Thông tư 25/2019/TT-BYT

Thông tư số 25/2019/TT-BYT

Thông tư 25/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về việc quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Bộ Y tế ban hành Thông tư 25/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 về quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Theo quy định, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn ngay khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân về sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn của cơ sở, Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải lưu giữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin truy xuất nguồn gốc thực phẩm của cơ sở trong thời gian tối thiểu 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm. Sau đây là nội dung chi tiết thông tư 25/2019/TT-BYT, mời các bạn cùng theo dõi.

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2019/TT-BYT

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2019

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TRUY XUẤT NGUỒN GỐC SẢN PHẨM THỰC PHẨM THUỘC LĨNH VỰC QUẢN LÝ CỦA BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật an toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một sđiều của Luật an toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định s 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nguyên tắc, trường hợp truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm, các vi chất bổ sung vào thực phẩm, phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là sản phẩm thực phẩm) quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm quy định tại Điều 1 Thông tư này (sau đây gọi tắt là cơ sở); các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có hoạt động liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế tại Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm

1. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo nguyên tắc một bước trước - một bước sau, bảo đảm theo dõi và nhận diện được công đoạn sản xuất trước và công đoạn sản xuất sau trong cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất, kinh doanh trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm.

2. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo lô sản xuất đối với sản phẩm thực phẩm cần truy xuất.

3. Khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng thông tin được trích xuất từ hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm do cơ sở thiết lập theo quy định tại các Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này và các nguồn thông tin khác có liên quan.

Điều 4. Yêu cầu về thông tin của hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm đối với cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm

Khi thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm phải tổ chức, ghi chép, lưu trữ, bảo đảm sẵn sàng trích xuất và báo cáo được các thông tin sau đây:

1. Thông tin về lô sản xuất của sản phẩm thực phẩm:

a) Tên sản phẩm thực phẩm;

b) Số lô sản xuất của sản phẩm thực phẩm;

c) Số lượng sản phẩm thuộc lô sản phẩm thực phẩm đã sản xuất;

d) Ngày sản xuất của lô sản phẩm thực phẩm;

đ) Hạn sử dụng đối với sản phẩm thực phẩm có quy định bắt buộc ghi hạn sử dụng;

e) Mã nhận diện sản phẩm thực phẩm (nếu có);

g) Nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến của lô sản phẩm thực phẩm: tên, các thông tin về nguồn gốc sản phẩm theo quy định đối với sản phẩm sản xuất trong nước, các thông tin về xuất xứ hàng hóa theo quy định đối với sản phẩm nhập khẩu;

h) Bao bì, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng để bao gói lô sản phẩm thực phẩm: tên, các thông tin về nguồn gốc sản phẩm theo quy định đối với sản phẩm sản xuất trong nước, các thông tin về xuất xứ hàng hóa theo quy định đối với sản phẩm nhập khẩu.

2. Số lượng sản phẩm của lô sản xuất đã xuất kho, còn tồn ở các kho của cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm.

3. Danh sách tên, địa chỉ của khách hàng, các đại lý phân phối sản phẩm thực phẩm (nếu có); số lượng sản phẩm của lô sản xuất đã nhập, đã bán và còn tồn tại kho.

Điều 5. Yêu cầu về thông tin của hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm

Khi thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải tổ chức, ghi chép, lưu trữ, bảo đảm sẵn sàng trích xuất và báo cáo được các thông tin sau đây:

1. Tên, địa chỉ của cơ sở cung cấp sản phẩm thực phẩm cho cơ sở kinh doanh.

2. Thông tin về loại sản phẩm thực phẩm, số lượng sản phẩm của lô sản phẩm thực phẩm đã nhập, đã bán và còn tồn ở kho cơ sở kinh doanh.

3. Danh sách tên, địa chỉ của khách hàng, các đại lý phân phối sản phẩm thực phẩm (nếu có); số lượng sản phẩm của lô sản xuất đã nhập, đã bán và còn tồn tại kho.

Điều 6. Các trường hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn ngay khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân về sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn của cơ sở.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm không bảo đảm an toàn khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm

1. Thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh sản phẩm thực phẩm theo quy định tại các Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này.

2. Lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm của cơ sở trong thời gian tối thiểu là 12 (mười hai) tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng.

3. Phải thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này và gửi báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm về cơ quan có thẩm quyền tối đa 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu truy xuất của cơ quan có thẩm quyền. Báo cáo có đầy đủ thông tin theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này.

4. Phân tích, xác định nguyên nhân gây mất an toàn đối với lô sản phẩm thực phẩm phải truy xuất. Trường hợp sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn phải được thu hồi và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

5. Việc áp dụng hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo mã nhận diện sản phẩm được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 8. Hiệu Iực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 10 năm 2019.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

1. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này trong toàn quốc.

2. Sở Y tế, cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư này tại địa phương theo thẩm quyền phân cấp quản lý.

3. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng Cục thuộc Bộ Y tế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để hướng dẫn giải quyết./.

Nơi nhận:
- UB các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Cổng TTĐTCP);
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, TTra Bộ, VP Bộ;
- Ban QL ATTP các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Y tế các bộ, ngành;
- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, PC, ATTP (02b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Quốc Cường

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Y tế sức khỏe được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 88
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi