Hợp đồng mua bán quốc tế

Hợp đồng mua bán quốc tế

I. Khái quát về hợp đồng mua bán quốc tế

1. Khái niệm

Hợp đồng mua bán quốc tế còn gọi là hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc hợp đồng mua bán ngoại thương là sự thoả thuận giữa các đương sự có trụ sở kinh doanh ở các nước khác nhau, theo đó một bên gọi là bên xuất khẩu (Bên bán) có nghĩa vụ chuyển vào quyền sở hữu của một bên khác gọi là bên nhập khẩu (Bên mua) một tài sản nhất định, gọi là hàng hoá; bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và trả tiền hàng.

Ðịnh nghĩa trên đây nêu rõ:

Bản chất của hợp đồng này là sự thoả thuận của các bên ký kết (các bên đương sự).

Chủ thể của hợp đồng là Bên bán (bên xuất khẩu) và bên mua (bên nhập khẩu). Họ có trụ sở kinh doanh ở các nước khác nhau. Bên bán giao một giá trị nhất định, và để đổi lại, bên mua phải trả một đối giá (Counter value) cân xứng với giá trị đã được giao (Contract with consideration).

Ðối tượng của hợp đồng này là tài sản; do được đem ra mua bán tài sản này biến thành hàng hoá. Hàng hoá này có thể là hàng đặc tính (Specific goods) và cũng có thể là hàng đồng loại (Generic goods).

khách thể của hợp đồng này là sự di chuyển quyền sở hữu hàng hoá (chuyển chủ hàng hoá). Ðây là sự khác biệt so với hợp đồng thuê mướn (vì hợp đồng thêu mướn không tạo ra sự chuyển chủ), so với hợp đồng tặng biếu (vì hợp đồng tặng biếu không có sự cân xứng giữa nghĩa vụ và quyền lợi).

2. Ðiều kiện hiệu lực của hợp đồng mua bán quốc tế .

Theo điều 81 của Bộ luật Thương mại Việt Nam. Hợp đồng mua bán quốc tế có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

(a) Chủ thể của hợp đồng là bên mua và bên bán phải có đủ tư cách pháp lý.

(b) Hàng hoá theo hợp đồng là hàng hoá được phép mua bán theo quy định của pháp luật.

(c) Hợp đồng mua bán quốc tế phải có các nội dung chủ yếu mà luật pháp đã quy định.

(d) Hình thức của hợp đồng phải là văn bản.

Đánh giá bài viết
4 3.244
0 Bình luận
Sắp xếp theo