Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc 2023

Tải về

Mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Văn bản này đã hợp nhất nội dung về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT.

Sau đây là nội dung chi tiết Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. mời các bạn cùng theo dõi.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

THÔNG TƯ
Ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam

Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ
ngày 24 tháng 10 năm 2021.

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CPngày 01 tháng 9 năm 2016 của

Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;

Thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.1

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Điều 2. 2 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2017.

-----------------------

1 Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

2 Điều 2 và Điều 3 của Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 24 tháng 10 năm 2021 quy định như sau:

"Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp

Số lượng câu hỏi thi và đề thi đối với mỗi định dạng đề thi tại một thời điểm quy định tại khoản 5 Điều 5 của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT được áp dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 10 năm 2021.
2. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Thủ trưởng các đơn vị có liên
quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các cơ
sở giáo dục đại học; các đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.”

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học; Thủ trưởng các cơ sở đào tạo ngoại ngữ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

QUY CHẾ
Thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam

(Ban hành kèm theo Thông tư ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam)

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Văn bản này quy định về thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (sau đây gọi tắt là thi đánh giá năng lực ngoại ngữ), bao gồm: mục đích, nguyên tắc; chứng chỉ ngoại ngữ; đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; đối tượng dự thi và đăng ký dự thi, hội đồng thi, hình thức thi; đề thi; tổ chức thi; chấm thi và phúc khảo; duyệt kết quả thi, quản lý cấp phát chứng chỉ, báo cáo và lưu trữ hồ sơ thi; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

2.3 Văn bản này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học; các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT); các đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Văn bản này không áp dụng đối với các tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Mục đích, nguyên tắc

1. Tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ nhằm đánh giá năng lực ngoại ngữ cho người có nhu cầu theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

2. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ phải đảm bảo nguyên tắc đúng quy chế, trung thực, chính xác, khách quan, minh bạch, phản ánh đúng năng lực ngoại ngữ của người học về 4 kỹ năng sử dụng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.

Điều 3. Chứng chỉ ngoại ngữ 

1. Chứng chỉ ngoại ngữ được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam từ bậc 1 đến bậc 6.

2. Mẫu chứng chỉ ngoại ngữ do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể.

Chương II. ĐƠN VỊ TỔ CHỨC THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC NGOẠI NGỮ

Điều 4. Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ4

Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (sau đây gọi tắt là đơn vị tổ chức thi) bao gồm:

1. Cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài (thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ và Văn hóa nước ngoài) hoặc sư phạm tiếng nước ngoài (thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên), đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ: Được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

2. Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học - ngoại ngữ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở GDĐT (nếu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền) quyết định thành lập: Được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh phổ
thông).

Điều 5. Yêu cầu để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

Để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, các đơn vị thuộc quy định tại Điều 4 của Quy chế này phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

1. Có bộ phận độc lập thực hiện chức năng đánh giá năng lực ngoại ngữ
(sau đây gọi là bộ phận chuyên trách).

2. 5 Có đội ngũ nhân sự quản lý, chấm thi, ra đề thi, phân tích dữ liệu thi và kỹ thuật viên đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; những người này là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức hoặc người lao động đã được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động; trong đó:

a) Lãnh đạo của bộ phận chuyên trách phải có năng lực quản lý, có tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan. Có ít nhất 01 lãnh đạo của bộ phận chuyên trách đạt năng lực ngoại ngữ tối thiểu cấp độ B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu về ngoại ngữ (hoặc bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) của một trong các ngoại ngữ được giảng dạy trong chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân và có bằng thạc sĩ trở lên của
một trong các ngành/chuyên ngành: ngành Đo lường và đánh giá trong giáo dục; ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài; chuyên ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục;

b) Có ít nhất 20 cán bộ chấm thi nói và viết đối với tiếng Anh, 10 cán bộ chấm thi nói và viết đối với mỗi ngoại ngữ khác (nếu có); các cán bộ chấm thi phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chấm thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT;

c) Có ít nhất 12 cán bộ ra đề thi đối với tiếng Anh, 04 cán bộ ra đề thi đối với mỗi ngoại ngữ khác (nếu có); các cán bộ ra đề thi phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ra đề thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GDĐT;

d) Có ít nhất 03 cán bộ phân tích đề thi; các cán bộ phân tích đề thi phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ ngành Đo lường và đánh giá trong giáo dục;

đ) Có đội ngũ kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu để sử dụng các thiết bị tin học, âm thanh, video phục vụ cho việc tổ chức thi và chấm thi.

3. Có môi trường sư phạm, an toàn cho công tác tổ chức thi.

4. 6 Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu sau:

a) Có đủ phòng thi, các phòng chức năng để tổ chức thi cả 04 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho ít nhất 100 thí sinh trong một lượt thi với các yêu cầu cụ thể như sau: Phòng thi bảo đảm được cách ly âm thanh, có đủ ánh sáng, bàn, ghế, phấn hoặc bút dạ, bảng hoặc màn chiếu; có hệ thống camera giám sát ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi liên tục trong suốt thời gian thi; có đồng hồ dùng chung cho tất cả thí sinh theo dõi được thời gian làm bài; có đủ các thiết bị ghi âm, phát âm, ghi hình, phần mềm chuyên dụng đáp ứng yêu cầu tổ chức thi;

b) Có hệ thống máy tính gồm máy chủ, các máy trạm, thiết bị bảo mật hợp nhất, thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị lưu điện, nguồn điện dự phòng, các thiết bị phụ trợ bảo đảm đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để tổ chức thi trên máy vi tính cho ít nhất 100 thí sinh trong một lượt thi;

c) Có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về định dạng đề thi, đề thi minh họa, hình thức thi, danh sách thí sinh đăng ký dự thi; thông báo lịch thi, địa điểm thi, kết quả thi; tra cứu kết quả thi và chứng chỉ;

d) Có khu vực làm đề thi riêng biệt;

đ) Khu vực thi bảo đảm các yêu cầu an toàn, bảo mật và phòng chống cháy nổ; có thiết bị kiểm tra an ninh (cổng từ hoặc thiết bị cầm tay) để kiểm soát, ngăn chặn được việc mang tài liệu, đồ dùng trái phép vào phòng thi; có phòng làm việc của Hội đồng thi, trực thi, giao nhận đề thi và bài thi; phải bảo đảm có hòm/tủ/két sắt, có khóa chắc chắn để bảo quản đề thi và bài thi; có nơi
riêng biệt bảo quản đồ đạc của thí sinh.

5. [7]Có ngân hàng câu hỏi thi và đề thi được xây dựng từ ngân hàng câu hỏi thi đáp ứng quy định tại Điều 12 Quy chế này và hướng dẫn của Bộ GDĐT; ngân hàng câu hỏi thi được quản lý bằng phần mềm bảo đảm các yêu cầu bảo mật, phân quyền trong sử dụng và phải đáp ứng yêu cầu sau:

a) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, số lượng đề thi tương đương nhau tại một thời điểm đối với định dạng đề thi dành cho học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông: Đối với môn Tiếng Anh phải có ít nhất 50 đề thi, đối với mỗi môn Ngoại ngữ khác phải có ít nhất 30 đề thi; trong đó số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%;

b) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, số lượng đề thi tương đương nhau tại một thời điểm đối với định dạng đề thi dành cho các đối tượng khác: Đối với môn Tiếng Anh phải có ít nhất 70 đề thi, đối với mỗi môn Ngoại ngữ khác phải có ít nhất 30 đề thi; trong đó số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%;

c) Hằng năm, các đơn vị phải thực hiện rà soát, điều chỉnh ngân hàng câu hỏi thi và bổ sung tối thiểu 10% số lượng câu hỏi đối với từng kỹ năng;

d) Các đơn vị có thể phối hợp tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam với các tổ chức có chức năng khảo thí đã có ngân hàng câu hỏi thi, đề thi được xây dựng, quản lý đáp ứng các quy định của Quy chế này; bảo đảm phân công rõ nghĩa vụ, quyền hạn của các bên phối hợp và báo cáo Bộ GDĐT (qua Cục Quản lý chất lượng) trước khi triển khai tổ chức thi.

6. Có phần mềm tổ chức thi trên máy vi tính đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có giao diện thân thiện, dễ cài đặt, sử dụng; có khả năng ngắt kết nối với các ứng dụng và thiết bị bên ngoài không liên quan đến nội dung thi;

b) Cho phép thí sinh tự đăng nhập vào phần mềm để làm bài thi bằng tài khoản thi cá nhân;

c) Có phân hệ quản lý ngân hàng câu hỏi để cập nhật, bổ sung;

d) Có chức năng tự động chọn ngẫu nhiên, đồng đều các câu hỏi ở các phần kiến thức khác nhau để tạo ra các đề thi trắc nghiệm tương đương nhau về độ khó từ ngân hàng câu hỏi thi;

đ) Có các chức năng: chụp ảnh thí sinh và đưa vào dữ liệu thi; đồng hồ đếm ngược; xem trước câu hỏi tiếp theo, thống kê câu hỏi đã trả lời; tự động chấm điểm bài thi trắc nghiệm; tự động đăng xuất và lưu trữ bài làm, kết quả thi của thí sinh khi hết thời gian làm bài; tự động phân tích kết quả thi của thí sinh theo phương pháp cổ điển và hiện đại; sao lưu và bảo mật.

7. Có đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

a) Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ của đơn vị phải cung cấp đầy đủ các thông tin và minh chứng về yêu cầu tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;

b) Đơn vị tổ chức thi xây dựng và công khai Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên trang thông tin điện tử của mình và trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT trước khi tổ chức thi; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; đồng thời, gửi Đề án về Bộ GDĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Điều 6. Thông báo việc đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ của đơn vị tổ chức thi[8]

Các đơn vị có nhu cầu tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam xây dựng Đề án tổ chức thi và báo cáo Bộ GDĐT (qua Cục Quản lý chất lượng) để kiểm tra, xác nhận điều kiện bảo đảm chất lượng tổ chức thi theo yêu cầu quy định tại Điều 5 Quy chế này. Cục Quản lý chất lượng thông báo về việc đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho đơn vị để triển khai thực hiện Đề án theo quy định của Quy chế này.

Chương III. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI VÀ ĐĂNG KÝ DỰ THI, HỘI ĐỒNG THI, HÌNH THỨC THI

Điều 7. Đối tượng dự thi và đăng ký dự thi

1. Đối tượng dự thi:

Các cá nhân có nhu cầu được đánh giá năng lực ngoại ngữ hoặc có nhu cầu được cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam:

a) Có hồ sơ đăng ký dự thi hợp lệ; đóng đầy đủ lệ phí thi, lệ phí cấp chứng chỉ theo quy định;

b) Không trong thời gian bị cấm thi theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 29 của Quy chế này.

2. Đăng ký dự thi

a) Hồ sơ đăng ký dự thi gồm:

- 02 ảnh cỡ 4cm × 6cm được chụp không quá 06 tháng trước ngày đăng ký dự thi, mặt sau của ảnh ghi rõ họ và tên, ngày sinh;

- Bản sao một trong những loại giấy tờ tùy thân còn hiệu lực sau: chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân, thẻ học sinh (đối với đối tượng dự thi là học sinh tiểu học hoặc trung học cơ sở);

- Phiếu đăng ký dự thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (gồm thông tin về họ và tên; ngày sinh; số và ngày cấp giấy tờ tùy thân còn hiệu lực; thời gian, địa điểm, bậc năng lực đăng ký dự thi và các thông tin cần thiết khác).

b) Việc đăng ký dự thi thực hiện theo một trong các cách sau:

- Cá nhân trực tiếp đến đăng ký thi với đơn vị tổ chức thi hoặc đăng ký thi trực tuyến qua trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi;

- Cá nhân thông qua tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hoặc cơ sở giáo dục nơi đang công tác, học tập đăng ký thi với đơn vị tổ chức thi.

c) Đơn vị tổ chức thi có trách nhiệm:

- Công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi các thông tin về kỳ thi như định dạng đề thi, đề thi minh họa, hình thức thi, thời gian, địa điểm thi;

- Tổ chức xét duyệt hồ sơ, lập danh sách thí sinh đăng ký dự thi của kỳ thi; công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi danh sách thí sinh đăng ký dự thi và thông báo cụ thể tới thí sinh lịch thi, địa điểm thi đối với từng kỹ năng ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tổ chức thi;

- Hướng dẫn thí sinh về những nội dung cần thiết trước khi thi.

Điều 8. Trách nhiệm của thí sinh

1. Có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định để được hướng dẫn và tham dự kỳ thi. Thí sinh đến muộn sau thời điểm tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

2. Xuất trình giấy tờ tùy thân còn hiệu lực trước khi vào phòng thi.

3. Ngồi đúng chỗ theo số báo danh quy định trong phòng thi; ký tên vào danh sách thí sinh dự thi từng buổi thi theo từng kỹ năng.

4. Chỉ được mang vào phòng thi giấy tờ tùy thân, không được mang các tài liệu, thiết bị, dụng cụ khác vào phòng thi, kể cả đồng hồ đeo tay.

5. Trong thời gian làm bài thi không được trao đổi, bàn bạc, có hành vi gian lận; phải giữ trật tự; khi muốn có ý kiến hoặc muốn ra ngoài phòng thi phải giơ tay và chỉ được phát biểu ý kiến hoặc ra ngoài phòng thi khi cán bộ coi thi cho phép; khi có sự việc bất thường xảy ra, phải tuân theo hướng dẫn của cán bộ coi thi.

6. Sau 2/3 thời gian làm bài của mỗi kỹ năng, thí sinh có thể nộp bài sớm so với quy định (trừ kỹ năng nghe) cùng với đề thi, giấy nháp và chỉ được rời phòng thi khi được cán bộ coi thi cho phép.

7. Đối với hình thức thi trên giấy:

a) Khi nhận đề thi, phải kiểm tra số trang của đề thi, ghi số báo danh vào đề thi. Nếu phát hiện thấy đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ, thiếu chữ phải báo ngay cho cán bộ coi thi;

b) Bài thi chỉ được viết, tô bằng bút do Hội đồng thi cung cấp; không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng trong bài thi; phần viết hỏng phải gạch bỏ, không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách nào; phần tô hỏng (bằng bút chì) trên phiếu trả lời trắc nghiệm phải được tẩy sạch;

c) Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, tất cả thí sinh phải ngừng làm bài ngay để nộp bài thi; ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi (kể cả trường hợp không làm được bài). Thí sinh chỉ được rời phòng thi khi cán bộ coi thi cho phép.

8. Đối với hình thức thi trên máy vi tính:

a) Tìm hiểu kỹ về hướng dẫn làm bài thi trên máy vi tính từ trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi trước khi đăng ký dự thi.

b) Nhận máy vi tính và làm bài thi trên máy vi tính:

- Nhận máy vi tính, làm quen với máy vi tính; nhận phiếu tài khoản và đăng nhập tài khoản để thực hiện làm bài thi trên máy vi tính;

- Làm bài thi theo đúng hướng dẫn đối với từng phần thi hoặc từng kỹ năng thi;

- Trong khi thi, nếu thí sinh gặp sự cố về máy vi tính hay những bất thường khác cần phải báo ngay cho cán bộ coi thi;

- Không được thoát ra khỏi tài khoản đăng nhập trong suốt quá trình làm bài thi hoặc tái khởi động lại màn hình, máy vi tính, đường truyền bằng bất cứ hình thức nào;

- Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, tất cả thí sinh thực hiện các thao tác tiếp theo dưới sự hướng dẫn của cán bộ coi thi;

- Trước khi ra khỏi phòng thi thí sinh phải nộp lại phiếu tài khoản, giấy nháp, ký xác nhận vào phiếu tham dự thi, danh sách kết quả thi (nếu có).

c) Không tiếp xúc với các vị trí được niêm phong ở máy vi tính cho đến hết giờ thi. Không sao chép câu hỏi thi, đề thi dưới bất kỳ hình thức nào. Không sử dụng bất cứ một chương trình nào khác ngoài chương trình thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cài đặt trên máy vi tính trong thời gian thi kể cả để làm nháp bài thi.

Điều 9. Hội đồng thi

1. Hội đồng thi do Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi thành lập. Hội đồng thi gồm các thành viên của Hội đồng thi và các ban của Hội đồng thi:

a) Các thành viên của Hội đồng thi gồm: Chủ tịch Hội đồng thi là lãnh đạo đơn vị tổ chức thi hoặc lãnh đạo bộ phận chuyên trách của đơn vị tổ chức thi; Phó Chủ tịch Hội đồng thi và các ủy viên Hội đồng thi là người của đơn vị tổ chức thi, đơn vị phối hợp (nếu có); cán bộ thanh tra, công an;

b) Các ban của Hội đồng thi gồm: Ban Thư ký; Ban Đề thi; Ban In sao đề thi; Ban Coi thi; Ban Chấm thi; Ban Phúc khảo (nếu có đơn đề nghị phúc khảo). Thành viên các ban được chọn trong số cán bộ quản lý; giáo viên; giảng viên; những người làm nhiệm vụ giám sát, bảo vệ an toàn thi; kỹ thuật viên, nhân viên y tế, phục vụ có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm trong công tác thi. Riêng lãnh đạo Ban Đề thi, Ban Chấm thi, Ban Phúc khảo phải có chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ra đề thi hoặc chấm thi theo quy định của Bộ GDĐT như yêu cầu đối với cán bộ ra đề thi, chấm thi.

2. Chủ tịch Hội đồng thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, ủy viên Hội đồng thi và thành viên các ban của Hội đồng thi phải là người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, không có người thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh chị em ruột, anh chị em ruột vợ hoặc chồng) là thí sinh tham dự kỳ thi tại Hội đồng thi.

3. Hội đồng thi tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 10. Nhiệm vụ của Hội đồng thi và các ban của Hội đồng thi

1. Hội đồng thi

a) Chủ tịch Hội đồng thi:

- Điều hành các công việc của Hội đồng thi;

- Ký duyệt danh sách thí sinh đăng ký dự thi;

- Tiếp nhận, quản lý và bảo mật đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm;

- Quy định việc làm phách bài thi bảo đảm an toàn, bảo mật;

- Ký duyệt kết quả thi và danh sách thí sinh dự thi đạt yêu cầu, đề nghị cấp có thẩm quyền cấp chứng chỉ;

- Quyết định các hình thức kỷ luật đối với các đối tượng vi phạm Quy chế thi.

b) Phó Chủ tịch Hội đồng thi thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch Hội đồng thi phân công và thay mặt Chủ tịch Hội đồng thi giải quyết công việc khi được Chủ tịch Hội đồng thi ủy quyền;

c) Các ủy viên Hội đồng thi chấp hành phân công của lãnh đạo Hội đồng thi.

3. Ban Đề thi

a) [9]Tổ chức rút đề thi từ ngân hàng câu hỏi thi theo yêu cầu tổ chức thi;

b) Chuyển giao đề thi gốc đã được mã hóa, niêm phong cho Chủ tịch Hội đồng thi hoặc Trưởng Ban Coi thi (đối với thi trên máy vi tính), Trưởng Ban In sao đề thi (đối với thi trên giấy) nếu được Chủ tịch Hội đồng thi ủy quyền;

c) Thành viên Ban đề thi chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, đảm bảo bí mật, an toàn của đề thi theo đúng chức trách của mình theo quy định hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước độ Tối mật. Trong trường hợp tổ chức thi trên giấy, những người trong Ban đề thi có tiếp xúc với nội dung đề thi phải được cách ly triệt để từ khi bắt đầu làm việc cho đến hết thời gian làm bài thi.

4. Ban In sao đề thi (đối với thi trên giấy):

a) In sao đề thi đảm bảo nguyên tắc bí mật, an toàn của đề thi theo đúng chức trách của mình theo quy định hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước độ Tối mật;

b) Sau khi in sao xong số lượng theo yêu cầu, chuyển giao đề thi cho Chủ tịch Hội đồng thi hoặc Ban Coi thi khi được Chủ tịch Hội đồng thi phân công;

c) Những người trong Ban In sao đề thi có tiếp xúc với nội dung đề thi phải được cách ly triệt để từ khi bắt đầu làm việc cho đến hết thời gian làm bài thi.

5. Ban Coi thi:

a) Những công việc chung:

- Bố trí đủ lực lượng coi thi, bảo vệ phòng thi, đảm bảo an toàn cho kỳ thi và bài làm của thí sinh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban Coi thi;

- Tổ chức, quản lý, giám sát thí sinh theo đúng lịch thi, nội quy phòng thi.

b) Đối với thi trên giấy:

- Tiếp nhận, bảo quản, sử dụng đề thi theo hướng dẫn;

- Thu nhận bài thi, niêm phong bài thi, hồ sơ thi, lập biên bản bàn giao cho Ban Thư ký theo quy định tại Điều 16 của Quy chế này.

c) Đối với thi trên máy vi tính:

Hướng dẫn, giám sát thí sinh sử dụng máy vi tính, làm bài và nộp bài theo quy định tại Điều 20 của Quy chế này.

6. Ban Chấm thi:

a) Tiếp nhận toàn bộ bài thi, hồ sơ thi do Ban Thư ký bàn giao và bảo quản trong thời gian chấm thi;

b) Tổ chức chấm thi theo đúng hướng dẫn, đáp án, thang điểm;

c) Đánh giá tổng quát về đề thi, kết quả chấm thi, chất lượng bài làm của thí sinh; góp ý kiến về đề thi, đáp án, thang điểm; kiến nghị về sự bất thường trong kết quả làm bài của thí sinh (nếu có), đề xuất Chủ tịch Hội đồng thi xử lý;

d) Nộp bài thi và bảng điểm theo số phách cho Ban Thư ký để tổng hợp kết quả.

7. Ban Phúc khảo:

a) Tổ chức chấm lại bài thi theo văn bản hướng dẫn chấm, đảm bảo nguyên tắc hai cán bộ chấm thi chấm độc lập trên một bài thi;

b) Lập các biên bản, danh sách thí sinh với kết quả điểm phúc khảo và trình Chủ tịch Hội đồng thi phê duyệt.

8. Ban Thư ký:

a) Giúp Hội đồng thi soạn thảo các văn bản, lập các biểu bảng cần thiết, xây dựng cơ sở dữ liệu thí sinh dự thi, ghi biên bản các cuộc họp của Hội đồng thi;

b) Nhận bài thi từ Ban Coi thi; bảo quản, kiểm kê bài thi; đối chiếu chữ ký niêm phong trên túi đựng bài thi của cán bộ coi thi hoặc cán bộ chấm thi với chữ ký trên phiếu thu bài thi và bài làm của thí sinh; đánh số phách, cắt phách; niêm phong, bảo quản phần phách;

c) Giao bài thi đã cắt phách cho Ban Chấm thi; hồi phách, lên điểm; lập biểu thống kê kết quả thi của thí sinh. Khi lập danh sách kết quả điểm thi phải có một người đọc, một người ghi, sau đó đổi vị trí một người đọc và người kia kiểm tra lại; cuối danh sách phải có chữ ký và ghi rõ họ tên của người đọc và người ghi điểm;

d) Tổng hợp, phân tích kết quả thi; kiến nghị về sự bất thường trong kết quả thi (nếu có), đề xuất Chủ tịch Hội đồng thi xử lý;

đ) Trình Chủ tịch Hội đồng thi kết quả thi.

9. Công tác bảo mật của Hội đồng thi

a) Trước khi tham gia làm thi, các thành viên Hội đồng thi và các ban của Hội đồng thi phải ký cam kết bảo mật về việc sẽ thực hiện đúng theo nhiệm vụ được giao; không mang nội dung đề thi, bài làm của thí sinh ra khỏi khu vực quy định, không sử dụng đề thi, bài làm của thí sinh vào mục đích khác ngoài các mục đích của kỳ thi;

b) Quy định về việc niêm phong, mở niêm phong tài liệu, dữ liệu thi:

- Chủ tịch Hội đồng thi quy định các loại tài liệu, dữ liệu thi cần niêm phong và thời điểm niêm phong; có danh sách tên kèm chữ ký mẫu của những cán bộ chịu trách nhiệm ký niêm phong; chỉ những cán bộ có tên trong danh sách này có trách nhiệm ký niêm phong;

- Chữ ký niêm phong được ký lên nhãn niêm phong hoặc vị trí cụ thể trên túi niêm phong. Nhãn niêm phong và túi niêm phong cần đạt yêu cầu về việc chỉ sử dụng được một lần cho công tác lưu giữ tài liệu, dữ liệu thi;

- Khi niêm phong hoặc mở niêm phong phải lập biên bản; có sự tham gia của người trực tiếp thực hiện và được xác nhận bởi đại diện những người chứng kiến việc niêm phong, mở niêm phong. Nội dung của các biên bản này nêu rõ tên cán bộ niêm phong, mở niêm phong; xác nhận chữ ký niêm phong đối chiếu với danh sách tên kèm chữ ký mẫu của những cán bộ chịu trách nhiệm ký niêm phong do Chủ tịch Hội đồng thi quy định.

Điều 11. Hình thức thi

1. [10]Các kỹ năng nghe, đọc, viết được tổ chức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, tất cả các kỹ năng đều được tổ chức thi trên máy vi tính.

2. Kỹ năng nói được tổ chức bằng hình thức thi nói trực tiếp hoặc thi trên máy vi tính.

3. Đối với từng kỳ thi, dựa trên điều kiện thực tế, đơn vị tổ chức thi thông báo về hình thức thi trên giấy hay thi trên máy vi tính, thi nói trực tiếp hay thi nói trên máy vi tính để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi.

Chương IV. ĐỀ THI

Điều 12. Yêu cầu về đề thi[11]

1. Đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Đề thi bảo đảm đánh giá được các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết;

b) Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi được xây dựng theo đúng hướng dẫn của Bộ GDĐT; bám sát định dạng đề thi và hướng dẫn làm đề thi theo từng định dạng đề thi được Bộ GDĐT quy định; bảo đảm chính xác, khoa học, chặt chẽ, rõ ràng;

c) Các đề thi theo cùng một định dạng phải tương đương nhau về độ khó;

d) Việc quản lý và sử dụng ngân hàng câu hỏi thi, đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi phải bảo đảm bảo mật.

2. Đề thi cho từng kỳ thi được rút ngẫu nhiên từ phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi.

Điều 13. In sao, đóng gói và bảo quản đề thi đối với thi trên giấy

1. Những thành viên tham gia in sao đề thi tuyệt đối không được tiết lộ thông tin về đề thi.

2. Việc in sao đề thi phải được thực hiện tại nơi bảo mật và an toàn tuyệt đối, có công an bảo vệ và có giám sát của cán bộ thanh tra ở vòng ngoài.

3. Việc đóng gói đề thi

a) Đề thi cho từng kỳ thi phải được in đầy đủ tới từng phòng thi cho tất cả thí sinh đăng ký dự thi. Các bản đề thi phải được in đầy đủ, rõ ràng. Dự phòng ở mỗi địa điểm thi một bì đề thi với một số lượng đề nhất định để có thể sử dụng trong trường hợp đột xuất;

b) Trước khi đóng gói đề thi, phải có bản thống kê số lượng thí sinh của kỳ thi để phân phối đề thi; ghi tên địa điểm thi, phòng thi, môn thi, thời gian thi và số lượng đề thi vào từng phong bì chứa đề thi;

c) Người đóng gói đề thi phải làm đúng quy cách, bảo đảm đúng số lượng đề thi, đĩa CD, đúng kỹ năng thi ghi ở phong bì đề thi, đủ số lượng đề thi cho từng địa điểm thi, từng phòng thi;

d) Phong bì chứa đề thi phải được làm bằng chất liệu kín để không thể nhìn thấy nội dung bên trong, được dán chặt, không bong mép, có nhãn dán bằng chất liệu chỉ sử dụng được một lần và được niêm phong theo quy định;

đ) Sau khi đóng gói xong đề thi, cần kiểm tra đủ số lượng phong bì đã đóng gói và lập biên bản bàn giao cho Trưởng Ban Coi thi quản lý, đồng thời tiêu hủy ngay các bản in thừa, in hỏng, mờ, xấu, rách, bẩn đã bị loại ra.

4. Bảo quản và sử dụng đề thi

a) Đề thi phải được niêm phong theo quy định; phải được bảo quản trong hòm, tủ, hay két sắt, có khóa chắc chắn, được niêm phong và có người bảo vệ thường xuyên theo quy định hiện hành về bảo vệ bí mật nhà nước độ Tối mật. Chìa khóa hòm, tủ hay két sắt do Trưởng Ban Coi thi giữ;

b) Đề thi chỉ được mở để sử dụng tại phòng thi đúng ngày, giờ theo các kỹ năng thi do Chủ tịch Hội đồng thi quy định thống nhất cho mỗi kỳ thi;

c) Đề thi phải được chuẩn bị đầy đủ cho tất cả thí sinh đăng ký dự thi. Ngoài ra, phải có một bộ đề thi gốc để lưu tại Hội đồng thi.

5. Các biên bản về đề thi

a) Ban In sao đề thi có trách nhiệm lập biên bản bàn giao đề thi đã được niêm phong cho Chủ tịch Hội đồng thi hoặc Trưởng Ban Coi thi nếu được Chủ tịch Hội đồng thi ủy quyền;

b) Ban Coi thi lập biên bản mở bì đề thi chung tại phòng làm việc của Hội đồng có sự chứng kiến của cán bộ coi thi (hoặc cán bộ chấm thi nói) vào đầu mỗi buổi thi, trước khi giao bì đề thi cho cán bộ coi thi (hoặc cán bộ chấm thi nói);

c) Cán bộ coi thi lập biên bản mở đề thi tại phòng thi có sự chứng kiến của thí sinh trước khi mở đề thi giao cho thí sinh;

d) Ngay sau thời điểm tính giờ làm bài, cán bộ coi thi lập biên bản niêm phong số đề thi còn dư tại phòng thi để bàn giao cho Trưởng ban Coi thi hoặc người được Trưởng ban Coi thi ủy quyền;

đ) Sau khi hết thời gian làm bài thi, cán bộ coi thi thu hồi tất cả đề thi đã phát cho thí sinh, lập biên bản bàn giao cho Trưởng Ban Coi thi cùng với bài làm của thí sinh;

e) Trưởng Ban Coi thi niêm phong toàn bộ đề thi đã qua sử dụng và đề còn dư, lập biên bản bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng thi; Chủ tịch Hội đồng thi lập biên bản bàn giao cho Thủ trưởng bộ phận chuyên trách;

g) Trong thời gian 05 ngày làm việc sau khi hoàn thành công việc chấm thi, phúc khảo và lên điểm, Thủ trưởng bộ phận chuyên trách lập biên bản tiêu hủy toàn bộ đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi có sự giám sát của cán bộ thanh tra hoặc công an;

h) Đối với thi trên giấy, Chủ tịch Hội đồng thi lập biên bản bàn giao bộ đề thi gốc lưu tại Hội đồng thi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này cho Thủ trưởng bộ phận chuyên trách lưu trữ, bảo mật trong thời gian ít nhất 2 năm để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng (nếu có); sau đó, lập biên bản tiêu hủy có sự giám sát của cán bộ thanh tra hoặc công an.

Điều 14. Cung ứng đề thi đối với thi trên máy vi tính

1. Trưởng Ban Coi thi nhận đề thi đã được mã hóa từ Chủ tịch Hội đồng thi hoặc từ Ban Đề thi, lập biên bản giao nhận đề thi.

2. Đối với hình thức thi trực tuyến, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định thời điểm và cách thức cung ứng đề thi, đảm bảo nguyên tắc bảo mật và an toàn.

Chương V. TỔ CHỨC THI

Mục 1. THI TRÊN GIẤY

Điều 15. Lập danh sách thí sinh và bố trí phòng thi

1. Lập danh sách tất cả thí sinh dự thi theo thứ tự a, b, c,... của tên thí sinh theo từng môn ngoại ngữ và từng định dạng đề thi để đánh số báo danh. Số báo danh của mỗi thí sinh gồm 06 ký tự; trong đó, 02 ký tự đầu là mã môn ngoại ngữ, 04 ký tự sau là số thứ tự của thí sinh trong danh sách. Sau đó xếp vào các phòng thi.

2. Bố trí cán bộ coi thi, cán bộ giám sát đối với các kỹ năng nghe, đọc, viết:

a) Cán bộ coi thi: Trong mỗi phòng thi có ít nhất 02 người; tính trung bình, mỗi người giám sát không quá 20 thí sinh;

b) Cán bộ giám sát ngoài phòng thi: Mỗi người giám sát không quá 120 thí sinh hoặc không quá 03 phòng thi.

3. Trong mỗi phòng thi có danh sách ảnh của thí sinh. Tại cửa ra vào phòng thi niêm yết nội quy phòng thi, danh sách thí sinh dự thi.

4. Sắp xếp chỗ ngồi cho các thí sinh trong phòng thi đảm bảo khoảng cách theo hàng ngang giữa hai thí sinh ít nhất là 1,2 mét.

5. Bố trí tại mỗi phòng thi riêng lẻ (với số lượng không quá 30 thí sinh) ít nhất 01 bộ thiết bị phát thanh (như máy nghe đĩa CD và loa) để sử dụng chính thức và có một số bộ dự phòng tùy theo số lượng các phòng thi của từng kỳ thi, tổng số bộ thiết bị phát thanh ít nhất phải bằng 1,2 lần số phòng thi của từng kỳ thi; hoặc có hệ thống phát thanh đảm bảo chất lượng âm thanh đến tất cả các phòng thi hoặc đến từng thí sinh.

Điều 16. Quy trình coi thi

1. Trước ngày thi ít nhất 01 ngày, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thư ký, kỹ thuật viên của Hội đồng thi có mặt tại địa điểm thi để thực hiện các công việc:

a) Kiểm tra việc chuẩn bị cho kỳ thi: cơ sở vật chất và các thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tổ chức thi;

b) Niêm yết danh sách thí sinh dự thi, nội quy phòng thi; niêm phong phòng thi.

2. Trước giờ thi:

a) Cán bộ coi thi kiểm tra, mở niêm phong phòng thi; đánh số báo danh theo phương án quy định của Trưởng Ban Coi thi; gọi thí sinh vào phòng thi, kiểm tra giấy tờ tùy thân, vật dụng của thí sinh, đối chiếu thí sinh với ảnh chụp tại hồ sơ đăng ký; đảm bảo thí sinh ngồi đúng vị trí theo số báo danh;

b) Cán bộ coi thi nhận đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp, bút từ Trưởng Ban Coi thi hoặc người được Trưởng Ban Coi thi ủy quyền;

c) Cán bộ coi thi ký và ghi tên vào các tờ giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp và phát cho thí sinh; phát bút cho thí sinh, hướng dẫn thí sinh điền các thông tin cần thiết theo quy định vào giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp;

d) Khi có hiệu lệnh, cán bộ coi thi phát đề thi cho từng thí sinh.

3. Trong thời gian làm bài thi:

a) Cán bộ coi thi giám sát chặt chẽ phòng thi; kiểm tra lại giấy tờ tùy thân của thí sinh, vị trí ngồi của thí sinh theo đúng số báo danh; không cho thí sinh trao đổi, bàn bạc, có hành vi gian lận trong phòng thi; cán bộ coi thi không được đọc đề thi, không tự ý trao đổi với thí sinh về nội dung đề thi, không cho thí sinh sao chép câu hỏi thi, đề thi dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Trường hợp cần phải cho thí sinh ra ngoài phòng thi, cán bộ coi thi chỉ cho từng thí sinh ra ngoài và báo cho cán bộ giám sát ngoài phòng thi;

c) Trường hợp có thí sinh vi phạm Quy chế thi, cán bộ coi thi lập biên bản và báo cáo Trưởng Ban Coi thi để có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời;

d) Cán bộ giám sát ngoài phòng thi có trách nhiệm giám sát thí sinh, giám sát cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi nói, kỹ thuật viên trong phòng thi tại khu vực được Trưởng Ban Coi thi phân công; đồng thời giám sát thí sinh ra ngoài phòng thi (nếu có) và không cho phép thí sinh tiếp xúc với người khác.

4. Hết giờ làm bài thi:

a) Cán bộ coi thi yêu cầu tất cả thí sinh dừng làm bài ngay khi có hiệu lệnh, lần lượt thu bài thi, đề thi của từng thí sinh (kiểm tra số tờ giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm của mỗi thí sinh và yêu cầu thí sinh ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi). Chỉ cho thí sinh rời khỏi phòng thi sau khi đã kiểm tra đủ số bài thi và đề thi;

b) Cán bộ giám sát ngoài phòng thi có trách nhiệm giám sát thí sinh, cán bộ coi thi và hỗ trợ cán bộ coi thi trong việc giữ trật tự phòng thi trong quá trình thu bài thi của thí sinh, tại khu vực được Trưởng Ban Coi thi phân công.

5. Đóng gói, bàn giao bài thi, đề thi

a) Bài thi của thí sinh và Phiếu thu bài thi được cán bộ coi thi nộp cho Trưởng Ban Coi thi hoặc người được Trưởng Ban Coi thi ủy quyền để niêm phong. Bên ngoài túi niêm phong có chữ ký vào mép giấy niêm phong của các cán bộ coi thi và người trực tiếp nhận bài thi;

b) Ngay sau khi thi xong, Ban Coi thi có nhiệm vụ bàn giao toàn bộ bài thi và hồ sơ thi đã được niêm phong cho Ban Thư ký; bàn giao đề thi đã được niêm phong cho Chủ tịch Hội đồng thi.

6. Bàn giao dữ liệu giám sát: Dữ liệu từ các camera giám sát diễn biến tại các phòng thi được lưu lại toàn bộ, niêm phong và chuyển cho Ban Thư ký.

Điều 17. Thi kỹ năng nói trực tiếp

1. Chuẩn bị phòng thi

a) Tại mỗi địa điểm thi phải có ít nhất một phòng thi riêng và một phòng để thí sinh ngồi chờ trước khi vào phòng thi (gọi tắt là phòng chờ);

b) Các phòng chờ và các phòng thi nói phải được bố trí gần nhau, tại một khu tách biệt, đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khác;

c) Trang bị cho mỗi bàn thi nói 01 máy ghi âm để sử dụng chính thức và một số máy ghi âm dự phòng, tổng số máy ghi âm ít nhất bằng 1,2 lần số bàn thi nói của từng kỳ thi. Các kỹ thuật viên và cán bộ chấm thi phải kiểm tra việc vận hành máy ghi âm để đảm bảo máy hoạt động tốt trong suốt quá trình tổ chức thi.

2. Bố trí cán bộ chấm thi, cán bộ giám sát ngoài phòng thi

a) Trong phòng thi, với mỗi bàn thi, bố trí đủ số lượng cán bộ chấm thi theo quy định của từng định dạng đề thi;

b) Ngoài phòng thi bố trí ít nhất 01 cán bộ giám sát;

c) Mỗi phòng chờ, bố trí 02 cán bộ giám sát, gồm 01 người trong phòng chờ và 01 người giám sát ngoài phòng chờ.

3. Quy trình thi

a) Thí sinh được tập trung trong phòng chờ để chuẩn bị thi;

b) Khi có hiệu lệnh, thí sinh được gọi theo danh sách số báo danh vào bàn thi. Cán bộ chấm thi kiểm tra giấy tờ tùy thân của thí sinh; phát đề thi hoặc cho thí sinh bốc thăm đề thi; phát giấy nháp đã được các cán bộ chấm thi ký cho thí sinh;

c) Trong thời gian thi, cán bộ giám sát ngoài phòng thi có trách nhiệm giám sát thí sinh và cán bộ chấm thi trong phòng thi; giám sát việc di chuyển của thí sinh từ phòng chờ đến phòng thi và từ phòng thi ra khỏi khu vực thi, đảm bảo thí sinh không tiếp xúc với bất kỳ ai khác. Cán bộ giám sát trong phòng chờ có trách nhiệm giữ trật tự và điều hành hoạt động của thí sinh trong phòng chờ. Cán bộ giám sát ngoài phòng chờ có trách nhiệm giám sát thí sinh và cán bộ giám sát trong phòng chờ; giám sát việc thí sinh ra ngoài phòng chờ;

d) Hình thức thi nói được thực hiện dưới dạng trực tiếp và ghi âm quá trình thi của thí sinh. Cán bộ chấm thi phải kiểm tra tình trạng của máy ghi âm để bảo đảm lưu được toàn bộ bài thi của các thí sinh. Sau khi nhận đề hoặc được bốc thăm đề thi theo hướng dẫn của cán bộ chấm thi, thí sinh thực hiện phần thi theo định dạng đề thi;

đ) Sau khi thi xong, cán bộ chấm thi yêu cầu thí sinh ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi hoặc Phiếu tham dự thi (kể cả trường hợp thí sinh không nói gì để ghi âm); cho thí sinh ra khỏi phòng thi và tiếp nhận thí sinh tiếp theo vào phòng thi. Từng thí sinh sẽ thi lần lượt cho đến hết danh sách.

3. Quy trình thực hiện đối với thí sinh thi nói trực tiếp:

a) Sau khi vào phòng thi, nhận giấy nháp, nhận đề thi hoặc bốc thăm đề thi;

b) Thực hiện phần thi của mình khi cán bộ chấm thi thông báo bắt đầu ghi âm;

c) Ký vào Phiếu thu bài thi hoặc Phiếu tham dự thi và ra khỏi phòng thi;

d) Di chuyển đến nơi quy định theo hướng dẫn của cán bộ giám sát ngoài phòng thi.

4. Đóng gói, niêm phong bài thi, đề thi, dữ liệu thi

a) Dữ liệu về bài thi của thí sinh (lưu trong thiết bị ghi âm, đĩa CD hoặc ổ cứng), Phiếu thu bài thi hoặc Phiếu tham dự thi và biên bản chấm thi nói được cán bộ chấm thi nộp cho Trưởng Ban Coi thi hoặc người được Trưởng Ban Coi thi ủy quyền để niêm phong. Bên ngoài túi niêm phong có chữ ký vào mép giấy niêm phong của các cán bộ chấm thi và người trực tiếp nhận bài thi;

b) Ngay sau khi thi xong, Ban Coi thi có nhiệm vụ bàn giao toàn bộ bài thi, dữ liệu từ các camera giám sát và hồ sơ thi đã được niêm phong cho Ban Thư ký; bàn giao đề thi đã được niêm phong cho Chủ tịch Hội đồng thi;

c) Ban Thư ký có nhiệm vụ bàn giao toàn bộ bài thi và hồ sơ thi đã được niêm phong cho Ban Chấm thi; bàn giao dữ liệu từ các camera giám sát đã được niêm phong cho Chủ tịch Hội đồng thi.

.....................

Mời các bạn sử dụng file tải về để xem chi tiết văn bản.

Thông tư này thuộc lĩnh vực Giáo dục đào tạo được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Đánh giá bài viết
1 178
Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc 2023
Chọn file tải về :
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm