Quyết định 1008/QĐ-TTg phê duyệt đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số

Tải về

Quyết định 1008/QĐ-TTg phê duyệt đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

Quyết định 1008/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng năm 2025" đưa ra mục tiêu của đề án, đối tượng và phạm vi áp dụng, nhiệm vụ và giải pháp, kinh phí thực hiện đề án cùng phụ lục đi kèm gồm danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đông trẻ em dân tộc thiểu số.

Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về quy định đánh giá học sinh tiểu học

Công văn 2449/BGDĐT-GDTH về khắc phục tình trạng chạy trường, chạy lớp

Công văn 2279/BGDĐT-KHTC về xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo địa phương năm 2017

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

----------

Số: 1008/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 2016

QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "TĂNG CƯỜNG TIẾNG VIỆT CHO TRẺ EM MẦM NON, HỌC SINH TIỂU HỌC VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2025"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020";

Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025" (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

Tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo; trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi;

b) Đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi;

c) Hằng năm, 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được tập trung tăng cường tiếng Việt.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số thuộc 42 tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (danh sách tại Phụ lục kèm theo).

2. Trẻ em trong độ tuổi mầm non và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số (sau đây gọi chung là trẻ em) thuộc 42 tỉnh, thành phố nêu trên.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số;

b) Thiết kế và triển khai các chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm hỗ trợ cho cha, mẹ trẻ và cộng đồng trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em;

c) Tuyên truyền, hỗ trợ các bậc cha, mẹ trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em. Biên soạn tài liệu, bồi dưỡng, tập huấn về tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số, cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng. Vận động các gia đình người dân tộc thiểu số tạo điều kiện cho con em đến trường, lớp và học 2 buổi/ngày, bảo đảm chuyên cần. Tăng cường bồi dưỡng tiếng Việt cho cha mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số.

2. Tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt

a) Tổ chức biên soạn tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, thân thiện với trẻ em người dân tộc thiểu số cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học vùng dân tộc thiểu số;

b) Bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người dân tộc thiểu số, phục vụ việc tăng cường tiếng Việt;

c) Xây dựng và bảo đảm duy trì môi trường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số;

d) Xây dựng và triển khai thí điểm mô hình về tăng cường tiếng Việt tại các địa phương phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng miền, để cán bộ quản lý, giáo viên thăm quan, học tập, triển khai nhân rộng mô hình. Phấn đấu đến năm 2020, phần lớn các tỉnh và đến năm 2025, hầu hết các tỉnh có trẻ em người dân tộc thiểu số xây dựng triển khai nhân rộng mô hình về tăng cường tiếng Việt; xây dựng bản đồ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở các tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số nhằm hỗ trợ công tác quản lý triển khai thực hiện Đề án.

3. Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người dân tộc thiểu số

a) Biên soạn tài liệu, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số về: công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng trẻ em người dân tộc thiểu số;

b) Bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số;

c) Biên soạn tài liệu và tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ;

d) Đưa nội dung giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm.

4. Nghiên cứu xây dựng và thực hiện một số chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.

5. Tăng cường công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế

a) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số;

b) Huy động cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng tham gia dạy tiếng Việt cho cha mẹ trẻ em là người dân tộc thiểu số; các cán bộ hưu trí, các hội viên, đoàn viên của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội khuyến học Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho cha, mẹ và trẻ em người dân tộc thiểu số;

c) Huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí, sách vở, tài liệu, học liệu, đồ dùng đồ chơi hỗ trợ việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số;

d) Huy động, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về tài chính, kỹ thuật, tiếp thu có chọn lọc các phương pháp tiến bộ trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Kinh phí để thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước cấp từ nguồn chi thường xuyên cho giáo dục và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ hợp pháp khác từ cộng đồng, doanh nghiệp, tài trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế; Ngân sách Trung ương chi thực hiện các nhiệm vụ xây dựng bản đồ ngôn ngữ, phần mềm dạy học tiếng Việt; biên soạn tài liệu nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cốt cán; Ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi, học liệu, biên soạn tài liệu phù hợp từng vùng miền, bồi dưỡng đội ngũ tại địa phương và các nội dung khác của Đề án.

2. Việc bố trí kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của các cơ quan trung ương

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các địa phương chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện những nội dung của Đề án.

- Biên soạn tài liệu nguồn phù hợp với vùng miền, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên về nội dung, kỹ năng, phương pháp tăng cường tiếng Việt, phương pháp dạy tiếng Việt phù hợp với trẻ em người dân tộc thiểu số; biên soạn và tập huấn tài liệu dành cho cha mẹ trẻ, đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ, hỗ trợ cha mẹ xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng; biên soạn tài liệu, học liệu cho trẻ em.

- Hỗ trợ xây dựng và triển khai thực hiện mô hình thí điểm về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số; hỗ trợ kỹ thuật cho các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; xây dựng phần mềm dạy học tiếng Việt và bản đồ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số.

- Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án hàng năm, từng giai đoạn và kết thúc Đề án, tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Bộ Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện các hoạt động của Đề án theo phân cấp Ngân sách Nhà nước hiện hành.

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, thanh tra tài chính theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước.

c) Ủy ban Dân tộc

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành ở trung ương và các địa phương tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục, tăng cường tiếng Việt đối với trẻ em người dân tộc thiểu số.

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện Đề án.

d) Các bộ, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đôn đốc thực hiện nhiệm vụ theo Đề án này.

đ) Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, đoàn thể và lực lượng vũ trang hỗ trợ thực hiện Đề án theo vai trò, khả năng của đơn vị.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo, các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch Đề án tại địa phương, báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Bố trí kinh phí, trực tiếp triển khai và bảo đảm hiệu quả của Đề án tại địa phương;

c) Ban hành các cơ chế chính sách cần thiết của địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn vốn hợp pháp khác để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi, học liệu trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, đặc biệt tại các nhóm, lớp, các điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương;

d) Hỗ trợ giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc tại địa phương nơi giáo viên công tác;

đ) Chỉ đạo việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với tình hình thực tế của các trường mầm non, tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số.

3. Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và lực lượng vũ trang: Hỗ trợ thực hiện Đề án theo vai trò, khả năng của đơn vị.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội Khuyến học Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, TTK HĐGD, các Vụ: TH, KTTH, V.III;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

Vũ Đức Đam

DANH SÁCH CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG CÓ ĐÔNG TRẺ DÂN TỘC THIỂU SỐ

(Kèm theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Thủ tưởng Chính phủ)

STTTên tỉnh, thành phốSSTTên tỉnh, thành phốSTTTên tỉnh, thành phố
1Điện Biên15Phú Thọ29Kom Tum
2Sơn La16Vĩnh Phúc30Đắk Lắk
3Lai Châu17Thanh Hóa31Đắk Nông
4Hòa Bình18Nghệ An32Lâm Đồng
5Cao Bằng19Hà Tĩnh33Đồng Nai
6Bắc Kạn20Quảng Bình34Bình Phước
7Hà Giang21Quảng Trị35Ninh Thuận
8Tuyên Quang22Thừa Thiên-Huế36Bình Thuận
9Lào Cai23Quảng Nam37Vĩnh Long
10Yên Bái24Quảng Ngãi38Trà Vinh
11Quảng Ninh25Bình Định39Hậu Giang
12Lạng Sơn26Phú Yên40Sóc Trăng
13Bắc Giang27Khánh Hòa41Bạc Liêu
14Thái Nguyên28Gia Lai42Đà Nẵng
Đánh giá bài viết
1 909
Bạn có thể tải về tập tin thích hợp cho bạn tại các liên kết dưới đây.
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm