Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài

Tải về

Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài

Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 7/10 năm 2021 về Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Theo đó, chứng chỉ tiếng Việt được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng từ bậc 01 đến bậc 06 của Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Sau đây là nội dung chi tiết Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT, mời các bạn cùng tham khảo.

Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT

B GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

__________

S ố : 27/2021/TT-BGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2021

THÔNG T Ư

Ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài

____________________

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 11 năm 2021.

Điều 3 . Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu; Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học; các đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Nơi nhận:

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chính phủ;

- Ủy ban VHGD của Quốc hội;

- Hội đồng QGGD và PTNNL;

- Ban Tuyên giáo TƯ;

- Bộ trưởng (để b/c);

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc CP;

- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);

- Công báo;

- Như Điều 3;

- Cổng TTĐT Chính phủ;

- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;

- Lưu: VT, Vụ PC, Cục QLCL.

KT. B TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Nguyễ n Hữu Độ

B GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

___________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

QUY CH

Thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài

(Ban hành kèm theo Thông tư số 27/2021/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

____________

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài (sau đây gọi tắt là thi đánh giá năng lực tiếng Việt), bao gồm: mục đích, nguyên tắc; hình thức thi; chứng chỉ; đơn vị tổ chức thi; đối tượng dự thi và đăng ký dự thi, Hội đồng thi; đề thi; tổ chức thi; chấm thi và phúc khảo; duyệt kết quả thi, quản lý chứng chỉ, báo cáo và lưu trữ hồ sơ thi; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam; các Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Mục đích, nguyên tắc

1. Tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt nhằm đánh giá năng lực tiếng Việt cho người có nhu cầu theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

2. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt phải bảo đảm nguyên tắc trung thực, chính xác, khách quan, minh bạch, phản ánh đúng năng lực tiếng Việt của người được đánh giá về 04 (bốn) kĩ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.

Điều 3. Hình thức thi

1. Các kĩ năng nghe, đọc, viết được tổ chức theo hình thức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính (sau đây gọi là máy tính).

2. Kĩ năng nói được tổ chức theo hình thức thi nói trực tiếp trước giám khảo hoặc thi nói trên máy tính.

3. Đối với từng kỳ thi, đơn vị tổ chức thi thông báo về hình thức thi trên giấy hay trên máy tính, thi nói trực tiếp trước giám khảo hay nói trên máy tính để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi.

Điều 4. Chứng chỉ tiếng Việt

1. Chứng chỉ tiếng Việt được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng từ bậc 1 đến bậc 6 của Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

2. Bộ GDĐT quy định mẫu chứng chỉ tiếng Việt. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ tiếng Việt do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định.

Chương II. ĐƠN VỊ TỔ CHỨC THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC TIẾNG VIỆT

Điều 5. Đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt

Đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt (sau đây gọi tắt là đơn vị tổ chức thi) bao gồm: Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam; các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài.

Điều 6. Điều kiện đối với đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt

1. Có đội ngũ nhân sự quản lý, biên soạn câu hỏi thi, đề thi, kĩ thuật viên đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ để tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt; những người này hoặc là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức hoặc là người lao động đã được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, trong đó:

a) Có ít nhất 10 người để thực hiện nhiệm vụ biên soạn câu hỏi thi, đề thi và chấm thi; những người này phải có trình độ tối thiểu là thạc sĩ thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam hoặc ngành Văn học hoặc chuyên ngành Ngữ văn/tiếng Việt thuộc nhóm ngành Khoa học giáo dục;

b) Có đội ngũ kĩ thuật viên đáp ứng yêu cầu để sử dụng các thiết bị tin học, âm thanh, video phục vụ cho việc tổ chức thi và chấm thi.

2. Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu sau:

a) Khu vực thi bảo đảm các yêu cầu về an ninh, an toàn và phòng chống cháy nổ. Có đủ phòng thi và các phòng chức năng để tổ chức thi cả 04 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cho ít nhất 30 thí sinh trong một lượt thi;

b) Phòng thi phải bảo đảm: đủ ánh sáng, bàn, ghế, phấn hoặc bút dạ, bảng hoặc màn chiếu; có hệ thống camera giám sát không kết nối mạng internet, ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi trong suốt thời gian thi; có đồng hồ dùng chung để tất cả thí sinh theo dõi được thời gian làm bài; có đủ các thiết bị ghi âm, phát âm, ghi hình;

c) Có thiết bị kiểm tra an ninh (cổng từ hoặc thiết bị cầm tay) nhằm kiểm soát và ngăn chặn việc mang tài liệu, đồ dùng trái phép vào phòng thi;

d) Có dụng cụ bảo quản đồ đạc của thí sinh để bên ngoài phòng thi;

đ) Phòng làm việc của Hội đồng thi phải có đủ trang thiết bị và đồ dùng cần thiết để phục vụ công tác trực thi, giao nhận đề thi và bài thi; có hòm, tủ hoặc kết sắt, có khoá chắc chắn để bảo quản đề thi và bài thi;

e) Có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt của đơn vị, định dạng đề thi, đề thi minh họa, hình thức thi, danh sách thí sinh đăng ký dự thi; thông báo lịch thi, địa điểm thi; tra cứu kết quả thi và chứng chỉ;

g) Có khu vực làm đề thi riêng biệt bảo đảm an ninh, an toàn và bảo mật cho công tác ra đề thi.

3. Có ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực tiếng Việt (gọi tắt là ngân hàng câu hỏi thi) phục vụ xây dựng đề thi đáp ứng quy định tại Điều 12 Quy chế này; ngân hàng câu hỏi thi có số lượng câu hỏi thi để tạo ra tối thiểu 30 đề thi đúng với định dạng đề thi theo quy định, trong đó số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%.

4. Điều kiện bổ sung đối với hình thức thi trên máy tính:

a) Có hệ thống máy tính gồm máy chủ, các máy trạm, thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị lưu điện, nguồn điện dự phòng, các thiết bị phụ trợ bảo đảm yêu cầu về kĩ thuật để tổ chức cho ít nhất 30 thí sinh trong một lượt thi;

b) Có phần mềm tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt (gọi tắt là phần mềm tổ chức thi) trên máy tính đáp ứng các yêu cầu: Có giao diện thân thiện, dễ cài đặt, dễ sử dụng; có khả năng nhận dữ liệu đề thi từ phần mềm ngân hàng câu hỏi thi để sinh đề thi theo quy định; có khả năng ngắt kết nối với các phần mềm ứng dụng và thiết bị bên ngoài; bảo đảm thuận lợi cho thí sinh tự đăng nhập vào phần mềm để làm bài thi bằng tài khoản thi cá nhân; có các chức năng chụp ảnh thí sinh và đưa vào dữ liệu thi; có đồng hồ đếm ngược và tính năng xem trước câu hỏi tiếp theo, thống kê câu hỏi đã trả lời, tự động chấm điểm bài thi trắc nghiệm; tự động lưu kết quả thi của thí sinh ngay tại thời điểm có sự cố (như mất điện, mất kết nối với máy chủ,...), hoặc khi hết thời gian làm bài, hoặc thí sinh bấm nút “Kết thúc”; cho phép giám khảo nhập kết quả thi kĩ năng nói và viết, in kết quả tổng bài thi của thí sinh;

c) Phần mềm tổ chức thi có thể tích hợp cùng phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi nhưng phải bảo đảm yêu cầu về bảo mật và có quy trình sử dụng được Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi phê duyệt.

5. Có Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt, Đề án phải cung cấp đầy đủ các thông tin và minh chứng đáp ứng yêu cầu tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này. Đơn vị tổ chức thi chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án.

Điều 7. Thông báo việc đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt của đơn vị tổ chức thi

Các đơn vị có nhu cầu tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt xây dựng Đề án; báo cáo Bộ GDĐT (qua Cục Quản lý chất lượng) để kiểm tra, xác nhận điều kiện bảo đảm chất lượng tổ chức thi theo yêu cầu quy định tại Điều 6 Quy chế này. Cục Quản lý chất lượng thông báo về việc đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho đơn vị để triển khai thực hiện Đề án theo quy định của Quy chế này.

Chương III. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI, ĐĂNG KÝ DỰ THI VÀ HỘI ĐỒNG THI

Điều 8. Đối tượng dự thi và đăng ký dự thi

1. Đối tượng dự thi: Các cá nhân có nhu cầu được đánh giá năng lực tiếng Việt và cấp chứng chỉ tiếng Việt:

a) Có hồ sơ đăng ký dự thi hợp lệ; đóng đầy đủ lệ phí thi, lệ phí cấp chứng chỉ theo quy định;

b) Không trong thời gian bị cấm thi theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 29 Quy chế này.

2. Đăng ký dự thi:

a) Hồ sơ đăng ký dự thi gồm: 02 ảnh cỡ 4x6 (cm) được chụp không quá 06 tháng trước ngày đăng ký dự thi, mặt sau của ảnh ghi rõ họ và tên, ngày sinh; bản sao hộ chiếu còn hiệu lực; phiếu đăng ký dự thi (gồm thông tin về họ và tên, ngày sinh, quốc tịch, số và ngày cấp hộ chiếu, thời gian, địa điểm đăng ký dự thi và các thông tin cần thiết khác);

b) Việc đăng ký dự thi thực hiện theo một trong những cách sau: Cá nhân trực tiếp đến đăng ký tại đơn vị tổ chức thi hoặc đăng ký trực tuyến qua trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi; cá nhân thông qua tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hoặc cơ sở giáo dục nơi đang công tác, học tập đăng ký dự thi với đơn vị tổ chức thi.

Điều 9. Trách nhiệm của thí sinh

1. Có mặt tại địa điểm thi đúng thời gian quy định để được hướng dẫn và tham dự kỳ thi. Thí sinh đến muộn sau thời điểm tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

2. Xuất trình hộ chiếu còn hiệu lực trước khi vào phòng thi.

3. Ngồi đúng chỗ theo số báo danh quy định trong phòng thi; ký tên vào danh sách thí sinh dự thi từng buổi thi theo từng kĩ năng.

4. Chỉ được mang vào phòng thi giấy tờ tùy thân, không được mang các tài liệu, thiết bị, dụng cụ khác vào phòng thi.

5. Trong thời gian làm bài thi, không được trao đổi, bàn bạc, có hành vi gian lận; phải giữ trật tự; khi muốn có ý kiến hoặc muốn ra ngoài phòng thi, phải xin phép và chỉ được phát biểu ý kiến hoặc ra ngoài phòng thi khi giám thị cho phép; khi có sự việc bất thường xảy ra, phải tuân theo hướng dẫn của giám thị.

6. Sau 2/3 thời gian làm bài thi của mỗi kĩ năng, thí sinh có thể nộp bài sớm so với quy định (trừ kĩ năng nghe) cùng với đề thi, giấy nháp và chỉ được rời phòng thi khi giám thị cho phép.

7. Đối với hình thức thi trên giấy:

a) Khi nhận đề thi, phải kiểm tra số trang của đề thi, ghi họ, tên và số báo danh vào đề thi. Nếu phát hiện thấy đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ, thiếu chữ phải báo ngay cho giám thị;

b) Bài thi chỉ được viết, tô bằng bút do Hội đồng thi cung cấp; không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng trong bài thi; phần viết hỏng phải gạch bỏ, không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách nào; phần tô hỏng (bằng bút chì) trên phiếu trả lời trắc nghiệm phải được tẩy sạch;

c) Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, tất cả thí sinh phải ngừng làm bài ngay để nộp bài thi; ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi (kể cả trường hợp không làm được bài). Thí sinh chỉ được rời phòng thi khi giám thị cho phép.

8. Đối với hình thức thi trên máy tính:

a) Trước khi đăng ký dự thi, tìm hiểu kĩ các hướng dẫn làm bài thi trên máy tính được đăng trên trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi;

b) Nhận máy tính, làm quen với máy tính, nhận phiếu tài khoản và đăng nhập tài khoản để thực hiện làm bài thi trên máy tính; làm bài thi theo đúng hướng dẫn đối với từng phần thi hoặc từng kĩ năng thi; nếu thí sinh gặp sự cố về máy tính hay những bất thường khác trong khi thi cần báo ngay cho giám thị; không được thoát ra khỏi tài khoản đăng nhập trong suốt quá trình làm bài thi hoặc khởi động lại máy tính, đường truyền bằng bất cứ hình thức nào; khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, tất cả thí sinh thực hiện các thao tác tiếp theo dưới sự hướng dẫn của giám thị; trước khi ra khỏi phòng thi, thí sinh phải nộp lại phiếu tài khoản, giấy nháp, ký xác nhận vào phiếu tham dự thi, danh sách kết quả thi (nếu có);

c) Không tiếp xúc với các vị trí đã được niêm phong ở máy tính. Không sao chép câu hỏi thi, đề thi dưới bất kỳ hình thức nào. Trong thời gian thi, chỉ được sử dụng phần mềm tổ chức thi đã cài đặt trên máy tính để làm bài; không được sử dụng bất cứ phần mềm ứng dụng nào khác.

............................

Văn bản pháp luật này thuộc lĩnh vực Giáo dục đào tạo được HoaTieu.vn cập nhật và đăng tải, mời các bạn sử dụng file tải về để lưu làm tài liệu sử dụng.

Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài
Chọn file tải về :
Thuộc tính văn bản
Cơ quan ban hành:Bộ Giáo dục và Đào tạoNgười ký:
Số hiệu:27/2021/TT-BGDĐTLĩnh vực:Giáo dục
Ngày ban hành:07/10/2021Ngày hiệu lực:22/11/2021
Loại văn bản:Thông tưNgày hết hiệu lực:Đang cập nhật
Tình trạng hiệu lực:Còn hiệu lực
Đánh giá bài viết
1 71
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi
    Chỉ thành viên Hoatieu Pro tải được nội dung này! Hoatieu Pro - Tải nhanh, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm