Cấu tứ bài thơ Giải đi sớm

Cấu tứ bài Tảo giải

Bài thơ Giải đi sớm (Tảo giải) rút trong Nhật kí trong tù ghi lại một lần chuyển lao vô cùng gian khổ mà Bác phải nếm trải, qua đó ta thấy hình ảnh tuyệt đẹp của "ông tiên trong tù". Bài thơ Tảo giải là bài hát đi đày của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Chân tay bị xiềng xích mà vẫn ung dung lạc quan. Nó giúp ta khám phá vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh. Sau đây là mẫu dàn ý phân tích cấu tứ bài thơ Giải đi sớm, mời các bạn cùng tham khảo.

Dàn ý phân tích cấu tứ bài Giải đi sớm

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả: Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam .

- “Ngục trung nhật kí” gồm 134 bài thơ chữ Hán, phần lớn viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Tập nhật kí bằng thơ này ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, từ tháng 8- 1942 đến tháng 9-1943, khi lãnh tụ Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ.

- “Tảo giải” I và II là bài thứ 41 và 42 của tập nhật kí trong tù. Bác Hồ đã viết hai bài thơ này trên đường chuyển từ nhà lao Long An (nhà lao thứ 6) sang nhà lao Đồng Chính (nhà lao thứ 7).

- Vẻ đẹp của bài thơ được gợi lên từ cấu tứ và hình ảnh thơ.

2. Thân bài:

* Nhan đề: Tảo giải có nghĩa là giải đi sớm, chính xác hơn là bị giải đi sớm. Bác ghi lại rất thực cảnh mình bị chuyển lao trong đêm khuya và vào lúc rạng đông. Nếu đứng riêng, mỗi bài thơ có một nội dung tương đối độc lập. Đứng chung dưới một đầu đề, chúng bổ sung ý nghĩa cho nhau.

* Khái quát về cấu tứ, phân tích và đánh giá tình cảm qua từng phần của bài thơ

- Bài thơ có cấu tứ độc đáo với mạch cảm xúc bắt đầu từ sự vận động của thời gian và sự đổi thay của cảnh vật, từ đêm tối đầy trăng sao nhưng lạnh lẽo đến ban mai ấm áp và tươi sáng. Thông qua đó thể hiện khí phách hiên ngang của người cộng sản Hồ Chí Minh. Trong lúc tăm tối nhất của cuộc sống tù đày, Người vẫn lạc quan tin tưởng, vẫn hướng đến một ban mai tươi sáng, nơi có đầy hơi ấm và chứa chan ánh sáng.

- Phần I: Miêu tả khung cảnh buổi sáng sớm, khi người tù bị chuyển lao. Thái độ của người đi xa hiên ngang kiên cường, sẵn sàng đối diện với mọi vất vả, mọi hiểm nguy. Thể hiện khí phách của người cách mạng trước ngục tù, đoạ đầy.

+ Hai câu thơ đầu mở ra khung cảnh thiên nhiên trên con đường chuyển lao trong một khoảng không gian, thời gian cụ thể: Không gian rộng lớn của trời đất, trăng sao và khoảng thời gian đêm tối gợi cho người đọc cảm giác hoang vắng, lạnh lẽo, gợi một nỗi buồn, sự cô đơn trong lòng người

+ Người bị giải đi từ rất sớm, giữa từng đợt gió lạnh đêm thu với dây trói, xiềng xích, đói khát, áo quần không đủ ẩm ... và bao nhiêu đắng cay, cơ cực. Phải có một bản lĩnh, một khí phách khác thường, người tù ấy mới có thể ung dung, tự tại, buông ra một câu thơ nhẹ nhàng đến thế.

- Phần II: của bài thơ nói về cảnh rạng đông. Không gian và thời gian đều có sự thay đổi, đó là kết quả của quá trình vận động, thể hiện niềm tin tưởng cách mạng của người tù. Người cộng sản đã vượt lên mọi khó khăn và tin tưởng vào tương lai tươi sáng. “Chinh nhân” đã trở thành “thi nhân”. Con người làm chủ hoàn cảnh của mình.

+ Tứ thơ của Hồ Chí Minh có sự vận động mạnh mẽ: Không gian vẫn rộng lớn nhưng không lạnh lẽo, hoang vắng mà ấm áp, tràn đầy sức sống.

+ Nếu phần I xuất hiện hình ảnh “chinh nhân” thì phần II xuất hiện “hành nhân”, bản dịch thơ đều dịch là “người đi” chưa nêu bật được sắc thái biểu cảm của lời thơ. Nếu chữ “chinh nhân” làm nổi bật gian khó, vất vả thì “hành nhân” làm bật lên cảm giác thư thái, tĩnh tại. Nếu “chinh nhân” làm bật lên khí phách anh hùng thì “hành nhân” ngời sáng tư chất một nghệ sĩ, một con người mở rộng lòng mình đón nhận cảnh vật thiên nhiên, đang dạo bước thưởng ngoạn thiên nhiên.

* Hình ảnh, chi tiết:

- Trong phần I: Hình ảnh trăng, sao gợi ra nét đẹp khoáng đạt, kỳ vĩ, lãng mạn. Không gian như được đẩy lên cao vời, rợn ngợp. Trong cảm nhận của người tù, trăng sao như nâng đỡ nhau, có sự giao hoà quấn quýt.

- Chinh nhân - hình ảnh trung tâm của bức tranh một người đi xa vì đại nghĩa, luôn ở tư thể sẵn sàng, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ.

- Trong phần II: Thiên nhiên rực rỡ màu sắc và ánh sáng, cảnh vật như được hồi sinh, được khoác một tấm áo mới căng tràn sự sống với màu hồng của rạng đông

+ Trên bức tranh thiên nhiên của một buổi bình minh rạng rỡ, chỉ có một hành nhân dạt dào thi hứng, chan hoà và say đắm trước vẻ đẹp của tạo vật. “Hành nhân” với “chinh nhân” tuy hai mà một. Chỉ có điều, ở bài một, đó là con người đang cất bước trên đường thắm, còn bài hai là con người như đã đạt tới chặng cuối cuộc hành trình.

* Nghệ thuật (Thể thơ, từ ngữ, biện pháp tu từ…)

- Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

- Giọng thơ rắn rỏi, khí thơ mạnh mẽ, thể hiện tinh thần lạc quan, bản lĩnh kiên cường của Bác.

- Điệp từ “chinh” trong câu thơ thứ ba thể hiện bản lĩnh phi thường cùng tinh thần lạc quan của Bác.

- Hình tượng thơ có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ màn đêm tăm tối ra buổi bình minh tươi sáng, từ sự lạnh lẽo đến ấm áp.

* Đánh giá chung nội dung và nghệ thuật

- “Tảo giải” là một bài thơ đặc sắc. Tính nhật kí và hướng nội của bài thơ rất rõ nét. Cảnh đêm thu gió rét. Con đường đi đày xa lắc. Có trăng sao trên núi thu. Có cảnh bình minh tráng lệ và ấm áp. Và có tâm cảnh: “Hành nhân thi hứng hốt gia nồng”.

- Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng bị quân thù giải đi trong gió rét trên con đường xa, với tâm thế ung dung, lạc quan và yêu đời... là một hình ảnh đẹp mà người đọc cảm nhận được qua bài thơ này. Nét vẽ chấm phá về trăng sao, về rạng đông đã tô đậm chất trữ tình và sắc thái cổ điển của bài thơ “Tảo giải”.

3. Kết bài:

Bài thơ “Tảo giải” là bài hát đi đày của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Chân tay bị xiềng xích mà vẫn ung dung lạc quan. Nó giúp ta khám phá vẻ đẹp tâm hổn Hồ Chí Minh.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trong nhóm Lớp 11 thuộc chuyên mục Học tập của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 6
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi