Nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tổ chức Đảng, Đảng viên 2024

Hoatieu xin chia sẻ Nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tổ chức Đảng, Đảng viên. Nắm được nội dung cần kiểm điểm sẽ giúp các tổ chức Đảng, Đảng viên biết mình nên chuẩn bị gì, cần viết gì trong bài tự kiểm điểm của mình, qua đó nhận ra được ưu khuyết và hướng phấn đấu trong đợt sau. Mời các bạn tham khảo dưới đây.

1. Ý nghĩa của việc Tự phê bình và phê bình

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên, là vũ khí sắc bén để chống tả khuynh và hữu khuynh; uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức; ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ; tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí; nói thẳng, nói thật; nhận rõ những khuyết điểm, yếu kém, sai phạm… nhằm mục đích để xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất từ trong tư duy, nhận thức, lý tưởng đến hành động cách mạng.

2. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ đảng

Căn cứ theo Quy định 132-QĐ/TW năm 2018 về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị do Ban Chấp hành Trung ương ban hành tại Điều 3 về nguyên tắc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại như sau:

  • Đúng chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
  • Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết, thống nhất; trung thực, khách quan, toàn diện; công bằng, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trách nhiệm.
  • Bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
  • Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc; kết quả, hiệu quả công việc làm thước
    đo chủ yếu trong đánh giá, xếp loại hằng năm.
  • Gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể; người đứng đầu, cá nhân lãnh đạo, quản lý được
    phân công phụ trách lĩnh vực, địa bàn với kết quả hoạt động, hiệu quả công tác của địa
    phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

3. Các đối tượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình

Theo Mục 1 Phần II.A Hướng dẫn 21-HD/BTCTW năm 2019, các đối tượng thuộc kiểm điểm tự phê bình và phê bình bao gồm:

3.1. Đối với tập thể

- Ở Trung ương

+ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng; ban thường vụ đảng ủy trực thuộc Trung ương, đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo các ban đảng ở Trung ương.

+ Tập thể thường trực Hội đồng Dân tộc; thường trực các Ủy ban của Quốc hội, tập thể lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

+Tập thể lãnh đạo: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; các đơn vị sự nghiệp ở Trung ương (Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam,...

+Tập thể lãnh đạo, quản lý khác ở các ban, bộ, ngành do cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương quy định.

- Ở địa phương

+ Ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; cấp ủy cơ sở; đảng đoàn, ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện.

+ Tập thể lãnh đạo, quản lý khác ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở do tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương quy định.

3.2. Đối với cá nhân

- Đảng viên trong toàn Đảng (trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng, đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng). Đối với cấp ủy viên bị đình chỉ sinh hoạt cấp ủy thì vẫn phải kiểm điểm.

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tổ chức Đảng, Đảng viên
Nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tổ chức Đảng, Đảng viên

4. Nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tổ chức Đảng, Đảng viên

Nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tổ chức Đảng, Đảng viên được quy định như sau:

4.1. Đối với tập thể lãnh đạo, quản lý

- Việc quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của cấp trên.

- Kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác năm của địa phương, cơ quan, đơn vị; các chỉ tiêu, nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền giao, phê duyệt trong năm được lượng hóa bằng sản phẩm (nếu có).

- Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định, quy chế làm việc.

- Việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

- Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và thi đua, khen thưởng.

- Kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận hoặc được chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước.

- Những vấn đề được gợi ý kiểm điểm (nếu có).

Khi kiểm điểm phải làm rõ trách nhiệm của tập thể và mỗi thành viên, nhất là người đứng đầu trong từng hạn chế, khuyết điểm của tập thể và đề ra biện pháp khắc phục có tính khả thi.

4.2. Đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý

* Kiểm điểm đảng viên

- Về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong, lề lối làm việc:

+ Tư tưởng chính trị: Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng; chấp hành, tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc học tập các nghị quyết, chỉ thị, tham gia các đợt sinh hoạt chính trị để nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng.

+ Phẩm chất đạo đức, lối sống: Kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc giữ gìn đạo đức, lối sống, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên và quan hệ mật thiết với nhân dân; tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu sửa chữa khuyết điểm và đấu tranh với các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ý thức xây dựng địa phương, cơ quan, đơn vị và giữ gìn đoàn kết nội bộ.

+ Ý thức tổ chức kỷ luật: Việc chấp hành sự phân công của tổ chức; thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm và các nội quy, quy chế của địa phương, cơ quan, đơn vị; các nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng và đóng đảng phí theo quy định; trách nhiệm nêu gương của đảng viên; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân và thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi cư trú.

+ Tác phong, lề lối làm việc: Năng động, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ; phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc; tinh thần hợp tác, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp.

+ Liên hệ 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

- Về thực hiện chức trách, nhiệm vụ:

+ Việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, quyền hạn và trách nhiệm đối với các chức vụ công tác (đảng, chính quyền, đoàn thể) theo quy định.

+ Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm được lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể.

+ Trách nhiệm cá nhân liên quan đến kết quả, hạn chế, khuyết điểm ở lĩnh vực, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.

- Việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm.

- Kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được cấp có thẩm quyền kết luận hoặc chỉ ra ở kỳ kiểm điểm trước.

- Những vấn đề được gợi ý kiểm điểm (nếu có).

Đối với đảng viên là công chức, viên chức và những người khác hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Khi kiểm điểm cần đi sâu làm rõ về khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao; tinh thần đổi mới, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm; ý thức, thái độ phục vụ nhân dân.

* Kiểm điểm cán bộ lãnh đạo, quản lý

Ngoài những nội dung nêu tại khoản a) trên đây, còn phải kiểm điểm sâu sắc các nội dung sau:

- Kết quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, trách nhiệm của cá nhân trong tham gia cùng tập thể lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức, cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị; quan hệ, phối hợp với cấp ủy và tập thể lãnh đạo, quản lý; thái độ công tâm, khách quan; việc quy tụ, đoàn kết nội bộ và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng.

- Ý thức đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi. Việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, người lao động. Trách nhiệm nêu gương theo quy định của Trung ương và cấp ủy các cấp.

(Mục 3 Phần II.A Hướng dẫn 21-HD/BTCTW năm 2019)

Trên đây là Nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tổ chức Đảng, Đảng viên 2024. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm tại mục tài liệu của Hoatieu nhé.

Đánh giá bài viết
1 82
0 Bình luận
Sắp xếp theo