Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giao nhiệm vụ năm học cho Giáo dục Tiểu học

Tải về

Nhiệm vụ năm học mới cho Giáo dục Tiểu học

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giao nhiệm vụ năm học cho Giáo dục Tiểu học năm học 2017 – 2018 với nội dung tập trung nguồn lực quy hoạch lại mạng lưới trường lớp học và chuẩn bị đội ngũ đáp ứng yêu cầu của CT-SGK mới. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo.

Sáng ngày 4/8, tại TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 cấp Tiểu học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dự và phát biểu chỉ đạo, khai mạc hội nghị.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, đại diện Văn phòng Bộ, các Cục, Vụ chức năng của Bộ cùng đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, trưởng các Phòng Giáo dục Tiểu học các Sở GD&ĐT trên cả nước.

Nhiệm vụ năm học cho Giáo dục Tiểu học

Về phía tỉnh Phú Thọ có ông Hà Kế San – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT

Tập trung nguồn lực quy hoạch lại mạng lưới trường lớp học

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng đánh giá cao trong năm học vừa qua, Giáo dục Tiểu học cả nước đã có nhiều khởi sắc, toàn cấp học tiếp tục củng cố PCGD, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tích cực triển khai thực hiện đánh giá học sinh theo TT 30, sửa đổi tại TT 22 rất đáng ghi nhận; Nền nếp, kỷ cương dạy và học toàn cấp học được củng cố; Các thầy, cô giáo tích cực đổi mới PPDH; như mô hình VNEN, phương pháp “Bàn tay nặng bột”, “Dạy và học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch”, mô hình “Trường học gắn với thực tiễn cuộc sống”….

Nêu ra bức tranh chung toàn cấp Tiểu học trong hệ thống các bậc học của giáo dục phổ thông hiện nay và phân tích những thuận lợi, khó khăn, những thách thức của Tiểu học; Đồng thời trước thềm năm học mới 2017 – 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân nhạ đã chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm cho Giáo dục Tiểu học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu: năm học mới, các bậc học từ Mầm non đến Phổ thông phải tập trung vào kỷ cương, nền nếp, đặc biệt là bậc họcPhổ thông trong đó có Tiểu học. Với bậc học Phổ thông từ năm học 2017 – 2018 sẽ phải bắt tay vào tập trung nguồn lực đầu tư, chuẩn bị cho việc đưa CT-SGK mới vào giảng dạy.

Về nhiệm vụ rà soát quy hoạch trường lớp, theo Bộ trưởng, hiện nay ở các vùng miền khác nhau trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn, những khó khăn này có muôn hình, vạn trạng: ở miền núi có hiện trạng lớp học tại điểm trường lẻ thì manh mún, phân tán; Ở các thành phố lớn thì quy mô học sinh, trường lớp rất đông, đặc biệt là Tiểu học do chịu sức ép rất lớn từ việc tăng dân số cơ học quá nhanh và sức ép đô thị lên mặt bằng trường học, cơ sở vật chất, quy mô trường, lớp học, sĩ số học sinh.

Trong khi đó mặc dù cơ sở vật chất trường, lớp học của Tiểu học so với các bậc học khác là tốt nhất, tỷ lệ trẻ được học 2 buổi/ngày đạt cao trên 70%, còn gần 30% trẻ chưa được học 2 buổi/ngày. Tới đây khi đưa CTGDPT mới, cấp Tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày, những trường học 1 buổi/ngày sẽ rất khó khăn trong tổ chức các hoạt động giáo dục; Bộ sẽ có hướng dẫn riêng về chương trình và hoạt động giáo dục cho các trường này.

Để khắc phục những khó khăn trên đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu: các tỉnh, thành phố phải đẩy mạnh rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường lớp. Bộ đã triển khai thí điểm và tiến tới ban hành bộ quy chuẩn cho công tác này; Các địa phương sẽ phải dựa vào đó để quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới toàn hệ thống trường lớp; Cả nước sẽ dần định rõ quy mô trường lớp học các cấp một cách đồng bộ, tạo bước tiến chất lượng giáo dục rõ nét hơn ở cấp tiểu học.

Chuẩn bị đội ngũ đáp ứng yêu cầu của CT-SGK mới

Về đội ngũ giáo viên và CBQL, Bộ trưởng nhấn mạnh: công tác này đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ này hết sức trọng tâm trong năm học và giải quyết được nhiệm vụ này là thực hiện thắng lợi Nghị Quyết số 29 của BCHT.Ư Đảng Khóa XI.

Năm học vừa qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên và CBQL. Tuy nhiên nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ đang xây dựng thì hầu hết giáo viên hiện nay chưa đáp ứng được, Các giáo viên bậc học Mầm non, cấp Tiểu học, giáo viên ngoại ngữ hầu hết chưa đáp ứng được các tiêu chí trong bộ chuẩn mới dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục chưa cao;

Bộ chuẩn giáo viên mới so với chuẩn cũ sẽ thay đổi rất nhiều. Chuẩn cũ đặt đặt nặng yêu cầu về năng lực chuyên môn, tuy nhiên về phương pháp, kỹ năng lại rất hạn chế; Tiêu biểu là trong trong mô hình trường học mới - VNEN, giáo viên tuy tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn (theo chuẩn cũ) là rất cao. Nhưng về PPDH, kỹ năng hướng dẫn, truyền đạt lại rất hạn chế do chưa được chuẩn bị, tập huấn kỹ lưỡng về phương pháp dẫn đến tình trạng triển khai VNEN tràn lan, chất lượng chưa đảm bảo.

Riêng về mô hình trường học mới VNEN, Bộ trưởng yêu cầu các Sở GD&ĐT phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai, chỉ áp dụng những yếu tố tích cực của mô hình; Những trường nào đáp ứng đủ các yếu tố cần thiết về cơ sở vật chất, giáo viên có PPDH tốt thì tiếp tục triển khai mô hình VNEN.

Với CBQL giáo dục, Bộ trưởng cho rằng: việc đánh giá cán bộ cho đến nay vẫn sử dụng bộ chuẩn theo Luật công chức, viên chức dẫn đến việc sử dụng, bổ nhiệm CBQL chưa sát với yêu cầu nhiệm vụ của ngành. Bộ đang xây dựng bộ chuẩn nhằm khắc phục tình trạng này và có thang thước đánh giá, bồi dưỡng hợp lý đội ngũ CBQL. Dựa vào chuẩn, các cán bộ có thể tự soi, tự sửa để có kế hoạc tự bồi dưỡng đạt chuẩn. Địa phương có kế hoạch, chương trình bồi dưỡng cán bộ hợp lý….

Bộ trưởng yêu cầu, tại hội nghị này, lãnh đạo Sở GD&ĐT cùng cán bộ phòng Tiểu học phải quán triệt ngay tinh thần trên đây để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và CBQL đáp ứng yêu cầu của CT-SGK mới.

Giải quyết dứt điểm những vấn đề “nóng”

Trong vấn đề này, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải chấm dứt ngay tình trạng dạy thêm học thêm. Bộ đã có văn bản chỉ đạo, theo đó chỉ dạy, chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi bậc học Mầm non trước khi bước vào lớp 1 những kỹ năng làm quen với chữ cái và các hoạt động vận động, phát triển thể chất; Tuy nhiên vẫn có nhiều nơi, nhiều chỗ có tình trạng dạy trước lớp 1. Lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương phải tích cực tham mưu cho tỉnh có biện pháp quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dạy trước lớp 1 cho trẻ mầm non; Không dạy thêm ở nhà, không dạy nâng cao, biến tướng ở buổi thứ hai trong các trường học 2 buổi/ngày.

Với bệnh thành tích, làm đẹp hồ sơ, học bạ, Bộ trưởng khẳng định: về bản chất, công tác đánh giá học sinh Tiểu học theo TT 22 là rất nhân văn, tuy nhiên nhiều nơi có tình trạng khen tràn lan. Do vậy các địa phương phải rà soát lại công tác này để triển khai đúng tinh thần của Bộ khi triển khai, áp dụng đánh giá học sinh không bằng điểm số; Giao Vụ Giáo dục Tiểu học phải tập huấn về khen thưởng học sinh theo TT 22 để công tác này được triển khai đúng tinh thần.

Bộ trưởng nêu rõ: Ở đâu còn bệnh thành tích, khen thưởng tràn lan trong công tác này, Giám đốc Sở GD&ĐT phải chịu trách nhiệm.

Cuối cùng, Bộ trưởng yêu cầu: hội nghị hôm nay phải bàn những giải pháp triển khai những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục Tiểu học trong nhóm 9 nhiệm vụ trọng tâm, 5 giải pháp cơ bản của năm học để toàn cấp học Tiểu học tập trung nguồn lực, phát huy trí tuệ tập thể để cùng với các bậc học khác thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới 2017 – 2018.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ GD&ĐT đã tổ chức quyên góp ủng hộ học sinh, giáo viên và nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại một số tỉnh Yên Bái và Sơn La trong những ngày gần đây.

Sau lễ quyên góp hôm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phát động trong toàn ngành ủng hộ, chia sẻ khó khăn với ngành Giáo dục hai tỉnh Yên Bái và Sơn La.

Đánh giá bài viết
3 13.452
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm