bố mẹ sang chúc Tết ông bà nội ngoại. Em được ông bà mừng tuổi cho những phong bao lì xì đỏ thắm với lời chúc học giỏi. Ngày Tết là dịp để mọi người trong gia đình được gần gũi nhau hơn.

Không khí ấm áp của ngày tết cổ truyền khiến em cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Em tin chắc rằng sau này dù đất nước có phát triển đến đâu thì người dân Việt Nam vẫn sẽ giữ gìn được những nét đẹp của dịp Tết cổ truyền dân tộc.

8. Cảm nghĩ về ngày Tết cổ truyền của dân tộc

Những ngày Tết đến, xuân về, có lẽ là những ngày mà nhiều đứa trẻ vùng quê nghèo như em luôn chờ đón. Bởi khi Tết đến, chúng em sẽ được diện quần áo mới đi chơi, được mọi người mừng tuổi lì xì cho nhiều tiền tiêu vặt. Được ăn rất nhiều món ngon mà chỉ dịp Tết có.

Khi Tết đến, mỗi nhà đều trang trí cho gia đình mình thật đẹp. Nhà nào cũng sắm sửa, hoa đào, hoa mai, cây quất…Trên bàn thờ xuất hiện mâm ngũ quả với đủ loại xanh, đỏ, vàng… rồi bánh kẹo, mứt Tết, rượu vang, rượu sâm banh… Các con đường được trang hoàng lộng lẫy bởi những lá cờ đỏ thắm. Nhà nào cũng có một chậu quất hoặc hoa đào, hoa mai. Mọi người rủ nhau đi sắm Tết làm nhộn nhịp khắp các khu chợ. Gần Tết, gia đình nào cũng gói một nồi bánh chưng.

Năm nào cũng thế, mẹ hay nấu thật nhiều món ngon như bánh chưng, nem, giò, chả, canh măng… để cúng ông bà tổ tiên. Đêm ba mươi Tết luôn khiến cho mỗi người cảm thấy thật xúc động. Khi tiếng chuông điểm mười hai giờ thì những màn pháo hoa sẽ nổ ra những bông pháo hoa bay vút lên cao rồi tỏa sáng trong bóng đêm, tạo ra những màu sắc rực rỡ.

Sáng mùng một, em theo bố mẹ sang chúc Tết ông bà nội ngoại. Mọi người ai cũng đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất để đi chúc Tết. Em được ông bà mừng tuổi cho những phong bao lì xì đỏ thắm với lời chúc học giỏi.

Tết thật sự là những ngày đặc biệt thiêng liêng nhất trong năm. Nó là cơ hội để cả gia đình có điều kiện sum vầy, vui vẻ bên nhau, là dịp cho mọi người diện những bộ quần áo mới, là khi khép lại mọi buồn phiền không may mắn ở năm cũ, để chào đón một năm mới an lành, tốt đẹp hơn.

9. Đoạn văn cảm nghĩ về ngày Tết

Tết! Tết đến thật rồi.Tết Nguyên Đán là ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Khi Tết đến em được về quê, được ăn cỗ và được lì xì. Tết đến khi mùa xuân đến. Mùa xuân cho ta một không khí ấm áp. Mùa xuân cũng là điểm khởi đầu của một năm mới. Xuân đến những nụ hoa dần hé nở, cây cối lại châm chồi, nảy lộc. Tết đến, người ta đi chợ sắm Tết, chuẩn bị những cành đào đẹp, mổ lợn, giã giò, gói bánh chưng, trang hoàng câu đối Tết... Trong ngày Tết, các cụ già được con cháu mừng thọ, các cháu nhỏ thì nôn nóng được lì xì và mặc áo đẹp. Tết đến, em được cùng người thân đi du xuân đón năm mới, được đón giao thừa trong đêm 30. Tết Nguyên Đán là dịp nghỉ ngơi của mọi người sau một năm lao động mệt nhọc, là thời khắc đón chào một năm mới với bao điều hạnh phúc và ước mơ. Ai ai trong chúng cũng đều mong chờ ngày Tết đến, một cái Tết thật trọn vẹn. Chúc cho tất cả mọi người đón một năm mới thật vui vẻ và hạnh phúc.

10. Viết đoạn văn ngắn về ngày Tết cổ truyền

Ngày Tết quê em rất vui và ấm cúng. Từ gần một tuần trước đó, không khí năm mới đã rộn ràng khắp nơi. Mọi người tranh thủ thời gian dọn dẹp, giặt giũ nhà cửa cho thật sạch sẽ. Cỏ dại, lá khô ven đường cũng được quét sạch. Các khu chợ đông vui, tấp nập hẳn lên. Nào hoa, nào bánh, nào mứt, nào áo quần… đủ màu sắc, kiểu dáng làm hoa mắt người xem. Đến hai chín Tết, nhà nhà bắt đầu gói bánh chưng. Suốt đêm hôm đấy, nhà nào cũng đỏ lửa, tiếng nói tiếng cười ồn ã. Khi đúng những ngày Tết, mọi người xúng xính trong áo quần mới, mặt mày tươi vui. Mọi người bỏ qua những mệt nhọc, trăn trở của năm cũ để hồ hởi chúc nhau sự may mắn, thành công cho năm mới. Bầu không khí ấy khiến cho ngày Tết ở quê em thật tuyệt vời!

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
179 123.723
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm