Đáp án thi viết Tìm hiểu 75 năm LLVT tỉnh Quảng Ninh

Đáp án thi viết Tìm hiểu 75 năm LLVT tỉnh Quảng Ninh. Để giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình thi, HoaTieu.vn giới thiệu đáp án tự luận Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu LLVT tỉnh Quảng Ninh - 75 năm lịch sử và những chiến công. Mời các bạn cùng tham khảo.

Lưu ý: Đây là đáp án chính thức do Ban tổ chức cuộc thi công bố 

Đáp án thi viết Cuộc thi tìm hiểu LLVT tỉnh Quảng Ninh - 75 năm lịch sử và những chiến công

Cuộc thi tìm hiểu LLVT tỉnh Quảng Ninh - 75 năm lịch sử và những chiến công
Cuộc thi tìm hiểu LLVT tỉnh Quảng Ninh - 75 năm lịch sử và những chiến công

Câu 1: Nêu một số nét khái quát về tỉnh Quảng Ninh - Địa bàn chiến lược, truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng?

- Quảng Ninh là một tỉnh biên giới, miền núi và ven biển, nằm ở địa đầu Đông Bắc Tổ quốc; phía Bắc giáp nước Cộng hoàn nhân dân Trung Hoa với đường biên giới trên bộ dài 132,8 km; Tây bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp tỉnh Bắc Giang, Hải Dư­ơng và thành phố Hải Phòng, phía Nam và phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ. Chiều dài của tỉnh trên 300 km, chiều rộng trên 50 km. Diện tích tự nhiên của tỉnh 6.100 km2, dân số trên 1,4 triệu ngư­ời.

- Trong lịch sử, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều lần thay đổi địa danh và địa giới hành chính. Quảng Ninh là một trong những vùng đất có lịch sử lâu đời và có những đóng góp xứng đáng vào lịch sử hàng nghìn năm dựng nư­ớc và giữ nư­ớc của dân tộc.

- Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Quảng Ninh ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo quần chúng công nông, thanh niên, trí thức tham gia. Cuối tháng 2 năm 1930 chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Quảng Ninh được thành lập ở Mạo Khê. Ngày 1 tháng 5 năm 1930 lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên đỉnh núi Bài Thơ, chào mừng ngày chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Gai được thành lập, mở đầu cho cao trào đấu tranh cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945...

- Sau Cách mạng tháng Tám, tháng 11 năm 1945, chính quyền nhân dân được thiết lập trên toàn bộ địa bàn tỉnh Quảng Yên. Trừ hai huyện Hà Cối, Ba Chẽ và quần đảo Cô Tô lúc này còn bị tàn quân Pháp và bọn phỉ chiếm đóng, tất cả các huyện, thị xã còn lại trong tỉnh đã được giải phóng và có chính quyền cách mạng của nhân dân.

- Để thống nhất chỉ đạo kháng chiến, ngày 31 tháng 3 năm 1947, liên tỉnh Quảng Hồng được thành lập bao gồm tỉnh Quảng Yên, đặc khu Hòn Gai và các huyện Thủy Nguyên, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn, Đông Triều. Ngày 16 tháng 12 năm 1948, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu I đã quyết định tách tỉnh Quảng Hồng thành tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai.

- Với sự phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và binh vận, quân và dân Hải Ninh, Quảng Yên, Hòn Gai đã làm tan rã một mảng lớn lực lượng vũ trang của địch trên chiến trường Đông Bắc, góp phần đáng kể vào thắng lợi to lớn của chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

- Ngày 22/2/1955, theo sắc lệnh của Chủ tịch nước, khu Hồng Quảng gồm đặc khu Hồng Gai và tỉnh Quảng Yên (trừ các huyện Sơn Động, Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh) đã được thành lập. Ngày 24 tháng 4, tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng đã rời bến Bãi Cháy. Phát huy khí thế chiến thắng, quân và dân vùng Đông Bắc lại bước vào một giai đoạn cách mạng mới: Xây dựng miền Bắc XHCN, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

- Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Công cuộc xây dựng CNXH đang trên đà phát triển thì nhân dân ta lại phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Bị thua đau trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã cho máy bay và tàu chiến ném bom và bắn phá miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quân và dân Quảng Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng, kịp thời đập tan cuộc chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Với khẩu hiệu “Tay cày tay súng”, “Tay búa tay súng”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", nhân dân Quảng Ninh bất chấp bom đạn ác liệt, vừa sản xuất tốt, vừa chiến đấu giành thắng lợi, bảo vệ và ổn định đời sống nhân dân.

- Đại thắng mùa xuân năm 1975 tạo một bước ngoặt lịch sử đưa nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với cả nước trong khí thế bừng bừng thắng lợi đó, Nhân dân Quảng Ninh đã bước vào một giai đoạn mới với nhiều thuận lợi. Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đoàn kết, phấn đấu khắc phục khó khăn đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

- Phát huy truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, vượt qua thách thức của đại dịch COVID-19, tỉnh Quảng Ninh đã giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,28%, là năm thứ 6 liên tiếp đạt mức tăng trưởng 2 con số; lần đầu tiên và duy nhất trong cả nước tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu đồng thời 4 chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); trong đó chỉ số PCI và PAR Index 5 năm liên tiếp giữ ngôi vị quán quân. Cùng với đó, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng cũng ngày càng được củng cố và tăng cường (từ 73,3% năm 2016 lên 79% năm 2017; 85,1% năm 2018; 96,1% năm 2019; 95,21% năm 2020)[1].

Câu 2: Tỉnh đội Dân quân liên tỉnh Quảng-Hồng và Tỉnh đội Dân quân Hải Ninh đ­ược thành lập vào thời gian nào? Ngày truyền thống của LLVT tỉnh Quảng Ninh đ­ược xác định là ngày, tháng, năm nào? Bạn hãy cho biết hoàn cảnh ra đời của các sự kiện trên?

Trả lời:

* Tỉnh đội dân quân Liên tỉnh Quảng-Hồng được thành lập vào ngày 01/5/1947.

* Tỉnh đội dân quân tỉnh Hải Ninh được thành lập vào tháng 10/1947.

* Hoàn cảnh ra đời của các sự kiện trên:

- Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến đến đầu năm 1947 phong trào toàn dân đánh giặc trên địa bàn tỉnh Quảng Yên, Hải Ninh và Đặc khu Hồng Gai phát triển sâu rộng, chiến tranh du kích phát triển, LLVT đư­ợc tổ chức rộng khắp và chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc.

- Năm 1947, việc tổ chức và chỉ đạo xây dựng LLVT địa phương đã có sự chuyển biến mới từ Trung ­­ương đến các thôn, xã.

- Tháng 3/1947, Chính phủ quyết định chuyển Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam thành Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ Việt Nam. Chính phủ cũng quyết định xây dựng các Ban chỉ huy Tỉnh đội, Huyện đội, Xã đội dân quân thuộc Uỷ ban kháng chiến các cấp.

- Từ ngày 25 đến 27/5/1947 (tại Suối Cát, Giang Tiên, Phú Lư­ơng, Thái Nguyên), Hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ nhất đ­­ược tổ chức do đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì. Hội nghị đã thông qua một số vấn đề quan trọng: Thống nhất cơ chế tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, nguyên tắc, hình thức tổ chức các cấp dân quân... Sau hội nghị dân quân toàn quốc, từ tháng 5/1947 trở đi hệ thống cơ quan quân sự các cấp lần l­ượt đ­­ược thành lập và dân quân tự vệ trở thành một bộ phận trong các lực l­­ượng vũ trang của Nhà n­­ước.

- Thực hiện chỉ thị của trên, từ tháng 5 đến tháng 10/1947 Tỉnh đội Dân quân Liên tỉnh Quảng-Hồng và Tỉnh đội Dân quân Hải Ninh lần lượt đ­­ược thành lập (tiền thân của Bộ CHQS tỉnh ngày nay). Đến tháng 10/1947 hệ thống cơ quan quân sự địa phư­­ơng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã trên địa bàn Liên tỉnh Quảng-Hồng và tỉnh Hải Ninh (địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày nay) đ­­ược kiện toàn đầy đủ, thống nhất, đáp ứng đ­ược yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến.

* Ngày truyền thống của LLVT tỉnh Quảng Ninh được xác định là ngày 18/10/1947.

Câu 3: Hoàn cảnh, thời gian ra đời và một số thành tích tiêu biểu của Chiến khu Trần Hưng Đạo? Hiện nay, Chiến khu Trần Hưng Đạo thuộc những địa phương nào?

Trả lời:

* Hoàn cảnh, thời gian ra đời và một số thành tích tiêu biểu của Chiến khu Trần Hưng Đạo:

- Trong những năm 1925 -1930, nhất là sau hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn thành Đảng Cộng Sản Việt Nam (ngày 3/2/1930). Phong trào cách mạng các tỉnh vùng duyên hải Đông Bắc Bộ (Hải Dương, Quảng Yên, Kiến An, Hải Phòng và Hải Ninh) phát triển mạnh mẽ.

- Vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ tích cực khôi phục lại các tổ chức Đảng từ cơ sở đến tỉnh, phát triển rộng khắp phong trào Việt Minh trong các tầng lớp nhân dân vùng Duyên hải Bắc Bộ. Sau Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ tại Hiệp Hoà ( Bắc Giang) từ ngày 15 đến 20/4/1945 do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì, Hội nghị đã quyết định thành lập 7 chiến khu trong cả nước gồm: Chiến khu Lê Lợi, Chiến khu Hoàng Hoa Thám, Chiến khu Quang Trung, Chiến khu Trần Hưng Đạo ( Miền Bắc), Chiến khu Phan Đình Phùng, Chiến khu Trưng Trắc (Miền Trung), Chiến khu Nguyễn Tri Phương (Miền Nam). Tại vùng Đông Bắc và Duyên hải Bắc bộ, được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, tỉnh uỷ Hải Dương cử hai đồng chí Trần Cung và Hải Thanh trực tiếp phụ trách việc chuẩn bị lập chiến khu ở khu vực Chí Linh- Đông Triều. Trước đó, Xứ uỷ còn giao cho một số đồng chí trong đó có đồng chí Nguyễn Bình về Hải Phòng mua sắm vũ khí, liên hệ với các cơ sở Việt Minh, tranh thủ vận động binh lính địch, tạo điều kiện cho việc khởi nghĩa chống Nhật. Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ và một số đồng chí khác thường xuyên theo dõi và chỉ đạo công tác chuẩn bị thành lập Chiến khu.

- Ngày 8/6/1945 với thành tích đánh thắng cùng một lúc bốn đồn binh địch ở Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch, đó là chiến công vang dội, đánh dấu ngày chính thức ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo - Đệ Tứ chiến khu, một căn cứ địa cách mạng có ý nghĩa và tầm vóc quan trọng nhiều mặt trong giai đoạn tiền khởi nghĩa và trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở vùng Duyên Hải Đông Bắc Tổ quốc.

- Sự ra đời của chiến khu Trần Hưng Đạo trước ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 hơn 2 tháng và sau khi Trung ương Đảng đã có chủ trương thành lập các căn cứ địa cách mạng chống Nhật trong cả nước là phù hợp với yêu cầu lịch sử và những nhân tố khách quan và chủ quan ở vùng Đông Bắc.

* Hiện nay, Chiến khu Trần Hưng Đạo thuộc địa bàn 2 huyện Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh).

Câu hỏi 4: Cho biết thời gian diễn ra, lực lượng tham gia và kết quả 05 trận đánh trong số các trận đánh tiêu biểu của quân và dân Quảng Ninh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược(1945-1954)?

Trả lời:

  1. Trận đánh tàu Cray-xắc và Ô-đa-xi-ơ (ngày 7 và 11/9/1945) của Đại đội Ký Con ở vùng biển Hòn Gai tỉnh Quảng Yên (nay là Quảng Ninh).

* Bối cảnh

- Sau khi giành được chính quyền (8/1945), quân giải phóng của Chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là Đệ tứ Chiến khu) tỏa về các tỉnh miền duyên hải để xây dựng lực lượng, trấn áp phản động.

- Đại đội Ký Con được điều động ra Hòn Gai, tỉnh Quảng Ninh tăng cường, bảo vệ chính quyền cách mạng.

- Cray-xắc và Ô-đa-xi-ơ hai tàu chiến của Pháp. Đầu năm 1943, tàu Cray-xắc (cùng 1 tàu khác) thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu phía ngoài Vịnh Hạ Long và các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ để kiểm tra tàu buôn lậu của người Trung Quốc sang Việt Nam và ngược lại. Tháng 8/1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng, Kiến An giành thắng lợi, tàu Cray-xắc rời Cảng Hải Phòng ra đậu gần đảo Long Châu. Ngày 07/9/1945 tàu Cray-xắc vào Vịnh Hạ Long, tiến sát biển Hòn Gai.

* Diễn biến

- Sáng ngày 07/9, ta phát hiện tàu Cray-xắc từ đảo Vạn Hoa vào bến Hòn Gai, ta sử dụng 2 tàu và 1 ca nô kịp thời triển khai đội hình bao vây, bất ngờ áp sát, bắt gọn.

- Trưa ngày 11/9 Pháp cho tàu Ô-đa-xi-ơ vào tìm kiếm tàu Cray-xắc, tiếp tục bị ta truy đuổi, bắt giữ.

* Kết quả

Ta thu 2 tàu cùng toàn bộ vũ khí, trang bị (có 01 pháo 37mm, 06 súng máy khác hạng nặng...); bắt 24 sĩ quan và thủy thủ.

* Ý nghĩa

- Góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

- Góp phần hạn chế hoạt động của địch ở vùng biển Đông Bắc.

- Đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của LLVT liên tỉnh duyên hải Đông Bắc.

- Bước đầu đánh vào ý đồ quay trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp.

- Cổ vũ tinh thần chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và bọn phản động tay sai của quân và dân ta.

  1. Trận tập kích địch ở đồn Bình Liêu đêm 24 và ngày 25/12/1950.

* Bối cảnh

- Đồn Bình Liêu là một vị trí quan trọng của địch trên tuyến phòng thủ Đông Bắc Hải Ninh (Quảng Ninh); địch tăng cường lực lượng với trên một tiểu đoàn gồm phần lớn là lính Âu Phi, do tên quan ba người Pháp C.len-sơ chỉ huy.

- Về phía ta: Tham gia đánh chiếm đồn Bình Liêu và giải phóng huyện Bình Liêu có Trung đoàn 174 và đơn vị phối thuộc là Trung đoàn 98, có nhiệm vụ chặn viện binh từ Tiên Yên lên. Tiểu đoàn 888 của Trung đoàn 176 và 2 đại đội bộ đội địa phương.

* Diễn biến: Vào lúc 22h00 đêm Noenl ngày 24/12/1950, Trung đoàn 174 ra lệnh nổ súng mở màn trận đánh.

Sau một đêm và gần một ngày chiến đấu dũng cảm, ngoan cường. Hơn 15 giờ ngày 25-12-1950 bộ đội ta đã hoàn toàn làm chủ chiến trường, trận đánh kết thúc thắng lợi. Ta giải phóng hoàn toàn huyện Bình Liêu.

* Kết quả: Trong trận chiến đấu này, ta đã tiêu diệt nhiều tên địch, bắt sống 120 tên trong đó có tên quan ba Clensơ, chỉ huy đồn Bình Liêu, một quan hai Cốt Man, chỉ huy đồn Hoành Mô, thu toàn bộ vũ khí gồm 1 khẩu Mortre 120 ly, 1 Mortre 81 ly, 2 Mortre 60 ly, 1 khẩu 12,7 ly, 3 đại liên, 25 trung liên, 200 súng trường, 04 máy VTĐ, 2 kho đạn và quân trang, 2 máy bay Hen cát từ Hà Nội đến, đều bị ta bắn đuổi, một Đa-kô-ta đến thả 20 dù tiếp tế đều rơi vào tay quân ta.

* Ý nghĩa: Trận chiến đấu đánh đồn Bình Liêu thắng lợi, góp phần giải phóng hoàn toàn huyện Bình Liêu có một ý nghĩa lịch sử to lớn, tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu và vùng Đông Bắc. Huyện Bình Liêu được giải phóng sẽ là căn cứ địa vững chắc của tỉnh, tạo điều kiện cho tỉnh Hải Ninh tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

  1. Quân dân tỉnh Quảng Yên tham gia chiến dịch đường số 18 (23/3 đến 07/4/1951).

* Bối cảnh: Chiến dịch đường số 18 (hay chiến dịch Hoàng Hoa Thám) được mở gần các bờ biển chiến lược ở bờ biển Đông Bắc, đánh vào một khâu trọng yếu và sơ hở của giặc trên phòng tuyến đường 18, nhằm phá kế phòng ngự và bình định đồng bằng Bắc bộ của địch.

+ Quân địch: Có Binh đoàn cơ động số 6, về sau tăng cường thêm tiểu đoàn 6 dù, yểm trợ bởi pháo binh và cơ giới, cùng quân đồn trú của Quốc gia Việt Nam. Tổng số lực lượng ở khu vực đường 18 là 11 tiểu đoàn và hai đại đội pháo 105mm (tám khẩu) đặt ở Đông Triều.

+ Quân ta: Lực lượng sử dụng gồm 5 Trung đoàn của Đại đoàn 308 và 312, hai Trung đoàn 98 và 174.

* Diễn biến:

+ Đêm 23/3/1951, chiến dịch đường 18 bắt đầu.

+ Đêm 27/3 quan ta tiến công tiêu diệt Bí Chợ và Tràng Bạch.

+ Đêm 29 rạng sáng ngày 30/3, ta tấn công Mạo Khê phố và Mạo Khê mỏ.

+ Trong hai đêm 4 và 5/4 quân ta tiến công các vị trí Bến Tắm, Bãi Thảo, Hoàng Đán, Hạ Chiểu.

+ Ngày 07/4, chiến dịch kết thúc.

* Kết quả

Trong chiến dịch đường số 18 quân và dân Quảng Yên đã cùng với bộ đội chủ lực tiêu diệt trên 2.000 tên địch, bắt sống và làm bị thương 1.050 tên, tiêu diệt 14 vị trí, bức rút 4 vị trí, thu trên 400 khẩu súng các loại, phá hỏng 49 xe vận tải quân sự, 6 xe tăng và xe bọc thép, bắn rơi 1 máy bay, ta đã thực hiện được một phần yêu cầu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng được đường từ căn cứ vào vùng sau lưng địch.

Riêng đối với quân và dân tỉnh Quảng Yên, trong đợt phối hợp với chiến dịch đường số 18, quân dân Quảng Yên đã đánh 90 trận, diệt 307 tên địch, phá hủy 1 xe và 3 vị trí, bức hàng 2 đồn giặc, vận động 35 lính và đồn trưởng trở về mang theo 27 súng, phá tề và dõng ở 22 thôn, diệt 4 tháp canh và đồn bảo an, phá hàng chục cầu, cắt 7km đường dây điện, vận chuyển 40 thương binh từ nơi có chiến sự đến nơi an toàn.

* Ý nghĩa: Sau chiến dịch đường số 18, Nhân dân Sơn Động được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba, Nhân dân tỉnh Quảng Yên được Bác Hồ gửi thư khen (Trích nội dung thư khen).

  1. Chống chiến dịch càn quét Bô- lê-rô ở vùng sau lưng địch của quân và dân tỉnh Quảng Yên (28/6 đến 26/8/1952)

* Bối cảnh:

- Sau chiến dịch Hòa Bình (1952), thực dân Pháp đã mở 7 chiến dịch lớn càn quét vào Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Yên, Hưng Yên, Hà Đông nhằm đối phó với chiến tranh du kích của ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

- Cuộc càn quét diễn ra trên quy mô lớn, dài ngày, toàn diện và rất ác liệt, nhằm phá hoại những vùng du kích và bình định vùng sau lưng địch. Cuộc càn quét Bô-lê-rô vào các huyện Chí Linh, Kinh môn, Nam Sách, Đông Triều mà trung tâm là các khu du kích mạnh trong các huyện đó.

*Diễn biến:

Các cuộc hành binh, càn quét của giặc trong chiến dịch Bô-lê-rô chia làm hai đợt:

Đợt 1: Từ 28/6/1952 đến 16/8/1952

Đợt 2: Từ 16/8/1952 đến 25/8/1952

* Kết quả:

Trong 2 tháng anh dũng chống chiến dịch càn quét Bô-lê-rô của giặc, quân và dân Quảng Yên đã tiêu diệt 595 tên địch, trong đó có một tên quan năm, một quan tư, một quan ba và bốn quan hai, làm bị thương 2.246 tên, bắt sống 13 tên, thu và phá hủy nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự khác.

Với một lực lượng mạnh, áp đảo về quân số, vũ khí phương tiện chiến tranh, song địch đã không thực hiện được mục tiêu của cuộc càn quét. Ngược lại, quân và dân ta đã anh dũng chống càn thắng lợi, bước đầu làm thất bại âm mưu bao vây, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng ta, xóa sạch các khu du kích, mở rộng phạm vi chiếm đóng của chúng.

* Ý nghĩa: Với chiến thắng của quân và dân tỉnh Quảng Yên trong chiến dịch chống càn Bô-lê-rô vào vùng địch hậu tỉnh Quảng Yên có một ý nghĩa lịch sử to lớn. Chiến thắng này đã nêu cao tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, đã cổ vũ mạnh mẽ và thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch lên một bước mới. Qua trận chống càn này dân quân tỉnh Quảng Yên đã thật sự trưởng thành và rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích, phong phú về việc bám dân, bám đất, sự phối hợp tác chiến giữa các vùng, các địa phương để chống càn thắng lợi. Trận đánh đã củng cố lòng tin và chứng minh sức mạnh tổng hợp giữa bộ đội, dân quân du kích và nhân dân, nếu biết đoàn kết, hợp lực, kiên quyết đánh thắng kẻ thù thì dù chúng có đông và mạnh đến đâu ta vẫn giành được thắng lợi.

  1. Trận chống càn bảo vệ căn cứ Áng Tái của du kích xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Yên, từ ngày 16 đến ngày 17/3/1953.

* Bối cảnh:

Tại xã Yên Đức (huyện Đông Triều) ngày 25/12/1952 địch dồn toàn bộ dân trong xã sang huyện Thủy Nguyên, chúng thực hiện âm mưu đốt sạch, phá sạch, lập “vành đai trắng” trong địa bàn toàn xã. Âm mưu và thủ đoạn của địch tiến hành mở cuộc càn quét vào căn cứ Áng Tái, xã Yên Đức, giành quyền kiểm soát tuyến đường 333 và tuyến đường sông.

* Diễn biến:

- 14h ngày 16/3/1953 địch dùng ô tô chở quân từ Tràng Bạch đổ vào thôn Quế Lạt, xã Hoàng Quế, lực lượng hơn một tiểu đoàn. Ở bến Đụn, địch cũng đổ quân với hơn một đại đội.

- 17h ngày 16/3/1953 địch bắt đầu tiến công

- Hướng Áng Tái, một tiểu đoàn địch tổ chức thành 3 mũi tiến công vào Bãi Cát, hướng Cống Đá. Chúng gặp sự phục kích của ta phải lui lại củng cố địa hình.

- 18h, địch tiếp tục tổ chức đợt tiến công thứ 2, khi chúng tiến sâu vào trận trận địa, một số sa vào các bãi chông mìn, lực lượng của ta đồng loạt tấn công, buộc chúng phải lùi ra xa củng cố lực lượng.

- 10h30 ngày 17/3/1953, địch rút quân, ta giành thắng lợi.

* Kết quả: Sau hơn một ngày chiến đấu kiên cường, dũng cảm, du kích Yên Đức với lực lượng nhỏ, vũ khí trang bị thô sơ, nhưng với lối đánh thông minh, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với bộ đội 913 của huyện và biết dựa vào địa hình hiểm yếu đã đánh bại cuộc càn lớn của hơn một Tiểu đoàn địch, có pháo binh chi viện, phá vỡ ý đồ đánh chiếm xã Yên Đức, giải tỏa đường bộ, đường sông ở khu vực này của chúng.

+ Về địch: Bị ta loại khỏi vòng chiến đấu 116 tên, trong đó có tên quan 2, diệt 86 tên, làm bị thương 30 tên, trận càn của địch bị thất bại hoàn toàn.

+ Về ta: Giữ vững được căn cứ, bảo toàn được lực lượng, thu được của địch 8 súng trường tự động, 4 tiểu liên và một số quân trang, quân dụng khác. Bảo vệ được 50 con trâu, bò của Hải Phòng ở Áng Tái để đưa vào hậu cứ phục vụ sản xuất. Một đồng chí du kích bị thương.

*Ý nghĩa: Trận chống càn bảo vệ căn cứ Áng Tái của du kích xã Yên Đức (Đông Triều) đã tiêu hao, tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch, làm thất bại âm mưu của chúng, hòng đánh chiếm Yên Đức và triệt phá khu du kích của ta. Trận đánh đã góp phần cổ vũ khí thế chiến đấu của quân và dân tỉnh Quảng Yên. Qua đó, các lực lượng vũ trang địa phương thêm tin tưởng vững chắc ở khả năng chiến đấu của mình. Nếu biết dựa vào địa thế có lợi và sự giúp đỡ, che chở của nhân dân, thì nhất định sẽ đánh thắng các cuộc càn quét của địch, dù chúng có lực lượng đông và trang bị vũ khí hiện đại.

Câu 5: Hoàn cảnh, diễn biến và kết quả trong chiến thắng trận đầu của quân và dân Quảng Ninh ngày 05/8/1964? Địa ph­ương nào trong tỉnh bắn cháy nhiều máy bay nhất trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ? Thư khen của Hồ Chủ tịch gửi quân và dân Quảng Ninh bắn rơi 100 máy bay Mỹ được Bác viết vào thời điểm nào? Bạn hãy nêu toàn văn Thư khen của Bác.

Trả lời:

* Hoàn cảnh

- Năm 1964, tình thế của Mỹ - Ngụy ở miền Nam lâm vào thế nguy ngập, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại và đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Nhằm cứu vãn tình hình, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam bằng một chiến lược mới và phải làm suy yếu miền Bắc Việt Nam, dùng sức mạnh quân sự phá hoại triệt để hậu phương miền Bắc.

- Đêm 31/7, rạng sáng 1/8/1964, Mỹ cho tàu khu trục Ma-đốc ngang nhiên tiến vào vùng biển miền Bắc Việt Nam từ Đèo Ngang (Quảng Bình) ra đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) để trinh sát và khiêu khích lực lượng của ta, có lúc chỉ cách đèo Ngang khoảng 8 hải lý, vi phạm lãnh hải của ta. Ngày 2/8/1964, tàu Ma-đốc bị tàu phóng lôi của Hải quân Nhân dân Việt Nam tấn công, đánh đuổi, buộc địch phải rút chạy ra vùng biển quốc tế.

Ngày 4/8/1964, Mỹ đã cố tình vu cáo lực lượng Hải quân miền Bắc tiếp tục “vô cớ” tiến công tàu Ma-đốc và Tơ-nơ-gioi khi đang làm nhiệm vụ trong hải phận quốc tế, lấy cớ đó để thúc ép Quốc hội Mỹ thông qua cái gọi là “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”.

* Diễn biến:

- Ngày 5/8/1964, Mỹ huy động 64 máy bay ồ ạt, bất ngờ tiến công ném bom vào nhiều mục tiêu quan trọng ven biển Bắc Bộ là Cảng Gianh (Quảng Bình), Vinh - Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) và Bãi Cháy (Quảng Ninh), mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc Việt Nam.

- 13 giờ 35 phút, ngày 5/8/1964, nhiều tốp máy bay của Mỹ gồm: 2 chiếc F86, 2 chiếc F102, 4 chiếc AD6 bất ngờ tập kích vào Bãi Cháy, cảng Hải quân cột 8 thị xã Hòn Gai. Sau 30 phút, chúng đã ném 10 quả bom, bắn nhiều đạn rốc két, giết chết 1 công nhân bến Hòn Gai, làm bị thương 3 người khác, đắm 1 xà lan chở than, hỏng 2 toa xe lửa và 1 đoạn đường ray.

- Với tinh thần cảnh giác cao, ý chí căm thù đế quốc Mỹ sâu sắc, tinh thần quyết chiến quyết thắng, các lực lượng vũ trang nhân dân thị xã Hòn Gai đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội pháo phòng không, Hải quân… nổ súng đánh trả chúng quyết liệt, bắn rơi 3 máy bay, bắt sống tên giặc lái Anvaret. Đây là tên phi công Mỹ đầu tiên bị nhân dân ta bắt sống trên miền Bắc.

* Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu n­ước, quân và dân Quảng Ninh đã bắn cháy 200 máy bay Mỹ (chiến tranh phá hoại lần thứ nhất bắn rơi 173 chiếc, lần thứ 2 bắn rơi 27 chiếc); Dân quân du kích xã Xuân Sơn, huyện Đông Triều là đơn vị bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 trên bầu trời Quảng Ninh và quân dân xã đảo Ngọc Vừng, huyện Cẩm Phả là đơn vị bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 trên bầu trời Quảng Ninh. Quân dân Quảng Ninh đã tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.

* Địa phương trong tỉnh Quảng Ninh bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất: Thị xã Hồng Gai là địa phương bắn rơi nhiều máy bay nhất; huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) là nơi dân quân du kích hạ nhiều máy bay nhất so với các địa phương trong tỉnh.

* Toàn văn thư khen của Hồ Chủ tịch gửi quân và dân Quảng Ninh nhân dịp bắn rơi 100 máy bay Mỹ (viết vào ngày 19/8/1966).

Thân ái gửi đồng bào các dân tộc, bộ đội, công nhân và cán bộ Quảng Ninh.

Ngày 5 tháng 8 năm 1964, trong trận đầu tiên giặc Mỹ dùng Không quân phá hoại miền Bắc nước ta, quân và dân Quảng Ninh đã chiến thắng vẻ vang, bắn rơi 3 máy bay Mỹ.

Liên tiếp lập chiến công, đến ngày 15 tháng 8 năm nay, Quảng Ninh đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ, đồng thời dũng cảm khắc phục khó khăn, thi đua sản xuất.

Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta.

Quân và dân Quảng Ninh hãy phát huy truyền thống anh hùng của đất mỏ, luôn luôn đoàn kết chặt chẽ, nâng cao cảnh giác, đánh tan mọi âm mưu tội ác của giặc Mỹ, lập nhiều thành tích chiến đấu và sản xuất to lớn hơn nữa.

Chào thân ái và quyết thắng

BÁC HỒ

Câu hỏi 6: Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh được tái thành lập vào thời gian nào? Nhiệm vụ chính của Bộ CHQS tỉnh hiện nay? Đồng chí cho biết tên gọi của cơ quan quân sự địa ph­ương của tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ? Hãy nêu tên các đồng chí Tỉnh đội trư­ởng, Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng về chính trị, Chính uỷ, Chính trị viên Tỉnh đội qua các thời kỳ?

Trả lời

  1. Thời gian thành lập Bộ CHQS tỉnh: Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng, từ tháng 5 đến tháng 10/1947 Tỉnh đội dân quân Liên tỉnh Quảng Hồng và Tỉnh đội dân quân Liên tỉnh Hải Ninh lần lượt được thành lập (tiền thân Bộ CHQS tỉnh ngày nay). Từ năm 1947 đến năm 1948 với tên gọi là Tỉnh đội dân quân Liên tỉnh Quảng-Hồng và Tỉnh đội Dân quân Hải Ninh; Từ ngày 25/8/1948 đến tháng 10/1956 là: Tỉnh đội Dân quân tỉnh Quảng Yên, Đặc khu đội Hòn Gai và Tỉnh đội Dân quân tỉnh Hải Ninh trực thuộc Liên khu I, sau đó Liên khu 1 hợp nhất với Khu 10 thành Liên khu Việt Bắc. Từ tháng 10/1956 đến tháng 3/1963 thuộc Quân khu Tả Ngạn. Sau khi Trung ương có quyết định thành lập tỉnh Quảng Ninh (năm 1963), từ tháng 4/1963 đến năm 1964, thuộc Quân khu 3. Từ cuối năm 1964 đến năm 1967 thuộc Quân khu Đông Bắc. Từ tháng 3/1967 đến tháng 4/1971 thuộc Bộ T­­ư ­ lệnh Hải Quân kiêm Quân khu Đông Bắc. Từ tháng 4/1971 đến năm 1978 thuộc Quân khu Tả Ngạn, sau đổi thành Quân khu 3. Từ năm 1978 đến 4/1979 thuộc Quân khu I; Từ ngày 19/4/1979 đến ngày 18/10/1987 là Đặc khu Quảng Ninh.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 14/8/1987 Đặc khu Quảng Ninh với Quân khu 3 hợp nhất, giữ nguyên tên gọi Quân khu 3 và thành lập Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh; ngày 18/10/1987 tái thành lập Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh.

2. Chức năng, nhiệm vụ Bộ CHQS tỉnh

  1. a) Chức năng:

- Làm tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tổ chức thực hiện công tác quân sự địa phương, quốc phòng toàn dân ở địa phương.

- Quản lý Nhà nước về mặt quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và hoàn thành các nhiệm vụ khác được giao.

- Trực tiếp quản lý, chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang nhân dân địa phương dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng ; Đảng uỷ, Bộ tư lệnh Quân Khu 3, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh.

  1. b) Nhiệm vụ:

- Tổ chức xây dựng, bảo vệ tiềm lực quốc phòng của địa phương, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương (Bao gồm bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên), xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ; quản lý, huy động nền kinh tế quốc dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng của địa phương và cả nước trong mọi tình huống.

- Triển khai thực hiện công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự, hoạt động phong trào thi đua quyết thắng trong lực lượng vũ trang.

- Xây dựng quyết tâm, kế hoạch phòng thủ, quyết tâm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang địa phương.

- Tổ chức, chỉ đạo lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, dự bị động viên phối hợp với bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an nhân dân và các lực lượng khác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; làm công tác vận động quần chúng và tổ chức huy động các lực lượng thực hiện công tác phòng thủ dân sự ở địa phương.

- Thực hiện công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ các cấp và giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản quy định của địa phương về công tác quốc phòng, giải đáp chế độ, chính sách có liên quan đến lĩnh vực quân sự - Quốc phòng địa phương.

- Thực hiện phối kết hợp phát triển quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại; gắn quốc phòng - an ninh với kinh tế; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện làm nòng cốt để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; quản lý, bảo vệ các công trình quốc phòng và các khu vực quân sự ở địa phương.

- Xây dựng và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật tại chỗ, đề xuất bảo đảm ngân sách cho công tác quốc phòng địa phương. Thi hành mọi chủ trương, chính sách về củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, dự bị động viên theo quy định của pháp luật. Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, động viên sức người, sức của ở địa phương cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác quân sự, quốc phòng địa phương.

  1. Tên gọi của cơ quan quân sự địa ph­ương của tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng, Tỉnh đội dân quân (tiền thân Bộ CHQS tỉnh ngày nay) cũng có sự thay đổi về tên gọi. Cụ thể là:

- Từ năm 1947 đến năm 1948 là Tỉnh đội dân quân Liên tỉnh Quảng-Hồng và Tỉnh đội Dân quân Hải Ninh;

- Từ ngày 25/8/1948 đến tháng 10/1956 là: Tỉnh đội Dân quân tỉnh Quảng Yên, Đặc khu đội Hòn Gai và Tỉnh đội Dân quân tỉnh Hải Ninh trực thuộc Liên khu I, sau đó Liên khu 1 hợp nhất với Khu 10 thành Liên khu Việt Bắc.

- Từ tháng 10/1956 đến tháng 3/1963 thuộc Quân khu Tả Ngạn. Sau khi Trung ương có quyết định thành lập tỉnh Quảng Ninh (năm 1963), từ tháng 4/1963 đến năm 1964, thuộc Quân khu 3. Từ cuối năm 1964 đến năm 1967 thuộc Quân khu Đông Bắc. Từ tháng 3/1967 đến tháng 4/1971 thuộc Bộ T­­ư ­ lệnh Hải Quân kiêm Quân khu Đông Bắc. Từ tháng 4/1971 đến năm 1978 thuộc Quân khu Tả Ngạn, sau đổi thành Quân khu 3. Từ năm 1978 đến 1979 thuộc Quân khu I; Từ ngày 19/4/1979 đến ngày 18/10/1987 là Đặc khu Quảng Ninh. Năm 1987, Đặc khu Quảng Ninh sáp nhập với Quân khu 3;

- Ngày 18/10/1987 Bộ CHQS Quảng Ninh đ­­ược tái thành lập, trực thuộc Quân khu 3.

  1. Danh sách các đồng chí Tỉnh đội trư­ởng (Chỉ huy trưởng), Phó Chỉ huy trưởng về chính trị (Chính uỷ, Chính trị viên Tỉnh đội) qua các thời kỳ:

* Các đồng chí Tỉnh đội trư­ởng (Chỉ huy trưởng) qua các thời kỳ

- Đ/c Vũ Đình Mai, Tỉnh đội trưởng Liên tỉnh Quảng- Hồng năm 1947. Tỉnh đội trưởng khu Hồng Quảng từ năm 1956 đến năm 1963 và Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Ninh từ năm 1970 đến năm 1975.

- Đ/c Lý Văn Bài, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hải Ninh năm 1947.

- Đ/c Nông Văn Nguyên, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hải Ninh năm 1947.

- Đ/c Võ Quốc Vinh, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hải Ninh năm 1948.

- Đ/c Lý Chí Dân, Tỉnh đội trưởng Liên tỉnh Quảng Hồng năm 1948.

- Đ/c Hà Văn Tuất, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Yên năm 1948.

- Đ/c Nguyễn Anh Vũ, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Yên từ năm 1950-1954.

- Đ/c Lý Văn Bài, Tỉnh đội trưởng Đặc khu đội Hồng Gai từ năm 1950-1955.

- Đ/c Đặng Công Lệnh, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hải Ninh từ năm 1949-1952.

- Đ/c Mai Trung Lâm, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hải Ninh từ năm 1953-1954.

- Đ/c Tăng Văn Hội, Tỉnh đội trưởng Khu Hồng Quảng năm 1955.

- Đ/c Phạm Xưởng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 1987-1988.

- Đ/c Nguyễn Thế Trị, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 1988-1991.

- Đ/c Tô Quốc Trịnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 1991-1999.

- Đ/c Đỗ Ngọc Phương, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 1999- 2004.

- Đ/c Trần Thành, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 2004 đến 2012.

- Đ/c Vũ Hải Sản - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh từ 2012-2013

- Đ/c Đỗ Phương Thuấn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh từ 2013-9/2016.

- Đ/c Lê Đình Thương, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh từ 9/2016 đến 11/2019.

- Đ/c Lê Văn Long, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh từ 12/2019 đến 9/2021.

- Đ/c Khúc Thành Dư, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh từ 10/2021 đến nay.

* Các đồng chí Phó Chỉ huy trưởng về chính trị (Chính uỷ, Chính trị viên Tỉnh đội) qua các thời kỳ

- Đ/c Lê Chính, Chính uỷ Tỉnh đội Quảng Ninh từ năm 1970-1977.

- Đ/c Lê Đắc Sao, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 1987-1988.

- Đ/c Nguyễn Tiến Long, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 1988-1991.

- Đ/c Phạm Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 1991-1995.

- Đ/c Phạm Ngọc Cương, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 1995-1998.

- Đ/c Nguyễn Công Tranh, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 1998-2004

- Đ/c Trần Quang Dự, Phó Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 2004-2005; năm 2006 đến 2007 là Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh.

- Đ/c NguyễnViệt Dĩnh, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 2007-2010.

- Đ/c Đặng Xuân Thọ, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh từ năm 6/2010 đến 11/2014.

- Đ/c Nguyễn Trung Trịnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh từ 12/2014 đến 01/2020.

- Đ/c Nguyễn Quang Hiến, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh từ 01/2020 đến nay.

Câu 7: Những nét tiêu biểu về truyền thống của LLVT tỉnh Quảng Ninh 75 năm qua ?

Trả lời

75 năm qua, nhân dân và LLVT Quảng Ninh đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân và LLVT Quảng Ninh đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tính chất vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, địa bàn tỉnh Quảng Ninh là một bộ phận căn cứ chiến lược chủ yếu của hậu phương quốc gia, đồng thời là chiến trường ác liệt chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu kiên cường, LLVT và nhân dân Quảng Ninh luôn làm tròn trách nhiệm thiêng liêng, cao cả đối với miền Nam ruột thịt và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Sau chiến thắng vĩ đại 30/4/1975, LLVT và nhân dân Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; đặc biệt từ 1975 đến 1984, LLVT và nhân dân Quảng Ninh đã chi viện đắc lực về lực lượng, cơ sở vật chất trang bị kỹ thuật cho các tuyến phòng thủ ở biên giới phía Bắc, Đông Bắc, biển và hải đảo của Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là tỉnh có vị trí chiến lược ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, tỉnh Quảng Ninh đã có hàng vạn thanh niên nhập ngũ chi viện cho các chiến trường; LLVT tỉnh đã chiến đấu trên 6.612 trận lớn nhỏ; tiêu diệt và làm bị thương hơn 22.885 tên địch; bắt sống 3.255 tên; bắn cháy 200 máy bay, thu gần 1 vạn súng các loại; toàn tỉnh có 8.282 liệt sỹ; 3.917 đồng chí là thương binh; 11.424 đồng chí bệnh binh, LLVT và nhân dân Quảng Ninh đã xây đắp nên và không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang “Đoàn kết, sáng tạo, bất khuất, kiên trung, chiến thắng”.

Câu 8: Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh Quảng Ninh đã được Đảng, nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý nào? (Huân chương tiêu biểu; tập thể, cá nhân Anh hùng LLVT nhân dân; bà Mẹ Việt Nam anh hùng)?

Trả lời

Với những chiến công và những thành tích xuất sắc, LLVT tỉnh Quảng Ninh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 3, tỉnh Quảng Ninh và các cấp, các ngành khen thưởng và tặng nhiều phần thưởng cao quý:

- 81 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (trong đó LLVT tỉnh 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1979, 2015).

- 23 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”; tổng số Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 470 Mẹ, hiện nay còn 18 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống.

- Huân chương Hồ Chí Minh (1984); 04 Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Nhì, 02 hạng Ba); 02 Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; 03 Huân chương Chiến công (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba); 02 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, 03 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 07 Cờ thi đua của Chính phủ (2012, 2013, 2014, 2016, 2017, 2019, 2020); nhiều năm được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, UBND tỉnh Quảng Ninh và các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều cờ thi đua và bằng khen khối đơn vị dẫn đầu thi đua của LLVT toàn quân.

Câu 9: Hãy viết một đoạn văn, (bài thơ) về con người và vùng đất Quảng Ninh thân yêu; hoặc kỷ niệm sâu sắc của mình trong đời quân ngũ (đối với cán bộ, chiến sĩ LLVT)? (dung lượng không quá 2.000 từ).

Trên đây là nội dung câu hỏi và đpá án phần thi viết Cuộc thi tìm hiểu LLVT tỉnh Quảng Ninh - 75 năm lịch sử và những chiến công do Ban tổ chức chính thức công bố. Các bạn tham khảo để có thêm tư liệu bổ ích trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho cuộc thi nhé. Chúc bạn đọc đạt kết quả cao trong cuộc thi này.

Mời các bạn tham khảo Tài liệu có liên quan tại mục Bài thu hoạch, bài dự thi của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 1.623
0 Bình luận
Sắp xếp theo