Sau khi chấp hành xong hình phạt tù, người bị kết án tù rất quan tâm tới xoá án tích. Hiện nay, Bộ luật hình sự 2015 đã đơn giản hoá thủ tục xoá án tích. Tuy nhiên, cần lưu ý về điều kiện để được xoá án tích.
Thứ nhất: Các trường hợp được xoá án tích
Đương nhiên được xóa án tích (Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015)
Một người được coi là đương nhiên được xóa án tích khi họ không phạm phải các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh và đáp ứng các điều kiện:
- Từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định của pháp luật
- Từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án
- Nếu họ vẫn phải chấp hành hình phạt bổ sung thì sẽ được xóa án tích khi chấp hành xong hình phạt bổ sung đó.
Theo quyết định của tòa (Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015)
Căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án, Tòa án sẽ ra quyết định xóa án tích với các tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Các trường hợp cụ thể:
- Khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định
- Khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án
Trong một số trường hợp cụ thể (Điều 72 Bộ luật Hình sự 2015)
Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định của pháp luật.
Thứ hai: Thủ tục xoá án tích
Theo quy định tại Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thủ tục để được xóa án tích được quy định như sau:
+ Với trường hợp đương nhiên được xóa án tích thì thời hạn tiếp nhận và cấp phiếu lý lịch tư pháp không có án tích là 05 ngày.
Hồ sơ về trường hợp đương nhiên được xoá án tích:
- Đơn xin xóa án tích (theo mẫu).
- Bản sao hộ khẩu;
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.
- Trích lục hoặc bản sao Bản án hình sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, nếu đã xét xử tại cấp phúc thẩm thì cung cấp cả trích lục hoặc bản sao Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm.
- Căn cứ vào hình phạt chính tại Bản án, công dân phải nộp một trong các giấy tờ (bản chính) sau đây:
Giấy chứng nhận đặc xá do Trại giam nơi thi hành án cấp (trường hợp bị xử phạt tù giam nhưng được đặc xá)
Giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù do Trại giam nơi thi hành án cấp hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (trường hợp bị xử phạt tù giam và đã chấp hành xong hình phạt tù)
Giấy chứng nhận đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo do Cơ quan thi hành án hình sự - Công an quận, huyện, thị xã hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (trường hợp bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo)
Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giảm giữ do Cơ quan thi hành án hình sự - Công an quận, huyện, thị xã cấp hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (trường hợp bị xử phạt cải tạo không giam giữ)
Biên lai nộp tiền án phí, tiền phạt và các nghĩa vụ dân sự khác như: bồi thường, truy thu,… trong bản án hình sự hoặc Giấy xác nhận kết quả thi hành do Cơ quan thi hành án dân sự cấp hoặc các giấy tờ khác có liên quan đến việc xác nhận đã nộp tiền án phí, tiền phạt và các nghĩa vụ dân sự khác.
Khoản 4 Điều 70 BLHS 2015 quy định “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này”.
Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn cho các Sở và các Sở Tư pháp trực tiếp quy định các thủ tục chi tiết để xóa án tích cho các trường hợp được đương nhiên xóa án tích. Những người muốn làm thủ tục đương nhiên xóa án tích sẽ nộp đơn tới Sở Tư pháp của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi mình thường trú.
+ Với các trường hợp còn lại do Tòa án quyết định.
Theo đó, người bị kết án phải gửi đơn yêu cầu xóa án tích (có nhận xét của chính quyền địa phương hoặc nơi làm việc, học tập).
Trong thời gian 13 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người bị kết án, Tòa án cấp sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích hoặc quyết định bác đơn xin xóa án tích.
Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục thủ tục hành chính trong mục biểu mẫu nhé.