Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022

Công văn 3699/BGDĐT-GDTrH

Ngày 27/8 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3699 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Theo đó, trong năm học 2021-2022, nhiệm vụ chung của Giáo dục trung học là bảo đảm an toàn trường học. Chủ động, linh hoạt thực hiện kế hoạch năm học để vừa ứng phó với đại dịch Covid19 mà vẫn đảm bảo hoàn thành chương trình năm học, đáp ứng yêu cầu chất lượng giáo dục.

Sau đây là một số nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ giáo dục về thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với nội dung mang tính lí thuyết

Trong nhiệm vụ cụ thể về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình Covid-19, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học, công văn của Bộ GDĐT hướng dẫn các Sở GDĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GDĐT. Kế hoạch này cần bảo đảm yêu cầu thực hiện các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện các nội dung còn lại phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

“Chủ động về các phương án dạy học trực tuyến và trực tiếp để chuyển đổi linh hoạt, ứng phó kịp thời với các tình huống diễn biến của dịch Covid-19 tại địa phương. Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lí thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập; sẵn sàng phương án để tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến”, công văn nhấn mạnh.

Bộ GDĐT đồng thời yêu cầu thực hiện hiệu quả, chất lượng các hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tiếp - trực tuyến, bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trong các tình huống diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Bám sát yêu cầu cần đạt của CT GDPT 2018 đối với lớp 6

Năm học 2021-2022 khối THCS lần đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018) đối với lớp 6. Bộ GDĐT hướng dẫn Sở GDĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục trung học xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục theo các công văn 5521, 2613 đã được Bộ ban hành về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022. Kế hoạch dạy học khi xây dựng cần bám sát yêu cầu cần đạt theo CT GDPT 2018 để tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến và trực tiếp phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Đối với học môn Lịch sử và Địa lí, môn Nghệ thuật, trong quá trình tổ chức dạy học, các nhà trường cần lưu ý bố trí dạy học đồng thời các phân môn Lịch sử, Địa lí (đối với môn Lịch sử và Địa lí), các nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật (đối với môn Nghệ thuật), bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kì.

Môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo CT GDPT 2018 được hướng dẫn tổ chức đối với những học sinh lớp 6 có khả năng học tập và phù hợp với thực hiện của nhà trường. Đối với các trường chưa thực hiện dạy môn Tin học, Ngoại ngữ 1 theo CT GDPT 2018, tiếp tục thực hiện 2 môn học này theo CT GDPT 2006. Tuy nhiên, các trường này cần lưu ý tăng cường nội dung bổ trợ theo CT GDPT 2018 để chuẩn bị cho học sinh học các môn học trên theo CT GDPT 2018 ở cấp THPT.

“Trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở GDĐT, Phòng GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học; tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức dạy học theo CT GDPT 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục”, văn bản nêu.

Không kiểm tra các nội dung vượt quá yêu cầu

Song song với hướng dẫn thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học, trong đó có dạy học trực tiếp và trực tuyến; Bộ GDĐT hướng dẫn phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá với giáo dục trung học.

Theo đó, kế hoạch kiểm tra đánh giá cần được xây dựng phù hợp với kế hoạch dạy học. “Không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của CT GDPT; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo hướng dẫn của Bộ GDĐT trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19”, văn bản nêu.

Đối với một số môn học, hoạt động giáo dục lớp 6, Bộ GDĐT hướng dẫn rõ các yêu cầu trong kiểm tra đánh giá. Theo đó, môn Lịch sử và Địa lí sẽ chọn 02 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong một học kì. Bài kiểm tra, đánh giá định kì gồm nội dung của 02 phân môn này theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của 02 phân môn, tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Môn Nghệ thuật bao gồm 02 nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật. Mỗi nội dung chọn 01 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì. Bộ GDĐT khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì môn học này thông qua bài thực hành, dự án học tập. Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét. Kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương, giáo viên được phân công dạy học nội dung nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với nội dung đó. Bộ GDĐT khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập. Hiệu trưởng giao cho một giáo viên trong số các giáo viên được phân công dạy học chủ trì, thống nhất với các giáo viên còn lại để quyết định việc chọn 02 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì theo quy định.

Cơ sở giáo dục cần thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá, đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến theo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Phổ biến pháp luật của HoaTieu.vn.

Đánh giá bài viết
1 203
0 Bình luận
Sắp xếp theo
⚛
Xóa Đăng nhập để Gửi