Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH thực hiện Nghị định 113/2015/NĐ-CP về phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo công lập

Tải về

Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH - Thực hiện Nghị định 113/2015/NĐ-CP về phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo công lập

Hướng dẫn cách tính, hưởng phụ cấp đặc thù; cách tính, hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhà giáo chuyên trách dạy người khuyết tật; cách tính, hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là những nội dung được đề cập tại Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 113/2015/NĐ-CP. Mời các bạn tham khảo nội dung.

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2017/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2017

THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 113/2015/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH PHỤ CẤP ĐẶC THÙ, PHỤ CẤP ƯU ĐÃI, PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM CÔNG VIỆC VÀ PHỤ CẤP NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP CÔNG LẬP

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (sau đây gọi là Nghị định số 113/2015/NĐ-CP).

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng quy định tại Điều 1 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP bao gồm:

1. Nhà giáo dạy tích hợp; nhà giáo dạy thực hành có một trong các danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận sau trở lên: nghệ nhân ưu tú, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật.

2. Nhà giáo chuyên trách, nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật.

3. Nhà giáo dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

4. Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang làm nhiệm vụ giảng dạy trong trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật” là nhà giáo có toàn bộ thời gian trong năm học giảng dạy cho người khuyết tật.

2. “Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật” là nhà giáo chỉ có một phần thời gian trong năm học giảng dạy cho người khuyết tật.

Điều 3. Cách tính, hưởng phụ cấp đặc thù

Việc tính, hưởng phụ cấp đặc thù hằng tháng đối với nhà giáo dạy tích hợp; nhà giáo dạy thực hành có một trong các danh hiệu, chứng chỉ, chứng nhận sau trở lên: nghệ nhân ưu tú, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 4, chứng nhận bậc thợ 5/6, 6/7 do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP như sau:

Tiền phụ cấp đặc thù = {[Hệ số lương theo ngạch, hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng] x Mức lương cơ sở}/ (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm /12 tháng) x Số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế trong tháng x 10%.

Ví dụ 1: Nhà giáo A là Trưởng khoa, giảng dạy tích hợp trong trường cao đẳng; hệ số lương hiện hưởng 4,98; hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,45; mức phụ cấp thâm niên vượt khung hiện hưởng 5%; mức lương cơ sở 1.300.000 đồng; định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm là 450 giờ; số giờ dạy tích hợp thực tế trong tháng là 20 giờ. Tiền phụ cấp đặc thù mà nhà giáo A được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp đặc thù = [(4,98 + 0,45 + 5% x 4,98) x 1.300.000 đồng] / (450 giờ/12 tháng) x 20 giờ x 10% = 393.744 đồng.

Ví dụ 2: Nhà giáo B là nhà giáo dạy thực hành trong trường cao đẳng; có chứng nhận bậc thợ 6/7; hệ số lương hiện hưởng 3,66; mức lương cơ sở 1.300.000 đồng; định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm là 400 giờ; số giờ dạy thực hành thực tế trong tháng là 35 giờ. Tiền phụ cấp đặc thù mà nhà giáo B được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp đặc thù = (3,66 x 1.300.000 đồng) / (400 giờ /12 tháng) x 35 giờ x 10% = 499.590 đồng.

Điều 4. Cách tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật

Việc tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 8 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP như sau:

1. Cách tính tiền phụ cấp trách nhiệm công việc giảng dạy người khuyết tật hằng tháng

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc = Mức phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng x Mức lương cơ sở.

Ví dụ 3: Nhà giáo C là Trưởng khoa trong trường cao đẳng, chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong lớp học dành riêng cho người khuyết tật thì mức phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng là 0,3; mức lương cơ sở 1.300.000 đồng. Tiền phụ cấp trách nhiệm giảng dạy người khuyết tật mà nhà giáo C được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc = 0,3 x 1.300.000 đồng = 390.000 đồng.

Ví dụ 4: Nhà giáo D là nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong lớp hòa nhập thì mức phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng là 0,2; mức lương cơ sở 1.300.000 đồng. Tiền phụ cấp trách nhiệm giảng dạy người khuyết tật mà nhà giáo D được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc = 0,2 x 1.300.000 đồng = 260.000 đồng.

2. Cách tính tiền phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật hằng tháng

Tiền phụ cấp ưu đãi = [Hệ số lương theo ngạch, hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng] x Mức lương cơ sở x Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng.

Ví dụ 5: Trường hợp nhà giáo C tại ví dụ 3 thuộc khoản 1 Điều này được hưởng mức phụ cấp ưu đãi là 70%; hệ số lương hiện hưởng 3,66; hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,45. Tiền phụ cấp ưu đãi mà nhà giáo C được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp ưu đãi = (3,66 + 0,45) x 1.300.000 đồng x 70% = 3.740.100 đồng.

Ví dụ 6: Trường hợp nhà giáo D tại ví dụ 4 thuộc khoản 1 Điều này giảng dạy người khuyết tật trong lớp hòa nhập có 15% học viên là người khuyết tật thì được hưởng mức phụ cấp ưu đãi là 40%; hệ số lương hiện hưởng 3,66. Tiền phụ cấp ưu đãi mà nhà giáo D được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp ưu đãi = 3,66 x 1.300.000 đồng x 40% = 1.903.200 đồng.

3. Thời gian không được tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật

a) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

b) Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;

c) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

d) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành;

đ) Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.

Phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật được trả cùng kỳ lương hằng tháng kể cả thời gian nghỉ hè.

Điều 5. Cách tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật

Việc tính, hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 8 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP như sau:

1. Cách tính tiền phụ cấp trách nhiệm công việc hằng tháng

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc = (Mức phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng x Mức lương cơ sở) / (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm /12 tháng) x Số giờ dạy người khuyết tật thực tế trong tháng.

Ví dụ 7: Nhà giáo Đ là Trưởng khoa trong trường cao đẳng, không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong lớp học dành riêng cho người khuyết tật thì mức phụ trách nhiệm công việc được hưởng là 0,3; mức lương cơ sở 1.300.000 đồng; định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm là 400 giờ; số giờ dạy người khuyết tật thực tế trong tháng là 20 giờ. Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc mà nhà giáo Đ được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc = (0,3 x 1.300.000 đồng) / (400 giờ / 12 tháng) x 20 giờ = 234.000 đồng.

Ví dụ 8: Nhà giáo E là nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong lớp hòa nhập thì mức phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng là 0,2; mức lương cơ sở 1.300.000 đồng; định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm là 480 giờ; số giờ dạy người khuyết tật thực tế trong tháng là 20 giờ. Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc mà nhà giáo E được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc = (0,2 x 1.300.000 đồng) / (480 giờ / 12 tháng) x 20 giờ = 130.000 đồng.

2. Cách tính tiền phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật hằng tháng

Tiền phụ cấp ưu đãi = {[Hệ số lương theo ngạch, hạng, bậc + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng] x Mức lương cơ sở}/ (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm /12 tháng) x số giờ dạy người khuyết tật thực tế trong tháng x Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng.

Ví dụ 9: Trường hợp nhà giáo Đ tại ví dụ 7 thuộc khoản 1 Điều này được hưởng phụ cấp ưu đãi mức 40%; hệ số lương hiện hưởng 3,66; hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,45. Tiền phụ cấp ưu đãi mà nhà giáo Đ được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp ưu đãi = [(3,66 + 0,45) x 1.300.000 đồng] / (400 giờ/12 tháng) x 20 giờ x 40% = 1.282.320 đồng.

Ví dụ 10: Trường hợp nhà giáo E tại ví dụ 8 thuộc khoản 1 Điều này không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong lớp hòa nhập có 35% học viên là người khuyết tật thì mức phụ cấp ưu đãi được hưởng là 20%; hệ số lương hiện hưởng 3,66. Tiền phụ cấp ưu đãi mà nhà giáo E được hưởng hằng tháng tính như sau:

Tiền phụ cấp ưu đãi = (3,66 x 1.300.000 đồng) / (480 giờ / 12 tháng) x 20 giờ x 20% = 475.800 đồng.

Thuộc tính văn bản: Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH

Số hiệu: 22/2017/TT-BLĐTBXH

Loại văn bản: Thông tư

Lĩnh vực, ngành: Lao động - Tiền lương, Giáo dục

Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Người ký: Doãn Mậu Diệp

Ngày ban hành: 10/08/2017

Ngày hiệu lực: 25/09/2017

Đánh giá bài viết
1 9.308
Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH thực hiện Nghị định 113/2015/NĐ-CP về phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo công lập
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm