Không học sư phạm có được làm giáo viên?

Không học sư phạm có được làm giáo viên? Giáo viên là ngành nghề được nhiều người yêu thích vì những điều đáng quý của nghề giáo. Nhưng để trở thành giáo viên thì cần phải đạt được trình độ đào tạo nhất định và đạt tiêu chuẩn mới có thể làm việc trong các trường giáo dục. Vậy với những chuyên ngành không thuộc giáo dục có được làm giáo viên không? Cùng Hoatieu.vn tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé.

Không học sư phạm có được làm giáo viên?
Không học sư phạm có được làm giáo viên?

1. Không học sư phạm có được làm giáo viên?

Căn cứ vào điều 72 Luật giáo dục 2019 quy định như sau:

Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy có thể thấy trường hợp không đủ giáo viên sư phạm thuộc chuyên ngành mong muốn thì có thể tuyển dụng người có bằng chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Quy định này đã tạo điều kiện cho những người không học chuyên ngành sư phạm vẫn được làm giáo viên, cùng với đó là cũng đảm bảo cho nguồn nhân lực nghề giáo không bị thiết hụt. Những người có chuyên ngành chuyên môn thường có những kiến thức sâu rộng hơn nên họ có thể làm giáo viên khi học nghiệp vụ sư phạm với những kỹ năng cần thiết khi làm nghề giáo là đạt yêu cầu.

Như vậy, quy định này đã trả lời câu hỏi không học sư phạm có được làm giáo viên không? Câu trả lời là có, nhưng phải có chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm phù hợp với cấp giáo dục.

Vậy chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm các cấp học như thế nào?

2. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm

Với mỗi cấp học sẽ có chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm khác nhau. Nên khi mong muốn trở thành giáo viên cấp học nào thì cần tìm hiểu học đúng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đó. Ví dụ như A có bằng cử nhân khoa học máy tính và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cấp THCS thì chỉ được dạy ở cấp THCS mà không được dạy ở cấp tiểu học.

2.1. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học

Vậy chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cấp tiểu học được quy định tại Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT như sau:

Đối tượng áp dụng là những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học (Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ).

Khối lượng chương trình bao gồm 35 tín chỉ, trong đó:

- Phần bắt buộc: 31 tín chỉ;

- Phần tự chọn: 04 tín chỉ.

2.2. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm THCS, THPT

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối cấp THCS và THPT được quy định tại Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT như sau:

Chương trình gồm khối học phần chung (phần 4) và khối học phần nhánh: khối học phần dành cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với các môn học cấp THCS, có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS (phần B) hoặc người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với các môn học cấp THPT, có nguyện vọng trở thành giáo viên THPT (phần C).

Thời lượng chương trình bao gồm:

- Khối học phần chung: 17 tín chỉ (bao gồm 15 tín bắt buộc đối với các môn Tâm lý học giáo dục; Giáo dục học; Lý luận dạy học; Đánh giá trong giáo dục; Quản lý nhà nước về giáo dục; Giao tiếp sư phạm; Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và 2 tín chỉ tự chọn)

- Khối học phần nhánh: 17 tín chỉ nhánh THCS, 17 tín chỉ nhánh THPT.

Khối học phần chung (phần A)

Thời lượng: 17 tín chỉ, gồm 15 tín chỉ bắt buộc và 02 tín chỉ tự chọn.

(01 tín chỉ tương đương 15 tiết lý thuyết; 01 tiết lý thuyết tương đương với 02 tiết thảo luận, thực hành).

Trên đây là những tìm hiểu của Hoa Tiêu về Không học sư phạm có được làm giáo viên? Mời bạn đọc tham khảo thêm những thông tin hữu ích trong mục Hỏi đáp pháp luật chuyên mục Là gì? liên quan.

Đánh giá bài viết
1 44
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi