Tấm gương anh hùng tiêu biểu trong sự kiện Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Câu 4 thi tìm hiểu tem Bưu chính 2025

Cuộc thi sưu tập và tìm hiểu tem Bưu chính năm 2025 với chủ đề “50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước qua con tem bưu chính” đã chính thức được phát động. Trong bài  viết này Hoatieu xin chia sẻ những tấm gương anh hùng tiêu biểu trong sự kiện Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước để các em có thêm tài liệu tham khảo trả lời câu hỏi số 4 cuộc thi tìm hiểu tem bưu chính 2025.

Câu 4 thi tìm hiểu tem Bưu chính 2025

Gợi ý đáp án cuộc thi Tem Bưu chính 2025 câu 4

Đề bài: Năm 2025 cả nước tưng bừng kỷ niệm sự kiện lịch sử 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong cuộc đấu tranh đó đã có rất nhiều tấm gương bộ đội, chiến sỹ đã trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu. Em hãy kể một câu chuyện về tấm gương tiêu biểu mà em biết (bài viết không quá 1000 từ) hoặc vẽ 1 mẫu tem (khuôn khổ A4) nói về sự kiện lịch sử trên.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta thực hiện ba đòn tiến công chiến lược: Đòn tiến công chiến lược thứ nhất (từ ngày 4 đến 24/3) giải phóng Tây Nguyên; đòn tiến công chiến lược thứ hai (từ ngày 5 đến 29/3): giải phóng Huế-Đà Nẵng và đòn tiến công chiến lược cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam. Và để làm nên thành công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử  năm 1975, khoongn thể không nhắc đến những vị chỉ huy quân sự tài ba gồm các đồng chí: Văn Tiến Dũng (Tư lệnh); Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn (Phó Tư lệnh); Phạm Hùng (Chính ủy); Lê Ngọc Hiển (Tham mưu trưởng)… Dưới đây là  một số thông tin tìm hiểu về tấm gương anh hùng tiêu biểu trong sự kiện Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước,  mời các bạn cùng tham khảo.

Đại tướng Văn Tiến Dũng: Nhà quân sự xuất sắc của dân tộc

Đại tướng Văn Tiến Dũng, bí danh là Lê Hoài, sinh ngày 2-5-1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội trong một gia đình nghèo, mẹ mất sớm. Năm 15 tuổi, cha đột ngột qua đời, đồng chí Văn Tiến Dũng phải bỏ học, ở nhà trợ giúp anh trai làm nghề thợ may, sau đó làm thuê kiếm sống tại các xưởng dệt Thanh Văn (Hàng Đào), xưởng Đức Xương Long, Cự Chung (Hàng Bông, Hà Nội).

Với nhiệt huyết và tuổi trẻ năng động, đồng chí Văn Tiến Dũng sớm giác ngộ cách mạng và tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ngành dệt Hà Nội. Trong thời gian tham gia kháng chiến Đại tướng đã được giao và đảm nhận nhiều vị trí công tác quan trọng góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Cuộc đời cầm quân của Đại tướng Văn Tiến Dũng gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước và với bao câu chuyện đời thường, thể hiện trái tim nhân hậu của một vị tướng, trong đó có chuyện về Hội nghị quân sự Trung Giã năm 1954 và chuyến đi vào chiến trường Xuân 1975.

Hội nghị quân sự Trung Giã tổ chức ngày 4-7-1954, tại Trung Giã, một xã thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội giữa đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện quân đội Pháp, để giải quyết một số vấn đề quân sự nhằm thúc đẩy nhanh việc thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ. Thiếu tướng Văn Tiến Dũng được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn.

Đồng chí Lê Minh Nghĩa, thành viên trong đoàn kể lại, sáng 4-7-1954, những chiếc xe Jeep của đoàn ta và xe mô-lô-tô-va chở đoàn nhà báo lên đường đến hội nghị lần lượt qua cầu phao bằng tre, nứa chạy vào Phố Nỉ giữa rừng người vẫy cờ hoa. Đoàn đến địa điểm họp vừa lúc đoàn nhà báo tới. Họ ào ào nhảy xuống đất chụp ảnh Thiếu tướng, trưởng đoàn Văn Tiến Dũng đi trên chiếc xe Jeep sơn dòng chữ: “Xe của tướng Đờ Ca-xtơ-ri, chiến lợi phẩm Điện Biên Phủ”. Hội nghị bừng lên trong bài diễn văn khai mạc của Thiếu tướng Văn Tiến Dũng. Đối diện là những người bại trận, gương mặt gượng gạo, u buồn. Ngay sau buổi khai mạc, Đại tá Len-nuy-ơ (Lennuyeux)-trưởng đoàn Pháp gặp riêng Thiếu tướng Văn Tiến Dũng và nói: ''Chúng ta đều là quân nhân, chúng ta có quyền tự hào về chiến thắng của mình. Nhưng, đã ngồi vào đàm phán với nhau thì đừng làm nhục nhau. Đề nghị thiếu tướng cho thay chiếc xe của Thiếu tướng Đờ Ca-xtơ-ri''. Thiếu tướng Văn Tiến Dũng mỉm cười nhân hậu. Buổi chiều, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng vẫn đi chiếc xe đó, nhưng dòng chữ được che bằng một câu khác. Đại tá Len-nuy-ơ cảm ơn Thiếu tướng Văn Tiến Dũng về cử chỉ lịch thiệp này...

Về cuộc hành quân vào chiến trường mùa Xuân 1975 toàn thắng, Đại tướng Văn Tiến Dũng kể: "Sau khi Trung ương đã xác định quyết tâm chiến lược và chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu mở đầu chiến dịch Tây Nguyên, tôi được anh Ba cử thay mặt Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh vào chiến trường để trực tiếp chỉ đạo Bộ Tư lệnh B3 và các lực lượng cơ động của Bộ chuẩn bị chiến dịch này. Ngày 5-2-1975 (25 tháng chạp năm Giáp Dần) tôi đến chào anh Văn để lên đường.

Để giữ bí mật khi ở Tổng Hành dinh vị Tổng Tham mưu trưởng “bị mất hút”, các cơ quan ta đã có một kế hoạch đồng bộ, chặt chẽ để phong tỏa mọi tin tức, đồng thời tổ chức nghi binh thật khéo. Về phần mình, để đánh lạc hướng địch, trước khi vào Tây Nguyên, tôi vẫn giữ nếp cứ vào giáp Tết thường chuẩn bị quà và thư chúc Tết các gia đình cơ sở cách mạng đã từng giúp đỡ, che chở những tháng năm hoạt động bí mật trước cách mạng để gửi. Mọi hoạt động, sinh hoạt hằng ngày ở cơ quan cũng như ở nhà, khi tôi đi gia đình vẫn duy trì bình thường. Kể cả chiếc xe Volga đen mang biển số xanh 29C-5288 thường nhật đưa đón làm việc ngày hai buổi, rồi đêm đêm đèn vẫn sáng trong phòng làm việc đến khuya như tôi thường làm việc ban đêm ở nhà. Trong hành trang, ngoài trang bị chiến đấu, sinh hoạt, còn có một số hàng Tết như mứt, kẹo, thuốc lá, rượu... và đặc biệt là kẹp tóc của phụ nữ nhà tôi mua gửi theo để tôi tặng chị em thanh niên xung phong và các chiến sĩ gái. Hơn l0 giờ sáng hôm đó chiếc AN-24 đưa chúng tôi rời Hà Nội và trưa ấy hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới. Đoàn xe u-oát của Bộ Tư lệnh 559, có Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh từ Quảng Trị ra đưa chúng tôi theo đường số l qua Lệ Thủy đến Hồ Xá. Xe đưa Đoàn đến bờ Bắc sông Bến Hải, ở đó đã có thuyền gắn máy cập mạn và đến xế chiều thì thuyền máy cũng vừa đến bến. Chúng tôi “đổ bộ”' lên bờ Nam, đoàn xe u-oát chờ sẵn lại đưa chúng tôi về một khu rừng kín phía tây huyện Gio Linh, đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Đoàn ở lại đây một ngày và sáng 7-2 tức 27 tháng Chạp, tiếp tục xuất phát vào B3. Để bảo đảm xe của Đoàn có thể vượt qua tất cả các đoàn xe khác đang rầm rập nối nhau chuyển hàng hậu cần ra mặt trận, trên mỗi xe của Đoàn đều gắn ký hiệu đặc biệt “TS 50” được quyền “ưu tiên số l”

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Hai câu thơ ấy của nhà thơ Tố Hữu cứ hằn lên trong tâm thức tôi và là khẩu liệu hành động của anh em công binh, bộ đội vận tải, thanh niên xung phong đang mở đường khắc lên vách núi, viết trên giấy dán lên các thành xe tải, xe tăng, súng, pháo lớn. Khi qua một đoạn dốc thoai thoải, ở đó toàn nữ thanh niên xung phong và chiến sĩ gái, thấy đoàn xe đến, các cô reo hò ríu rít, vẫy chào và gọi với theo:

- Gần Tết rồi mà chúng em vẫn chưa nhận đưa thư nhà Thủ trưởng ơi!

Rồi tiếng của các lái xe chở hàng từ buồng lái thò đầu ra:

- Thủ trưởng ơi, Tết đến rồi mà anh em chưa có thuốc hút, chưa có tin gia đình ở hậu phương...

Tôi bảo anh em xe hậu cần đi theo dừng lại đưa đến các chị em cả chục hộp cặp tóc với mấy trăm chiếc và các cậu lái xe mấy tút thuốc lá Điện Biên để làm quà, còn thư nhà thì bảo các cô, các cậu hãy đợi đấy. Tiếng cười rộ hồn nhiên, thoải mái lại vang lên trên đường hành quân...".

Chuyện chiếc xe Jeep của tướng De Castries và cuộc hành trình trên đường ra trận Xuân năm 1975 còn nhiều điều đáng ghi nhớ, không sao kể hết… Trong hành trang Tổng Tham mưu trưởng mang đến hội nghị và ra trận, bên cạnh trí tuệ uyên thâm, kiến thức quân sự với những quyết sách cho trận đánh cuối cùng giành toàn thắng, còn thấy một trái tim đầy nhân ái, trái tim lớn với đồng chí, đồng đội...

Đại tướng Lê Đức Anh

Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 01/02/1920; quê quán tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 30/5/1938. Từ năm 1937, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, bên cạnh Đại tướng Văn Tiến Dũng thì đại tướng Lê Đức Anh  cũng là  một  tấm gương lớn góp phần vào thành công của trận đánh quan trọng bậc nhất này.

Trong cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng của mình, cũng như lúc trong cuộc sống đời thường, nhiều lần Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã vượt qua những cơn hiểm nghèo một cách kỳ diệu. Lần thứ nhất ông đã thoát chết là ngay trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, vào ngày 28-4-1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông làm việc trong cái chòi nhỏ sát mép sông ở Sở Chỉ huy của cánh quân hướng Tây - Tây Nam ngay bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc huyện Đức Hòa (Long An).

Buổi sáng hôm đó vô ăn cơm, chỗ ăn là cái nhà họp của địa phương làm nửa chìm nửa nổi. Trong hồi ký của mình, Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh kể: “Chính ủy Hai Tưởng đặt vị trí ở đây; vừa ăn xong, tự nhiên anh Tưởng bảo tôi: “Anh hãy nán lại, nằm trên võng của tôi mà nghỉ, nghỉ mươi phút rồi hẵng ra đó!” Tôi nghe anh. Vừa ngả lưng thì ở ngoài chòi của tôi một quả bom từ máy bay địch ném trúng, cái chòi bay mất, cậu lái xe hy sinh, cậu Nguyễn Hồng Thái, chiến sĩ bảo vệ bị thương. Nếu hôm đó ăn xong tôi ra liền thì nhất định “cái chuyện thường” đã xảy ra với tôi. Và hôm nay chẳng còn ngồi để mà viết ra những dòng chữ này! Chiến tranh nó có chừa ai, cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên nhiều khi không thể mang “tính quy luật” ra mà giải thích!”. Chiến tranh là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với con người. Nhiều lúc bom đạn ác liệt quá, ông vẫn từng nói vui với anh em: “Bom đạn đầy trời thế này, chết là chuyện thường, còn sống thì mới kỳ!”.

Đại tướng Lê Đức Anh thực sự là một tướng trận. Ông là một trong số ít người đã trải qua các cuộc chiến tranh và xung đột từ năm 1945 - 1989. Ông có mặt ở những điểm nóng nhất và trở về trong chiến thắng: tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp, đi chiến trường miền Nam 11 năm (1964 - 1975), chỉ huy chiến trường Campuchia 7 năm (1979 - 1986), ổn định tình hình biên giới phía Bắc (1986 - 1989).

Ông trực tiếp tham gia những trận đánh, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh: Mậu Thân 1968, chống lấn chiếm 1973, Phước Long 1974, chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch giải phóng Campuchia; chấm dứt xung đột biên giới với Trung Quốc; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc: Ngày 6-11-1987 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh số 1679/ML-QP về việc bảo vệ quần đảo Trường Sa; ngày 29-3-1989 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra mệnh lệnh số 167/ML-QP về đóng giữ, bảo vệ khu vực biển thềm lục địa, bãi đá ngầm (khu DK1).

Chiến dịch Hồ Chí Minh trong mùa đại thắng 1975 đã giải phóng Sài Gòn, kết thúc tròn vẹn cuộc chiến tranh. Cứ đến ngày 30 tháng 4 mỗi năm, cả đất nước ta lại long trọng kỷ niệm ngày đất nước thống nhất. Đây là dịp để chúng ta cùng tưởng nhớ, trân trọng những nhân vật lịch sử, qua những con người cụ thể, nhân vật cụ thể, trong đó có Đại tướng Lê Đức Anh, người đã cùng viết nên bài học vẻ vang của lịch sử dân tộc.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
8 1.064
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm